Hôm nay,  

Một Lần Nhìn Lại

30/04/202520:36:00(Xem: 3562)

Năm thứ nhất sau khi VNCH bị bức tử.


Thành phố trở nên xa lạ ngay trong mắt lũ con nít. Cùng là tiếng Việt, nhưng tiếng Việt của người từ Bắc vô Nam xa lạ, từ ngữ lạ lùng với người miền Nam. Chẳng hạn "đăng ký" (dùng để chỉ việc ghi danh, ghi tên), tĩnh từ ghép "hồ hởi phấn khởi"(nghĩa là hào hứng).


Trật tự của đời sống bị đảo lộn, ngay cả một số động từ cũng bị "phe thắng cuộc" đảo ngược thứ tự, như "bảo đảm" bị gọi thành "đảm bảo". Cùng với sách báo bị đốt, bị tịch thu, chừng như người ta muốn tiêu hủy cả một nền văn hóa của miền Nam.


Quái đản nhất là đồng hồ có một ô vuông cho ngày tháng, và hai kim dài, kim ngắn được người thắng cuộc gọi là đồng hồ có "một cửa sổ và hai người lái".


Người miền Nam, nhất là lũ con nít chúng tôi, nghe tiếng Việt mà cứ như nghe ngoại ngữ, vừa nghe, vừa đoán. Rồi còn phải quen dần với những từ mới toanh như "hộ khẩu" mà người miền Nam với óc khôi hài sẵn có đã nói lái thành "hậu khổ".


Trong lúc bà Nhà Văn Dương Thu Hương (lúc đó mới 28 tuổi) ở một lề đường nào đó trong Thành phố Sài gòn "ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết, một cảm giác vô cùng hoang mang và cay đắng", vì thấy mình đã bị lừa dối: Sài gòn không hề đói rách, cơ cực, bị "Mỹ Ngụy" kìm kẹp cần được giải phóng như những câu hát đầy kích động "giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước"... thì có cả triệu người miền Nam mắt hoen lệ, hay cố nuốt nước mắt vào lòng.


Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, tiếng hát của ông Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn vang lên từ đài phát thanh Sài gòn, ông hát một ca khúc nổi tiếng của chính mình "Nối vòng tay lớn". Trong bối cảnh tan hoang, hoài nghi lúc đó, người Sài gòn tự hỏi vòng tay lớn có thực sự được nối lại không khi mà thủ đô của miền Nam cũng bị mất tên? 


blank
Sinh viên VN tại Pháp để tang cho Miền Nam Việt Nam ngày 27 tháng 4 năm 1975


***


Niên khóa 1974-1975, anh Hợp đang học lớp 12 ban Toán. Là con đầu lòng, "đầu máy xe lửa, kéo theo những toa xe lửa khác", anh hiểu đầu máy mà trật đường rầy thì những toa xe lửa theo sau cũng văng khỏi đường rầy, nên anh cố gắng học. May mà anh được thừa hưởng gen giỏi Toán từ bên ngoại, lẫy lừng nhất là ông cậu em út của Mẹ được lãnh phần thưởng danh dự toàn trường Trung học Võ Tánh từ Tổng thống, rồi đậu vào cả Quốc gia Hành chánh, Sư phạm, lẫn Phú Thọ. Cậu chọn học Phú Thọ vì giỏi Toán. Anh Hợp  biết mình chưa bằng Cậu được, nhưng suốt 12 năm đi học, anh luôn được phần thưởng. Những tờ giấy bóng kính đủ màu đỏ (cho hạng nhất),vàng (hạng nhì), và xanh (hạng ba) một cách nào đó đã tô màu cho tương lai của các học sinh được phần thưởng. Đó là thời Đệ nhị cộng hòa (1964-1975), hồ sơ xét tuyển du học cho các học sinh đậu tú tài hạng Bình (tương đương B plus ở Mỹ) chỉ có thành tích biểu của lớp 12, và một bài essay nói lên ước vọng của người dự tuyển.

Không có hồ sơ lý lịch ba đời như những năm sau tháng 4 năm 1975. Nên xuất thân từ gia đình nào không quan trọng, cứ học giỏi là đường tương lai thênh thang rộng mở. Nếu khả năng ngoại ngữ giỏi, thì học bổng toàn phần bốn năm du học nằm trong tầm tay. Thời đó, học sinh lớp mười hai, nhất là các nam sinh, có một năm cuối trung học miệt mài đèn sách. Anh cũng không ngoại lệ, tự hứa với lòng là "đầu máy xe lửa" sẽ kéo được đoàn tàu đến nơi cần phải đến.


Anh đã nhắm đến học bổng du học, hay ít nhất cũng vào được Phú Thọ (là Đại học Bách khoa sau này). Ăn Tết Ất Mão xong, anh đã lao đầu vào học hơn mười hai tiếng mỗi ngày, học với Thầy Cô ở trường, tự học ở nhà, và chịu khó đi xe lửa từ Biên Hòa vô Sài Gòn mỗi cuối tuần để luyện giọng ở Hội Việt Mỹ, ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Nhưng "mưu sự tại nhân thành sự tại thiên", chưa kịp thi Đệ nhị lục cá nguyệt (tương đương second midterm ở Mỹ), đất nước đổi chủ. Những người chủ mới xét tuyển tất cả mọi thứ dựa trên lý lịch, theo nguyên tắc "hồng thắm chuyên sâu". "Hồng" là lý lịch ba đời màu đỏ như màu cờ búa liềm, lý lịch không thuộc "thành phần cơ bản", bản thân người mới tốt nghiệp Trung học không phải là "Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản" đã khó vô Đại học. Trường hợp của anh, Ba là cựu Sĩ quan Quân lực VNCH, đang bị "học tập cải tạo dài hạn", bị chế độ mới xếp vào thành phần thứ 14 trong một xã hội có 15 thành phần thì tương lai bỗng chốc tối đen như đêm ba mươi bị mất điện  


***


Lớn hơn anh Hợp một tuổi, tháng 4 năm 1975, anh Đăng chưa xong năm thứ nhất về Cơ khí ở Phú Thọ, vận nước xoay chiều, ba anh cũng phải đi "học tập cải tạo" như  hơn ba trăm ngàn Sĩ quan QLVNCH. Là con trai đầu lòng, anh Đăng bỏ cả ước mơ, bỏ trường về quê, điền vào chỗ trống của người chủ gia đình mà ba anh bỏ lại. Anh sinh viên kính trắng của Phú Thọ bỗng chốc trở thành phụ xe, lơ xe, cũng đổi đời như gần hai chục triệu người dân miền Nam.


Chưa đến hai mươi tuổi, anh Đăng trông già như một người gần ba mươi, da sạm đen sau vài tháng hành nghề lơ xe, một công việc mà anh chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ phải làm, và làm tốt hơn nhiều người lơ xe khác. Vì anh biết cách sửa những bệnh vặt của một chiếc xe đò chuyển từ chạy bằng xăng qua chạy bằng than. Khách đi xe đò thời đó, đa số là những người đi buôn đường dài liên tỉnh, có thiện cảm với anh lơ xe dù hốc hác, đen sạm vẫn còn phảng phất nét thư sinh, rất lễ phép, nhanh nhẹn, luôn giúp đỡ họ mà không hề vòi vĩnh xin tiền tip.

Khách đi xe đò cảm thấy một chút bình yên sau cuộc đổi đời vì có những người như anh Đăng. Họ không ngạc nhiên vì sau tháng 4 năm 1975 đến giữa năm 1985, mười năm ròng rã, người dân miền Nam đã quen với hình ảnh những người làm công việc tay chân, nhưng mặt mày sáng sủa, và hành xử rất lịch thiệp. Họ cũng đã từng lên những chiếc xích lô mà người phu xe mặt mũi rất trí thức, khi ngồi chờ khách vẫn đọc những quyển Readers' Digest.


Trật tự xã hội đảo lộn đến quái dị: các ông bà cán bộ của "bên thắng cuộc" vào tiếp quản miền Nam, nhiều người viết chữ xấu, đôi khi sai lỗi chính tả căn bản, nhưng đều giống nhau ở chỗ nói những giáo điều giống nhau, giọng đều đều, ngắt câu không đúng chỗ, như một cô, cậu học trò học thuộc lòng bài học, mà không hiểu nội dung của bài học.


***


Là con đầu lòng của gia đình, đang học năm thứ ba ở Đại học Dược khoa Sài gòn, chị Thảo hiểu mình không thể tiếp tục học trình sau khi phải làm bản tự khai lý lịch để nộp cho những người lãnh đạo mới của trường. Chị khai chân thật Ba là Sĩ quan tham mưu cao cấp của Quân Khu I, Mẹ là nhân viên Ty Bưu Điện Huế. Dù bản thân không chưa hề đi làm, chị Thảo cũng bị Đoàn Thanh niên ở trường "để mắt cẩn thận". Đời sống sinh viên khác xa trước tháng 4 năm 1975, họ phải đi lao động nhiều hơn đi học. Phòng thí nghiệm đóng cửa im ỉm, không biết lúc nào mới mở lại. Đến khi Ba của Chị phải vào trại cải tạo tập trung, Mẹ chị cũng phải đi học tập cả tháng ở địa phương thì Chị Thảo quyết định bỏ học, về nhà thay cha mẹ nuôi các em.


 Căn nhà nhỏ có hoa phượng, có hoa giấy, có cây cau trong cư xá Sĩ quan nơi gia đình Chị sống hạnh phúc gần mười năm qua cũng bị chính quyền mới lấy lại. Chỉ một tuần sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền cách mạng đến từng nhà trong cư xá đọc "quyết định đuổi nhà".

Như câu nói của ông bà ngày trước "nước mất nhà tan". Nhờ một người thân cho ở nhờ trong một căn phòng nhỏ ở Sài gòn, gia đình chị Thảo bắt đầu cuộc sống đổi đời với đủ nghề để sống. Thoạt đầu, Chị làm bánh bao, bánh ít để bán. Bánh thì có ngon nhưng dạo đó chừng như không ai làm ra tiền, nên người ta ăn sáng bằng cơm nguội, hay sang hơn thì cơm chiên, nên các em chị Thảo phải ăn bánh trừ cơm.


"Bần cùng tất biến", chị Thảo theo bạn bè, những người dân miền Nam cùng cảnh ngộ, đi buôn đường dài trên những chuyến tàu Bắc Nam. Những chuyến tàu dạo đó nhếch nhác và tội nghiệp như những người thua cuộc, đầy dẫy người buôn hàng chuyến. Những chuyến tàu đầy người và đủ thứ hàng hòa, ban đêm không có đèn, lấp lánh ánh dạ quang của những cái đồng hồ đeo tay (cũng là một loại hàng hóa) như ánh ma trơi trong những đêm không trăng sao ngoài nghĩa địa. Điều duy nhất sáng trên những chuyến "tàu chợ" năm đó là khuôn mặt của những người đi buôn vì "thời thế, thế thời phải thế" (1) như chị Thảo.


Chính quyền mới lên án những người buôn bán nhỏ là thành phần không biết sản xuất, ăn bám xã hội. Xã hội nào nuôi con cái của ngụy quân, ngụy quyền??? Trong khi cha mẹ của họ là những người tù không tội. Họ bị xếp vào thành phần thứ 14 trong 15 thành phần của xã hội. Họ bị xếp loại là công dân bậc hai của xã hội, "chính quyền cách mạng" không cho họ đi học, cũng không cho đi làm (vì suy bụng ta ra bụng người, sợ bị phá hoại?).


***


Bằng tuổi chị Thảo, anh Phiến đang học năm thứ ba khoa Toán ở trường Đại học Khoa học. Ba anh nguyên là tỉnh trưởng một tỉnh miền Tây, đã tử trận trong một lần đi thị sát mặt trận bị quân miền Bắc đặt mìn trên đường đi vào những năm cuối cuộc chiến. Xác ông và hai đồng đội hòa tan cùng đất của quê hương. Các con của ông (anh em của anh Phiến) được vào học trường Quốc gia nghĩa tử, nơi nuôi dạy con của những lính tử trận. Là trưởng nam, anh Phiến hiểu mình phải học giỏi để thay Cha giúp Mẹ nuôi dạy, làm gương cho các em. Anh là một trong những học trò cưng của Giáo Sư Đặng Đình Áng


Biến cố 30 tháng tư năm 1975 làm đảo lộn mọi thứ, anh Phiến thất vọng đến độ tự kết liễu đời mình vào tháng 9 năm đó, đúng ngày sinh nhật 21 tuổi của anh. Trong nỗi đau mất con của Mẹ anh, chính quyền địa phương cho người đến nhà anh, với danh nghĩa là giúp đỡ gia đình anh trong cảnh tang gia bối rối, nhưng thật ra là để rao giảng về "đạo đức cách mạng", họ còn "kết tội" người quá cố là "chết ngu".

Trên  bàn thờ mới lập, di ảnh của anh Phiến được phóng to từ thẻ sinh viên của anh, với hai con mắt thông minh, to tròn, chừng như đang có nét buồn phiền khi thấy chính quyền địa phương vẫn không chịu để yên cho người quá cố.

Một lần nữa, gia đình anh Phiến, cùng cả xóm bất mãn, nhưng cam chịu như họ đã từng nhẫn nhục từ tháng tư.


Ngày đưa anh Phiến về lòng đất, cả xóm bùi ngùi đưa tiễn, trong ánh mắt hằn học của những người mang băng đỏ ở địa phương. Các Thầy Cô giáo ờ trường Tiểu học nơi anh theo học ngày xưa, mắt hoe đỏ nhìn qua khung cửa sổ lớp học, nhớ đến người học trò cũ thông minh, bạc mệnh của mình.


Có bao nhiêu người đã tự kết liễu đời mình sau cái chết của Việt Nam Cộng Hòa. Chắc là cả trăm người? Hay nhiều hơn nữa? Không ai biết chính xác nhưng hẳn là con số không nhỏ.


***


Tháng 4 năm 1975,  Dũng và Huân đang học lớp một. Hai thằng nhóc cùng sinh ra trong cư xá, nhà ở cạnh nhau, học cùng lớp nên rất thân nhau. Cứ tưởng là sẽ học cùng lớp ít nhất là hết bậc Tiểu học, nhưng biến cố tháng 4 năm 1975, tách rời hai đứa nhỏ vì gia đình cùng bị chính quyền mới đuổi ra khỏi cư xá. Chưa đến bảy tuổi, không hiểu nhiều về tình hình đất nước, nhưng nhìn cha mẹ, hàng xóm, người lớn ai cũng buồn, Dũng và Huân tự nhiên cùng tắt tiếng cười. Hai đứa nhỏ không hiểu điều gì đang xảy ra, nhưng cùng hiểu là cha mẹ mình đang lo lắng, Dũng và Huân đều tự lo thân, ngoan ra, không dám làm điều gì để cha mẹ phải phiền lòng. Cả hai đều cố gắng những việc nhỏ khi gia đình dọn nhà ra khỏi cư xá.


Bước vào niên khóa 1975-1976, ngôi trường Tiểu học Nguyễn Du  đã bị đổi tên thành trường cấp một Lê Văn Tám, một cái tên lạ hoắc lạ huơ  không những đối với học trò mà còn đối với người dân miền Nam. Học trò Tiểu học đến trường không chỉ để học, mà còn phải sinh hoạt trong đội thiếu nhi quàng khăn đỏ. Môn công dân giáo dục cũng "được giải phóng" khỏi chương trình học, được thay bằng môn chính trị. Con nít miền Nam, phần lớn là con của "ngụy quân, ngụy quyền" khôn ra, hiểu là cha anh mình không hề xấu như những bài học chính trị ở trường, hay ở địa phương.

Vào trường, khăn quàng đỏ đeo lên, nhưng ra khỏi trường, học trò tháo khăn ra đút túi.

Khi bị chất vấn về điều này, học trò dưới mười tuổi đã trả lời rất lễ phép, rất khôn ngoan:


- Thưa em phải giữ kỹ khăn quàng, vì nếu khăn dơ sẽ không có xà phòng để giặt.


Ít ra chính quyền cách mạng đã thành công trong việc làm cho tụi con nít khôn ra, trưởng thành hơn tuổi thật của mình.


***


Tháng 5 năm 1975 là tháng trăng mật của một số dân nghèo thành thị với chính quyền mới của bên thắng cuộc.. Một số ít người lao động nghèo chào đón các anh "giải phóng quân" đội mũ tai bèo, mặt mày ngơ ngác (vì Sài gòn và miền Nam không nghèo đói như họ được dạy) bằng chân tình. Họ tưởng đổi chế độ là đổi đời, cuộc sống mình sẽ khá hơn, tương lai sẽ tươi đẹp hơn, nhưng tháng trăng mật chấm dứt nhanh chóng. Chưa thấy đổi đời như thế nào nhưng việc buôn bán của họ ế ẩm hơn trước. Thúng xôi, xe bánh mì, rổ trái cây không còn bán được như trước, người miền Nam không còn công việc ổn định, không còn tiền để mua quà sáng. Họ ăn sáng bằng cơm nguội, hay bằng sắn, khoai tự nấu


Chưa hết, đội quản lý thị trường cũng đeo băng đỏ cũng không cho họ bán hàng rong, vận động họ đi lao động sản xuất, khai hoang ở các vùng kinh tế mới. Đâu rồi các khuôn mặt giải phóng quân, cán bộ nằm vùng thiểu não nhờ họ giấu truyền đơn, đôi khi cả vũ khí dưới đôi quang gánh của họ?


Những người này trở về xóm lao động xưa, mặt mày vênh váo, nhìn họ bằng nửa con mắt, làm mặt lạ như chưa từng gặp nhau. Có bà cụ miền Nam bộc trực, đã nói lớn giữa chợ :


- Biết vậy hồi đó cơm gạo tiếp tế cán bộ nằm vùng , tao nuôi heo còn có lợi hơn.


Người miền Nam bảo nhau họ đã “sáng mắt sáng lòng”. Như thế đó, những người dân lao động ở miền Nam nhanh chóng nhận ra "cứu vật, vật trả ơn/  cứu nhân, nhân trả oán" .

Tháng trăng mật nhanh chóng chấm dứt, chỉ còn nỗi uất ức vì đời sống khó khăn hơn nhiều. Ca dao đương thời ở miền Nam có câu


“Đả đảo Thiệu Kỳ mua gì cũng có

Hoan hô cách mạng mua cái đinh cũng xếp hàng"


***


Đậu vào lớp sáu ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần, từ xã Tân Vạn về tỉnh lỵ đi học khá xa, Chuyên được Ba mua cho một chiếc xe Mobylette Cady màu vàng nâu làm phương tiện đi học. Nửa thế kỷ trước, dân số không đông như bây giờ, đường vắng, nên Chuyên đi học bình yên. Chiếc Cady đó là "niềm mơ ước bốn mùa" của cả lớp, nên Chuyên cho các bạn cùng lớp thay phiên nhau chạy Cady trên  một con đường nhỏ gần trường vào mỗi giờ ra chơi. Cả lớp quý cả Chuyên lẫn chiếc xe.


blank


Chiếc xe gắn máy mini đó chỉ có con nhà giàu như Chuyên mới có. Chuyện giàu nghèo đối với học trò lớp bảy không phải là chuyện đáng lưu tâm. Nhưng không ngờ chỉ vài tháng sau biến cố 30 tháng 4 đó lại là chuyện lớn. Ngày 22 tháng 9 năm 1975, bên thắng cuộc cho đổi tiền: 500 đồng của miền Nam chỉ đổi được một đồng của miền Bắc. Cuộc sống dĩ nhiên là không còn như xưa. Chưa dừng ở đó, đợt "đánh tư sản mại bản" đầu tiên là một ký ức không bao giờ phai trong tâm trí những người chứng kiến. Cùng nghe/ đọc lại ký ức của một em bé mười tuổi vào năm 1975:


"Khi đó tôi lên 10 nhưng tôi nhớ rất rõ là bị đánh thức vào lúc 2 hay 3 giờ sáng gì đó… và rồi người ta đã sục sạo nhà tôi. Họ kiểm tra từng viên gạch, từng bát nhang trên bàn thờ, từng chân nến, từng khe cửa, từng bộ quần áo. Và chúng tôi ra khỏi nhà đúng nghĩa là hai bàn tay trắng.” (2)


Năm đó, Chuyên 13 tuổi, không chịu nỗi nghịch cảnh, nhìn cha mình (một ông chủ nhà máy sản xuất gạch được tiếng nhân từ) bị giải giao khỏi nhà như một tội phạm. Tiền bạc, của cải bị tịch thu, cả gia đình bị đuổi đi "vùng kinh tế mới", Chuyên uống thuốc ngủ tự tử. Lúc đó, lớp 7/1 của Chuyên cũng tan tác theo vận nước. Không đứa nào biết chuyện để đến tiễn Chuyên lần cuối, chỉ biết gửi lời cảm ơn vào hư không về chuyện chiếc Cady ngày nào, và thầm cầu nguyện cho Chuyên được thanh thoát ở một nơi không còn hận thù, không còn áp bức.


Nhiều, nhiều năm sau này, những cô bé lớp 7/1 năm xưa còn ở lại thành phố cũ, mỗi lần đi qua nhà Chuyên - đã trở thành Xí nghiệp sản xuất gạch ngói của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa từ cuối năm 1975- vẫn không hiểu tại sao Chuyên hiền lành, tốt bụng năm xưa lại vắn số như vậy!!!???



***


Giữa tháng 3 năm 1975, trong khi rút khỏi Pleiku, ba của anh Hiển, một Sĩ quan QL VNCH tử trận, thân xác ông hòa vào đất đỏ của cao nguyên. Gia đình anh Hiển chưa kịp nguôi ngoai với mất mát đó, chỉ bốn mươi lăm ngày sau, đất nước cũng không còn. Năm đó, anh Hiển học lớp 12, chuẩn bị thi tú tài. Tuổi 18 của anh không còn nhỏ nên anh hiểu rõ vị thế của gia đình mình trong xã hội mới. Nhưng tuổi 18 cũng chưa phải là người lớn để có thể vạch ra một hướng đi cho riêng mình. Nhìn quanh, ai cũng đang lo buồn tập thích nghi với xã hội mới, anh Hiển thu mình ở một góc nhà gặm nhấm tang chung của Việt Nam Cộng Hòa, tang riêng của gia đình.


Như một con đà điểu chúi đầu vào cát, anh Hiển chúi đầu vào mấy quyển Giải tích, và Hình học của lớp 12B (tài sản quý giá nhất còn sót lại của anh) giải các đề Toán, không phải để chuẩn bị thi vào Đại học như ước vọng mới mấy tháng trước, mà là để tìm quên, để quên đi thực tại. Không thể chia sẻ với ai, vì ai cũng đang ngổn ngang trăm mối, buồn bã và bế tắc lấy dần đi tinh anh, và sáng suốt của anh.

Trầm cảm như thế khoảng một năm, anh Hiển mất dần trí nhớ dù vẫn vẽ các đường tiệm cận của Parabol, Hyperbol rất đẹp, và vẫn có thể giải các phương trình Lượng giác. Buồn thay, sau khi Mẹ anh qua đời, không thể chăm sóc cho em, các anh chị của anh (ai cũng nặng nợ áo cơm với gia đình riêng) đành gửi anh Hiển vào Dưỡng trí viện Biên Hòa.

Trầm cảm vì thay đổi lớn của đất nước và gia đình trong khoảng 45 ngày, đã biến anh Hiển khỏe mạnh, tinh anh, thông minh, vui vẻ trở thành một người điên ốm yếu, xanh xao phải sống những ngày còn lại của cuộc đời trong thế giới của người mất trí…


blank



***


Những năm đầu của Xã Hội Chủ nghĩa ở miền Nam


Nhiều năm sau này, chúng tôi vẫn còn nhớ cảm giác đói triền miên vì cả một thời nhỏ dại, sau năm 75, không có gì để ăn sáng. Ăn tối  từ sáu giờ chiều hôm qua, sáng ngủ dậy ôm cặp đi học với cái bụng rỗng, nên khoảng mười giờ sáng là "trường ca bụng rỗng" cùng hòa âm từ hầu hết bạn học cùng lớp. Chúng tôi cứ đùa, ai đói nhiều nhất được cử làm nhạc trưởng. Đó cũng là cách để "cười quên đói".


Những đứa trẻ miền Nam như chúng tôi - có cha đang trong tù cải tạo, mẹ vất vả ngược xuôi nuôi chồng, nuôi con nhỏ-  khôn ra nhiều, không dám than thở sợ mẹ buồn. Ăn uống thì thiếu thốn, đời sống tinh thần cũng không có. Sách báo của con nít như báo Thiếu nhi, báo Tuổi hoa cũng bị cán bộ mang băng đỏ tịch thu, và đốt sạch.


Trong lớp thì bị cán bộ Đoàn (ở bậc Trung học) và cán bộ đội (ở bậc Tiểu học) để ý từng hành động của những học sinh có cha đang đi "học tập cải tạo". Khi một đứa trẻ dưới mười lăm tuổi phải nghe các thầy cô dạy Chính trị ra rả mỗi ngày cha của mình có "nợ máu với nhân dân" thì đứa trẻ đó không thể có tuổi thơ !!!


Các anh chị lớn hơn thì sau khi ra Bắc thăm cha trong các trại tù cải tạo ở núi rừng miền Bắc, họ hiểu là mình không còn chốn dung thân ngay trên quê hương mình. Người cha cao lớn, hiền từ, uy nghi trong quân phục ngày xưa, bây giờ trông nhếch nhác tội nghiệp trong bộ đồ tù chính trị vá chằng, vá đụp, ốm yếu, già trước tuổi.

(Vì vậy, nhiều em bé dưới mười tuổi đã thốt lên "không phải ba" như trong huyền thoại "vợ chàng Trương" năm xưa.)


Họ hoàn toàn kinh ngạc và thất vọng với lối nói chuyện ngạo mạn, thiếu văn hóa, thiếu lễ độ của các cán bộ, thanh niên ở miền Bắc, với câu nói trên đầu môi "Mày có biết Bố mày là ai không?". 

Nhất là sau khi gặp lại cha mình chỉ sau gần ba năm trong tù cải tạo, họ không thể tin ở mắt mình.


Như thế đó, chúng tôi lần lượt vượt biển ra đi, để tìm một chỗ dung thân cho mình, tìm được một nơi chốn mình có thể được học hành đàng hoàng, không bị xếp vào thành phần thứ 14 trong 15 thành phần của xã hội .

Cùng với những người tìm đường ra biển lớn, một lượng lớn chất xám Việt Nam cũng theo đại dương đến quê người.



blankblank

         Các thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 90 thế kỷ 20




 


Như "bóng câu qua cửa sổ”, 50 năm trôi qua như một giấc mơ dài, có nước mắt nhiều hơn nụ cười, có nhẫn nhục, cam chịu nhiều hơn là hạnh phúc, ước mơ.


Nhiều người trong số những thuyền nhân năm xưa (đang ở khắp mọi nơi trên thế giới tự do) chọn cách không quay lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình như câu hát "một lần đi là một lần vĩnh biệt", một số người đã gửi thân nơi quê người.


Nửa thế kỷ trôi qua, chúng tôi đã tha thứ cho những người đã chia cách gia đình chúng tôi, đã đẩy chúng tôi ra biển lớn, sống đời lưu vong. Tha thứ từ rất lâu, nhưng quên thì chắc chẳng bao giờ quên những ngày u ám năm xưa. Và cho đến bây giờ cũng chưa hề nghe thấy một lời xin lỗi chính thức với cả ngàn cựu Công chức, cựu Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chết trong các trại tù cải tạo, hay với ít nhất là 250 ngàn thuyền nhân đã gửi thân vào lòng Thái Bình dương trên đường tìm tự do.


Chưa nghe được một lời xin lỗi chính thức, hẳn là thân nhân, con cháu của những người bất hạnh luôn có một "nỗi niềm mang theo".


Nếu người ta biết đặt mình vào vị trí của người khác thì đời sống sẽ bình an và hạnh phúc hơn nhiều …


Nguyễn Trần Diệu Hương

Tháng 4 năm 2025



Footnote:


1) Vì có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thời Nhiệm như sau: “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”. Vế đối hiểm hóc ở chỗ có 5 chữ ai và có một chữ “trần” là tên đệm của Đặng Trần Thường.


Vừa nghe xong, Ngô Thời Nhiệm khảng khái đáp ngay rằng: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.” Vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ “thời” là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm.


2)https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-muoi-and-the-consequence-of-fighting-bourgeois-in-vietnam-after-1975-10042018145622.html

Ý kiến bạn đọc
08/05/202520:21:50
Khách
https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
Danh đi làm lúc 5 giờ sáng, ra về lúc 2 giờ trưa, từ sở làm đến đây khoảng 10 phút đường phi thuyền bay. Giờ này vắng khách. Những lúc khác, buôn bán khá bận rộn. Áo quần lót ở đây khắn khít thời trang, từ đồ ngủ may bằng vải lụa trong suốt, nhìn xuyên qua, cho đến hàng bằng kim loại nhẹ, mặc lên giống chiến sĩ thời xưa mang áo giáp nhưng chỉ lên giường. Hầu hết khách hàng đến đây vì Emily và Christopher. Người bàn hàng độc đáo. Họ đẹp, lịch sự, làm việc nhanh nhẹn, không lầm lỗi. Cả hai có trí nhớ phi thường. Không bao giờ quên tên khách. Nhớ tất cả món hàng của mỗi người đã mua. Nhớ luôn ngày sinh nhật và sở thích riêng. Ngoài ra, họ có thể trò chuyện với khách về mọi lãnh vực từ triết lý đến khoa học, từ chính trị đến luật pháp, từ du lịch đến nấu ăn… Khách hàng vô cùng hài lòng
Sau hơn ba mươi năm gắn bó với cuộc sống ở Mỹ, ông Hải và bà Lan quyết định về hưu và bắt đầu một chương mới của cuộc đời. Quyết định này, mặc dù bất ngờ với những người xung quanh, lại xuất phát từ một ước mơ giản dị-sống những ngày cuối đời an nhàn tại quê hương. Hai ông bà đã dành dụm được một khoản lương hưu kha khá, cộng thêm số tiền đầu tư từ kế hoạch lương hưu 401k, đủ để họ cảm thấy có thể an tâm sống thoải mái ở Việt Nam.
Mẹ chị vừa bước qua tuổi 90, cụ đã bắt đầu lẫn, không tự săn sóc mình và không dùng máy móc được nữa. Bố chị mới mất cách đây hai năm và Mẹ chị xuống tinh thần rất nhanh sau khi Bố mất. Bắt đầu là buồn bã, bỏ ăn, thiếu ngủ, sau đi tới trầm cảm. Chị đi làm bán thời gian, giờ còn lại cả ngày chạy xe ngoài đường đưa đón mấy đứa nhỏ, hết trường lớp thì sinh hoạt sau giờ học. Chị không thể luôn ở bên Mẹ. Chị tìm được nhà già cho Mẹ rất gần trường học của con, lại gần nhà nữa, nên ngày nào cũng ghé Mẹ được, Mẹ chị chỉ cần trông thấy chị là cụ yên lòng.
Má ơi! Thế giới vô thường, thay đổi và biến hoại trong từng phút giây nhưng lòng con thương má thì không biến hoại, không thay đổi, không suy hao. Nguyện cầu ngày đêm cho má, hướng phước lành đến cho má. Cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh tăng ba đời mười phương gia hộ má vượt qua đau bệnh để sống an lạc trong những ngày tháng tuổi già bóng xế.
Truyện đầu tiên kể nơi đây là kể về một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca. Khi đó, ngài được gọi là một vị Bồ Tát. Ngày xưa rất là xưa, có hai người thợ săn, là hai vị thủ lĩnh của hai ngôi làng gần nhau. Hai vị trưởng làng đã lập một giao ước rằng nếu con của họ tình cờ khác giới tính, họ sẽ sắp xếp cho hai đứa con này kết hôn với nhau. Đó là một thời phần lớn hôn nhân là do sắp xếp của ba mẹ. Một vị trưởng làng có một cậu con trai được đặt tên là Dukūlakumāra, vì cậu bé được sinh ra trong một tấm vải bọc đẹp; vị trưởng làng kia có một cô con gái tên là Pārikā, vì cô bé được sinh ra ở bên kia con sông. Khi chàng trai và cô gái lớn lên, cha mẹ hai bên đã kết hôn cho hai người con này. Tuy nhiên, chàng trai Dukūlakumāra và cô gái Pārikā đã có nhiều kiếp tu, cùng giữ hạnh trong sạch, cho nên cô dâu và chú rể cùng cam kết bí mật với nhau rằng hai người sẽ ở chung nhà như vợ chồng, sẽ yêu thương nhau như vợ chồng nhưng sẽ không làm mất hạnh trong sạch của nhau.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.