
Sau nhiều năm được kiểm soát, bệnh sởi đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Trong vài thập niên tới, hàng triệu trẻ em có thể trở thành nạn nhân nếu chúng ta không khôi phục niềm tin vào vắc-xin. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Số ca mắc bệnh sởi đang tăng vọt tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, các nước Nam Mỹ và một phần Âu Châu. Trong năm 2025, số ca bệnh tại Bắc và Nam Mỹ cao gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Âu Châu, tình hình cũng rất đáng lo ngại khi tỷ lệ mắc sởi đã chạm mức cao nhất trong suốt 25 năm qua.
Riêng ở Hoa Kỳ, tính đến ngày 2 tháng 5 năm 2025, đã có 935 ca mắc bệnh sởi tại 30 tiểu bang, tăng vọt so với 285 ca của năm 2024. Canada cũng không nằm ngoài làn sóng này, khi số ca bệnh đã vượt ngưỡng 1,000.
Trang The Conversation đã trao đổi với bác sĩ Rebecca Schein, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, để hiểu rõ hơn về mối nguy hại từ một căn bệnh từng được Hoa Kỳ tuyên bố loại trừ cách đây 25 năm.
Tình hình hiện nay nghiêm trọng đến mức nào?
Từ năm 2000 đến 2010, mỗi năm Hoa Kỳ có chưa tới 100 ca bệnh sởi. Nhưng từ 2010, mọi chuyện bắt đầu thay đổi: bệnh sởi quay lại trong các cộng đồng chưa chủng ngừa, mỗi năm có từ 200 đến 300 ca. Đợt nghiêm trọng nhất là năm 2019, với hơn 1,200 trường hợp, hầu hết ở New York và New Jersey.
Khi COVID-19 bùng phát trong giai đoạn năm 2020 đến 2023, các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc đã khiến số ca sởi giảm hẳn. Nhưng đến năm 2024, tình hình bệnh sởi đã nhanh chóng quay trở lại mức trước đại dịch.
Hiện tại (trong năm 2025), phần lớn các ca bệnh sởi ở Hoa Kỳ xuất phát từ một đợt dịch lớn đang lan rộng ở Texas. Tính đến ngày 6 tháng 5, tiểu bang đã có 702 ca; 91 người phải vào bệnh viện và ba người đã tử vong, trong đó có hai trẻ em. Các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục xuất hiện, và Texas hiện là một trong 12 ổ dịch sởi được ghi nhận tại Hoa Kỳ kể từ đầu năm đến nay.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cảnh báo rằng cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ đang nằm trong nhóm nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi. Tính đến ngày 19 tháng 4, Canada ghi nhận 1,177 ca bệnh sởi, trong đó 951 trường hợp liên quan đến một ổ dịch bùng phát ở New Brunswick hồi tháng 10 năm 2024, sau đó lan rộng ra bảy tỉnh khác. Trong khi đó, năm 2023, toàn Canada chỉ có 12 ca.
Còn ở Mexico, tính đến ngày 18 tháng 4 đã có 421 ca được xác nhận là mắc sởi, cùng 384 trường hợp nghi ngờ đang chờ theo dõi. Ở khu vực Nam Mỹ, tình hình tuy không nghiêm trọng bằng nhưng vẫn đang có một số đợt dịch nhỏ. Belize ghi nhận hai trường hợp đầu tiên kể từ năm 1991, còn Brazil có 5 ca và Argentina ghi nhận 21 ca, phần lớn tập trung ở Buenos Aires.
Tại Âu Châu, CDC Âu Châu cho biết số ca bệnh sởi trong năm 2024 đã tăng lên 35,212, gấp mười lần so với năm trước đó.
Làm sao mà Hoa Kỳ từng xóa sổ được bệnh sởi?
Sởi là một trong những căn bệnh dễ lây lan nhất từng được biết đến. Chỉ cần một người mắc bệnh là có thể lây sang cho từ 12 đến 18 người khác. Trong khi đó, mức lây lan (R0) của cúm mùa chỉ từ 1 đến 4, còn COVID-19 là từ 2 đến 5.
Từ năm 1912, bệnh sởi đã được xếp vào nhóm các bệnh bắt buộc báo cáo ở cấp quốc gia tại Mỹ. Khi đó, mỗi năm có tới 3 đến 4 triệu người bị bệnh, và khoảng 6,000 người chết. Dù ngành y tế ngày càng tiến bộ, giảm bớt số người tử vong, nhưng cứ cách hai ba năm, bệnh lại bùng phát dữ dội như một cơn sóng ngầm khó kiểm soát.
Phải đến năm 1963, khi vắc-xin sởi đầu tiên được đưa vào sử dụng rộng rãi, số ca mắc bệnh mới giảm mạnh. Vắc-xin hiện nay được gọi là MMR (vì kết hợp phòng bệnh sởi, quai bị và rubella) ra mắt vào năm 1971.
Năm 1977, Hoa Kỳ triển khai chương trình Chủng ngừa Trẻ em Toàn quốc (National Childhood Immunization Initiative), nhằm đảm bảo tất cả trẻ em đến trường đều được chích ngừa đầy đủ các bệnh: bại liệt (polio), bạch hầu (diphtheria), ho gà (pertussis), uốn ván (tetanus), quai bị (mumps), rubella và sởi. Nhờ vậy, đến năm 1981, tỷ lệ trẻ tiểu học được tiêm chủng đạt tới 96%.
Đến 1993, chương trình Vắc-xin cho Trẻ em (Vaccines for Children) ra đời, giúp mọi trẻ nhỏ – dù giàu hay nghèo – đều được chủng ngừa miễn phí. Các chương trình này thật sự thành công: đến năm 2000, CDC tuyên bố không còn ca bệnh sởi nào ở Hoa Kỳ, chính thức xóa tên bệnh sởi khỏi bản đồ y tế quốc gia.
Tại sao số ca bệnh sởi tăng lại đáng lo ngại?
Sởi là bệnh do siêu vi trùng gây ra, giống như cảm cúm. Tuy nhiên, không giống như các loại bệnh khác có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, bệnh sởi không có thuốc đặc trị. Cách tốt nhất để phòng bệnh là chích ngừa.
Chích vắc-xin vào giúp cơ thể sinh ra kháng thể. Với bệnh sởi, một liều vắc-xin thường đã đủ để tạo miễn dịch, thêm liều thứ hai thì tăng thêm hiệu quả, bảo vệ lâu dài hơn. Tuy nhiên, vì mức độ lây lan cao, cần tới 95% dân số được chủng ngừa để đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng.
Trong hai thập niên gần đây, tỷ lệ tiêm phòng trên toàn giới lại có chiều hướng giảm, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, mọi người không thể đến bệnh viện, trẻ em bị chậm trễ lịch chủng ngừa. Tại Hoa Kỳ, số ca bệnh sởi đang tăng trở lại, và các chuyên gia lo lắng căn bệnh này có thể quay trở lại lưu hành một lần nữa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu sởi trở thành bệnh lưu hành?
Trong lĩnh vực y tế công cộng, từ “lưu hành” (endemic) được dùng để chỉ các căn bệnh luôn tồn tại ở một khu vực, không hề biến mất hoàn toàn. Thí dụ như cảm lạnh và COVID-19, là những bệnh lưu hành tại Hoa Kỳ.
Khi số người mắc bệnh trong một khu vực vượt quá mức bình thường, tình trạng này được gọi là bùng phát dịch (outbreak). Riêng đối với bệnh sởi, chỉ cần có trên ba ca nhiễm trong cùng một quận hoặc khu dân cư, là đã đủ để xác định đang có đợt bùng phát.
Tại Texas, đợt bùng phát sởi xảy ra vào đầu tháng 1 năm 2025 tại 6 quận, nhưng nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát. Tính đến ngày 6 tháng 5, dịch bệnh đã lan sang 29 quận với 702 ca nhiễm.
Theo một nghiên cứu năm 2022, mô hình thuật toán máy tính đã dự báo rằng nếu trẻ em bỏ lỡ tiêm phòng trong đại dịch không được tiêm bù, và khuynh hướng do dự không chịu chích vắc-xin vẫn kéo dài, thì trong vòng 5 năm tới, khoảng 21% trẻ em Hoa Kỳ (tương đương 15 triệu em nhỏ) sẽ dễ mắc bệnh sởi. Và lúc đó, mức miễn dịch cộng đồng không đủ để ngăn chặn dịch bệnh.
Một nghiên cứu khác công bố tháng 4 năm 2025 cũng chỉ ra: nếu tỷ lệ tiêm phòng giữ nguyên như hiện nay, Hoa Kỳ có thể sẽ có 850,000 ca bệnh sởi trong 25 năm tới. Và nếu tỷ lệ này còn giảm thêm, con số có thể tăng vọt lên 11 triệu ca.
Làm gì để ngăn chặn khuynh hướng này?
Muốn chặn đứng đà lây lan của bệnh sởi, điều đầu tiên cần làm là tăng dần tỷ lệ chủng ngừa trong cộng đồng. Theo nghiên cứu tháng 4, tăng tỷ lệ chủng ngừa cộng đồng thêm 5%, thì tổng số ca mắc bệnh sởi trong vòng 25 năm tới có thể nằm trong khoảng từ 3,000 đến 19,000 ca.
Ngoài ra, nếu có thể hành động sớm ngay từ lúc dịch bệnh mới chớm bùng phát, cùng với sự phối hợp từ các cơ quan y tế địa phương, thì vẫn có thể kiểm soát được bệnh sởi – miễn là ít nhất 85% người dân đã tiêm phòng.
Tuy nhiên, tất cả điều này chỉ hiệu quả nếu trẻ em tiếp tục được chích ngừa miễn phí và mọi người lấy lại niềm tin vào vắc-xin sởi.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Measles could again become widespread as cases surge worldwide” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn