Hôm nay,  

80 Năm Sau Cái Chết Của Benito Mussolini: Những Bài Học Cảnh Tỉnh Cho Các Nền Dân Chủ Hiện Nay

02/05/202500:00:00(Xem: 1279)

80 nam
Chủ nghĩa phát xít không bắt đầu bằng bạo lực ồ ạt, mà từ những nhượng bộ nhỏ, những cái cúi đầu trước thói lừa dối và bạo tàn. (Nguồn: Wikimedia Commons)

Ngày 28 tháng 4 năm nay vừa tròn 80 năm kể từ khi nhà độc tài Ý Benito Mussolini bị xử tử tại một ngôi làng ở Ý vào cuối Thế Chiến II năm 1945. Chỉ một ngày sau đó, thi thể của ông ta bị bêu rếu và lăng nhục công khai ở Milan.
 
Dưới bóng tội ác ghê rợn của Adolf Hitler, khi nhắc đến chủ nghĩa phát xít, nhiều người thường nghĩ ngay đến những ký ức về Đức Quốc xã. Thế nhưng, cần nhớ rằng Benito Mussolini mới chính là kẻ mở đường. Biệt danh Il Duce (xin tạm dịch là Lãnh tụ) của Mussolini chính là nguồn cảm hứng cho Hitler.
 
Ngày nay, giữa lúc các bình luận gia, blogger và giới học giả tranh luận về việc liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Tổng thống Nga Vladimir Putin có mang “hơi hướng phát xít” hay không, thì hầu như ai cũng đồng ý rằng cuộc đời chính trị của Il Duce là bài học nhãn tiền về sự thất bại của nền dân chủ trước tham vọng quyền lực độc tài.
 
Khởi đầu mộng tưởng
 
Năm 1914, Benito Mussolini thành lập Fasci d'Azione Rivoluzionaria – một nhóm vũ trang cổ súy nước Ý dấn thân vào cơn lốc Thế Chiến I, đánh dấu sự ra đời của thuật ngữ “phát xít” (fascist).
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngập tràn tư tưởng cánh tả, trước chiến tranh, Mussolini từng cầm bút cho các tờ báo CNXH, miệt mài gieo hạt giống lý tưởng trên những trang giấy. Nhưng ngay từ thời trai trẻ, ông ta đã say mê những tư tưởng chống dân chủ (anti-democratic) cực đoan của Friedrich Nietzsche, Georges Sorel và Vilfredo Pareto.
 
Khi Thế Chiến I bùng nổ, Mussolini liền rũ bỏ chiếc áo xã hội chủ nghĩa (vốn phản đối chiến tranh) để tự mình khoác lên tấm áo lính. Cũng như Hitler, chính trên chiến trường khốc liệt, những ý tưởng về chủ nghĩa phát xít đã nhen nhúm trong Mussolini, cùng với giấc mộng phục hưng một nước Ý hùng mạnh, sánh ngang hào quang bất diệt của Đế chế La Mã xưa.
 
Tháng 3 năm 1919, Mussolini gom một nhóm hỗn tạp các cựu binh từng tham gia Thế Chiến I, lập ra Fasci Italiani di Combattimento tại Milan. Mục tiêu chung của họ là đẩy lùi ảnh hưởng của các phong trào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đang trỗi dậy mạnh mẽ. Các thành viên chia thành các nhóm nhỏ, gọi là squadristi, khét tiếng với màu áo đen và bạo lực, chẳng hạn như ép nạn nhân uống dầu thầu dầu.
 
Tuy vậy, những nỗ lực chính trị đầu tiên của Mussolini đã thất bại thảm hại. Trong cuộc bầu cử năm 1919, ông ta nhận được số phiếu quá ít ỏi. Phe cộng sản cười nhạo, thậm chí còn tổ chức “tang lễ” cho “tham vọng chính trị” của Mussolini ngay trước nhà ông ta.
 
Từ bạo lực đường phố đến chính trường Rome
 
Những năm 1920 – 1921, khi nước Ý chìm trong làn sóng đình công và chiếm đoạt đất đai, nhà máy của công nhân, chủ nghĩa phát xít dần trở thành một phần của chính trường quốc gia.
 
Lo ngại phong trào công nhân sẽ đe dọa quyền lợi của mình, tầng lớp chủ đất và chủ xưởng công nghiệp đã quay sang nhờ cậy các đội squadristi của Mussolini để đàn áp các đợt đình công, triệt tiêu các tổ chức công nhân. Các đội áo đen này còn ngang nhiên dùng vũ lực để đảo ngược kết quả bầu cử dân chủ tại các thành phố như Bologna và Cremona, cướp đoạt chiến thắng từ tay những ứng cử viên cánh tả.
 
Trớ trêu thay, bạo lực lại trở thành đòn bẩy nâng cao vị thế chính trị cho Mussolini. Chỉ sau một thời gian ngắn, vào tháng 7 năm 1921, ông ta được mời vào tham gia chính phủ của Thủ tướng Ivanoe Bonomi.
 
Tháng 10 năm 1922, quân phát xít chiếm lĩnh các thành phố Bolzano và Trento. Thế nhưng, phe tự do, XHCN và Hoàng gia Ý lại chần chừ, do dự, và Mussolini đã chớp lấy thời cơ. Tập hợp đội quân phát xít áo đen, ông ta tổ chức cuộc “Hành Quân về Rome” vào cuối tháng 10 năm đó, thẳng thừng đòi vị trí Thủ tướng.
 
Lịch sử ghi lại rằng, nếu chính phủ hành động cứng rắn, cuộc hành quân ấy đã bị dập tắt từ trong trứng nước. Thực chất, đây chỉ là một vở kịch chính trị liều lĩnh và đầy toan tính. Thế nhưng, trong nỗi lo sợ nội chiến, và đặc biệt vì nỗi ám ảnh đối với CNCS, Vua Victor Emmanuel III đã chấp nhận nhượng bộ mà không cần phải động binh.
 
Ngày 31 tháng 10 năm 1922, Benito Mussolini chính thức trở thành Thủ tướng nước Ý.
 
Chế độ độc tài: cái thòng lọng siết dần dần
 
Giống như Hitler sau này (năm 1933), Mussolini ban đầu cũng lãnh đạo một chính phủ liên minh với sự tham gia của nhiều đảng phái không thuộc phe phát xít. Tuy nhiên, với quyền lực đàn áp trong tay, ông ta đã lợi dụng sự chia rẽ giữa các phe phái để từng bước thâu tóm toàn bộ quyền lực về mình.
 
Năm 1923, Mussolini ra lệnh bắt giam hàng loạt thành viên của ĐCS, đồng thời hợp pháp hóa squadristi thành lực lượng bán quân sự của nhà nước. Ông ta cũng dùng quyền lực nhà nước để giám sát chặt chẽ tất cả các đảng phái đối lập.
 
Trong cuộc bầu cử năm 1924, nhờ cho quân lính bao vây, đe dọa cử tri ngay tại các điểm bỏ phiếu, Mussolini giành chiến thắng áp đảo với 65% số phiếu bầu.
 
Tháng 6 năm ấy, thủ lãnh xã hội chủ nghĩa Giacomo Matteotti bị các đội quân áo đen bắt cóc và sát hại. Ban đầu, Mussolini chối bỏ mọi liên quan dù mọi bằng chứng đều chỉ thẳng vào mình. Nhưng chỉ vài tháng sau, Mussolini ngạo nghễ nhận trách nhiệm và tung hô bạo lực phát xít như một thành tựu đáng tự hào – không ai làm gì được ông ta.
 
Tới cuối năm 1926, sau khi thoát chết trong một vụ ám sát (chỉ bị trầy mũi vài hôm), Mussolini tiến thêm một bước: dứt khoát cấm mọi lực lượng đối lập, đặt dấu chấm hết cho nền dân chủ Ý.
 
“Đỡ ác hơn”? Lầm tưởng!
 
Kể từ sau khi Mussolini bị xử tử vào tháng 4 năm 1945, người ta thường so sánh chế độ phát xít của ông ta là “đỡ ác hơn,” “đỡ độc tài hơn” so với chủ nghĩa Quốc xã của Hitler hay chủ nghĩa Stalin tại Nga. Nhiều người Ý cũng chọn cách nhìn nhận này, nhất là sau những tội ác của Đức Quốc Xã đối với nước Ý trong những tháng cuối cùng Thế Chiến II.
 
Tuy nhiên, cần nhớ rằng Mussolini là người đầu tiên tuyên bố mình xây dựng một chế độ toàn trị. Ông ta tự xưng là “kẻ được chọn,” và quả quyết rằng chủ nghĩa phát xít là sự “tái sinh tinh thần” cho nước Ý.
 
Để hiện thực hóa tham vọng làm cho nước Ý vĩ đại trở lại, Mussolini thâu tóm toàn bộ bộ máy nhà nước: kiểm soát truyền thông, báo chí, giáo dục, triệt phá các nghiệp đoàn độc lập, đàn áp quyền đình công (dưới danh nghĩa xây dựng một “phong trào vì nhân dân”), bảo vệ các ngân hàng lớn – và kết quả là sự bất công kinh tế trong xã hội Ý dưới thời ông càng trở nên trầm trọng.
 
Ngoài ra, Mussolini còn nuôi tham vọng bành trướng đế quốc với cuộc xâm lược Ethiopia, vi phạm công ước quốc tế khi sử dụng vũ khí hóa học và hành quyết tù nhân. Ước tính hơn 700,000 người Ethiopia đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người khác bị đẩy vào các trại giam.
 
Từ năm 1926 đến 1945, chế độ của Mussolini dựng nên hơn 30 trại tập trung, chủ yếu ngoài lãnh thổ Ý. Ở Libya, chỉ trong vòng 5 năm (1929 – 1934), khoảng 50,000 đến 70,000 người đã bỏ mạng trong các trại giam của phát xít Ý, chưa kể những nạn nhân chết vì đói, bị hành quyết hoặc do chính sách “thanh lọc sắc tộc” tàn bạo.
 
Năm 1939, Heinrich Himmler, lãnh đạo SS của Đức Quốc xã, đã đánh giá chế độ thực dân Ý tại Libya là mô hình thống trị thành công “đáng noi theo.
 
Sau khi tham chiến trong Thế Chiến II, quân Ý cùng phe Trục dựng nên các trại tập trung ở Nam Tư, Albania và Nga, giam cầm hơn 80,000 tù nhân. Hơn 3,000 người thiệt mạng tại trại Rab chỉ trong hai năm 1942 và 1943.
 
Từ cuối năm 1943, phát xít Ý năng nổ tham gia chiến dịch bắt giữ hơn 7,000 người Do Thái Ý để đưa vào trại Auschwitz – hầu hết trong số họ đã bị sát hại. Dù chiến tranh kết thúc và Mussolini bị xử tử, phần lớn những kẻ gây ra các tội ác thấu trời này không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.
 
Những bài học còn đọng lại sau tám thập niên
 
Ngày nay, rất ít người dám vỗ ngực tự nhận mình theo chủ nghĩa phát xít – dù có không ít kẻ bị hấp dẫn bởi chính trị độc tài và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
 
So với Hitler, Mussolini còn dễ bị đánh giá là một gã lố bịch hơn: quân phục bóng bẩy, điệu bộ khoa trương, vẻ nam tính được tô vẽ thái quá, kệch cỡm và chiếc cằm “thép” nổi tiếng.
 
Nhưng bài học xương máu ở đây là: những kẻ như vậy chỉ có thể trỗi dậy khi phe dân chủ không đủ quyết đoán để ngăn chặn từ sớm. Xem thường chúng là tự tay mở đường cho chúng tiến lên.
 
Trong suốt những năm 1920 đến 1926, Mussolini liên tục “thử lửa” vận may của mình bằng những hành động liều lĩnh, từng bước làm suy yếu nền dân chủ Ý. Bộ phim truyền hình “Mussolini, Đứa Con của Thế Kỷ” (Mussolini, Figlio del Seculo) đã tái hiện rõ nét quá trình này, cho thấy phe đối lập cứ lặp đi lặp lại một sai lầm: không thể đoàn kết để ngăn chặn các cuộc tấn công của phát xít vào những chuẩn mực và thể chế dân chủ. Khi họ nhận ra hiểm họa, thì mọi chuyện đã quá trễ.
 
Các nền dân chủ không sụp đổ trong một đêm, mà lụi tàn qua hàng ngàn vết thương nhỏ, khi định nghĩa về “lẽ thường tình” cứ âm thầm bị thay đổi từng ngày. Chủ nghĩa phát xít sinh sôi trong sự dối trá trơ trẽn, khéo leo che đậy những ý đồ xấu xa nhất. Những “kẻ mạnh” như Mussolini có thể từng bước thâu tóm quyền lực, phần lớn vì dân chúng không thể tin rằng sự tha hóa chính trị – bao gồm cả bạo lực trắng trợn đối với những người bất đồng chính kiến – lại có thể xảy ra ngay trên quê hương mình.
 
Cuối cùng, một bài học đáng sợ nhất, lạnh người nhất: Mussolini là một bậc thầy tuyên truyền, ông ta đã thuyết phục được tất cả mọi người rằng mình đại diện cho một phong trào vì nhân dân, mang sứ mệnh tái sinh các giá trị truyền thống.
 
Nếu ngay từ thuở đầu, Hoàng gia, quân đội, các đảng phái và Giáo hội Công giáo sớm phối hợp hành động nghiêm túc, hẳn nước Ý sẽ né được những trang sử đẫm máu đỡ tang thương.

Nguyên Hòa biên dịch
 
Nguồn: “80 years after Benito Mussolini’s death, what can democracies today learn from his fascist rise?” được đăng trên trang TheConversation.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Làn sóng tranh luận dữ dội đang diễn ra xoay quanh câu hỏi: liệu những gì đang xảy ra tại Gaza kể từ tháng 10 năm 2023 có phải là hành vi diệt chủng hay không? Vấn đề này đã được đưa ra trước Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice, ICJ), Nam Phi đệ đơn kiện Israel, cáo buộc quốc gia này đã phạm tội diệt chủng. Phiên tòa bắt đầu từ tháng 12 năm 2023, nhưng đến nay ICJ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Ngày 27/5 vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều người đã đăng lời chúc mừng sinh nhật gửi tới tù nhân Phạm Đoan Trang. Trước đó vài tuần, một tù nhân nổi tiếng khác là Trịnh Bá Phương đã bị khởi tố thêm tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" khi đang ở tù. Những dòng tin này nhắc nhở rằng tự do, dân chủ, nhân quyền vẫn còn là những vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, 50 năm sau khi cuộc chiến kết thúc.
Sáng thứ Bẩy ngày 24 tháng 5 vừa qua, trong buổi lễ tốt nghiệp tại vận động trường Michie của Học Viện Quân Sự Hoa Kỳ ở West Point, khi chuẩn tướng Rogelio Garcia, chỉ huy trưởng Học Viện, tuyên bố giải tán khóa 2025, hàng ngàn chiếc mũ képi trắng được các học viên của khóa tung lên trời. Tiếng reo hò tở mở từ các tân thiếu úy đang đứng dưới sân cỏ và thân nhân của họ trên khán đài tạo nên một quang cảnh với âm thanh vừa đẹp mắt, vừa tưng bừng, vừa cảm động.
Đoàn Viết Hoạt sanh năm 1942 tại Nam định. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1965 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sàigòn ban Anh Văn. Năm 1966 lập gia đình với chị Trần Thị Thức, một nữ sinh viên trong phong trào sinh viên Saigon lúc bấy giờ. Năm 1967 ĐVHoạt du học Hoa Kỳ về môn Tổ Chức và Quản Trị Đại Học tại Đại học Florida State (FSU), Tallahassee, Florida. Năm 1971, đậu Ph.D. về Giáo Dục. Sau đó, Đoàn Viết Hoạt trở về nước giữ chức vụ Phụ tá Viện trưởng tại Viện Đại học Vạn Hạnh cho đến 30 tháng Tư, 1975.
Một cuộc triển lãm mới tại thành phố Philadelphia soi chiếu hành trình tiến hoá của sức khoẻ dinh dưỡng tại Hoa Kỳ qua một lăng kính độc đáo: căng-tin học đường. Mang tựa đề “Giờ Ăn Trưa: Lịch Sử Khoa Học Trên Khay Thức Ăn Học Đường,” cuộc triển lãm miễn phí tại Viện Lịch sử Khoa học Philadelphia trưng bày các bích chương, tài liệu, dụng cụ khoa học, sách dinh dưỡng và ảnh chụp để thuật lại câu chuyện về các bữa ăn tại trường học ở Mỹ.
Năm Tổng Thống Hoa Kỳ liên tiếp, thuộc cả hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đã nhất quyết giúp nhân dân Miền Nam bảo vệ “tiền đồn của Thế Giới Tự Do.” Hành động mạnh mẽ nhất là ‘tự động’ mang nửa triệu quân vào để chiến đấu - mặc dù Chính phủ VNCH không yêu cầu. Rồi xây cất đường xá, xa lộ Biên Hòa, hải cảng Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Sàigòn, và mấy chục phi trường lớn nhỏ, với những kho xưởng như Long Bình, Quy Nhơn, Phú Bài, tốn phí bao nhiêu nhân mạng, bao nhiêu tiền của để xây dựng một “tiền đồn của thế giới tự do”, ngăn chận Trung Cộng ở phía Nam
Nửa thế kỷ trước, nước Mỹ đã không tôn trọng lời cam kết giúp VNCH chiến đấu tới cùng trước làn sóng xâm lăng của Cộng Sản Thế Giới. Nhiều người, cả Việt lẫn Mỹ, cũng như dư luận thế giới, đã gọi đây là một sự phản bội đáng xấu hổ. Nhưng có học giả Mỹ đã khẳng định: “Sự phản bội của nước Mỹ đối với Nam Việt Nam là một trong những điều thông minh nhất mà nước tôi đã từng làm”.
Các cuộc thăm dò cho thấy mức độ ủng hộ Trump của cử tri đang ở mức thấp kỷ lục đối với một nhà lãnh đạo sau ba tháng đầu của nhiệm kỳ. Đa số phản đối chính sách thuế quan và cắt giảm lực lượng nhân sự liên bang của ông.
Hành động công kích đầy bất ngờ của Tổng thống Trump nhắm vào nền giáo dục đại học đã vô tình đánh thức tinh thần phản kháng của Harvard cùng hơn 100 trường đại học trên khắp 40 tiểu bang. Sự kiện này cũng để lại một bài học đáng suy ngẫm: nhượng bộ và đầu hàng trước những áp lực ngang ngược, vô lý không phải là cách tồn tại bền vững cho bất kỳ tổ chức nào. Sự việc khởi đầu với lá thư ngày 11 tháng 4 từ chính quyền Trump, trong đó đưa ra hàng loạt yêu cầu đối với Đại học Harvard. Ngay lập tức trường Harvard từ chối, vậy là chính phủ thẳng tay đóng băng khoản ngân sách tài trợ trị giá 2.3 tỷ MK. Ngoài ra, Trump còn dọa tước bỏ quy chế miễn thuế của trường. Hành động này bị nhiều người xem là sự lạm quyền nhằm chi phối một cơ sở giáo dục tư thục, và đã vô tình khơi dậy làn sóng ủng hộ quyền tự chủ của các đại học trên khắp Hoa Kỳ.
"Tự do tư tưởng và tìm kiếm sự thật, cùng với sự cam kết lâu đời của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp một cách thiết yếu cho xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp các mọi nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ sự tự do đó. Như lệ thường, chúng ta tiến bước lúc này với niềm tin rằng việc theo đuổi chân lý can đảm và không bị ràng buộc sẽ giải phóng nhân loại, và với niềm tin vào lời cam kết bền bỉ mà các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ đã gìn giữ cho quốc gia và thế giới của chúng ta."
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.