Từ lâu, các bậc cha mẹ đã biết rằng ăn quá nhiều đồ ngọt có thể gây hại cho sức khỏe của con trẻ. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của đường sâu rộng và nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.
Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Science chỉ ra rằng tác động tiêu cực của đường không chỉ dừng lại ở thời thơ ấu mà còn kéo dài đến cả khi trưởng thành. Những người tiêu thụ nhiều đường bổ sung từ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường type 2 cao hơn khi lớn lên.
Dù vẫn biết rằng tiêu thụ quá nhiều đường có hại cho tất cả mọi người, nhưng trẻ em dễ bị ảnh hưởng hơn nhiều, bởi vì giai đoạn này là thời điểm hình thành thói quen và sở thích ăn uống. Tadeja Gracner, một khoa học gia tại Đại học Nam California và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nếu trẻ tiếp xúc với thực phẩm có vị ngọt từ sớm, chúng rất có thể sẽ có khuynh hướng thích và ăn ngọt nhiều hơn khi trưởng thành so với những người không có thói quen này.”
Đường có tự nhiên ở một số thực phẩm như trái cây, nhưng hầu hết lượng đường trẻ tiêu thụ đến từ đường thêm vào trong quá trình sản xuất hoặc chế biến. Ở Hoa Kỳ, trẻ em tiêu thụ trung bình 17 muỗng cà phê đường mỗi ngày, tương đương gần 300 calo. Con số này vượt xa mức khuyến nghị từ chuyên gia dinh dưỡng. Theo các tiêu chuẩn về chế độ ăn uống, trẻ trên hai tuổi không nên tiêu thụ hơn 10% tổng lượng calo hàng ngày từ đường cho thêm vào thực phẩm. WHO thậm chí còn khuyến nghị mức lý tưởng là dưới 5%. Nếu tính theo nhu cầu năng lượng hàng ngày của trẻ, 10% tổng lượng calo sẽ rơi vào khoảng 100 – 200 calo, tùy theo độ tuổi. Riêng với trẻ dưới 2 tuổi, các chuyên gia khuyến nghị không nên tiêu thụ bất kỳ lượng đường bổ sung nào.
Giảm lượng đường tiêu thụ của trẻ em là một trong những mục tiêu chính trong chương trình “Healthy People 2030” của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thực hiện điều này không hề dễ dàng khi mà đường xuất hiện ở khắp nơi – không chỉ trong bánh, kẹo mà còn trong nhiều loại thực phẩm khác. Từ nước ngọt, bánh cốm (cereals), các loại đồ ăn mặn và đồ ăn nhẹ chế biến sẵn, và thậm chí cả trong thức ăn trẻ em. Trẻ em ưa đồ ngọt chuyện ai cũng biết, đến mức ngay cả một số phòng khám nhi khoa cũng phát kẹo cho trẻ khi đến khám bệnh.
Gracner cho biết: “Không phải là không cho tụi nhỏ động tới bất kỳ loại đồ ngọt nào.” Nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng “giảm ăn đường từ sớm có thể giúp cải thiện sức khỏe về lâu dài.”
Một thí nghiệm thực tế lý tưởng
Để nghiên cứu tác động lâu dài của việc tiêu thụ đường từ nhỏ, nhóm nghiên cứu của Gracner đã tận dụng một thí nghiệm tự nhiên hiếm có trong lịch sử. Trong Thế Chiến II, chính phủ Anh đã đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về lượng đường và đồ ngọt mà người dân có thể mua. Chính sách này kéo dài đến năm 1953, tức là nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc và các tác động sức khỏe liên quan đến chiến tranh đã lắng xuống.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh những người sinh ra ngay trước khi lệnh hạn chế được gỡ bỏ với những người ra đời khi và sau khi lệnh cấm kết thúc. Vì lượng đường tiêu thụ tăng gấp đôi ngay sau khi chính sách được gỡ bỏ, có thể suy ra rằng nhóm thứ hai đã được cho ăn nhiều đường hơn trong vài năm đầu đời.
Sử dụng cơ sở dữ liệu y tế mở rộng của chính phủ Anh, họ đã theo dõi sức khỏe của khoảng 60,000 người này trong nhiều thập niên sau đó. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ tiêu thụ ít đường hơn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 35% và nguy cơ bị cao huyết áp thấp hơn 20% khi trưởng thành so với nhóm trẻ sinh ra sau khi lệnh hạn chế được gỡ bỏ.
Điều này hoàn toàn phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây, cho thấy chế độ dinh dưỡng từ trong bụng mẹ và những năm đầu đời có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe sau này.
Tác hại ngay từ nhỏ, không cần đợi đến lớn
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường không chỉ gây ảnh hưởng về lâu dài mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ ngay trong những năm đầu đời.
Trước hết, thực phẩm chứa nhiều đường thường có lượng calo cao, nhưng lại không mang lại giá trị dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Khi trẻ nạp quá nhiều calo mà không tiêu hao hết qua các hoạt động thể chất, lượng calo dư thừa này sẽ tích tụ thành mỡ thừa, dẫn đến nguy cơ tăng cân và béo phì.
Thực tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ em Hoa Kỳ đang ở mức đáng báo động – cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ bị béo phì, trong đó có 13% trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Béo phì ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Theo một phúc trình khoa học vào tháng 12, giảm tiêu thụ nước ngọt và đồ ăn vặt có đường – cùng với các loại thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ – giúp giảm nguy cơ béo phì ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Ăn uống quá ngọt có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em. Trước đây, căn bệnh này thường được gọi là “bệnh theo năm tháng,” nhưng hiện nay nó đã ảnh hưởng đến gần 50,000 trẻ em.
Nghiên cứu cho thấy rằng mỗi ngày trẻ uống 240ml đồ uống có đường (bao gồm cả nước ép trái cây 100%) sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng insulin (insulin resistance) lên 34%. Ngược lại, khi giảm lượng đường trong chế độ dinh dưỡng của 43 trẻ béo phì (gốc da đen và gốc Latin) xuống còn 10% tổng calo trong 9 ngày, mức insulin đã giảm đáng kể. Đồng thời, lượng mỡ trong gan của các em cũng giảm mạnh – yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan và các biến chứng khác.
Các tác động sức khỏe khác của việc tiêu thụ quá nhiều đường bao gồm việc các bé gái có kinh nguyệt sớm hơn những người khác và, tất nhiên, tỷ lệ sâu răng cao hơn.
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đường là nguyên nhân khiến trẻ hiếu động quá mức (hyperactive) – quan niệm này phổ biến trong nhiều thập niên và đã bị bác bỏ bởi nhiều nghiên cứu từ những năm 1990. Tuy nhiên, đường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ và hành vi. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột đực được cho ăn nhiều đường fructose từ nhỏ thường bị giảm khả năng tập trung và dễ trở nên bốc đồng hơn.
Một lượng nhỏ đường cũng có thể có tác động lớn
Không cần quá nhiều đường mới có hại đến sức khỏe. Trong một nghiên cứu kéo dài hai tuần, các khoa học gia đã theo dõi ảnh hưởng của các loại đồ uống có đường đối với những người trẻ tuổi. Kết quả cho thấy những người tiêu thụ 25% tổng lượng calo hàng ngày từ đường có mức mỡ gan và cholesterol trong máu tăng cao nhất. Nhưng điều đáng chú ý là ở nhóm chỉ tiêu thụ 10% tổng calo từ đường cũng gặp vấn đề tương tự.
Kimber Stanhope, một nhà sinh học dinh dưỡng tại Đại học California, Davis, cho biết: “Tôi đã rất bất ngờ khi thấy những thay đổi tiêu cực xảy ra ngay cả ở nhóm tiêu thụ lượng đường thấp hơn.” Dù nghiên cứu này được thực hiện trên người trưởng thành, nhưng Stanhope tin rằng kết quả ở trẻ em cũng sẽ tương tự, ngoại trừ những trẻ hoạt động thể chất nhiều; vì khi đó cơ thể sử dụng đường để tạo năng lượng thay vì tích trữ dưới dạng mỡ.
Xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao – đây là thành phần có trong hầu hết các loại đồ uống có đường và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn (kết hợp hai loại đường fructose và glucose) – gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho gan. Stanhope giải thích rằng, cơ thể con người có một loại enzyme giúp kiểm soát lượng glucose đi vào gan, nhưng không có cơ chế tương tự đối với fructose. Điều này có nghĩa là khi tiêu thụ một lượng lớn fructose cùng lúc, gan bị quá tải và không thể lọc kịp, khiến phần lớn lượng đường này bị chuyển hóa thành mỡ.
Làm thế nào giảm tiêu thụ đường?
Giảm lượng đường trong chế độ dinh dưỡng của trẻ không phải là điều dễ dàng. Để làm được điều này, cha mẹ cần tinh ý, cẩn thận quan sát và phân tích kỹ lưỡng. Theo bác sĩ Joshua Tarkoff, chuyên gia nội tiết nhi khoa tại Bệnh viện Nicholas Children’s ở Miami, điều đầu tiên phụ huynh nên làm là tập thói quen đọc nhãn thực phẩm.
Trên danh sách thành phần của sản phẩm, đường có thể được ghi dưới nhiều tên như maltose, dextrose, siro ngô có hàm lượng fructose cao (high fructose corn syrup), và thậm chí là nước ép trái cây cô đặc (natural fruit juice concentrate), nghe có vẻ tốt cho sức khỏe nhưng không phải vậy.
Một số chuyên gia cho rằng nên buộc các công ty thực phẩm ghi nhãn minh bạch hơn để giúp kiểm soát vấn đề. Nghiên cứu cho thấy việc cảnh báo bằng hình ảnh đơn giản trên các sản phẩm nước ngọt đã giảm 17% lượng mua của cha mẹ. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thay đổi từ các nhà sản xuất, cha mẹ vẫn có thể chủ động kiểm soát lượng đường con mình tiêu thụ bằng cách chú ý đến những loại thực phẩm có nguy cơ chứa nhiều đường bổ sung. Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có bánh, kẹo mới chứa nhiều đường, nhưng thực ra, đường có mặt trong rất nhiều thực phẩm khác mà ta không ngờ tới.
Theo các chuyên gia, phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước lọc hơn và uống ít đồ uống có đường hơn. Theo thống kê, gần hai phần ba trẻ em tiêu thụ ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày. Tarkoff cho biết: “Nếu trẻ uống nước trái cây vào bữa sáng, sữa sô cô la vào bữa trưa, Gatorade sau giờ học và soda vào bữa tối, thì tức là đã nạp hàng trăm calo – mà lại chẳng cảm thấy no.” Đừng tin vào nhãn mác tuyên bố sản phẩm nước trái cây là 100% tự nhiên hoặc giàu vitamin C, rất nhiều phụ huynh bị đánh lừa và nghĩ rằng những sản phẩm đó vô hại.
Không chỉ đồ uống, bữa sáng cũng là một “thủ phạm” chính cung cấp lượng đường dư thừa cho trẻ. Nhiều loại bánh cốm ăn sáng mà trẻ em yêu thích thực chất không khác gì một dạng “món tráng miệng nửa đặc nửa lỏng” do hàm lượng đường cao. Để giảm thiểu lượng đường trong bữa sáng và cung cấp năng lượng bền vững hơn, phụ huynh có thể chọn bột yến mạch nguyên chất (không phải loại ăn liền) kết hợp với trái cây thay vì các loại ngũ cốc chế biến sẵn.
Đồ ăn vặt mà trẻ nhâm nhi trong ngày là một vấn đề lớn, vì phần lớn chúng chứa nhiều đường. Các loại fast foods cũng vậy. Tarkoff nói: “Mẹ tự nhiên để đường ở xa tầm với; con người lại đem đường đặt ngay trước mắt.” Thực phẩm chế biến sẵn có thể tiện lợi, nhưng các loại thực phẩm nguyên chất và bữa ăn tự nấu sẽ giúp trẻ tiêu thụ ít đường hơn.
Không chỉ vậy, việc sử dụng đồ ngọt để dỗ dành trẻ cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực. Khi trẻ thường xuyên được cho kẹo, bánh hoặc đồ ngọt mỗi khi khóc hay buồn bã, chúng có thể hình thành thói quen tìm đến đồ ngọt như một cách giải tỏa cảm xúc. Stanhope cảnh báo: “Nhiều người có thể nghiện cảm giác dễ chịu, thoải mái mà đồ ngọt mang lại.” Thói quen này có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ và kéo dài đến trưởng thành.
Mặc dù việc sử dụng chất ngọt nhân tạo có vẻ là một giải pháp thay thế hợp lý cho đường, nhưng chúng cũng đi kèm với những nguy cơ khác. Thí dụ như sucralose – một loại chất ngọt nhân tạo phổ biến – có liên quan đến bệnh béo phì, viêm gan và tổn hại hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột.
Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ dinh dưỡng của trẻ là điều bất khả thi. Trong những năm đầu đời của trẻ, cha mẹ có thể kiểm soát đồ ăn thức uống của con, nhưng sự bảo bọc đó sẽ sớm chẳng còn. Gracner nhấn mạnh: “Điều quan trọng là cố gắng dạy trẻ biết đủ – khi nào nên ăn và ăn bao nhiêu. Khi trẻ rời khỏi vòng tay cha mẹ và có thể tự do lựa chọn thực phẩm, những thói quen ăn uống lành mạnh được rèn từ bé sẽ giúp chúng đưa ra quyết định đúng đắn về chế độ dinh dưỡng của mình.”
Nguồn: “How eating too much sugar as a child impacts you for life” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn