Côn trùng hiện diện khắp mọi nơi xung quanh chúng ta: từ con kiến bò len lỏi trên vỉa hè, tiếng ong vo ve bên tai, hay cánh bướm nhẹ nhàng đung đưa trong gió. Những khoảnh khắc quen thuộc giữa đời thường ấy lại đại diện cho các mắt xích sinh thái không thể thiếu: giúp cây ra hoa kết trái, làm sạch môi trường, tiêu diệt sâu bệnh, và duy trì chuỗi thức ăn trong tự nhiên.
Dù con người phụ thuộc rất nhiều vào các loài côn trùng này, nhưng trớ trêu thay, chính chúng ta lại đang khiến số lượng côn trùng suy giảm nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Hoa Kỳ đã mất hơn 20% số lượng bướm chỉ trong hai thập niên qua. Và đáng buồn thay, mức độ suy giảm như vậy không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều nghiên cứu khác cũng phát hiện rằng quần thể côn trùng đang giảm từ 1% đến 2% mỗi năm.
Nhằm tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này, nhóm nghiên cứu quốc tế Status of Insects đã tổng hợp và phân tích 175 nghiên cứu mới nhất liên quan đến sự suy giảm côn trùng. Kết quả chỉ ra hàng trăm nguyên nhân có liên kết với nhau, trong đó gần như tất cả đều phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ các hoạt động của con người.
Các yếu tố khiến côn trùng suy giảm có mối liên quan chặt chẽ và thường xuất hiện đồng thời. Trong đó, năm nguyên nhân chính gồm: canh tác nông nghiệp quy mô lớn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai và môi trường sống bị thu hẹp. Dù có yếu tố mạnh hơn, nhẹ hơn, nhưng tất cả đều góp phần khiến côn trùng ngày càng ít đi. Nhiều loài còn phải chịu ảnh hưởng từ nhiều tác nhân cùng lúc, khiến việc sinh tồn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Mối nguy trong đô thị
Hãy thử hình dung: giữa nhịp sống hối hả nơi thành phố, trong một công viên nhỏ, một con ngài đang cố gắng sống sót. Nó từng có một góc nhỏ bình yên trong công viên, nhưng giờ đây, những hàng cây quen thuộc đã bị thay thế bởi bê tông và kính. Những loài cây lạ từ vườn nhà len lỏi ra ngoài, lấn át từng chồi non của loài cây bản địa mà nó từng gắn bó.
Đêm xuống, ánh đèn đường như lời gọi mời đầy mê hoặc. Con ngài lao vào thứ ánh sáng đó, không biết mình đang tự đâm đầu vào chỗ nguy hiểm. Đám nhện đã giăng tơ tự lúc nào, đang mai phục chờ sẵn. Ngài cứ thế lượn lờ quanh ánh đèn, tiêu hao phần lớn sức lực mà lẽ ra phải dành để đi thụ phấn.
Nhưng con ngài không chỉ có vai trò thụ phấn. Khi còn là sâu non, nó từng giúp tỉa bớt tán lá, giúp cây cối phát triển cân bằng hơn. Và rồi, cũng chính nó sẽ trở thành món ăn cho lũ chim vào sáng sớm hay đàn dơi về đêm, lặng lẽ cống hiến cho sự sống trong vòng tuần hoàn không bao giờ dứt.
Thách thức từ hoạt động nông nghiệp của con người
Canh tác nông nghiệp thâm canh là nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất trong các nghiên cứu về sự suy giảm côn trùng. Và yếu tố này cũng liên kết chặt chẽ với các yếu tố khác.
Giữa những cánh đồng xanh rì và vườn cây trĩu quả, tiếng vo ve của ong dần vắng bóng. Đằng sau vẻ yên bình ấy là hậu quả từ mô hình nông nghiệp thâm canh – một “thủ phạm” đang lặng lẽ tàn phá thế giới côn trùng.
Khi đất nông nghiệp mở rộng, môi trường sống tự nhiên của những loài ong bản địa bị lấn chiếm. Tồi tệ hơn, đất canh tác hiện đại ngập tràn hóa chất, từ thuốc trừ sâu gây chết ong, đến thuốc diệt cỏ làm biến mất các loài cây dại, những nguồn thức ăn thiết yếu của chúng.
Ngoài ra, các trang trại thường đưa ong mật Âu Châu vào để giúp thụ phấn vì dễ nuôi. Thế nhưng, những kẻ “giúp việc” này lại mang theo mầm bệnh và ký sinh trùng, đe dọa đàn ong bản địa vốn đã mong manh.
Loài ong có thể chịu đựng khi mất đi môi trường, hoặc khi phải sống chung với hóa chất. Nhưng khi tất cả những hiểm họa ấy ập đến cùng lúc, liệu chúng còn con đường sống sót nào không?
Thế giới dưới nước: một mặt trận khác
Trong khi ong và bướm thường là tâm điểm chú ý của công chúng vì dễ nhìn thấy, nhiều loài côn trùng khác lại trải qua phần lớn cuộc đời dưới nước – và chúng phải đối mặt với một loạt các mối nguy khác.
Chẳng hạn, chuồn chuồn sống dưới nước ở giai đoạn ấu trùng. Khi mực nước tại sông, suối, ao hồ giảm, chỗ ở của chuồn chuồn non cũng bị thu hẹp. Ngoài ra, nước bị ô nhiễm do dòng chảy từ đất liền và sự nóng lên của nước do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của chúng.
Cần bảo tồn toàn diện, không thể nửa vời
Muốn thật sự cứu lấy thế giới nhỏ bé của côn trùng, chúng ta phải nhìn thẳng vào toàn bộ những mối nguy đang rình rập quanh chúng. Không thể chỉ dọn sạch một góc nếu cả ngôi nhà đang sụp đổ. Mọi thứ đều liên kết chặt chẽ với nhau, và sự sống của côn trùng cũng vậy.
Dẫu cho việc giảm ô nhiễm hay ngăn chặn cây cỏ xâm lấn là điều tốt, nhưng nếu không có chốn nương thân thì chúng cũng chẳng có chỗ để quay về. Hồi sinh môi trường sống là hồi sinh hy vọng, vì nơi đâu có thảm cỏ, bụi cây, dòng nước, thì nơi ấy có cơ hội tái sinh cho muôn loài.
Và côn trùng không chỉ là ong và bướm. Thế giới của chúng rộng lớn hơn nhiều. Chúng hiện diện ở khắp mọi nơi: từ bầu trời, mặt đất, đến dưới nước hay trong lớp đất đá. Nhưng đáng tiếc, ánh mắt của con người thường chỉ hướng về những loài chuyên thụ phấn, bỏ quên hàng triệu loài khác.
Côn trùng sống dưới nước, chẳng hạn như chuồn chuồn, phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn nước tự nhiên như đầm lầy, hồ và suối. Muốn bảo tồn chúng thì chúng ta phải gìn giữ và khôi phục các hệ sinh thái này. Nhiều loài khác lại dành phần lớn cuộc đời dưới lòng đất – như một số loài bọ cánh cứng hay ruồi – giúp phân hủy xác thực vật.
Muốn giúp côn trùng tồn tại, ta cần nghĩ xa hơn một chút: không chỉ quan tâm đến cá thể trưởng thành mà còn bao gồm cả giai đoạn ấu trùng. Lấy thí dụ loài ruồi giả ong (hoverflies): nếu trồng vườn hoa thì ruồi trưởng thành sẽ có mật để hút. Nhưng khi còn là ấu trùng, những con ruồi này cần thức ăn khác, như các loại xác động, thực vật đang phân hủy (điều mà vườn hoa thông thường chưa chắc đã có).
Làm Gì Để Giúp? Không khó như bạn tưởng!
Cách dễ nhất để hỗ trợ côn trùng là cung cấp môi trường sống tốt cho chúng.
Có một khu vườn nọ: không cần rộng lớn, chỉ cần tràn đầy cây cối bản địa. Ở đó, những bông hoa tỏa hương mật ngọt cho bướm, ong, ruồi đến thăm. Những chiếc lá xanh non lại nuôi sống bao nhiêu chú sâu non bé bỏng.
Nơi ấy còn có những góc đất trống không bị bê tông phủ kín, những tán lá rụng để nguyên, ẩm ướt. Đó chính là tổ ấm êm đềm cho bao loài côn trùng trú ngụ. Chẳng ai thắp đèn sáng trưng khi đêm về. Cũng chẳng ai xịt thuốc lên cây mỗi ngày. Mọi thứ nhẹ nhàng, tự nhiên, và sự sống cứ thế sinh sôi, nảy nở.
Dù ngoài kia thế giới đang ồn ào, nơi đây vẫn là một mảnh đất an lành cho những sinh linh bé nhỏ. Diện tích càng lớn càng tốt, nhưng ngay cả những khu vườn nhỏ cũng rất đáng quý, miễn là có ai đó quan tâm, chăm sóc và gìn giữ.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Humans are killing helpful insects in hundreds of ways − simple steps can reduce the harm” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn