Trong tiệm.
Hôm nay thấy Khải đi làm một mình. Thanh hỏi:
-Ủa, phân nửa cái mình của ông đâu?
Khải cười khà, trả lời:
-Nửa kia của tôi bệnh rồi. Nàng nhắn rằng, những người khách hẹn của nàng có đến thì nhờ các chị em lãnh giùm nhé.
Thanh thắc mắc hỏi:
-Cha. a. a.. , chắc bịnh gần chết mới đành lòng mà bỏ khách hẹn như vầy ta. Ủa, bịnh gì bất tử vậy? Hôm qua mới thấy bả khỏe re, có dấu hiệu gì đâu, còn rủ tụi này chiều nay về sớm đi sắm đồ cho Giáng Sinh nữa mờ. Bả nói đi sớm sớm lựa được đồ đẹp. Hay là “The wind hit her” trúng gió bất ngờ? Ủa mà hôm qua đẹp trời, có gió mưa gì đâu ta. Trận gió chướng Santa Ana đã qua rồi mà. Bữa gió nổi lên quất gãy mấy cành cây bông của tui mà tui thì hông hề hấn gì.
Khải nói:
-Chẳng phải cảm vì thời tiết đâu cô Thanh à. Để tôi kể lại cho các chị em nghe nhé. Hôm qua Thu đi chợ lâu lắm. Tôi xem hết hai bộ phim thì Thu gọi về, la toáng lên trong điện thoại:
-Anh ơi xe em đậu ở đâu anh? Em hổng nhớ hồi nãy đậu ở đâu mà cái xe đẩy đồ ăn này thì bị kẹt cứng ngắc rồi, làm sao đây? Làm sao đẩy xe này vô bãi để kiếm xe kia?
Sẵn dịp tôi mắng nhẹ cô nàng rằng:
-Ô hay, chuyện gì lạ thế nầy? sao em lại không nhớ? Cứ cầm chìa khóa lên bấm, hệ thống báo động của xe sẽ vừa chớp đèn vừa hú lên cho biết xe nằm chỗ nào. À mà quên mất, hôm em bị mất chùm chìa khóa xe có cái “Alarm”, ra hãng xe làm cái khác thì họ nói phải tốn gần hai trăm để làm, em hà tiện không chịu, ra tiệm chỉ tốn 7 đồng thôi, làm chìa khác không có nút báo động, mỗi lần mở cửa phải thọc cái chìa vào. Tại tính em keo quá cho nên, bây giờ thi.i.. ì, thế…, xe đẩy bị kẹt là thế nào?
-Thì em mới nói đó, em hổng nhớ hồi nãy em đậu xe chỗ nào. Muốn đẩy cái xe đồ ăn ra bãi đậu để kiếm thì cái bánh xe bị kẹt cứng rồi, đẩy hổng được nữa, làm sao đây? Đâu có bỏ đây mà đi kiếm xe của mình. Hay là… ơ hơ ơ, anh dông ra đây cứu em, em đang ở tiệm … trên đường …
Chị Ngà cười khì, tiếp chuyện:
-Ủa? tui nghe nói chìa khóa xe hơi không thể “sao” lại cái khác mờ. Lạ hén. Chắc tùy loại xe. Ạ ạ ạ, tui bị vụ này rồi. Thay vì đậu xe trong bãi đậu của chợ thì chắc Thu đậu bên sân của tiệm khác cho nên khi đẩy xe của chợ ra tới mức nào đó thì hai cái cản của bánh xe trước tự động hạ xuống mình hổng đẩy đi được nữa. Vì cái nạn hay bị mất xe đẩy nên hình như chợ nào họ cũng làm vậy đó. Tui bày cho mấy người làm cách này, khi bị như vậy thì thay vì đẩy xe đi tới, mình quay đầu xe lại, mình đi ngược, kéo xe lui lại thì sẽ lê được chiếc xe chợ tới xe của mình đó.
Láng tròn mắt nhìn chị Ngà:
-Ủa, hay vậy? sao chị biết cách đó? Có khi đi chợ em cũng gặp chuyện đó đó chị, tức muốn chết! Rồi phải tay xách nách mang đùm đề ráng lết tới xe, sụm bà chè hết xí quách!.
Cả tiệm cùng nhao nhao, ờ ờ… tui cũng đã bị rồi, hay há, lần sau sẽ kéo ngược chiếc xe.
Khải nói:
-Tôi đâu biết bí quyết ấy, cho nên tôi đã bảo Thu rằng hãy cố nhớ lại lúc xuống xe đi vào hướng cửa chợ thì Thu đã nhìn thấy cửa nằm bên phải hay bên trái, bây giờ đi ra thì chỗ đậu xe sẽ nằm hướng ngược lại. Thu nói với giọng bực bội rằng -Hồi vô ai mà để ý cửa nằm bên đông bên tây bên trái bên phải cha nội!. Gần lễ lớn cho nên người đi chợ sao quá đông, xe đậu nghẹt kín hết tui phải chạy lòng vòng hổng kiếm ra chỗ trống nên phải chạy qua khu tiệm kế bên, đậu xa thấy mẹ, lội bộ cả buổi. Anh ở đó hỏi tới hỏi lui, anh hổng ra kiếm xe cho tui thì thịt cá ương hết ráng chịu à. Tại anh làm biếng tui mới phải đi chợ một mình ên.- Thế, các anh chị em thấy bà vợ tôi có vô lý chưa? Khi đi nàng phán: -Em muốn đi một mình khỏi vướng bận.- Vợ đi chợ thì chồng ở nhà giữ con. Tự mình sơ ý quên đầu quên đuôi làm sai mà lại giỏi hăm he, giọng điệu như bà nội tôi chứ chẳng phải là vợ. Thế nhưng tôi cũng phải theo lệnh bà, gửi con cho hàng xóm, nhào lên xe phóng đi làm anh hùng cứu mỹ nhân, nhưng chưa đến nửa đường thì nàng gọi nữa, hào hển bảo là đã nhớ chiếc xe đậu hướng nào và đang hì hục vừa nâng vừa kéo chiếc xe đầy thức ăn trực chỉ đến xe của mình, cách đấy khoảng nửa dặm! Tôi nghĩ cô ấy đã nói quá lố rồi!. Tôi phải quành trở lại nhà đợi nàng về để mà tức tốc ra làm phu khuân vác. Xuống xe nàng chẳng nhìn tôi ngoe nguẩy môt mạch vào nhà. Nàng xoài người ra nằm chết lịm trên xô pha, chẳng nấu nướng chẳng ăn uống chi. Ngán quá cha con tôi cũng chả dám đá động đến mẫu hậu. Sáng nay mẫu hậu vẫn còn nằm ườn trên giường, phán rằng, bịnh rồi, đem con đi gởi đi. Tui ở nhà nghỉ ngơi.
Thanh cười:
-He he, bịnh ngộ thiệt nha. Bịnh đổ thừa, bịnh tức, bịnh nằm vạ ha ha ha, chỉ có bà Thu mới bị bịnh này ha ha ha. Bịnh này sợ dây dưa còn lâu mới hết nghe ông.
Lúc đó có bà Turner khách hẹn của Thu bước vô tiệm, Thanh nở nụ cười săn đón:
-Chào bà buổi sáng, mời bà ngồi, Thu bịnh hôm nay rồi, tôi làm cho bà.
Bà Turner xụ mặt liền:
-Vậy sao? Nếu bịnh sao cô ấy không gọi báo tôi hay, tôi hẹn ngày mai được không? Và tôi sẽ mang theo 3 người bạn nữa, mỗi người sẽ đến cách nhau khoảng 15, 20 phút vì họ chỉ muốn cô Thu làm móng tay cho họ mà thôi, xin lỗi các cô nhé. Đã đi nhiều tiệm qua nhiều thợ rồi nhưng khi nhìn bàn tay của tôi, các bà ấy thích dạng móng tay Thu tạo ra lắm cho nên, chỉ muốn tôi giới thiệu với cô Thu thôi.
Chị Ngà vội vàng trả lời:
-Được chứ, tôi sẽ báo cho cô ấy biết. Thợ nào cũng hiểu chuyện đó, chẳng ai phiền hà chi đâu, thưa bà.
Bà Turner nói:
-Vậy ngày mai tôi tới cũng vào giờ này. Nếu có gì thay đổi thì gọi cho tôi hay nhé.
Nói xong bà quày quả trở ra cửa.
Thanh trề môi xì dài, xí xó:
-Xí. Trung thành dữ a. Keo kiệt như bà Thu mà cũng có nhiều khách ruột, làm gì làm cũng hổng chịu qua thợ khác. Đã vậy còn quảng cáo truyền miệng nữa chớ. Hay thiệt.
Láng cười:
-Vậy mới nói. Chị Thu có cái tài quến khách như quến ruồi. Chỉ xéo xắt với ai hông biết chớ với khách thì chỉ chìu chuộng đúng nghĩa khách là thượng đế mờ.
Thanh liếc Láng:
-Còn bà nữa, giỏi binh. Sao lâu quá mà hổng chịu lấy chồng đi phức đâu cho rồi.
Láng trợn mắt:
-Ủa ủa, đang nói về bà Thu sao bây giờ chỉa mũi qua tui vậy bà nội? Hên gặp anh chồng hiền lành như ông Khải thì hổng nói gì, xui mà vướng phải một cha “cẩm chướng” như ông chồng cũ của bà thì rồi đời. Tui ở không cho khỏe thân, tội gì tròng đầu vô cái gông anh đào.
Sương nhíu mày thắc mắc hỏi:
-Ông cẩm chướng là ông gì? cái gông anh đào? Nói chuyện khó hiểu! Là sao chị Láng?.
Chị Ngà đỡ lời:
-Câu này đã nghe nhiều lần mà cũng đã hỏi nhiều lần. Sương nè, ông cẩm chướng là một người đàn ông vừa lẩm cẩm vừa chướng chướng đó. Còn cái giường thì đóng bằng gì?.
Sương trả lời liền:
-Bằng gỗ cẩm lai.
Chị Ngà cười khì, nói:
-Trời, trả lời mau dữ a. Ờ, bằng gỗ. Ở xứ Mỹ thì hồi xưa họ hay xài gỗ cây anh đào, đẹp bền chắc màu cũng đẹp. Người ta ví hôn nhân là như bị án chung thân. Ý nói bóng gió là ở tù mang cái gông cùng giường chiếu đó, nàng ơi.
Sương cười cười cúi đầu mắc cỡ.
Chị Ngà cười, đổi đề tài:
-Vậy mới nói, ha ha ha. Thôi thôi, nói hoài làm Sương đỏ mặt hết rồi kìa. Thôi, xe em đậu ở đâu hổng nhớ là chuyện nhỏ, Khải về nói lại với Thu là nằm vạ ở nhà mà vẫn có thêm 3 người khách mới nữa, sướng bắt chết!. Mai kêu nó đi làm nhe, hông thôi mất khách ráng chịu à. Nghe có thêm khách là đủ mạnh có thể làm cho người đang nằm chết lịm trên giường cũng bật ngồi dậy, đi như “xác chết biết đi” mà. Phải hông Khải?
Khải cười lớn:
-Ha ha ha không ai hiểu vợ em bằng chị Ngà ha ha ha ./.
Trương Ngọc Bảo Xuân.