Hôm nay,  

Con Mắt Xanh Của Bầu Trời Mùa Hạ

26/11/202100:00:00(Xem: 2467)
 
Người đàn ông ngồi trên ghế đá, đầu cúi gập ra trước, bẻ thân hình thành một góc vuông ở cổ. Ông ta nhìn chăm chú nền xi măng xám xịt. Ông ta đang cố gắng giải mã điều gì đó trên mặt đất.

Mớ tóc muối tiêu bồng lên dù trời không có gió. Tôi rảo bước trên lề đường về phía ông ta. Bất chợt ông ta ngước lên, nhìn thẳng vào tôi. “Tôi cần nói chuyện với cô.”
 
Tôi giật mình, luống cuống nhìn ông ta. Hai vũng quầng thâm dưới mắt khiến ông ta giống con chồn Bắc Mỹ. Trong chớp mắt, tôi lục lọi trí nhớ. Người đàn ông này tôi có quen không?
 
Tôi ngập ngừng, “Xin lỗi, tôi... bận.”
 
“Khi nào cô hết bận, làm ơn cho tôi nói chuyện với cô.”
 
Tôi không thể bước xuống đường nhập vào dòng xe cộ để tránh ông ta. Tôi thoáng nghĩ tôi sẽ không gặp lại ông ta. Tôi là người qua đường. Ông ta là người xa lạ. Dễ gì gặp lại, thành ra tôi vững bụng gật đầu, quả quyết, “Vâng.”
 
Và tôi rảo bước.
 
“Đừng để tôi chờ lâu. Lỡ tôi chết mất!” Người đàn ông nói với theo, và lại cúi gập đầu, nhìn chăm chăm xuống nền xi măng xám xịt.
 
Tôi vội vã đếm bước. Dự báo thời tiết bảo hôm nay trời sẽ lạnh. Và trời lạnh thật. Cứng cả người. Hôm nay tôi phải ra tòa. Chuyện vụn vặt. Hôm trước đi chơi với con bạn, tôi lái xe của nó. Chưa quen tay lái, tôi không để ý vận tốc, thế là bị phạt.
 
Cái lạnh hỗn xược xoáy vào da thịt. Tôi nhìn quanh, trong đám người lũ lượt chung quanh. Ai cũng bó chặt thân hình bằng những chiếc áo mùa đông dầy cộm. Ai cũng xù xì như những con gấu Bắc Cực. Bầu trời xám trên cao hạ thấp xuống gần như chạm vào những mái nhà của thành phố. Dường như chỉ mình tôi là mặc không đủ ấm. Ban nãy, lúc tôi bước ra khỏi cửa chung cư cái lạnh quấn lấy tôi. Cái lạnh vạch mép áo mùa thu và luồn vào dưới lớp áo sơ mi và áo lót tôi mặc. Cái lạnh vuốt ve suồng sã lên ngực tôi. Đã lâu không ai cho tôi cảm giác ấy. Tôi vòng hai tay trước ngực che gió và giữ ấm cho chính mình. Tôi ngại những trận cúm mùa đông. Cảm giác ấm áp lan tỏa trên da dù cái lạnh vẫn gai gai trên mặt.

Xe buýt đến trễ. Tôi bước lên. Người tài xế có vẻ hấp tấp. Vội vã chuyện gì vậy, tôi tự hỏi. Ông ta có đi đâu khác để mà sợ đến trễ. Tôi có thể đến trễ, người nào đó có thể đến trễ nhưng ông tài xế thì không. Ông ta chỉ cần lái xe từ trạm này đến trạm kia. Ngừng khi có người giật chuông nhắc ngừng, hoặc khi thấy có khách chờ ở trạm bên đường. Ông ta không bao giờ bị trễ vì bất cứ chuyện gì. Thế thì tại sao ông ta lại cau có và không nói năng gì hết khi tôi trả tiền. Tôi cảm ơn và đón lấy mảnh giấy chuyển xe. Ông tài xế hãm tài! Ông tài xế xấu xí! Tôi rủa thầm.
 
Tôi vịn từng lưng ghế, men về phía sau xe. Tất cả mọi chỗ đều có người ngồi, tôi bám lấy cây cột cho khỏi ngã nhào vào người khác. Một gã đàn ông nhìn tôi và không có vẻ gì chứng tỏ là anh ta sắp sửa đứng lên để nhường chỗ cho tôi. Một ngày xấu xí. Những con người xấu xí. Những cử chỉ xấu xí! Tôi thầm nghĩ.
 
Rồi tôi tự nhủ đừng để những chuyện lặt vặt ảnh hưởng đến một ngày mới của mình. Và để giảm đi cái bực bội, tôi cố không nhìn mặt của bất cứ người nào trên xe buýt. Tuy nhiên sự xấu xí của ngày đầu mùa đông này bám lấy đầu óc tôi. Một người đàn ông có râu mép và đầy nếp nhăn trên mặt bật ho sù sụ. Hai người đàn bà trẻ thay phiên nhau nói chuyện. Một người liên tục quang quác trong khi người kia ngặt nghẽo cười. Một lát, họ đổi vai cho nhau. Một ông già nhắm mắt, làm như đang ngủ say. Tôi nhìn qua khung kính cửa sổ. Xe cộ di chuyển nối đuôi nhau như những con bọ hung khổng lồ. Đèn giao thông xanh đỏ lạnh lùng chớp tắt. Những người đi bộ tất tả chạy đua với đèn giao thông.
 
Tôi cố nghĩ đến điều gì khác phấn khởi hơn. Và tôi nghĩ đến câu nói của người đàn ông trên ghế đá gần trạm ngừng xe buýt ban nãy tôi gặp. Đừng để tôi chờ lâu, lỡ tôi chết mất. Cái cổ dài gẫy gập thành góc vuông. Cái cổ không giữ nổi cái đầu đầy những tóc muối tiêu.
 
Tôi không cần phải kéo sợi dây để yêu cầu xe buýt ngừng. Có người nào đó đã kéo rồi. Tôi bước xuống đường. Gió lạnh lại quấn lấy tôi. Tôi luồn lách trong đám đông. Một tên thanh niên vượt qua trước mặt tôi để chạy đua với cái đèn giao thông đang chớp. Anh ta xô tôi thật mạnh. Suýt nữa thì tôi buột miệng chửi thề. Nhưng tôi ngưng lại kịp lúc bởi có chửi thì anh ta cũng chẳng nghe được trong tiếng ồn ào của xe cộ.

Tòa đã bắt đầu. Tôi bị trễ nhưng vụ của tôi thì chưa được gọi. Tôi liếc nhìn tờ danh sách dán ở cửa phòng xử để biết chắc tên mình có ở đó, và để khơi lại niềm hy vọng là tên tôi không có ở đó để người ta phải hủy bỏ phiên xử. Vô vọng. Tên tôi có trong danh sách. Tôi nhận tội. Cái tội chạy sáu mươi lăm kilômét ở chỗ cho phép năm mươi. Bốn mươi lăm đồng tiền phạt. Cũng không tệ lắm. Để xong cho rồi. Khỏi mất công biện hộ trước tòa. Khi mà cảnh sát thì có ra-đa và quan tòa thì lúc nào cũng xuôi tai khi nghe cảnh sát cung khai trước vành móng ngựa. Tôi trả tiền phạt và rời tòa án. Tôi nên vui mới phải. Bởi vì tôi đã làm giảm tiền phạt xuống được một nửa.
 
Sứ mạng hoàn tất. Ra khỏi tòa, tôi bỗng thấy mình như đi lạc. Không biết đi đâu bây giờ. Tôi lang thang. Sân tòa án rộng thênh thang. Những vòi nước phun từ những lỗ nhỏ trên nền xi măng, tung những hạt bụi nước đóng băng trong không khí. Giờ này người ta vẫn chưa tắt vòi nước phun. Trời đã lạnh băng. Sân tòa vắng vẻ. Có lẽ vì còn sớm quá và cũng vì trời lạnh. Tôi đi bộ dọc theo bức tường của tòa án. Một bầy bồ câu đen đứng ủ rũ bên nhau. Cổ rụt lại, mắt nhắm, lông xù trông như khoác trên mình lớp áo dầy.

Tôi đứng lại nhìn. Bảy tám con bồ câu. Tất cả đều màu đen. Tất cả đều co ro như đang ngủ. Không để ý gì tới chung quanh. Những con chim làm lòng tôi lao xao cảm giác kỳ lạ. Chúng đã kịp chuẩn bị cho mùa đông chưa? Chúng có thể sống sót được qua mùa đông này không? Rồi chúng tìm đâu ra thức ăn? Tôi muốn ôm chầm lấy tất cả những con chim ấy. Những con bồ câu tội nghiệp. Tôi chậm rãi bước về phía chúng. Tôi rón rén bởi không muốn làm cho chúng giật mình. Tôi không muốn làm cho chúng hoảng sợ. Tôi đến thật gần chúng nó. Nếu tôi đưa tay ra, tôi có thể chạm vào người chúng nó.

Nhưng tôi không chạm vào người lũ bồ câu. Tôi chỉ đứng nhìn. Một chú bồ câu giật mình mở mắt, lơ đãng nhìn, rồi lại nhắm mắt. Một vài khách bộ hành đi qua liếc nhìn tôi, rồi tiếp tục rảo bước. Buổi sáng sớm trong một ngày mà thời tiết bắt đầu thay đổi, dưới bầu trời xám và nặng nề, chắc hẳn hình ảnh một đứa con gái đứng bên cạnh lũ bồ câu xám tối gợi lên cái vẻ gì đó đầy u uất trong mắt họ.

Trí tưởng tượng đưa tôi đến một vùng đất xa xôi nơi chim chóc không bị săn đuổi bởi bão tuyết. Tôi nghĩ đến lũ chim thiên di bay hàng ngàn dặm về phương Nam, nơi mặt trời chói sáng và thực phẩm rơi rớt không bị chôn vùi dưới lớp tuyết dày. Những con bồ câu tội nghiệp này không thể bay xa. Đã xa rồi cái thời mà người ta buộc vào chân chim những tin nhắn, những lá thư để chúng đưa tin. Tôi thầm nghĩ không biết lũ chim này có còn khả năng làm những kẻ đưa thư đáng tin cậy? Thế giới đổi thay. Tất cả mọi sự. Những bản năng nhạt dần, những thói quen biến mất.
 
Tôi nghĩ đến tổ tiên mình, những người đã lê bước trên mặt đất này hàng trăm hàng nghìn năm trước; những người không có phương tiện vận chuyển như tôi hôm nay, nhưng họ đã nối liền lục địa, đã chinh phục đại dương. Tôi nhìn đám bồ câu. Chúng vẫn co ro sát vách tường tòa án. Khi nào thì chúng nó bắt đầu đi tìm thức ăn? Và chúng sẽ tìm được thứ gì trong cái thành phố lao xao tiếng động của người và xe cộ này?
 
Tôi lẩm bẩm câu từ giã lũ bồ câu áo đen bên vách tường tòa án. Tôi rảo bước về phía góc sân.
 
Và tôi giật mình khi thấy người đàn ông ban nãy. Khi nhận ra ông ta thì tôi đã đến sát bên chiếc ghế đá người ta vẫn đặt gần những trạm ngừng xe buýt. Nhưng mà tôi nhớ rõ ràng ban nãy ông ta ngồi ở trạm khác chứ đâu phải cái trạm gần tòa án này.
 
Vẫn cái đầu cúi gằm nhìn chăm chăm nền xi măng, cái lưng còng và cái cổ khẳng khiu không đỡ nổi cái đầu cồng kềnh trĩu nặng. Và cũng bất ngờ - như đã chuẩn bị sẵn - ông ta ngẩng đầu lên nhìn tôi.
 
Hello! Tôi biết cô sẽ trở lại.”
 
Tôi lúng túng, “Vâng...”
 
“Mùa đông đã về.” Ông ta lẩm bẩm.
 
Tôi lập lại câu nói của ông ta và bối rối liếc về phía trạm ngừng xe buýt.
 
Ông ta gật đầu, “Vâng, mùa đông đã về và tôi vẫn còn sống.” Rồi ông ta mỉm cười. Nụ cười méo mó làm khuôn mặt nhăn nhúm, vẹo đi như mặt nạ một anh hề.
 
Câu nói của ông ta làm tôi tò mò. “Vẫn còn sống?” Tôi hỏi.
 
“Vâng, vẫn còn sống.”
 
“Dĩ nhiên, ông vẫn còn sống,” tôi nói.  
 
“Nhưng ai biết là sẽ còn được bao lâu.” Người đàn ông hạ giọng, nói nhỏ như sợ ai nghe thấy, “Tôi nói chuyện với cô một chút được không, please?”
 
Cái giọng nài nỉ làm lòng tôi chùng xuống. Tôi rón rén ngồi xuống ở đầu kia ghế đá. Cái lạnh buốt trên mặt ghế xi măng luồn qua vải, thấm vào da thịt làm tôi rùng mình. Nhưng tôi không để ý đến cái lạnh ấy nữa. Lối nói chuyện và câu kệ của người đàn ông này cuốn hút tôi.
 
“Ông okay chứ?” Tôi hỏi.
 
Người đàn ông lại nhìn xuống nền xi măng, “Cô muốn nghe chuyện của tôi không?”
 
“Ồ, tôi…” Tôi ngập ngừng.
 
“Bác sĩ tâm thần,” người đàn ông ngắt lời tôi. “My shrink, cô biết chữ đó mà, phải không? Ông ấy nói là nếu tôi chia sẻ câu chuyện của tôi với người nào khác thì tôi sẽ phục hồi nhanh hơn.”
 
“Vậy sao?”
 
“Vâng. Cảm ơn cô. Cô có biết cái nhìn trong mắt của nó làm tôi phát điên không?”
 
“Nó… ơ… là ai?”
 
“Làm sao tôi biết được,” người đàn ông gằn giọng.
 
Ông ta đặt hai bàn tay trên đùi trong một cử chỉ của đứa học sinh cần cù, ngoan ngoãn. Tôi liếc nhìn bàn tay ông ta. Những ngón tay sần sùi. Tôi nhận thấy những đầu ngón tay run rẩy.
“Lại một ca tâm thần,” tôi nghĩ. “Nhưng chắc không nguy hiểm.” Tôi tự trấn an. Bằng cách lắng nghe ông ta nói tôi có thể giúp ông ta hồi phục, và giúp tôi xóa bớt cái nhàm chán của cuộc sống, buổi sáng sang mùa. Tôi dựa sát vào lưng ghế, bên cạnh người đàn ông lạ, không còn nhấp nhổm sẵn sàng tuông chạy như lúc đầu.

“Hắn ta có thể là một sinh viên, một công nhân, hay là một thanh niên thất nghiệp,” ông ta bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói đều đều. Tôi chăm chú lắng nghe.
 
Hai con mắt nâu của người đàn ông nhìn đăm đăm vào khoảng trống trước mặt. Nơi xe cộ và khách bộ hành vùn vụt lướt qua. Giọng khàn đục nhưng sôi sục như con nước lao vào vũng xoáy, 

“Tôi không biết nhiều về hắn ta. Nhưng ngày hôm sau, báo chí đưa tin về hắn tôi mới biết. Sáng hôm ấy tôi đi làm như thường. Hôm ấy tôi làm ca ngày. Mọi chuyện đều suôn sẻ. Tôi đã làm cái nghề ấy mười lăm năm rồi. Mặc dù mấy cái chuyện như thế xảy ra cho tôi một vài lần nhưng tôi vẫn không làm sao quen cho được. Ngày hôm đó chuyện lại xảy ra. Cái điều duy nhất khác biệt với những lần trước là gã thanh niên này nhìn tôi. Và tôi nhìn hắn ta vào đúng cái khoảnh khắc ấy. Giống như một ánh chớp. Và hắn ta biến mất. Tôi cố gắng tránh cái giây phút khủng khiếp ấy nhưng tôi không làm được. Tiếng rít chói tai, trời đất rung chuyển rầm rộ. Chuyện xảy ra như một tia chớp đánh thẳng vào người tôi. Tôi không bao giờ quên được cái khoảnh khắc tôi với hắn nhìn nhau. Có cái gì đó trong mắt hắn. Sự tuyệt vọng không thể đo lường. Một hy vọng xa vời. Một nỗi buồn không nguôi. Sự cảm ơn câm nín. Pha trộn của rất nhiều thứ đầy ắp trong mắt nhìn. Trời ơi, tôi vẫn còn nhớ con mắt xanh của hắn. Thật là xanh, xanh như bầu trời mùa hạ. Góc phải của miệng hắn nhếch lên một chút xíu như thể hắn ta muốn nói một điều gì đó, hoặc cũng chỉ là một cái cười nửa miệng. Tôi không hiểu tại sao tất cả mọi sự xảy ra trong tích tắc như vậy mà khuôn mặt và cái nhìn trong mắt hắn lại thật rõ nét trong trí nhớ của tôi.” Người đàn ông ngưng nói để thở. Rồi ông ta xoay qua, nhìn chằm chặp vào mắt tôi. “Bây giờ nói chuyện với cô, tôi vẫn trông thấy khuôn mặt xanh xao, vẫn trông thấy con mắt xanh biếc thật rõ nét. Tôi cần ai đó giúp tôi xóa đi cái hình ảnh đó khỏi trí nhớ nếu không thì tôi sẽ điên lên mất.”
 
Một cơn ho ngắt lời người đàn ông. Lần đầu tiên tôi kiên nhẫn ngồi nghe một câu chuyện dài lê thê mà không ngắt lời người kể. Người đàn ông nói liên tục, cái giọng râm ran làm tôi buồn ngủ.
 
Dứt cơn ho, cái giọng rì rầm tiếp tục, “Tôi trông thấy hắn khắp mọi nơi. Hắn ám ảnh tôi bất kỳ lúc nào. Tôi không thể làm gì được. Hắn đã quấy rầy tôi đến mức tôi muốn giết hắn ta càng sớm càng tốt.”
 
Tôi bật người lên khi nghe chữ giết. Tôi vừa mới ra khỏi tòa và bây giờ người đàn ông lạ thố lộ với tôi là muốn giết ai đó.
 
“Tôi muốn chính tay tôi giết hắn,” ông ta thì thầm.
 
“Xin lỗi ông,” tôi nhắc lại. “Tôi phải đi, tôi có một…” Tôi lẩm bẩm, cố gắng moi ra một lý do hợp lý để không làm ông ta phật lòng. “Tôi có hẹn với bác sĩ. Tôi phải đi.”
 
Người đàn ông bừng tỉnh.
 
“Chờ một chút. Để tôi kể hết cho cô nghe. Please!”
 
Tôi đứng dậy.
 
Người đàn ông ngồi thẳng người, ngước lên nhìn tôi. Nét van nài trong ánh mắt. Tôi đứng lặng. Người đàn ông gật đầu. Và câu, chữ tuôn ra khỏi miệng của ông ta như thác lũ, “Chuyện xảy ra nhanh quá. Tôi trông thấy hắn ta trong đám đông, tôi thấy hắn ta nhào về phía trước. Và trong một tích tắc hai cái nhìn của chúng tôi gặp nhau. Và hắn ta đâm nhào xuống đường rầy xe điện ngầm. Tôi kéo gấp tay thắng. Nhưng mà chỉ có trời mới cứu được hắn ta. Suốt mười lăm năm làm nghề lái subway, những chuyện như thế xảy ra với tôi một vài lần, nhưng đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh mắt của một người tự tử. Con mắt xanh như bầu trời mùa hạ. Ngày hôm sau báo đăng tin, báo nói hắn bị bạn gái phản bội. Cảm ơn cô đã lắng nghe. Bây giờ tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cảm ơn cô! Chúc cô một ngày an lành!”
 
24 tháng 12, 2019 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
Danh đi làm lúc 5 giờ sáng, ra về lúc 2 giờ trưa, từ sở làm đến đây khoảng 10 phút đường phi thuyền bay. Giờ này vắng khách. Những lúc khác, buôn bán khá bận rộn. Áo quần lót ở đây khắn khít thời trang, từ đồ ngủ may bằng vải lụa trong suốt, nhìn xuyên qua, cho đến hàng bằng kim loại nhẹ, mặc lên giống chiến sĩ thời xưa mang áo giáp nhưng chỉ lên giường. Hầu hết khách hàng đến đây vì Emily và Christopher. Người bàn hàng độc đáo. Họ đẹp, lịch sự, làm việc nhanh nhẹn, không lầm lỗi. Cả hai có trí nhớ phi thường. Không bao giờ quên tên khách. Nhớ tất cả món hàng của mỗi người đã mua. Nhớ luôn ngày sinh nhật và sở thích riêng. Ngoài ra, họ có thể trò chuyện với khách về mọi lãnh vực từ triết lý đến khoa học, từ chính trị đến luật pháp, từ du lịch đến nấu ăn… Khách hàng vô cùng hài lòng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.