Nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, đại học UC Irvine tổ chức ba sự kiện văn hóa trong ba ngày 7,8,9 tháng 5 năm 2025. Mở đầu là hội thảo “Những Câu Chuyện Từ Việt Nam Tới Hoa Kỳ - 50 Năm Lịch Sử Và Cộng Đồng”; kế đến là buổi hoà nhạc The Odyssey—From Vietnam To America của nghệ sỹ đoạt giải Emmy Vân Ánh Võ; kết thúc là buổi chiếu phim New wave của đạo diễn Elizabeth Ai. Trong ba sự kiện này, buổi hòa nhạc The Odyssey đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kéo dài từ nhiều tháng trước. Trên sân khấu, Vân Ánh đã nhiều lần cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp cô đem được buổi trình diễn đến với Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn ở Mỹ.
The Odyssey (Cuộc Phiêu Lưu) là truyện kể bằng âm nhạc về hành trình vượt biển của người Việt tị nạn. Kể truyện bằng nhạc không lời đòi hỏi sự sáng tạo của người nghệ sĩ và trí tưởng tượng của người nghe. Tác phẩm bao gồm năm chương: I. Leaving (Lìa Xa); II. Scorching Sun (Nắng Cháy); III. Nước – My Country; IV. Light of Hope (Ánh Sáng Hy Vọng); V. Beyond the Seas: The Americana (Nước Mỹ Bên Kia Bờ Đại Dương). Kết hợp với âm nhạc là âm thanh, hình ảnh, Vân Ánh đem khán giả trở lại với hành trình gian khổ, bi thương của những người Việt đi tìm tự do, từ lúc bắt đầu rời quê hương cho đến lúc đặt chân lên bến bờ tự do. Cùng kể chuyện bằng âm nhạc với Vân Ánh là ban nhạc Blood Moon, với những gương mặt quen thuộc trong những buổi biểu diễn của Vân Ánh trong nhiều năm qua: Sheldon Brown (bộ kèn); Joel Davel (Marimba Lumina, bộ gõ); Jimi Nakagawa (bộ gõ, trống Taiko). Vân Ánh là linh hồn của ban nhạc với đàn tranh, đàn bầu, đàn t'rưng.
Để có ý tưởng thực hiện The Odyssey, Vân Ánh đã phỏng vấn hơn 50 thuyền nhân Việt. Lắng nghe câu chuyện của họ, đồng cảm với những cảm xúc của họ. Đối với hầu hết những thuyền nhân, cảm xúc vẫn tiếp tục ở lại trong tâm trí rất lâu. Đối với một số người, nỗi đau vẫn còn suốt đời.
Bằng sự sáng tạo trong âm nhạc, Vân Ánh cố gắng tái tạo lại ký ức của người vượt biển. Khi được hỏi những âm thanh nào vẫn ám ảnh họ đến tận ngày hôm nay, nhiều người trả lời đó là tiếng sóng biển và tiếng động cơ máy diesel của tàu vượt biên. Để tái tạo tiếng sóng biển, Vân Ánh tự tạo ra một dụng cụ có hình như một tang trống dẹp, kích thước cỡ bằng chiếc nón quai thao, bên trong có chứa cát. Khi cô di chuyển, nghiêng trống theo những góc độ khác nhau, khán giả tưởng chừng như đang nghe tiếng những đợt sóng vỗ nhẹ vào bãi cát trên một bờ biển vắng lặng.
Còn tiếng động cơ? Trong chương một (Leaving), Vân Ánh sưu tập, thâu âm và sử dụng tiếng động cơ diesel để diễn tả hành trình của một con tàu vượt biên. Tiếng máy nổ có khác nhau trong từng giai đoạn. Có lúc tiếng máy nổ đều đều, con thuyền đang vượt sóng. Có lúc máy chết đột ngột, rồi cố gắng khởi động lại, là khoảng khắc của sự hoang mang, lo lắng giữa biển khơi. Nhưng kinh hoàng nhất là tiếng động cơ mạnh mẽ, dồn dập, vô cảm, mang tính hủy diệt của những chiếc tàu hung hãn của bọn hải tặc. Làm sao những người đã từng trải qua một hành trình vượt biên có thể quên được?
Câu chuyện của người vượt biển được Vân Ánh kể bằng một thứ âm nhạc tượng thanh, tượng hình. Đó là sự hòa điệu độc đáo, sáng tạo giữa các nhạc cụ Việt Nam, âm thanh điện tử và nhạc cụ phương Tây, cùng nhau tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc chung. Làn điệu dân ca Việt Nam, đặc biệt là những bài hát ru luôn đóng một vai quan trọng, nhưng không phải lúc nào Vân Ánh cũng bám lấy âm hưởng ngũ cung của nhạc Việt. Hầu hết âm điệu để diễn tả hành trình vượt biển đều phối âm theo phong cách trừu tượng hiện đại. Có lúc, người nghe tiếng đàn tranh giống như tiếng guitar điện với những hợp âm nghịch theo phong cách Tây Phương, tạo cảm giác đầy bất an, hối hả. Nhưng cũng có lúc lời ru con trở lại, như tâm trạng nhớ nhà của những kẻ mới rời bỏ quê hương.
Quan niệm của Vân Ánh là không đặt ra ranh giới giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam và những nền dân nhạc thế giới. The Odyssey cũng không phải là một ngoại lệ. Khán giả có lúc bị mê hoặc bởi tiếng đàn t’rưng trên nền nhạc là tiếng kèn saxo theo phong cách Blues & Jazz. Có lúc tiếng đàn t’rưng hoà nhịp cùng hai bộ gõ và trống Taiko; cùng tạo ra một sự hòa điệu phi dân tộc tính độc nhất vô nhị.
Sự sáng tạo trong âm nhạc của Vân Ánh thể hiện qua nhiều cách. Một nhạc sĩ violin là khán giả trong buổi hòa nhạc nói rằng cách mà Vân Ánh sử dụng thanh vĩ để kéo đàn tranh, kéo đàn bầu là một sự sáng tạo độc đáo. Vân Ánh nghĩ ra cách này để tạo thêm âm sắc cho những nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Một sự kết hợp với nhạc cụ thuộc các truyền thống âm nhạc khác, làm đa dạng thêm nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.
The Odyssey khởi đầu với hình ảnh trên màn ảnh sân khấu của những đứa trẻ trong gia đình Việt kể về câu chuyện vượt biên của ông bà cha mẹ. Khán giả có lúc chăm chú theo dõi, thưởng ngoạn những người nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ với những thanh âm có sức mạnh tạo hình; có lúc nhắm mắt lại để theo giai điệu sống lại với hành trình của người vượt biển. Giai điệu có lúc nặng nề lo âu, có lúc khắc khoải tuyệt vọng, có lúc bừng lên những tia hy vọng. Trong chương kết thúc là những hình ảnh của người Việt tị nạn tại bến bờ tự do Hoa Kỳ. Khán giả có cảm giác như trút hết được những nỗi u hoài khi nghe giai điệu Mỹ quen thuộc “The House of The Rising Sun”, như lời người Mỹ chào đón người di dân. Rồi nghe Elvis Phương hát “Tung cánh chim tìm về tổ ấm…” trên sân khấu hải ngoại để thấy người Việt đã nhận nơi đây là quê hương mới. Với âm nhậc, Vân Ánh phác họa lại ý chí sinh tồn không ngừng nghỉ; quyết tâm không lay chuyển để thành công của những thuyền nhân Việt Nam. Sau 50 năm hội nhập, người Việt đạt được những thành tựu đáng khâm phục, góp phần làm giàu thêm cho quê hương mới trong mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, văn học nghệ thuật… Phần cuối trên sân khấu là rất nhiều hình ảnh những gương mặt đã góp phần tô đậm thêm giá trị của người di dân Việt, từ Lương Xuân Việt cho đến Ocean Vuong… Cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy đi tìm miền đất hứa của người Việt tị nạn thế hệ đầu tiên nay đã đạt được những thành quả tốt đẹp, được tiếp nối bởi thế hệ thứ hai, thứ ba lớn lên, sinh ra ở Mỹ.
Đằng sau câu truyện được kể bằng âm nhạc trong The Odyssey là những thông điệp gì? Người Việt tị nạn có thể tự hào về tinh thần vượt khó, sức mạnh ý chí đáng kinh ngạc của mình. Nhưng đây không phải là giá trị riêng của người Việt, mà là chung của những cộng đồng di dân khác đang cùng sinh sống trên nước Mỹ. Thế giới ngày nay vẫn còn những người di dân, những người sẵn sàng bỏ hết mọi thứ, mạo hiểm cả sinh mạng để thoát khỏi chiến tranh, tuyệt vọng để tìm đến những nơi an toàn, có cơ hội, có tự do. Từng là di dân, từng được làm lại cuộc đời từ đầu nhờ vào lòng nhân từ độ lượng của người Mỹ, người Việt tị nạn cần có sự cảm thông với những cộng đồng di dân khác.
Đánh dấu 50 năm ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, người Việt tị nạn tưởng nhớ lại hành trình vượt biển của chính mình, nhưng cũng muốn hướng đến tương lai. Chúng ta không thể quên quá khứ, lịch sử, cội nguồn. Quá khứ giống như một cái nền vững chắc để người Việt tị nạn xây dựng ngôi nhà tương lai. Sống trên ngôi nhà mới, chúng ta nhìn lên bầu trời rộng mở. Vân Ánh tâm sự rằng bản thân mình không phải là thuyền nhân; sinh ra và lớn lên ở miền Bắc sau chiến tranh Việt Nam, di cư đến Mỹ vào năm 2001. Điều này không ngăn cản cô tìm hiểu về câu chuyện của người Việt tị nạn sau 1975. Cô lắng nghe những câu chuyện về chiến tranh, về đời tị nạn của cả người Nam lẫn người Bắc Việt Nam. Trong lúc đi phỏng vấn người Việt tị nạn, có lần cô được bảo rằng người Bắc như cô sẽ không thể hiểu về hoàn cảnh của người tị nạn! Cuộc chiến đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc; tất cả người Việt đều có những nỗi đau, mất mát của riêng mình. Nhưng sau nửa thế kỷ, rồi cũng đến lúc nghĩ về cảm thông, chữa lành. Vân Ánh muốn góp phần truyền tải thông điệp này.
Trong những ngày cuối tháng 4 năm nay, một số sự kiện kỷ niệm 50 kết thúc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại nhiều nơi khác nhau trên nước Mỹ. Nhiều người Việt tị nạn thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, thứ ba đã nói lên những thông điệp chữa lành, cảm thông. The Odyssey của Vân Ánh là một trong những thông điệp đó, được truyền tải bằng ngôn ngữ âm nhạc, thứ âm thanh không có biên giới giữa các nền văn hóa khác nhau trên toàn cầu, huống gì là sự ngăn cách giữa người Việt với người Việt…
Doãn Hưng
Gửi ý kiến của bạn