Hôm nay,  

Cúm Mùa Và Cúm Gia Cầm: Hiểu Đúng Để Biết Cách Phòng Ngừa

18/04/202500:00:00(Xem: 1301)

cum mua
Cúm là một bệnh nhiễm siêu vi trùng phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các biến chứng và sự xuất hiện của các chủng mới như cúm gia cầm. Hiểu rõ về cách lây lan, triệu chứng, các nhóm nguy cơ và biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là chích ngừa cúm hàng năm, là chìa khóa để bảo vệ bản thân và cộng đồng. (Nguồn: pixabay.com)

Mỗi khi giao mùa, “cúm” lại trở thành một chủ đề quen thuộc. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về căn bệnh phổ biến này, cũng như những biến thể nguy hiểm như cúm gia cầm? Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện, từ những kiến thức cơ bản đến những thông tin chuyên sâu, giúp quý độc giả phân biệt, phòng ngừa và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo quan trọng.
 
Cúm là gì?
 
Cúm là một bệnh do các chủng siêu vi trùng cúm (Influenza siêu vi trùng) gây ra, rất dễ lây từ người này sang người khác. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đường hô hấp, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa cúm và cảm lạnh thông thường, bởi cả hai đều do siêu vi trùng gây ra và có một số triệu chứng ban đầu tương tự.
 
Tuy nhiên, có một sự khác biệt cơ bản: triệu chứng cúm thường dữ dội hơn nhiều và khởi phát nhanh hơn, và trong các trường hợp bệnh trở nặng, có thể phải vào bệnh viện hoặc thậm chí là tử vong.
 
Hiện có bốn loại siêu vi trùng cúm: A, B, C và D. Trong đó, cúm A và cúm B là hai loại nguy hiểm nhất đối với con người, là nguyên nhân chính gây ra các đợt dịch cúm mùa hàng năm. Ở khu vực Bắc Bán Cầu, mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 5, và cao điểm mùa cúm thường rơi vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 2.
 
Cúm C có thể lây sang người nhưng chỉ gây bệnh nhẹ và không gây ra dịch. Cúm D thì chỉ ảnh hưởng đến gia súc, chưa từng ghi nhận ca bệnh ở người.
 
Cúm lây qua các hạt chứa siêu vi trùng được phát tán trong không khí khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, hoặc thông qua nước miếng khi dùng chung muỗng, đũa, ly chén…hoặc có tiếp xúc gần gũi như hôn.
 
Mỗi năm, ước tính có khoảng 1 tỷ người bị cúm mùa, và con số tử vong do các vấn đề hô hấp liên quan đến cúm dao động từ 290,000 đến 650,000 người. Tại Hoa Kỳ, một mùa cúm thông thường có thể khiến khoảng 200,000 người phải vào bệnh viện và gây ra khoảng 36,000 ca tử vong, dù những con số này có thể thay đổi theo từng năm.
 
Chích ngừa cúm mùa hàng năm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, được khuyến nghị cho hầu hết mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên (trừ một số ít trường hợp đặc biệt). Ngoài ra còn có các biện pháp vệ sinh cá nhân đơn giản nhưng hiệu quả, bao gồm rửa tay thường xuyên; tránh tiếp xúc gần gũi với người đang có triệu chứng cúm; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt trong mùa dịch cúm.
 
Các triệu chứng của bệnh cúm
 
Mặc dù cúm chủ yếu là bệnh về đường hô hấp, nhưng các triệu chứng lại ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Sốt là dấu hiệu thường gặp nhất, thường kéo dài từ ba đến bốn ngày. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau họng, ho, cảm giác tức ngực khó thở, nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Cúm cũng thường làm người ta đau nhức toàn thân và cảm giác mệt lả đến kiệt sức. Trong một số trường hợp, nhất là ở trẻ em, cúm có thể gây nôn mửa hoặc tiêu chảy.
 
Triệu chứng cúm biểu hiện khác nhau ở từng người. Có người chỉ bị nhẹ như cảm lạnh thông thường, nhưng cũng có người bị rất nặng. Trong vài trường hợp, cúm có thể biến chứng thành viêm phổi (pneumonia), tức là bị nhiễm trùng phổi nặng, cần được đưa vào bệnh viện để điều trị. Ngoài ra, cúm còn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, nên những người đã có sẵn các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, hen suyễn, bệnh phổi lâu năm, bệnh tim mạch, các bệnh về máu hoặc về gan, thận... sẽ càng dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm cúm.
 
Một số nhóm người có nguy cơ cao bị bệnh nặng và biến chứng nguy hiểm hơn, bao gồm phụ nữ mang thai, người từ 65 tuổi trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi). Ngoài ra, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, do mắc bệnh hoặc đang điều trị bằng các phương pháp như hóa trị, cũng đối mặt với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
 
Cúm khác cảm lạnh ra sao?
 
Cảm lạnh và cúm đều là những bệnh phổ biến và dễ lây lan. Nhưng những điểm khác biệt lớn nhất nằm ở nguyên nhân gây bệnh, tốc độ khởi phát bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian hồi phục.
 
Cảm lạnh do hơn 200 loại siêu vi trùng khác nhau gây ra, bao gồm rhinovi-rút, adenovi-rútcoronavi-rút (nhóm bao gồm cả chủng gây COVID-19). Triệu chứng thường xuất hiện từ 1 - 3 ngày sau khi bị nhiễm, và ban đầu khá nhẹ. Bệnh nhân thường thấy ngứa rát cổ họng, hắt hơi liên tục, kèm theo nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Các triệu chứng này thường trở nên rõ rệt hơn vào khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Đôi khi có thể kèm theo nhức đầu hoặc sốt, nhưng những dấu hiệu này hiếm gặp.
 
Trung bình, một đợt cảm lạnh kéo dài từ tám đến mười ngày và thường sẽ tự khỏi. Một số loại thuốc không kê toa có thể làm giảm bớt triệu chứng và giúp người bệnh thấy dễ chịu hơn.
 
Ngược lại, cúm thường đến bất ngờ và dữ dội hơn so với cảm lạnh. Ngay từ đầu, bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ớn lạnh, đau đầu như búa bổ, thân thể rã rời và kiệt sức. Nếu không chú ý, cúm có thể gây biến chứng nghiêm trọng và làm cho những bệnh sẵn có như hen suyễn, tim mạch hoặc tiểu đường trở nặng.
 
Hiện chưa có thuốc phòng ngừa hoặc điều trị dành cho cảm lạnh. Trong khi đó, chúng ta có thể phòng ngừa cúm bằng cách chích ngừa hàng năm; và nếu phát hiện sớm (trong vòng 48 giờ sau khi có triệu chứng), có thể dùng oseltamivir, thường được biết đến với tên Tamiflu.
 
Cúm kéo dài bao lâu và có thể gây biến chứng gì?
 
Thời gian ủ bệnh của cúm khá ngắn, thường từ 1 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi trùng. Các triệu chứng sau đó phát triển nhanh chóng và có thể kéo dài từ vài ngày đến gần hai tuần. Nếu đã được chích ngừa đầy đủ và dùng thuốc điều trị siêu vi trùng như Tamiflu trong vòng 48 giờ đầu, thời gian mắc bệnh có thể rút ngắn đáng kể.
 
Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi có thể còn dai dẳng hơn ngay cả khi các triệu chứng khác đã thuyên giảm.
 
Đối với hầu hết mọi người, bị cúm tuy khó chịu nhưng không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu có biến chứng, thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn. Một vài biến chứng ở mức độ trung bình, chẳng hạn như bị nhiễm trùng tai hoặc viêm xoang.
 
Một số biến chứng khác nghiêm trọng hơn, thí dụ như viêm phổi do siêu vi trùng hoặc vi khuẩn. Tình trạng này xảy ra khi các túi khí nhỏ trong phổi (phế nang, tiếng Anh là alveoli) bị viêm, chứa đầy dịch, gây khó thở và suy giảm chức năng hô hấp. Quá trình hồi phục có thể kéo dài từ một tháng trở lên.
 
Bên cạnh đó, cúm cũng có thể gây ra nhiễm trùng trong máu (sepsis). Lúc này, cơ thể không còn kiểm soát được phản ứng miễn dịch, tình trạng viêm không những không chống được siêu vi trùng mà còn tấn công chính các mô và cơ quan nội tạng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
 
Cúm A, cúm B, và hiểm họa từ cúm gia cầm (cúm gà)
 
Một trong những khác biệt đáng chú ý giữa cúm A (influenza A) và cúm B (influenza B) là: cúm A có thể lây từ động vật sang người, trong khi cúm B chỉ lây truyền giữa người với người.
 
Cúm gia cầm (avian influenza), hay cúm gà, là một dạng cúm A có nguồn gốc từ các loài chim và gia cầm. Cả siêu vi trùng cúm gây bệnh ở người và gia cầm đều được phân loại dựa trên hai loại protein trên bề mặt: hemagglutinin (H) và neuraminidase (N).
 
Hầu hết các chủng cúm A đều lưu hành trong quần thể chim, ngoại trừ hai chủng hiếm gặp là H17N10 và H18N11 chỉ phát hiện ở loài dơi. Một số chủng cúm A từ chim như H5, H6, H7, H9 và H10, thỉnh thoảng có thể lây sang người.
 
Cúm gia cầm lây lan giữa các loài chim qua nước bọt hoặc phân của con vật bị nhiễm bệnh. Không phải chủng vi-rút nào cũng nguy hiểm; một số chỉ khiến gia cầm bị bệnh nhẹ, nhưng cũng có chủng khiến cả đàn chết trong thời gian ngắn. Những dấu hiệu dễ thấy ở con vật nhiễm bệnh bao gồm ho, hắt hơi, sưng tấy ở nhiều vị trí trên cơ thể, hoặc trở nên lảo đảo, uể oải. Tuy nhiên, cũng có nhiều con vẫn bay nhảy bình thường nhưng lại âm thầm phát tán vi-rút lây cho cả bầy.
 
Khi lây sang người, cúm gia cầm có thể gây ra những triệu chứng giống như cúm mùa, từ nhẹ như cảm xoàng đến nặng, có thể đe dọa đến tính mạng. Một số người bệnh còn gặp triệu chứng đỏ mắt (conjunctivitis), rát mắt.
 
Đáng lưu ý, một số chủng cúm gia cầm đã được phát hiện là có thể lây sang gia súc, và thậm chí có thể lây sang người nếu uống sữa tươi chưa qua tiệt trùng từ những con bò bị nhiễm bệnh.
 
Từ trước đến nay, dù từng có những báo cáo cho thấy cúm gia cầm có thể lây từ người này sang người khác, nhưng rất hiếm, chỉ giới hạn trong vài ca lẻ tẻ, thường là một hoặc hai người. Nhưng gần đây, các khoa học gia đang lo ngại vi-rút có thể biến đổi, thích nghi tốt hơn để lây lan dễ dàng từ người sang người, làm tăng nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm toàn cầu. (VB dịch)
 
Nguồn: “Flu: Facts about seasonal influenza and bird flu” được đăng trên trang Livescience.com.
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày nay, ung thư đại tràng (hay còn gọi là ung thư ruột già) không còn là căn bệnh của tuổi già nữa. Cứ 5 người được chẩn đoán thì có 1 người chưa đến 54 tuổi, đánh dấu mức tăng 11% trong nhóm tuổi này trong vòng hai thập niên qua. Tại sao căn bệnh này lại bùng phát sớm như vậy? Câu hỏi này đã làm đau đầu không ít bác sĩ và khoa học gia. Sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm, giới chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ colibactin, một loại độc chất do vi khuẩn E. coli và một số vi khuẩn khác sản sinh, có thể phá hủy DNA. Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã xác định mối liên quan rõ ràng giữa việc tiếp xúc với colibactin từ thuở nhỏ và nguy cơ mắc ung thư đại tràng ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Tuổi vị thành niên vốn đã là giai đoạn không dễ dàng, nhưng thanh thiếu niên ngày nay lại đang gặp phải những rắc rối về sức khỏe mà chưa thế hệ nào từng trải qua. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Y khoa The Lancet, hơn một tỷ người trong độ tuổi từ 10 đến 24 (tương đương ít nhất một nửa tổng số thanh thiếu niên trên toàn thế giới) có nguy cơ gặp hậu quả sức khỏe nghiêm trọng vào năm 2030. Béo phì tăng nhanh, các vấn đề về tâm thần ngày càng trầm trọng, công nghệ kỹ thuật số xâm nhập sâu vào đời sống, biến đổi khí hậu – tất cả đang cùng tạo thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe đối với giới trẻ.
Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo từ lâu rằng virus COVID-19 vẫn chưa biến mất. Giờ đây, SARS-CoV-2 lại tiếp tục biến đổi thành một biến thể mới có tên NB.1.8.1, hiện đang bùng phát các ca lây nhiễm tại Trung Quốc. Một số trường hợp cũng vừa xuất hiện ở Hoa Kỳ, theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa biến thể này vào danh sách “biến thể đang được theo dõi”.
Năm 2024, Nhà xuất bản Đại học Oxford đã chính thức công bố “brain rot” (xin tạm dịch là “mục não,” hoặc hiểu nôm na là tình trạng đầu óc mụ mị, trí tuệ suy giảm) là “Từ của Năm” (Word of the Year). Thuật ngữ này có lẽ không quá quen thuộc với những ai ít tiếp xúc với văn hóa mạng Internet (thí dụ: với nhiều người, Ohio chỉ đơn thuần là một tiểu bang miền Trung Tây, và “mewwing” là tiếng kêu của mèo). Tuy nhiên, đối với thế hệ Z (Gen Z) và Alpha (Gen Alpha) – những người đã tiếp nhận và phổ biến “kho từ vựng” đặc trưng của ngôn ngữ kỹ thuật số thời hiện đại – “mục não” lại là một cụm từ quen thuộc, thậm chí gắn liền với đời sống mạng hàng ngày. Và dù có thể chưa biết tới từ này, nhưng rất có thể quý vị đã từng cảm nhận được những ảnh hưởng mà nó mô tả.
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính nguy hiểm, có thể làm tăng nguy cơ bị mù lòa, suy thận, các bệnh tim mạch và nhiều biến chứng khác. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tiểu đường không phải là một căn bệnh mà chúng ta phải cam chịu suốt đời. Hiện tại, có khoảng 1/10 dân số Hoa Kỳ và hơn 830 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường, trong đó 91% mắc tiểu đường loại 2, một dạng bệnh thường phát triển khi trưởng thành, không giống như tiểu đường loại 1 (xuất hiện từ nhỏ do hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin).
Chụp X quang bằng máy vi tính (CT scan) là một công nghệ thiết yếu trong nền y học hiện đại. Được sử dụng tại hầu hết các bệnh viện và phòng khám trên khắp Hoa Kỳ, phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát bên trong cơ thể một cách nhanh chóng và chi tiết – giúp chẩn đoán nhiều loại bịnh, từ ung thư, tai biến đến các chấn thương cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cảnh báo rằng việc ngày càng lệ thuộc vào công nghệ này có thể âm thầm kèm theo hậu quả khôn lường.
Situs inversus (phủ tạng ngược chỗ) là một căn bệnh di truyền hiếm gặp, trong đó các cơ quan trong lồng ngực và ổ bụng nằm ở vị trí ngược bên. Thay vì gan nằm ở bên phải và lá lách ở bên trái như thông thường, thì ở người bị phủ tạng ngược chỗ các cơ quan này sẽ “đổi chỗ” với nhau.
Từ lâu, các bậc cha mẹ đã biết rằng ăn quá nhiều đồ ngọt có thể gây hại cho sức khỏe của con trẻ. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của đường sâu rộng và nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ. Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Science chỉ ra rằng tác động tiêu cực của đường không chỉ dừng lại ở thời thơ ấu mà còn kéo dài đến cả khi trưởng thành. Những người tiêu thụ nhiều đường bổ sung từ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường type 2 cao hơn khi lớn lên.
Số ca mắc bệnh sởi đang tăng vọt tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, các nước Nam Mỹ và một phần Âu Châu. Trong năm 2025, số ca bệnh tại Bắc và Nam Mỹ cao gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Âu Châu, tình hình cũng rất đáng lo ngại khi tỷ lệ mắc sởi đã chạm mức cao nhất trong suốt 25 năm qua.
Ung thư tuyến tụy là một trong những dạng ung thư nguy hiểm nhất hiện nay, do thường được phát hiện muộn và ít đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Tuy nhiên, một phát hiện mới từ các nhà nghiên cứu Thụy Điển có thể mở ra hướng đi đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.