
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã công bố trọng tâm tiết kiệm chi phí của "dự luật lớn, đẹp" của Tổng thống Trump vào cuối ngày Chủ Nhật, gồm ít nhất 880 tỷ đô la cắt giảm chủ yếu đối với Medicaid để giúp trang trải chi phí 4,5 nghìn tỷ đô la tiền giảm thuế. Ảnh: JimVallee từ istockphoto.com
Một trong những bài toán ngân sách lớn nhất năm nay là làm sao chính quyền Trump có thể tài trợ cho những đợt cắt giảm thuế khổng lồ cho người giàu, tăng chi tiêu quốc phòng, mà không làm gia tăng mức thâm thủng. Câu trả lời, theo các dân biểu Cộng hòa, nằm ở Medicaid — chương trình bảo hiểm y tế dành cho người nghèo và người khuyết tật.
Medicaid, nhờ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng (ACA), nay đã bao gồm 71 triệu người dân Mỹ – một con số đáng kể so với 15 năm trước. Thế nhưng, sự gia tăng ấy cũng kéo theo một chi phí khổng lồ: từ 402 tỷ mỹ kim năm 2010, chương trình nay tiêu tốn tới 880 tỷ vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, phe Cộng hòa tại Quốc hội đưa ra một kế hoạch như “một viên thuốc đắng”: buộc người lãnh Medicaid từ 19 đến 64 tuổi phải đi làm, học nghề hay làm công ích tối thiểu 80 giờ mỗi tháng, trừ những ai có người phụ thuộc hay có bệnh. Mục tiêu là giảm chi tiêu y tế và thúc đẩy người dân gia nhập thị trường lao động.
Ngoài việc buộc đi làm, đối với những ai có thu nhập trên mức nghèo liên bang (khoảng 15.650 mỹ kim/năm cho một người), kế hoạch mới buộc họ phải trả co-pay lên tới 35 mỹ kim mỗi lần đi bác sĩ — một mức phí vốn từ trước tới nay rất hiếm gặp trong hệ thống Medicaid vì đối tượng thường có thu nhập thấp.
Thoạt nhìn, đây là một biện pháp hợp lý. Xét cho cùng, trong nền kinh tế thị trường, người ta vẫn tin rằng “lao động là danh dự”, và đa số công luận cũng tỏ ra đồng thuận với lập luận ấy. Nhưng kinh nghiệm quá khứ đã chứng minh rằng áp dụng một chính sách tưởng như đơn giản như vậy lại dẫn tới hậu quả không thể xem nhẹ.
Thực tế cho thấy đa số người hiện đang nhận Medicaid vốn đã đi làm hoặc có lý do chính đáng cần đến bảo hiểm này. Arkansas - tiểu bang đầu tiên thử nghiệm điều kiện đi làm dưới thời ông Trump trước đây – là một thí dụ điển hình. Hậu quả xảy đến nhanh chóng: hơn 18.000 người bị cắt bảo hiểm — phần lớn vì sai sót giấy tờ - Vô số người mất bảo hiểm chỉ vì không khai báo đúng hạn, không hiểu rõ quy định, hoặc không thể truy cập hệ thống điện tử để báo cáo giờ làm việc đều đặn với thủ tục rườm rà. Tòa án liên bang sau đó đã buộc tiểu bang phải ngưng áp dụng điều này, nhưng hậu quả vẫn còn đó: nợ y tế tăng cao, người nghèo ngần ngại mua thuốc, và tuyệt nhiên không có sự cải thiện nào trong tỷ lệ người có việc làm.
Theo ước tính sơ khởi của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), kế hoạch vừa đưa ra cuối tuần qua của chính quyền Trump có thể tiết kiệm khoảng 715 tỷ Mỹ kim trong vòng mười năm. Tuy nhiên, hệ quả là đến năm 2034, sẽ có khoảng 8,6 triệu người Mỹ mất bảo hiểm. Một sự đánh đổi không nhỏ, cả về chính trị lẫn nhân đạo.
Một số điều khoản khác cũng khiến dư luận chú ý, chẳng hạn như ngăn chặn Medicaid tài trợ cho cơ sở y tế nào có liên quan đến dịch vụ phá thai, không chi trả cho việc “chuyển đổi giới tính” ở trẻ vị thành niên, và cấm những người sở hữu nhà ở mức nhất định được xin Medicaid để vào viện dưỡng lão.
Các dân biểu cộng hòa bảo thủ cổ vũ biện pháp này, xem đó như một bước tiến lý tưởng nhằm hạn chế cái mà họ gọi là “văn hóa hưởng quyền lợi mà không trách nhiệm.” Về mặt chính trị, điều kiện đi làm có thể mở đường cho các tiểu bang bảo thủ — vốn trước đây khước từ mở rộng Medicaid — nay chấp nhận gia nhập hệ thống, nhờ có thêm một “lý cớ hợp lý” để chuyển hướng.
Phía Dân chủ gọi đây là “cuộc tấn công trực diện vào giới yếu thế”. Dân biểu Frank Pallone (New Jersey) phát biểu: “Nếu đạo luật này được thông qua, hàng triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm, bệnh viện sẽ đóng cửa, người già không tiếp cận được chăm sóc sức khỏe cần thiết, và chi phí y tế sẽ tăng vọt.”
Về tổng thể, dự luật này là sự cân bằng mong manh giữa hai thái cực: một bên là yêu cầu cắt giảm chi tiêu để cân bằng ngân sách giảm thuế, bên kia là cam kết bảo vệ người nghèo và người yếu thế. Như lời chuyên gia Julian Polaris nhận xét: “Quốc hội không dùng dao chém vào nhóm được nhận phúc lợi từ chương trình bảo hiểm Obamacare, nhưng rõ ràng đã dựng nên hàng rào thủ tục và tài chánh khiến họ khó tiếp cận bảo hiểm và dịch vụ y tế hơn bao giờ hết.”
Trong lúc cuộc tranh luận còn tiếp diễn tại Quốc hội, một điều rõ ràng: Medicaid, vốn được xem như lưới an sinh cuối cùng cho hàng chục triệu người Mỹ, đang trở thành mặt trận ý thức hệ, nơi các chọn lựa ngân sách không thể tách rời các định hướng đạo lý căn bản.
Sau cùng thì, chính quyền được dân bầu lên để làm việc cho ai, vì ai, và chính sách công, liệu chỉ là vấn đề con số của các nhà tỷ phú, hay còn là một biểu hiện của tinh thần quốc gia: “Nước Mỹ Vĩ Đại” hay không còn tùy thuộc vào cách chính quyền Trump đối xử thế nào với người dân thấp cổ bé miệng cần được giúp đỡ.
Việt Báo tổng hợp
Gửi ý kiến của bạn