Hôm nay,  

Lá Cờ Trong Tim

27/04/202110:18:00(Xem: 2317)

1

Ngày gần cuối tháng Tư, ông ngồi với một lá cờ nhỏ trên tay. Đôi mắt ông nhắm nghiền. Những ngày tháng cũ bay vùn vụt trong trí nhớ của ông. Như những mảnh ghép, không theo thứ tự thời gian, mà theo màu.

Có một ngày, ông đã tỉnh dậy vì tiếng gọi của thằng cháu nhỏ. Tiếng gọi thất thanh: 

“Ông ơi! Ông ơi!” 

Cháu đặt vào tay ông một lá cờ bằng giấy, nhỏ bằng một trang vở, có nền màu vàng và kẻ ba sọc màu đỏ. Những sắc màu này như một liều thuốc bổ thật mạnh, khiến ông nghĩ mình không thể chết. Không thể nào chết được! Ông không biết tại sao mình lại nằm trên chiếc giường này, và nằm đã bao lâu. Ông thử, nhưng không làm nổi một động tác nhỏ nào. Ông cố mấp máy môi, nhưng không phát ra được một lời nào. Chỉ có một ý nghĩ trong đầu: “Mình không thể chết!”

…Vâng, ông đã bị stroke. Ông đã mê man trên giường bệnh gần một tuần lễ. Và ông đã trở lại. Ông phải trải qua một tiến trình lâu dài và khó nhọc để trở lại. Điều may mắn cho ông là gia đình săn sóc, khích lệ ông. May mắn nữa là thằng cháu nhỏ thường trò chuyện với ông. Cái lá cờ ông tặng cháu, lại trở thành một động lực to lớn cháu trao ông để ông can đảm chiến đấu với căn bệnh, với những khó khăn kéo dài tiếp theo. 

Ngày ấy qua đã mười hai năm. Giờ đây, thằng cháu nhỏ của ông được hai mươi hai tuổi. Cháu cũng vẫn thường trò chuyện với ông mỗi khi về nhà. Cháu cũng hay nhắc lại chuyện cháu nghe ba cháu, người con út của ông, nói rằng khi còn học trung học, ba cháu đã khóc mà xin cô giáo cho treo cờ vàng trong ngày hội, bởi vì đó là lá cờ mà những người Việt quốc gia đã giữ gìn và mang theo trên mọi nẻo đường đi tìm tự do. Và cô giáo, cũng như nhà trường, đã đồng ý. Treo cờ vàng, không phải cờ đỏ.

Có một ngày, trong thời học sinh của ông, ông ngước lên nhìn trời trong khi đang chào cờ. Bầu trời xanh ngắt. Lá cờ vàng tung bay trong gió. Chào cờ, và hát quốc ca, có lẽ người học sinh nào cũng nghĩ đó là một chuyện đương nhiên trong đời. Nhưng bầu trời xanh quá, ông muốn reo lên. Một cánh chim vụt bay qua nền xanh đó. Ông nhắm mắt lại, thưởng thức một niềm vui không tên. Và tưởng tượng, cậu học sinh lúc đó, mình là cánh chim kia, nhìn xuống sân trường để ngất ngây với một màu trắng. Màu trắng áo học trò.

Có một ngày, người thanh niên mặc vào màu áo trận. Màu xanh lá cây rừng. Nghe lãng mạn như lời trong những bài thơ, bài hát. Nhưng thực tế là súng đạn, là pháo bom, là máu lửa, là những vết thương. Là những khi reo vang vì treo được lá cờ trên những vùng tái chiếm. 

Có một ngày, không, phải nói rất nhiều ngày, trong mắt ông chỉ là màu xám và màu nâu. Màu của những bộ quần áo lao động. Màu của tủi buồn dành cho những người không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Màu của đất rừng những ngày khổ sai, trồng trọt, đào bới tìm chút khoai củ. Màu của đất khi những người tù phải tự đào để chôn cất bạn tù bỏ mình vì bạo bệnh. Không có hành khúc nào dành cho những người ấy. Chỉ có những vần thơ, những nốt nhạc nén chặt trong tim, tự lắng nghe trong màu đen của những đêm thao thức nhớ nhà.

Được chào cờ và hát bài quốc ca của mình, không phải chuyện đương nhiên. Điều đó, chỉ những người mất quê hương mới cảm nhận được. Những người tù như ông, chỉ còn một cách, nhắm mắt lại và hát thầm bài quốc ca, với lá cờ vàng bay bổng trong tim.


2

Bé Tú!”
Ông lại gọi thằng cháu là “Bé Tú” dù cháu đã hơn hai mươi tuổi. 

“Dạ, ông, mình đi bộ nhé ông!”

Đứa cháu nội thông minh, chịu tìm hiểu, dù bận việc học nhưng cũng rất gần gũi với ông. Tú ở trong trường, thỉnh thoảng về, lại cùng ông tâm sự. Sau khi bị stroke, sức khỏe của ông kém đi nhiều. Bà cũng không còn nhanh nhẹn. Các bác, các cô thay phiên nhau hoặc cử người đến giúp ông bà. Vào năm đại dịch, Tú rút về nhà học trên máy, có thì giờ ở bên ông nhiều hơn. 

Hai ông cháu đi bộ, qua những con đường quen thuộc gần nhà. Khác với ngày xưa, giờ đây ông phải dùng cây gậy. Ông tự nghĩ mình may mắn lắm rồi, vì sau thời gian tập luyện ông đã có thể tự đi, dù cũng phải cần có ai đó đi kèm khi ra ngoài.

Trên con đường hai ông cháu đi bộ trong khu xóm yên tĩnh, có nhiều nhà treo lá cờ Mỹ quanh năm. Đối với họ, treo lá cờ của nước Mỹ hầu như là một sự đương nhiên. Và mỗi khi họ chào cờ, trong tiếng nhạc hoặc trong lời bài quốc ca Hoa Kỳ, họ đưa bàn tay phải đặt lên ngực trái, nơi có trái tim. Ông chạnh lòng. Người Việt mình khi chào cờ không đặt tay lên ngực, nhưng, lòng rộn ràng theo những lời “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi!” Và như ông, bây giờ, nghe thổn thức với những lời hát này. Sống trên mảnh đất tự do, không hề lo sợ, không bị cấm đoán khi mang lá cờ vàng, nhưng ông vẫn luôn mang tâm trạng buồn nhớ, mất mát. Ông vẫn còn thiếu quê hương!

Khi về gần đến nhà, Tú nhắc ông:

“Ông ơi! Sắp đến ngày ba mươi tháng Tư…”

Ông gật đầu:

“Phải.”

“Mỗi năm đến ngày này ông đều nhắc treo cờ. Vậy con về treo cờ ha ông!”

Ông bỗng nghe như bước chân khựng lại. Ông thoáng thấy mình muốn ngã.

“Ông sao vậy ông?”

“Không sao con à! Ông chợt nhớ đến câu chuyện trao đổi với ông cụ John thôi.”

Tú im lặng. Ông cụ John, trạc bằng tuổi ông, là người hàng xóm kế bên nhà, rất dễ thương, thường chào hỏi trò chuyện với ông. Ông cụ John treo lá cờ Mỹ cũ rách trước nhà, chờ người con trai đi lính trở về để cùng thay một lá cờ mới. Vào cái ngày bạo loạn ở Điện Capitol, ông cụ John đã ra trước sân, gọi ông của Tú. Nét mặt ông hoảng hốt. Ông mở cái ipad, chỉ vào một trang tin và nói với ông của Tú:

“Ông xem, sao cái lá cờ của ông lại bị xếp vào chung với những lá cờ này?”

Hôm đó, ông của Tú chỉ biết lắc đầu khổ sở. Ông cụ John hiểu ý, không nói thêm.

Cũng hôm đó, cô Tư của Tú, hớt hải chạy về nhà, trốn biệt trong phòng. Đến tối khuya, cô mới xuất hiện, và nói rằng cô đã cùng các bạn nhập vào đám đông đi “đòi công lý.” Nhưng cô đã kịp chạy tránh đi, khi thấy lá cờ vàng bay phấp phới trên nóc Điện Capitol. 

Ngày hôm ấy, một ngày đối với ông thật khủng khiếp, ông tưởng như nó cũng đen tối như cái vùng đen mà ông từng chìm trong đó. Ông bỏ cơm. Ông không nói một lời. Ông không thể tưởng tượng được cái lá cờ thiêng liêng của đất nước lại bị sử dụng như vậy. Đau khổ hơn nữa là một người con của ông, và nhiều người nữa, không hiểu giá trị của lá cờ này, nỡ dùng nó như một vật trang sức, để phô trương, để tự nhân danh những người lính cao cả của một thời. Ông từng là học sinh, từng làm thầy giáo, từng làm lính. Bài học Công Dân thấm thía vô cùng! 

Ngày hôm sau, ông cầm lá cờ vàng, cái lá cờ đánh thức ông dậy sau những ngày hôn mê, ông ngắm nghía, và ông khóc. Ông nghĩ chắc từ nay ông sẽ cất nó vào tim.

3

“Bé Tú! Ông đã tám mươi tư tuổi. Bạn của ông, có người khỏe mạnh hơn ông, còn lái xe, còn chơi thể thao, còn đàn hát. Có người nằm trong nursing home. Có người đã qua đời. Bạn của ông, có người còn chưa được biết tuổi già, vì họ đã gửi mình vào đất trong thời chiến. Bạn của ông, có người trở thành tàn phế sau khi dâng tặng một phần thân thể cho đất nước. Và ông, khi ông ra khỏi những nơi gọi là “trại cải tạo” ở rừng sâu, núi cao, ông biết rằng ông đã để lại tuổi xuân của mình trong đó. 

Bé Tú! Ông chọn nơi này làm quê hương thứ hai, có thể sẽ là nơi ông gửi nắm tro tàn. Ông không có cơ hội góp phần xây dựng mảnh đất của ông cho vẻ vang hơn. Nhưng ông, cũng như đại đa số đồng bào của mình, đều trân trọng nền dân chủ tuy ngắn ngủi nhưng tốt đẹp của nước Việt Nam Cộng Hòa. Không những thế hệ của ông, hay thế hệ của các bác, các cô và ba của con, mà cả những bạn trẻ chưa từng sống trong thời gian có đất nước tốt đẹp ấy, nhưng biết tìm hiểu, biết vượt ra khỏi bức màn vô hình che mắt họ, họ đã ao ước, đã trân trọng nền dân chủ đó biết bao. Chính vì vậy mà có những người đã phải vào tù, đơn giản chỉ vì nói lên sự thật, chỉ vì muốn đem những bài học chính trị căn bản đến cho người dân. Có bạn trẻ ra tòa với chiếc áo “ba sọc” và niềm hãnh diện. Ông ngưỡng mộ họ. Họ ra tòa cộng sản chỉ vì yêu mến lá cờ này, lá cờ mà các bạn chưa hề được đứng chào. 

Chưa hết, bé Tú ơi! Có bạn được đi du học, đến đây, đã mua cho được một lá cờ vàng, giấu giếm đem về nước, coi như một báu vật. Một miền Nam tự do đã mất, nhưng sẽ sống lại, ít nhất là trong lòng người. Và khi người ta nhận rõ giá trị của cái đã mất đi ấy, người ta sẽ làm cho nó hồi sinh.

Ông thương lá cờ đó như thương tuổi hoa niên trong sáng của mình. Lá cờ bằng vải, bằng giấy, hay chỉ là ba sọc đỏ Bắc Trung Nam vẽ trên nền vàng, in trên khăn quàng, trên áo, đều là biểu tượng của một đất nước đáng tôn vinh. Và giờ đây, trên những xứ sở cưu mang người Việt, lá cờ đó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do, của những người Việt tử tế, biết trân quý nền dân chủ của quê hương thứ hai. Lá cờ ấy cũng phải qua nhiều lần đấu tranh khó khăn để được công nhận.”

Tú yên lặng lắng nghe ông. Thuở đặt lá cờ vào tay ông, Tú chỉ biết đó là hạnh phúc của ông. Bây giờ, Tú đã hơn hai mươi tuổi, Tú biết thêm nỗi đau mà ông mang theo cùng lá cờ đó. 

Cô Tư của Tú đứng ở cửa, trên tay cầm lá cờ vàng mà nhà ông thường treo trong những dịp đặc biệt.

“Ba! Ba cho con treo lá cờ để tưởng niệm ngày ba mươi tháng Tư?’

Ông gật đầu:

“Ừ, con treo đi! Bé Tú, phụ cô Tư nghen con! Chắc chắn, sẽ có những người đi đường dừng lại và hỏi chúng ta nhiều câu khó trả lời. Nhưng các con đừng ngại. Hãy giải thích cho họ hiểu. Đây là lá cờ di sản đáng hãnh diện của người Việt chúng ta.”

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Tháng Tư, 2021




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đời người không bình lặng mà luôn dậy sóng, lắm khi mưa lũ bão bùng, một khi nó đi qua thì ta mới thấy, mới thưởng thức được nét đẹp của hồ thu, của lá vàng bay lượn khắp nơi.
Trần Trọng Tâm sinh trưởng tại thành phố Quy Nhơn. Anh tốt nghiệp Đại Học sư phạm lý năm 1980 (anh là bạn học của anh rể tôi). Anh được bổ nhiệm vào dạy học ở Bình Chánh. Anh dạy tốt, kiến thức vững, nghệ thuật truyền đạt dễ hiểu. Phụ huynh học sinh rất quý anh! Ngoài giờ dạy anh thường ra uống cà phê ở quán bác Xuyến gần trường...
Sáu chị em chúng tôi vẫn chưa tưởng tượng được mình đã xa Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem, xa thật xa. Quê hương xa lắc, xa lơ bên kia bờ đại dương. Chừ mới thấm, thế nào là cây xa cội, nước xa nguồn. Anh chị Hải Điền và cu Nam đón chúng tôi ở phi trường Düsseldorf. Mừng mừng, tủi tủi...
Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói...
Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an; đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.