Hôm nay,  

Bùi Vĩnh Phúc Ra Mắt Sách: 9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương

26/04/202410:37:00(Xem: 1423)

blank

  

Bùi Vĩnh Phúc Ra Mắt Sách:

9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương
   

Quận Cam (VB/PTH) --- Buổi ra mắt sách của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc hôm Chủ Nhật 21/4/2024 tại Nhà sách Tự Lực cũng là một cơ duyên để nhiều bạn văn gặp nhau, trong một thời đại thống trị của văn học Internet, khi không còn bao nhiêu sách giấy được xuất bản, và cũng không còn bao nhiêu buổi ra mắt sách giấy ngay giữa Quận Cam, California.
 

Một phần nữa, chúng ta hãy thử hình dung sự lôi cuốn của sự kiện này: tuyển tập phê bình văn học “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những gì được tác giả chọn lại, gạn lọc từ 30 năm đọc, suy nghĩ và viết phê bình. Hiển nhiên, đó không phải là những trang giấy hời hợt, không phải là những dòng chữ viết giữa những chén rượu thù tạc. Chữ của Bùi Vĩnh Phúc là của những đêm dài đọc và viết. Đó là lý do nhiều bạn văn tới gặp để nghe, để nói và để chúc mừng sách mới. Số người tham dự khoảng 50 hay 60 người. Như thế cũng là đủ ấm cho không gian của Nhà sách Tự Lực.
 

Trong những người cầm bút, họa sĩ, nghệ sĩ… tham dự buổi ra mắt sách có Đỗ Quý Toàn, Thành Tôn, Trần Huy Bích. Trần Chân Trí, Quyên Di, Đặng Thơ Thơ, Ngự Thuyết, Hòa Bình, họa sĩ Pauline Đàm, Trịnh Thanh Thủy, Trịnh Y Thư, Đinh Quang Anh Thái, Trúc Chi, Ngự Thuyết, Lý Kiến Trúc, Nguyễn Hoàng Nam, ca sĩ Thu Vàng, ca sĩ Thùy Hạnh, Vũ Hoàng Thư, Trúc Chi, Diệu Chi (bà quả phụ Nguyễn Mộng Giác), Hồ Như, Lê Lạc Giao, Phan Tấn Hải.

Người MC là Đinh Quang Anh Thái, giới thiệu người nói chuyện đầu tiên là nhà báo Mai Tuấn, đại diện Nhà sách Tự Lực, gửi lời đón mừng quan khách. Mai Tuấn thay mặt tất cả những người trong nhà sách nói lên lời rất là vui mừng: Nhà sách Tự Lực trên dưới 40 năm vẫn còn đây.
 

Tiếp theo, nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư (TYT), cũng Giám đốc NXB Văn Học Press, nơi ấn hành tác phẩm của Bùi Vĩnh Phúc, và hiện là Chủ Bút Việt Báo (vietbao.com), nói rằng trong sách này, Bùi Vĩnh Phúc giữ vai trò phê bình, nhưng cũng viết đầy chất thơ. TYT nói rằng hiếm thấy nhà phê bình văn học, bởi vì người phê bình cần hiểu biết về triết học, mỹ học… TYT nhắc lời nhà văn Võ Phiến rằng văn học Nam VN 1954-1975 không có phê bình. TYT nói rằng sau 1975, văn học Miền Nam cũng ra nước ngoài, và “chúng ta hãnh diện có nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, lý luận nghiêm túc.” TYT nói rằng sách này được BVP viết từ 30 hay 40 năm về trước, nghĩa là khi anh Phúc còn trẻ lắm.
 

MC Đinh Quang Anh Thái (ĐQAT) kể rằng khi phỏng vấn BVP trên truyền hình thì được BVP nói rằng anh viết cuốn này mất 30 năm. Tiểu sử được cho thấy BVP làm thơ, viết văn từ rất sớm, ra hải ngoại tốt nghiệp ngành ngữ học, đã dạy ngôn ngữ tại Goldenwest College và CSU Fullerton cho tới khi về hưu, đã ấn hành nhiều tác phẩm văn, thơ và phê bình.

  

Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã nói như sau:

“Trước hết, chúng tôi xin cám ơn tất cả quý vị quan khách, các bạn văn, và các diễn giả có mặt hôm nay, cũng như nhà sách Tự Lực, đã tạo điều kiện và cho phép chúng tôi có cuộc gặp gỡ ấm cúng và thân mật với tất cả quý vị.

Cuốn sách này viết về một số nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng mà đa số chúng ta đã được quen biết với chữ nghĩa và đóng góp của họ đối với văn học dân tộc. Tất cả những vị này đều xuất phát từ nền văn học miền Nam VN, nhưng họ, những con người này, là tập hợp của những gốc miền, những tiếng nói và giọng điệu khác nhau, từ cả ba miền Nam Trung Bắc. Tôi chỉ ước mong, với 9 khuôn mặt, 9 phong khí được nhắc đến, cuốn sách có thể làm ánh lên đâu đó cái đẹp, cái rực, cái mềm mại, cái cương ngạnh, cái bay lượn, và cái phong nhiêu, sinh động của cả một vùng trời đất, cỏ hoa, một vùng văn hoá.

Trong Lời Vào Sách của cuốn sách mà chúng ta có hôm nay, tôi đã có dịp được viết:  “Khởi đi và được nuôi dưỡng trong hai mươi năm chiến tranh (1954-1975) trên đất đai, thổ ngơi nước Việt, rồi tiếp tục bừng nở, mang trong trái tim và lồng ngực mình tiếng đập và hơi thở của thời đại, cùng với mùi hương cuộc đời trên những hành trình lữ thứ, trong nội tâm hay ngoài Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ Việt được giới thiệu ở đây đã tiếp tục làm lớn mạnh tiếng nói và tâm hồn dân tộc […] Rồi, mở rộng ra, họ đã hoà lưu vào những thuỷ lưu lớn của thời đại, của thế giới, của văn chương con người.”

“Đời sống văn học, cũng như tâm hồn con người—đặc biệt, ở đây, tâm hồn người đọc—  […] là một thế giới kỳ diệu, đặc thù, và đầy ánh sắc, gam mầu, đầy hợp âm, xao động.  Tôi mong cuốn sách này […] có thể cho người đọc thấy được, ở những giác độ nào đó, cái khuôn mặt, cái phong cách và khí chất của những con người cầm bút được nhắc đến. Tôi mong, qua họ, người đọc có thể thấy hay cảm nhận được cái sức sống đẹp tươi và đầy màu sắc của một vùng trời đất hoa cỏ quê hương, nói riêng, và của cõi sống văn chương con người, nói chung.  Cái cõi sống ấy, người viết và người đọc, ở nơi nào và thời nào, tôi tin, cũng đều muốn hướng đến. Trong đó, tất cả—người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, cái được viết và cái được đọc—đều hạnh phúc quây quần và ca hát hạnh ngộ cùng nhau.”

Tôi tin là chữ viết và văn chương của những nhà văn, nhà thơ này là một minh chứng đẹp đẽ cho nền văn học Việt, bất kể thời gian, không gian, tâm cảm và hoàn cảnh sáng tác của họ.

Tôi viết về họ cũng có nghĩa là tôi viết về niềm hạnh phúc của mình. Viết về tâm hồn mình. Điều đó, một cách giản dị, cũng là sống. Ý thức về sự sống của mình. Và cũng là một cách cám ơn của tôi đối với các nhà văn, nhà thơ Việt, nói riêng, và đối với văn chương chữ nghĩa Việt nói chung. 

Tôi mong tất cả quý vị, khi đọc cuốn sách, cũng có được niềm hạnh phúc như thế.

Xin cám ơn tất cả quý vị và các bạn.”

  

Người nói chuyện tiếp theo là nhà thơ Đỗ Quý Toàn (ĐQT)– người cũng có các bút danh khác như: Ngô Nhân Dụng, Vương Hữu Bột. ĐQT nói rằng ông vui mừng vì thấy còn một tiệm sách, như Nhà sách Tự Lực, cho dù là nơi này 1/3 diện tích phải nhường chỗ cho trà, và may mắn là còn sách. Ông nói rằng sách “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” là viết về 9 tác giả thời Việt Nam Cộng Hòa, thời mà bây giờ nhiều người nhắc tới chỉ nhớ chiến tranh và nhiều người quên răng đó cũng là một thời thịnh cường của văn học. ĐQT nói rằng các tác giả Miền Bắc khi vào Nam sau 1975 đã kinh ngạc với không khí sáng tác tự do của văn học Miền Nam.
 

Đỗ Quý Toàn nói rằng Bùi Vĩnh Phúc đã viết về 9 tác giả VNCH, điều mà chưa ai viết kỹ như thế, trước đó chỉ có cụ Võ Phiến viết tổng quan văn học Miền Nam một cách sơ sài. ĐQT cũng nói rằng BVP đã nhìn ra Thanh Tâm Tuyền theo âm bản cho thời kỳ trước 1975, và một Thanh Tâm Tuyền theo dương bản cho thời kỳ sau 1975. Ông nói rằng thời ông còn học trung học đã, cùng với một bạn thời đó là Trần Dạ Từ, đã cùng say mê thơ Thanh Tâm Tuyền. Bây giờ BVP nhận ra rằng Thanh Tâm Tuyền thời trước 1975 là của thời văn chương phá phách. Ông cũng nói rằng ông thích thú khi đọc thấy BVP cũng nhận ra rằng Mai Thảo chịu ảnh hưởng của Nguyễn Tuân. Mai Thảo trong nhiều năm xem chính cái đẹp của câu văn là quan trọng nhất, chứ không phải những gì được diễn tả trong câu văn. ĐQT cũng nói rằng BVP viết về 9 tác giả, nhưng cũng chính 9 tác giả là cái cớ để BVP viết cho sướng, do vậy cuốn sách này trước hết là nói về Bùi Vĩnh Phúc.
 

Người nói chuyện tiếp theo là nhà văn, giáo sư Trần Chấn Trí (TCT), dạy văn học tại Đại học UCI. Tác phẩm “9 Khuôn Mặt” của BVP được TCT ca ngợi là lối phê bình tài hoa, đôi khi chúng ta đọc và quên rằng chính Bùi Vĩnh Phúc cũng là một nhà thơ. Trần Chấn Trí đọc một bài thơ 4 câu của BVP.

Độc giả quan tâm có thể đọc bài thơ này của Bùi Vĩnh Phúc trên Da Màu (damau.org) như sau:
 

Cắt

Biển. Đêm giông bão. Nhớ chia lìa.

Ghe cắt vào sông tiếng cắt khuya

Đời cắt vào ta ngọn gió buốt

Em cắt vào ta ánh sao khuê.

 

Trần Chấn Trí nói rằng một nhà phê bình văn học cũng giống như một hướng dẫn viên du lịch, rằng một áng văn, một bài thơ tự nó đã hay, khi qua lời một nhà phê bình van học tác phẩm sẽ sinh động hơn, tương tác hơn với độc giả. TCT nói rằng khi nhà phê bình cũng là nhà thơ, nhà ngôn ngữ như BVP thì trong tác phẩm này sẽ lộ ra hiệu ứng âm thanh có sức mạnh hơn. TCT nói rằng BVP đã gỡ ra tín hiệu của chữ… TCT nói rằng chưa có ai phê bình thơ tới tận cùng thế giới âm và thanh như BVP.
 

Nhà văn Đặng Thơ Thơ (ĐTT), đồng sáng lập tạp chí văn học Da Màu, nói lời chúc mừng Bùi Vĩnh Phúc. ĐTT nói rằng độc giả có thành kiến rằng phê bình văn học là những gì khô khan hay “hại não,” nhưng thành kiến đó không đúng với BVP, nhờ cách vận dụng ngôn ngữ và thủ pháp nghệ thuật, và sự liên tưởng để bài phê bình cũng là một bản văn đầy chất thơ, làm rung cảm người đọc: cuốn sách “9 Khuôn Mặt…” là chứng nghiệm thơ mộng như thế. Theo ĐTT, trong cuốn sách này, BVP sử dụng cấu trúc luận, ký hiệu luận, hậu cấu trúc, phân tâm học, hiện tượng luận để soi rọi khung văn hóa của từng tác giả mà BVP nghiên cứu. ĐTT nói rằng BVP khi nhận định về Mai Thảo theo 2 trục ngang và dọc là: duy mỹ và duy cảm trải qua dòng thời gian.
 

Đặng Thơ Thơ nói rằng, “GS Trần Chấn Trí nhận định rằng Bùi Vĩnh Phúc sử dụng kính lúp để soi rọi ngôn ngữ khi phê bình các tác giả, nhưng tôi muốn nói rằng đó là kính hiển vi để phân tích ngữ pháp, thi pháp đến từng đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ, chữ và âm… Và Bùi Vĩnh Phúc đã dùng một ngôn ngữ thơ để nhận định về thơ, viết về thơ cũng giống như anh làm thơ… Cuốn sách này là BVP viết về 9 khuôn mặt và 9 phong khí văn chương, nhưng theo tôi là 10, vì phong khí văn chương thứ 10 là chính Bùi Vĩnh Phúc.”
 

blank

Hàng ngồi, từ trái: Trần Chấn Trí, Đặng Thơ Thơ, Trịnh Y Thư. Hàng đứng, từ trái: Trịnh Thanh Thủy, Bùi Vĩnh Phúc, Pauline Đàm.

 blank

Từ trái: Đinh Quang Anh Thái, Bùi Vĩnh Phúc (đứng sau), Trịnh Y Thư, Đỗ Quý Toàn.

 

Nhà báo Phan Tấn Hải (PTH) nói rằng ông cảm ơn Bùi Vĩnh Phúc vì BVP đã cho ông một niềm vui trong mấy tuần lễ qua, rằng cuốn sách của BVP là cái gì không giống những gì trước đó. PTH nói rằng cuốn này của BVP là 30 năm mới viết xong, nhưng bản thân PTH biết rằng BVP ngày nào cũng đọc sách, và PTH không nghĩ rằng BVP viết ít, vì ông nhớ một kỷ niệm rằng khoảng chừng ba mưi mấy năm hay 40 năm về trước, có một lần PTH tới nhà BVP ở Irvine, đó là thời BVP chưa có gia đình, BVP chỉ cho thấy dưới giường nằm của BVP là sách, vì không còn chỗ nào trong nhà để giữ sách, mà hồi đó thì sách tiếng Việt rất ít, do vậy cuốn này hẳn là tinh hoa những gì BVP đọc và sống. PTH nói rằng bản thân PTH là nhà báo, nên mỗi ngày đều phải viết, nhưng BVP có thể là đọc nhiều hơn viết, và hình dung Bùi Vĩnh Phúc cũng như một Cung Tiến trong làng âm nhạc Việt Nam: Cung Tiến sáng tác nhạc rất là ít, nhưng ngày nào Cung Tiến cũng sống với âm nhạc, theo như PTH nhớ trong một video Nguyễn Ngọc Ngạn phỏng vấn Cung Tiến. Thì bây giờ, theo PTH, hẳn là Bùi Vĩnh Phúc ngày nào cũng sống với sách, cho dù BVP sáng tác rất là ít, hoặc là, có thể BVP sáng tác rất là nhiều, nhưng có thể anh ta bó lại, bỏ vào nhà kho thì chẳng ai biết. Nhưng cuốn này là tinh hoa của BVP. Phan Tấn Hải nói rằng ông muốn đọc một đoạn để thấy rằng, cuốn này mặc dù nói về 9 người, nhưng thật sự người thứ 10 ẩn trong này chính là Bùi Vĩnh Phúc, và BVP viết không giống ai hết, rất là độc đáo, và “theo tôi nhận ra thì Bùi Vĩnh Phúc chưa từng viết dở bao giờ hết, nhưng khi đọc xong một đoạn này thì liền giựt mình, vì đây chính là âm nhạc, chính là thơ, nó là cái gì rất hiếm hoi.”
 

PTH nói rằng đó là đoạn Bùi Vĩnh Phúc viết về Phạm Công Thiện ở trang 297-298:

Ngửi một mùi thơm, người ta nhớ lại bao nhiêu cảnh đời đã sống, bao nhiêu xuân xanh đã vụt qua, bao nhiêu mộng tưởng đã bay thành khói chiều. Và những con người, những quyển sách, những ngày tháng đã đi qua, những nơi chốn đã trở thành ký ức, những rượu mạnh của tuổi trẻ, những nhiệt hứng của những ngày chân đạp trên gió sớm để bước vào đời. Tất cả những mùi vị những trái cây những rượu ngon của cuộc đời đó bỗng bây giờ trở lại khi người ta hơn bốn mươi bảy tuổi, người ta ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra cây cam sai trái và những con quạ trọc đầu trượt chân té lên té xuống và tiếng lóc cóc của những con ngựa gõ vào trí nhớ. Người ta ngồi và viết ra những con kiến nhỏ của cuộc đời. Những con kiến đi vào mọi thứ ngõ ngách, mọi thứ lỗ hổng của đời sống. Những con kiến hồn nhiên, vui tươi, say mê, thô tục, lãng mạn, phất phơ, ngờ nghệch, thông minh, sáng sủa, u tối, mệt mỏi, ngạo mạn, tự chế, tự phúng, tự hào, tự mãn, tự ái, tự kiêu, tự hạ, tự tri, tự túc. Những con kiến hay có ý nghĩ tự tử nhưng luôn luôn tự triển hạn. Những con kiến, cũng như những dòng chữ kia, chưa muốn tự xoá. Chúng vẫn còn tiếp tục muốn đi trên những cành cây xuân hạ thu đông lưu dấu cuộc đời. Đi, như là một hành động để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của sự sống.”(hết trích văn BVP)
 

Phan Tấn Hải nói rằng đoạn văn vừa đọc của Bùi Vĩnh Phúc làm ông giựt mình vì trong 20 năm qua, ông tập dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, thì ông nghiệm ra những câu dưới 15 chữ thì dịch rất là dễ, nhưng trong sách này có những câu rất dài, mà khi BVP gắn liền nhau mười mấy tĩnh từ, như khi mô tả về những con kiến “…mệt mỏi, ngạo mạn, tự chế, tự phúng, tự hào, tự mãn, tự ái, tự kiêu, tự hạ, tự tri, tự túc…” thì PTH chịu thua, không dịch nổi sang tiếng Anh. PTH nói, “Nhưng đây là văn học, khi chúng ta đọc và thấy nó là thơ, là nhạc, là âm thanh… lúc đó, tôi nghĩ rằng chúng ta mở sách này ra, đọc một đoạn hay hai đoạn bất kỳ, rồi áp tai vô trang sách, sẽ thấy những âm vang trong đầu của mình… Điều   đó chỉ có Bùi Vĩnh Phúc mới viết được như thế. Tôi rất khâm phục.”

blank

Từ trái: Trần Chấn Trí, Bùi Vĩnh Phúc, Quyên Di.

blank

Từ trái: Trần Huy Bích, Đặng Thơ Thơ, Mai Tuấn.

 blank

Hàng ngồi, từ trái: Trần Chấn Trí, Đặng Thơ Thơ, Trịnh Y Thư. Hàng đứng, từ trái: Phan Tấn Hải, Bùi Vĩnh Phúc, Pauline Đàm, Hòa Bình.

  

MC giới thiệu người nói chuyện tiếp theo là nhà văn, giáo sư Quyên Di, hiện dạy về văn học và ngôn ngữ tại UCLA và Long Beach. GS Quyên Di nói rằng ngôi nhà Bùi Vĩnh Phúc mà Phan Tấn Hải nhìn thấy chỗ nào cũng la sách, kể cả dưới gầm giường, chỉ là căn nhà cũ, có 2 phòng, nhà mới của Bùi Vĩnh Phúc bây giờ lớn hơn, tới 4 phòng, mà bây giờ cũng đầy sách. Trong những lời nhận định, GS Quyên Di có nói ý chính sau đây:
 

“Có một lần, không rõ ở đời thật hay trong mơ, tôi được ngắm một bức tranh đẹp. Bức tranh có hình một bàn tay nõn nà với những ngón tay búp măng màu hồng lần cởi một cái nơ cũng màu hồng thắt hờ hững một cái hộp. Hộp mở ra, một đàn bướm đủ màu sắc từ trong hộp bay lên, làm thành một không gian tuyệt đẹp. Nhìn kỹ thì đó không phải là đàn bướm mà là những mẫu tự, những con chữ bay lên phất phới. Tôi chỉ thấy bức tranh ấy một lần mà cảm thấy ngây ngất vì vẻ đẹp của nó. Vì thế tôi cứ mơ ước mãi được ngắm bức tranh ấy một lần nữa nhưng không bao giờ có dịp. Nếu bức tranh có trong đời thực thì tôi không nhớ đã nhìn thấy nó ở đâu. Còn nếu bức tranh ở trong giấc mơ thì biết bao giờ mới mơ lại giấc mơ ấy. Thế mà mấy hôm nay, tôi có được hạnh phúc này. Cũng là bàn tay, nhưng không phải bàn tay nõn nà của cô thiếu nữ nào đó, mà là bàn tay của chính tôi. Cái hộp bây giờ biến thành quyển sách “9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc. Tôi lần giở từng trang sách, và những mẫu tự, những con chữ bay lên phất phới, như một đàn bướm đủ màu mắc, vẽ thành một không gian tuyệt đẹp.”

“Nếu xem văn chương là một trường văn trận bút thì Bùi Vĩnh Phúc có mấy chiêu thức vừa bay bướm vừa lợi hại, đó là lặp chữ, kỹ chữ, chế chữ, chẻ chữ và chữ liên tưởng.

Riêng về chiêu thức thứ hai, người đọc thấy Bùi Vĩnh Phúc đã sàng lọc và nhặt chữ rất kỹ. Xin đọc câu văn này: “Những con kiến hồn nhiên, vui tươi, say mê, thô tục, lãng mạn, phất phơ, ngờ nghệch, thông minh, sáng sủa, u tối, mệt mỏi, ngạo mạn, tự chế, tự phúng, tự hào, tự mãn, tự ái, tự kiêu, tự hạ, tự tri, tự túc.”

“Ngần ấy tính từ, ngần ấy con kiến! Ngần ấy những “tự,” mà “tự” nào cũng được sàng lọc rất kỹ, dùng rất đắt, rất đích đáng.

“Lại xin để ý khi Bùi Vĩnh Phúc dùng nhóm chữ “không nhiều thì ít.” Đa số chúng ta quen nói hay viết “không ít thì nhiều,” có lẽ vì cái âm nhịp thuận tai của nó. Tuy nhiên nói như thế là thuận tai mà không thuận ý: ít mà còn không có thì lấy đâu ra mà có nhiều. Viết như Bùi Vĩnh Phúc mới đúng: nếu không có được nhiều thì cũng có (chút) ít.”

“Phòng ngủ của tôi có cửa mở ra khu vườn sau. Ở đấy có một cây bưởi cổ thụ, mẹ tôi trồng đã mấy chục năm nay. Mùa này hoa bưởi nở chi chít, trắng xoá trên cành. Đêm về hương hoa bưởi thơm ngào ngạt, bay vào phòng tôi, thơm cả phòng và sẽ trong cả giấc mơ của một gã đàn ông luống tuổi. Tôi nằm trên giường êm, đắp chăn ấm, lần giở từng trang sách “9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương” mà thưởng thức cái phong khí văn chương của Bùi Vĩnh Phúc. Hương hoa bưởi ngoài vườn kia hoà lẫn với hương văn chương trong phòng này, tạo thành một niềm hạnh phúc vừa êm đềm vừa choáng ngợp mà tôi không thể diễn tả hết được, dù bằng lời nói hay chữ viết…”
 

 Quyên Di cũng nhắc tới bài thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, dẫn ra trong đó hai câu thơ:

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Nơi đó, các chữ “không” làm đẹp rực rỡ nỗi buồn khi Nguyễn Khuyến khóc bạn già.

 blank

Ca sĩ Thu Vàng, ca sĩ Thùy Hạnh, bà Diêu Chi (bà quả phụ Nguyễn Mộng Giác)

blank

Nhìn từ xa.

  

Giáo sư Trần Huy Bích trong khi góp ý, đặc biệt nói rằng trước giờ hiếm có nhà phê bình văn học, bởi vì phê bình cần có nhiều kiến thức, về ngôn ngữ, về âm thanh, về triết học, về luận lý, về phân tâm học… Bây giờ thì Bùi Vĩnh Phúc là một nhà thơ, và là nhà phê bình văn học có tài. GS Trần Huy Bích nói có 1 bài thơ Bùi Vĩnh Phúc làm năm 1972, tức là hơn 50 năm rồi, THB có 1 người bạn là phụ nữ, ít tuổi hơn, cũng là người thân quen với Trịnh Y Thư, Trúc Chi… mà cô đó thuộc bài thơ đó, từ 1972, tới bây giờ. Khi BS Trần Huy Bích nói rằng sắp tham dự buổi ra mắt sách, thì cô kia nói có 1 bài thơ cô ta thuộc cho tới bây giờ: “Và bản cô ta chép cho tôi đọc, thì chỉ sai vài chữ, nghĩa là cô kia nhớ thơ Bùi Vĩnh Phúc tới mức như vậy.”
 

Độc giả quan tâm, có thể xem bản video nơi đây, dài gần 2 giờ:

https://www.youtube.com/live/wJOkpcvNAig?si=iicWSfX1CLwXtWQH

.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đa số người viết thể loại này không trải qua quá trình nghiên cứu văn học phê bình hoặc không tu tập qua hệ thống hàn lâm. Kết quả thường cho thấy là những bài viết theo sở thích cảm tính, kinh nghiệm chung, mô phỏng hoặc bắt chước những bài viết nổi bật đã có sẵn. Trong khuynh hướng đó, ít thấy khả năng sáng tạo trong các bài viết này. Sáng tạo là một trọng điểm làm cho bài viết phê bình có giá trị.Một nhận xét tổng quát như vậy sẽ bỏ sót vài khía cạnh quan trọng, đó là một số ít nhà văn sinh nhi chi tri, có khả năng thông diễn, họ có thể nhìn thấu suốt một tác phẩm hoặc tác giả để đưa ra nhận định và phê phán tài hoa, hợp lý, đáng thán phục. Những vị này mà tôi được biết, họ thuộc vào tiểu thiểu số, mỗi thời đại chỉ có vài người, họ rất thận trọng về việc viết bài phê bình vì không ai lường được sự ảnh hưởng của nó như thế nào, nhất là khả năng ám ảnh của nó đối với tác giả cũng như độc giả.
Santa Ana – Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) hân hạnh giới thiệu Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3, diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 5, từ 10:00 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại Viện Bảo Tàng Bowers, số 2002 North Main Street, thành phố Santa Ana...
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.