Tại Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (EPA), các công trình nghiên cứu tại 11 phòng thí nghiệm đã bị đình chỉ vì chính quyền ông Trump không phê chuẩn hầu hết các khoản đặt hàng mới.
Tại Cơ quan Hải dương và Khí tượng Quốc gia (NOAA), các công việc then chốt liên quan đến dự báo thời tiết đang bị chậm trễ trầm trọng vì Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick buộc phải đích thân ký duyệt nhiều hợp đồng và khoản trợ cấp. Trong khi đó, tại Cơ quan An sinh Xã hội, một số nhân viên đang thiếu giấy, bút và mực in vì Cơ quan DOGE (Department of Government Efficiency – Bộ Hiệu quả Chính phủ, tuy không thuộc nội các) đã áp đặt giới hạn chi tiêu 1 Mỹ kim trên các thẻ tín dụng do chính phủ cấp.
Trên toàn bộ hệ thống hành chánh liên bang, các viên chức thuộc chính quyền ông Trump đang âm thầm đình chỉ một loạt hoạt động bằng cách không phê duyệt những khoản tài trợ cần thiết. Sự “đóng băng không chính thức” này khiến nhiều đơn vị chính phủ bị tê liệt, dù trên giấy tờ họ vẫn tồn tại.
Thông tin trong bài viết này dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn một chục nhân viên liên bang thuộc tám cơ quan khác nhau, cùng nhiều thư tín và tài liệu nội bộ do The Washington Post thu thập. Các nhân viên này yêu cầu ẩn danh vì lo sợ bị trả đũa.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất là tại EPA, nơi các phòng thí nghiệm trực thuộc Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển (ORD) đang không thể tiếp tục nghiên cứu các mối đe dọa về môi sinh như ô nhiễm không khí, nước và các hoá chất độc hại tồn tại lâu dài. Văn phòng này có nguy cơ bị giải thể trong một kế hoạch cải tổ quy mô lớn hơn.
Trên danh nghĩa, văn phòng vẫn còn hoạt động. Nhưng thực tế, hoạt động nghiên cứu đã bị tê liệt vì quy định mới buộc phải có sự phê chuẩn từ viên chức chính quyền cho mọi khoản mua sắm. Ba nhân viên thuộc ORD cho biết, kể từ khi quy định có hiệu lực, Văn phòng Hỗ trợ Sứ mệnh (OMS) của EPA gần như không còn ký xác nhận các khoản chi phù hợp với các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.
Một viên chức kỳ cựu của EPA viết trong một bức điện tín gửi đồng nghiệp hôm thứ Tư (do The Post thu thập được): “ORD hiện gần như đình chỉ các hoạt động trong phòng thí nghiệm.”
“Chúng tôi không biết các hoạt động này có tiếp tục được sau cuộc tái tổ chức hay không,” người này viết. “Cần có thời gian và ngân khoản để khôi phục.”
“Chúng tôi không biết các hoạt động này có tiếp tục được sau cuộc tái tổ chức hay không,” người này viết. “Cần có thời gian và ngân khoản để khôi phục.”
Người phát ngôn của EPA, cô Molly Vaseliou, phản hồi qua điện thư rằng: “Không có yêu cầu tài trợ nào của ORD gửi lên OMS bị từ chối. EPA vẫn tiếp tục thực hiện nghiên cứu để bảo vệ sức khoẻ con người và môi sinh.”
Tuy nhiên, theo lời ba nhân viên ORD, nhiều yêu cầu đã không bị bác bỏ nhưng cũng không được phê duyệt.
“Mình đã gửi nhiều yêu cầu đặt hàng, nhưng họ chỉ để đó, không phản hồi,” một người nói. “Giống như kiểu phủ quyết trong túi (pocket veto), không công khai từ chối, nhưng cũng không cho phép.”
“Mình đã gửi nhiều yêu cầu đặt hàng, nhưng họ chỉ để đó, không phản hồi,” một người nói. “Giống như kiểu phủ quyết trong túi (pocket veto), không công khai từ chối, nhưng cũng không cho phép.”
Tại Bộ Thương mại, một bản ghi nhớ và ba nhân viên xác nhận rằng mọi hợp đồng và khoản trợ cấp từ 100.000 Mỹ kim trở lên đều bị trì hoãn để chờ Bộ trưởng Lutnick duyệt xét. Các khoản dưới mức đó cũng phải được một chính trị gia cấp cao hoặc Phó Chánh văn phòng chính sách duyệt.
Ông Lutnick, được chuẩn thuận vào tháng Hai, áp dụng quy định này từ giữa tháng Ba. Từ đó đến nay, công việc tại Bộ Thương mại, cơ quan có tới 50.000 nhân viên và 12 đơn vị (gồm Văn phòng Bằng sáng chế, Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế và NOAA), đã chậm lại đáng kể. Một số chi tiết liên quan đến NOAA trước đây đã được Axios đưa tin.
Tính đến tuần rồi, hơn 3.000 yêu cầu đang bị tồn đọng tại bàn làm việc của ông Lutnick. Riêng NOAA đã gửi gần 1.000 yêu cầu, trong đó khoảng 250 gửi trực tiếp lên Bộ trưởng. Hồ sơ cho thấy ông đã phê chuẩn hơn một nửa số này. Tổng giá trị các hợp đồng bị chậm trễ tại NOAA là khoảng 230 triệu Mỹ kim.
Ông Craig McLean, cựu viên chức nghiên cứu cao cấp tại NOAA, nói: “Ở đâu cũng có trì hoãn và phức tạp vì quy định phi lý do chính ông Bộ trưởng đề ra.” Ông lo rằng chính sách này có thể làm gián đoạn cả việc mua khí heli cho bóng khí tượng hay tàu nghiên cứu hải dương.
Các hợp đồng bị trì hoãn còn bao gồm cả dịch vụ vệ sinh, an ninh và kỹ thuật số. Một số nơi đã mất nhân viên bảo vệ nơi tiếp tân, bị gián đoạn đường dây điện thoại hay internet, và nhân viên phải tự dọn nhà vệ sinh.
Bộ Thương mại không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Ông Elon Musk, người đang chuẩn bị rời khỏi vai trò lãnh đạo DOGE, gần đây nói tại Bạch Ốc rằng đội ngũ của ông đã tái cấu trúc chính phủ theo hướng có lợi cho dân chúng.
“Nhìn chung, tôi nghĩ chúng tôi đã làm được nhiều điều,” ông nói. “Chưa như mong muốn, nhưng đã có tiến bộ.”
“Nhìn chung, tôi nghĩ chúng tôi đã làm được nhiều điều,” ông nói. “Chưa như mong muốn, nhưng đã có tiến bộ.”
Tuy nhiên, ông Donald Moynihan, giáo sư chính sách công tại Đại học Michigan, cho rằng chính quyền Trump và DOGE dường như đang “cố tình cài thêm thủ tục hành chánh” thông qua các vòng xét duyệt thừa thãi.
“Nếu mục tiêu của DOGE là khiến chính phủ hoạt động hiệu quả hơn thì cách họ làm hoàn toàn trái ngược,” ông viết qua điện thư. “Họ đang khiến chính phủ không thể hoạt động.”
Giới hạn chi tiêu 1 Mỹ kim cho thẻ tín dụng công vụ, bắt đầu từ tháng Hai, đã gây rối loạn tại nhiều cơ quan. Một sắc lệnh hành pháp ngày 26 tháng 2 đã “đóng băng” các thẻ, ngoại trừ các dịch vụ “thiết yếu,” và viện dẫn lý do nhằm bảo đảm “công chức phải có trách nhiệm với dân.”
Tại Cơ quan An sinh Xã hội, giới hạn này đã khiến nhiều văn phòng không thể thanh toán cước viễn liên, thuê thông dịch viên ngoại ngữ, hay mua nhu yếu phẩm văn phòng. Lý do là chưa tới 12 người có quyền duyệt mua sắm cho hơn 1.300 văn phòng.
Một nhân viên tại văn phòng Indiana cho biết họ đang thiếu vật dụng cơ bản. Quản lý yêu cầu nhân viên tiết kiệm giấy, hạn chế in ấn. Một số đã tự bỏ tiền mua bút, nhưng hộp mực in thì quá đắt – khoảng 200 Mỹ kim một hộp.
Người phát ngôn của cơ quan này viết rằng họ “cam kết vận hành với sự kiểm soát tài chính và hiệu năng cao nhất” và cho rằng “việc bảo vệ ngân sách quốc gia là tối cần thiết để phục vụ người dân một cách hữu hiệu.”
Tại Ngũ Giác Đài, quy định chi tiêu đã ngăn cản nhân viên mua nguyên liệu cho các thử nghiệm áo giáp và mũ bảo hộ. Sau 30 ngày, giới hạn được gỡ bỏ, nhưng nhân viên vẫn phải gấp rút làm việc bù lại sự chậm trễ.
Lệnh cấm chi tiêu cũng gây hỗn loạn tại Cơ quan Công viên Quốc gia, nơi nhân viên không thể mua thuốc men cho du khách hay ngựa của kiểm lâm.
Một nhân viên khác cho biết nhiều khoản chi thường lệ giờ bị trì hoãn vì phải được cấp trên ký xác nhận “thiết yếu cho nhiệm vụ.”
“Tình hình thẻ tín dụng thật khủng khiếp,” người này nói. “Ngay cả việc thanh toán các dịch vụ căn bản trên mạng cũng mất cả giờ đồng hồ. Việc mua hộp túi Ziploc 10 Mỹ kim để lấy mẫu – vốn rất đơn giản – giờ thành một cực hình.”
“Tình hình thẻ tín dụng thật khủng khiếp,” người này nói. “Ngay cả việc thanh toán các dịch vụ căn bản trên mạng cũng mất cả giờ đồng hồ. Việc mua hộp túi Ziploc 10 Mỹ kim để lấy mẫu – vốn rất đơn giản – giờ thành một cực hình.”
Người phát ngôn Ngũ Giác Đài và Cơ quan Công viên Quốc gia không hồi đáp yêu cầu bình luận hôm thứ Sáu.
VB biên dịch
Nguồn: Tóm lược bài của Hannah Natanson và Maxine Joselow, đăng trên tờ Washington Post.
Gửi ý kiến của bạn