Hôm nay,  

Trận Đánh Hồ Changjin

16/02/202209:38:00(Xem: 2150)
Tản mạn

blank

Hình người lính xạ thủ đại liên Mỹ với máy bay B-17.


Hôm nay, chẳng hiểu sao, mắc chứng gì, tôi lại coi bộ phim mới của Trung Cộng kể về một trận đánh ác liệt và tang thương nhất trong tất cả các trận đánh đẫm máu thời chiến tranh lạnh, cuộc nội chiến giữa hai phe Tự Do và Cộng Sản, xảy ra tại Đại Hàn vào cuối năm 1950. Bộ phim mang tựa đề “Trận đánh hồ Changjin”, The Battle at Lake Changjin, hay còn gọi là The Battle of Chosin Reservoir. Bộ phim dài gần 3 giờ đồng hồ, do một hãng phim Tàu mới sản xuất. Tôi tự nghĩ có lẽ mình tò mò muốn coi dạo này mấy tay đạo diễn chuyên bắt chước phim Mỹ tiến bộ đến đâu rồi.


Đoạn cuối phim, viên chỉ huy người Mỹ, Trung Tướng Smith, đứng nghiêm đưa tay chào cảm phục sự bất khuất, kiên cường trước những xác lính Trung Cộng chết đông cứng như đá trong đủ tư thế đứng, ngồi, và nằm. Hành động kính phục này chưa từng được sử sách nào ghi lại, chắc đoàn làm phim Trung Cộng vừa mới “tình cờ” khám phá ra tại phim trường. Cái kết chắc bạn và tôi không cần bóp méo cả trán để biết phe nào thắng, chiến thắng vẻ vang tất nhiên phải thuộc về đoàn chí nguyện quân, không lo bảo vệ tổ quốc mình, mà đem cái mạng cùi của mình đi bảo vệ nước bạn Bắc Hàn.

 

Nếu tôi là công dân của đất nước 1.6 tỷ người, tôi sẽ cười híp mắt sung sướng khi thấy phe ta giết phe địch như ngóe, tay không bóp chết một lúc mấy tên Mỹ kềnh càng, to lớn nhưng ngu si và chậm chạp. Anh lính Tàu chắc có công phu Thiết Sa chưởng, tay không ôm trái bom lân tinh 50 ký lô do máy bay địch thả xuống một cách nhẹ hều, như cầm túi giấy bánh hamburger, vất lên xe, trái bom vẫn chưa chịu nổ, anh phóng xe như bay lao vào cả chục xe tăng địch, trái bom hình như có thần giao cách cảm hiểu được người chiến sĩ muốn gì, bấy giờ mới chịu nổ cái đùng. Kỹ thuật con người điều khiển máy móc qua tư tưởng hiện nay vẫn đang được thử nghiệm, mà hồi đó quân Trung Cộng đã có, tài thật! Tôi đoán anh này dùng công phu “truyền ý (âm) nhập mật” trong truyện chưởng, anh ra lệnh cho trái bom nổ. Cả chục chiếc xe tăng nổ tung, thân xác anh chiến sĩ văng lên trời, rớt xuống đất nghe cái đụi, chết ngay đơ cán cuốc, nhưng trên môi vẫn nở nụ cười nhăn răng và thân hình mình đồng da sắt của anh vẫn còn nguyên vẹn. Đáng đời tụi đế quốc xâm lăng.


Đương nhiên phim của Tàu thì phải nói tốt, nói hay, và luôn cả nói phét, bịa đặt những chuyện không có để bốc thơm chủ nghĩa cộng sản và tinh thần chiến đấu của đoàn chí nguyện quân, và trên hết là làm vừa lòng đảng, đồng thời vuốt ve tự ái của nước Đông Á bệnh phu, hết bị phương Tây đô hộ, rồi bị quân đội một nước bé tí teo là Nhật Bản chiếm đóng và bắt làm tù binh. Theo sử liệu thế giới, đây là một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong quân sử thế giới. Cả hai bên đều thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản. Bên cộng sản Bắc Hàn, ngoài quân đội riêng, họ được Mao Trạch Đông ủng hộ và gởi 12 sư đoàn, 120 ngàn lính, còn được gọi là PVA, People’s Volunteer Army, vượt sông Yalu tiến vào Bắc Hàn. Nam Hàn được Liên Hiệp Quốc và Mỹ đưa 30 ngàn quân để bảo vệ đất nước này thoát khỏi hiểm họa độc tài sắt máu: Một chọi bốn: Chi tiết này đoàn làm phim cũng “tình cờ” quên không nêu ra. 


Trận đánh kéo dài 17 ngày trong thời tiết giá buốt kinh khủng dưới âm độ, có ngày xuống -40 C. Tất cả xe cơ giới và súng ống đều gặp trục trặc vì thời tiết khắc nghiệt, xe đề không nổ vì bình ắc-quy không giữ điện. Dầu mỡ bôi trơn súng ống biến thành chất keo đặc sệt làm kẹt đạn. Quân lính bị thương mất máu cũng không có máu (blood plasma) để truyền vì bị đông đặc. Thiếu tin tình báo, phe Trung Cộng không nắm vững tình hình quân số, đường chuyển quân, và trên hết là sự tiếp tế chiến thuật của phe bên kia. Trong khi quân Liên Hiệp Quốc và Mỹ, nhờ có máy bay vận tải nên có thể chuyên chở 250 tấn lương thực và vật liệu một ngày, giúp binh sĩ giữ ấm, thêm sức chiến đấu và bảo trì quân cụ. Theo quân sử Trung Cộng, các chiến sĩ có khi phải lội bộ 6 ngày đêm, không được ngủ, nghỉ (tất cả đều là Iron Men), lương thực hằng ngày có khi vài củ khoai tây, quân phục không đủ ấm mà vẫn phải hành quân trong cái lạnh khắc nghiệt miền Đông Bắc Hàn. Đoàn quân di hành lặng lẽ tránh né sự quan sát của máy bay phe Đồng Minh. Họ không biết mệt, không cần ngủ, không thấy lạnh, theo tuyên truyền là nhờ cuốn sách Đỏ của Mao bá bá (Mao’s Litle Red Book) trong túi áo trước ngực và chủ nghĩa cộng sản bách chiến bách thắng trong đầu, sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội, còn hơn thuốc thần, linh đan “Thiên Niên Hà Thủ Ô” được chưởng môn phái Võ Đang là Trương Tam Phong (Zhang Sangfen) tinh chế trên đỉnh núi tuyết quanh năm phủ mây mờ. 


Các sử gia thế giới viết rằng hơn phân nửa số chí nguyện quân chết cóng biến thành tượng người đông đá, và chết đói ngoài mặt trận, số còn lại vì khổ quá đào ngũ trốn về lại xứ sở. Quân đội LHQ và Mỹ, tuy ít quân hơn nhiều, nhưng nhờ có đủ lương thực và đạn dược, quân trang quân dụng nên đánh cho lính Tàu và lính Bắc Hàn phải một phen khiếp vía và tổn thất nhân mạng quá nhiều. Vậy mà trong phim, những người lính chí nguyện quân Trung Cộng, dù áo quần phong phanh, vẫn ngụy trang bằng cách nằm vùi trong tuyết, chỉ ló mũi lên thở khi máy bay Mỹ bay thám sát trên không. Một anh đại đội trưởng bé loắt choắt, thiếu ăn, ốm yếu, khi đánh giáp lá cà, hai tay anh nắm hai đầu của 2 anh lính Mỹ và dập chúng vào nhau chết nhăn răng, coi dễ dàng như đứa con nít đang chơi đồ chơi lính nhựa. Thế mới hay từ ngày có bác Mao khai sinh ra đảng cộng sản Trung Quốc, ông ta đã tạo ra những kỳ tích anh hùng, tay không giết giặc, súng trường bắn phản lực cơ. Nhờ đọc cuốn Mao Tuyển ghi lời dạy của bác, mà từ một tên lính quèn, một sự thần kỳ đã biến thân thể hắn thành kim cang bất hoại. Cả đất nước Trung Hoa, từ ngày có đảng quang vinh đã oằn mình rặn ra không biết bao nhiêu là anh hùng cái thế như vậy, hỏi sao đám đế quốc không thua mới là lạ. Chắc chắn chúng ta không xa lạ gì với một chiến sĩ cách mạng thời đánh Mỹ ở nước Đông Lào, một mình một súng tiêu diệt mấy trăm tên địch, cứ một viên đạn bắn “xuyên táo” cả chục tên địch, nên không cần nạp thêm đạn, và tay không níu càng trực thăng, kéo rớt xuống đất như mình cầm cây thọc đu dủ vậy.


Có lẽ do tôi hơi thiên vị khi quen coi phim Mỹ và các nước khác, quen thấy nhân vật chính vai u thịt bắp như Rambo, sức khỏe như hổ như voi, mới đủ sức tả xung hữu đột, vượt qua bao gian nan thử thách; Khi coi phim nước mình, một là tự ti mặc cảm dân tộc đói ăn, ốm yếu, hai là không có lòng yêu mến “tủ lạnh” (lãnh tụ) nên khinh thường các anh hùng nước nhà, vừa lùn vừa thiếu thước tấc, làm sao có được một sức mạnh siêu nhân. Bản thân tôi, khi đánh nhau với mấy thằng to con lớn xác gấp đôi, tôi co giò chạy trước. Tránh voi chẳng hổ mặt nào.


Trong trận đánh này, quân sử Trung Cộng còn ghi thêm 1 anh hùng xuất chúng nữa tên Khâu Thiếu Vân, tôi đoán chắc tên anh phải là Khâu Thiếu… Vải. Số là trong sứ mạng Viện Triều đi giải phóng toàn dân Nam Hàn ra khỏi ách thống trị tàn ác, cơm không có ăn, áo không có mặc, ngày đêm rên xiết dưới ách thống trị tay sai đế quốc Mỹ như mấy tên chính trị viên vẫn ra rả vừa hù dọa vừa thổi vào lỗ tai các chiến sĩ. Anh này hy sinh tại mặt trận một cách hào hùng vì đang nằm mai phục quân địch thì bị… chết cóng vì “Thiếu Vải”, thiếu đồ ấm, thân thể nằm co quắp như con tôm luộc. Đảng và nhà nước thấy anh này chết lảng xẹt mà không “thu hoạch” được lợi nhuận gì. Một lệnh khẩn từ quân ủy trung ương xuống cho quân ủy sư đoàn phải biến anh ta thành anh hùng, liệt sĩ ngay lập tức. Tờ Nhân Dân nhật báo bèn đăng tin: “Liệt sĩ Khâu Thiếu Vân vĩ đại vừa hy sinh vì muốn bảo đảm bí mật cuộc phục kích được thành công và vì sự an toàn của mấy trăm đồng chí, đồng rận sau lưng mình, tuy trúng đạn lân tinh của địch đang cháy ăn sâu vào da thịt mình, anh đã cắn răng không rên la, không nhúc nhích vì sợ lộ mục tiêu.” Anh cứ để lửa cháy đùng đùng trên da thịt mình cả 30 phút đồng hồ và anh từ từ chết trong khi môi vẫn nở nụ cười mãn nguyện vì đã hy sinh bảo vệ gia đình ông hàng xóm Đại Hàn mà quên cả bảo vệ vợ con mình ở quê hương. Ôi tình đồng chí môi hở răng lạnh. Trên khuôn mặt, môi bị cháy quăn lên, hở cả răng.


Sau chiến thắng vang dội đó, đồng đội lôi xác anh ta về, mới hay anh ta chết co ro như con tôm, mặt mũi đau đớn thiểu nảo vô cùng, vài đồng chí rỉ tai nhau rằng anh ta chết lạnh đã mấy ngày rồi trước khi bị cháy. Thế mà có những “thế lực phản động” chuyên xăm soi vào chiến tích anh hùng của chiến sĩ ta và nghi ngờ là không có thật. Họ cho rằng da thịt trần tục con người không thể nào chịu đựng được lửa lân tinh mà không kêu la cả nửa tiếng đồng hồ. Đúng là bọn tiểu tư sản không biết gì là lý luận cách mạng. Đầu óc con người, một khi đã thấm đẫm lý tưởng cộng sản thì cơ thể con người cũng được nâng cấp theo lên, sẽ phát huy được tính thần thánh, thay da đổi thịt không còn biết đau đớn là gì, có thể vượt qua những thử thách tàn khốc nhất, những điều tưởng chừng như không thể sẽ trở thành có thể. Thế là ta đã đập tan những luận điệu phản động xuyên tạc cách mạng rồi nhé, chúng bay chỉ biết lấy khoa học thường thức và dựa vào cái công thức (recipe) nướng heo quay hay vịt quay, lại dám đem ra luận bàn lịch sử là hành động lăng nhục tiền nhân.


Hiện tượng siêu phàm này không chỉ xảy ra một lần ở Trung Cộng mà sau đó nó còn xảy ra ngay tại xứ Đông Lào với 1 thằng oắt con Iron-man Lê Văn Tám. Thằng nhóc tì này dụ khị mấy anh lính gác kho xăng Nhà Bè cho nó vào chơi, rồi thằng bé bất ngờ chụp lấy can xăng và đổ lên mình, không hiểu ai đó lại “tình cờ” để sẵn bình xăng kế bên, nó tự bật diêm đốt thân thể mình, chạy như bay vào những bồn chứa xăng, cho nổ cả cái kho xăng khổng lồ. Phải là mình đồng da sắt thì một thằng nhóc con 10 tuổi, thân thể lửa cháy phừng phừng mới chạy được vào tới cái bồn xăng gần nhất cũng cả nửa cây số, rồi còn phải leo thang lên tới nóc bồn và phải mở mấy lớp khóa mới nhảy tỏm vào bên trong bồn xăng to bằng mấy cái nhà. Chắc nó phải là cháu ngu của một bác vớ vẩn nào đó, thuộc lòng bốn điều mất… dạy và bị cô hồn các đảng Các Mác-Lệ Ninh nhập vào mới chịu nổi sức nóng của cây đuốc lửa đang hừng hực cháy trên cơ thể một thằng bé ăn chưa no lo chưa tới. Người bình thường, chỉ cần lửa cháy 30 giây thì gân sẽ rút lại, tay chân co quắp, ngạt thở vì thiếu khí trời, mắt mù ngay lập tức, làm sao có thể thấy đường và có đủ hơi sức để chạy đến bồn xăng rất xa ở bên trong cổng gác. Làm thế nào thằng bé 10 tuổi có thể nhấc can xăng 20 lít tự đổ lên đầu mình? Ôi, chỉ có tư tưởng thần thánh của Mao xếnh xáng và Hồ bá bá mới có thể hóa phép một đứa trẻ trở thành cây đuốc sống như thế. Bọn phản động sau này tiết lộ thằng nhóc Lê Văn Tám này là không có thật, là chuyện bịa ra để kích thích tinh thần yêu nước của nhân dân. Ai nói người cộng sản chỉ là đám công nông không có học, chúng phải làm việc bằng cái đầu, nặn mãi và rặn mãi mới ra nhân vật này, không dễ đâu.

Tượng anh hùng Khâu Thiếu Vân - người thà cháy thành tro chứ không chịu nhúc nhích.

Tượng đài Khâu Thiếu Vân, thà chịu
cháy chứ không chịu nhúc nhích.


Kể ra thì còn nhiều gương hy sinh của chiến sĩ vô sản ở nước ta và nước bạn vì nhân dân quên mình, tôi kể tới mai cũng không hết vì đất nước ta cứ ra ngõ là gặp anh hùng. Tôi chỉ xin kể ra 1 câu chuyện cuối cùng nói lên tình quân với dân của đất nước hạnh phúc nhất hành tinh, đất nước tôi, một đất nước anh hùng từng đánh thắng hai bọn thực dân và đế quốc sài lang.


Tôi không dám chắc đây là chuyện phong thần hay chuyện tào lao theo kiểu “vừa đi đường vừa kể chuyện” của ông Trần Dân Tiên nào đó, sau này được bật mí là do ông bác, cha già của dân tộc Đông Lào tự viết để ca ngợi…chính mình. Chuyện kể rằng: Có hai mẹ con ở một vùng giải phóng đến xin gặp thủ trưởng sư đoàn kêu van về việc cô con gái bị xâm phạm tiết hạnh. Sư trưởng bèn cho tập họp tất cả lính tráng dưới quyền đứng xếp hàng để hai mẹ con đi nhìn mặt. Ông tuyên bố sẽ tử hình kẻ hủ hóa nào đã bôi tro trát trấu lên hình ảnh lính cụ… già để làm gương. Vừa dứt lời, một anh bộ đội tự giác bước ra phía trước nhận tội và thú nhận anh không có ý định hiếp cô gái nhưng vì tính tò mò mà thôi. Anh khóc nấc lên cho biết đã gần 30 tuổi, quanh năm đi chinh chiến nên chưa hề biết hoặc nhìn thấy cơ thể người đàn bà tròn méo ra sao. Anh âm thầm ra bờ ao, theo gương anh hùng Núp, ngồi rình cô gái tắm. Mải mê nhìn, cực kỳ bức xúc, cầm lòng không đặng, anh nhẩy bổ vào và chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra. Anh thêm rằng anh không hối hận vì anh biết ngày mai ra mặt trận chắc chi sẽ có ngày trở lại. Thôi thì được hưởng một lần rồi chết cũng cam… sành, anh quyết định hy sinh thân mình cho lý tưởng “cắt mạng”.

Anh vừa hỉ mũi vừa mếu máo, cô gái bỗng vụt đứng thẳng người và tụt bỏ hết áo quần, chỉ còn “bộ đồ” lúc mới sinh ra đời, để cho cả sư đoàn giải phóng quân tha hồ chiêm ngưỡng những đường cong, nét gãy của Tạo Hóa đã ban cho người đàn bà. Sư đoàn trưởng cũng chăm chăm nhìn mất một lúc, ngây người như phỗng đá, một hồi lâu mới lắp bắp ra lệnh cho cả sư đoàn đứng nghiêm chào cô gái. Quân và dân nghẹn ngào nhìn nhau mà nước mắt rưng rưng tình cá nước. Ôi, còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh một quân đội hào hùng như thế.


Câu chuyện cảm động này sau đó được quay thành phim, thu hút được biết bao cặp mắt của những người yêu phim ảnh “nghệ thuật thiên nhiên”, nhất là những người yêu thích thú vật như con lợn hay con heo; Vậy mà cũng không tránh khỏi bọn phản động, lại bọn này, sao chúng cứ thích thọc gậy bánh xe đảng ta mãi thế nhỉ. Chúng rỉ tai nhau rằng, có gì đâu, đó là hai mẹ con của con mụ điên ở xóm này, chuyên sống nhờ bãi rác thành phố, tối về ngủ vật vờ dưới mấy cái hộp giấy các tông. Bà mẹ tính khí bất thường, cô con gái bị tâm thần, thường không thích mặc quần áo, hay ra tắm ở cái hồ nhỏ trong xóm, xui xẻo sao bị bộ đội của ta thèm của lạ đè ra, thế thôi. Có gì đâu mà làm nhặng lên. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!


Tôi coi phim Trung Cộng mà còn phát chán với những hình tượng anh hùng khuôn mẫu do những “đỉnh cao chí tệ”, đầu óc cực kỳ ưu việt đúc ra cùng một khuôn. Thế mà hôm nay lại không chịu đề cao cảnh giác, đầu óc mất lập trường vô sản, xui khiến tôi phải coi loại phim này. Chắc tôi chán phim hành động, phim tình cảm ướt át “đồi trụy” của bọn tư bản giãy chết rồi. Thế giới loài người có lương tri phải nên coi và học tập theo gương của những anh hùng tưởng tượng, siêu phàm này, vì đây là công lao của biết bao cán bộ tuyên huấn vô danh đã lê lết từng con hẻm ở Ngã Năm Chuồng Chó hay Ngã Ba Chú Ía để lựa ra được những mẫu chuyện dựng thành phim cho chúng ta coi những khi tâm hồn phiêu hốt muốn lên đồng. Thật phí thời gian gần 3 tiếng đồng hồ để coi phim phong thần. Tôi tiếc mãi.


Lãng Tử (NVT)

(2022)


Chú thích: Tôi cố ý xài chữ của người Việt trong nước để diễn tả ý cho hợp thời gian và không gian. Xin bạn đọc hiểu cho.


Vài hình ảnh lịch sử của trận đánh:  


blank

Xác chết đông thành đá của chí nguyện quân Trung Cộng.


blank

Lính Trung Cộng chết cóng trong tư thế chiến đấu trong trận đánh hồ Changjin.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.