Hôm nay,  

Giới Thiệu Tuyển Tập Dịch Thuật Trong Vườn Mắt Em

12/08/202200:00:00(Xem: 1163)

trong-vuon-mat-em
 
Trong Vườn Mắt Em là một hợp tuyển gồm truyện & kịch chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha của tổng cộng 21 nước trên thế giới dùng tiếng này làm ngôn ngữ chính thức.  Các nhà văn trong hợp tuyển này đại diện cho một nền văn chương tiếng Tây Ban Nha hùng hậu và đa dạng; họ là những người có sự nghiệp văn chương lẫy lừng: từ Gabriel García Márquez, María Luisa Bombal, Luis de Lión, đến những tác giả trẻ hơn đã khẳng định được vị trí của mình và được nhiều giải thưởng văn học như Claudia Hernández, Valería Luiselli, Patricio Pron, Julio Ramón Ribeyro… Dịch giả là Trần C. Trí, đã giảng dạy ngôn ngữ học Tây Ban Nha bậc đại học và cao học ở Nam California trong hơn hai mươi năm qua. Việc thực hiện hợp tuyển này là một quá trình tuyển lọc công phu của các tác giả đại diện cho 19 nước Nam Mỹ, thêm Tây Ban Nha và Guinea Ecuatorial ở châu Phi, và để chọn một truyện/kịch tiêu biểu cho từng nhà văn trong hợp tuyển.

Trong điều kiện chọn lọc khắt khe như thế, Trần C. Trí đã cân bằng các khuynh hướng và đề tài để thực hiện một hợp tuyển đa điện, đa thanh và đa sắc. Các truyện/kịch trong hợp tuyển—dù dưới hình thức dụ ngôn, huyền ảo, hay hiện thực—đều mang hình ảnh của thế giới chúng ta đang sống, với sự tàn bạo lẫn đáng yêu của cuộc đời, không khí huyền ảo của tiểu thuyết, và những nhân vật phức tạp đầy ắp chất sống làm nên xương thịt của tác phẩm. Văn phong và khí hậu của từng truyện/kịch phả ra hơi thở nóng bỏng của những vùng đất bản địa và tâm trạng khắc khoải của con người lồng trong cảnh vật. Đó là vùng đất với “phong cảnh hoang dã và bí hiểm trong ánh nắng rực rỡ của buổi trưa, trông như trong một cơn hoả hoạn, như thể làn không khí trong suốt đã bốc cháy, bị xé toang thành những vết sẹo và mở toác ra từng mảnh da thịt của cảnh vật, rồi thiêu đốt đi tất cả: những đám ruộng lúa mạch chập chùng, những ngôi nhà quét vôi trắng, những cái cối xay gió, những đứa nhỏ đang đi dọc theo con lộ,..” (“Lời Chia Tay Êm Ái”- Patricio Pron).
Bên cạnh những đề tài muôn thuở của loài người như tình yêu, sự cô đơn, sự sống còn, xung đột gia đình; dịch giả đã cân nhắc để tạo sự hòa hợp giữa các chủ đề xã hội, lịch sử, những xung đột màu da, chủng tộc, giai cấp với những vấn đề thời đại: sự kỳ thị, dịch bệnh Corona, sự nghèo đói ở một số quốc gia dẫn đến việc di dân lậu/nô lệ thời nay. Dịch giả cũng rất chú trọng đến việc giới thiệu những kỹ thuật viết mới mang tính đột phá như “Hàm Răng Kể Chuyện” nói về các cuộc đấu giá theo hình thức Dụ Ngôn; hay vở kịch “Rác Rưởi” có nội dung và kết cấu độc đáo thể hiện qua những cuộc điện đàm để hé lộ những thủ đoạn đê tiện như lường gạt, ám hại, đảo chánh, thủ tiêu, trục lợi trong một thế giới đúng là “rác rưởi” và phi nhân tính. Giọng kể trong truyện “Con Trai Người Thợ Rèn” là sự có mặt, giọng nói, ý tưởng của tôi-thượng đế, một hiện hữu của thượng đế có thực, nhưng bất lực trước tội ác của loài người. Kịch “Đa Diện”, chỉ với ba diễn viên hoá thân thành nhiều vai, trải qua nhiều chặng hồi ức, là một cách sử dụng biểu tượng người phụ nữ như đạo diễn lẫn đạo cụ, như nạn nhân lẫn nguyên nhân nguồn gốc tội lỗi của đàn ông–mà cũng là của thế giới thu nhỏ lại thành sân khấu kịch. “Ma Sống” và “Loài Khỉ” là những ẩn dụ mang tính triết học được viết với phong cách hài hước châm biếm và đưa ra câu hỏi thế nào là con người, con người có gì khác biệt với một con khỉ xuất chúng hay một thây ma vẫn còn cử động và sinh hoạt?

Không thể nói đến dịch phẩm “Trong Vườn Mắt Em” mà không nhắc đến tài dịch thuật của dịch giả. Trong suốt tập sách, Trần C. Trí đã vận dụng ngôn ngữ rất điêu luyện để chuyển dịch những tác phẩm văn học tiếng Tây Ban Nha sang ngôi nhà ngôn ngữ Việt cho chúng ta thưởng thức. Chúng ta sẽ nghe được những giai điệu êm ả của âm nhạc hay thi ca trong “Cây Hạnh Phúc”, “Trong Vườn Mắt Em”,”Lời Chia Tay Êm Ái”... Chúng ta sẽ cảm nhận sự gậm nhấm khắc khoải của ác mộng trong “Hàm Răng của Toby”, “Hạt Muối”, “Cái Hộp Giày”, “Giấc Mộng”, “Tấm Thiệp”, “Tha Hoá”... Có những lời mê sảng của sự mất trí và trí thông minh siêu việt trong “Rác Rưởi”. Có những lời quyến dụ điên cuồng và mê hoặc trong “Hàm Răng Kể Chuyện”. Có những thứ ngược ngạo hay bóng bẩy; chua chát hay hài hước. Có những đoạn phải nêu bật những điểm tương đồng về văn hoá giữa hai ngôn ngữ. Có những lúc phải vừa sáng tạo vừa trung thành với cách nói lái, chơi chữ, ẩn ý trong nguyên tác, và những dụ ngôn liên văn bản. Có lẽ phải am tường cả hai ngôn ngữ Tây Ban Nha và Việt để có thể thấy hết công sức và tài năng mà người dịch đã dành cho hợp tuyển này. Chúng ta đã quá kinh hãi với những dịch phẩm xuất bản ồ ạt trong nước hiện nay, những bản dịch thiếu kiến thức về ngôn ngữ nguồn và thiếu lương tâm khi sử dụng ngôn ngữ đích, những văn bản ngô nghê có thể giết chết hay cưỡng hiếp tiếng Việt. Hợp tuyển Trong Vườn Mắt Em là một cuốn sách hiếm thấy về độ chính xác và tinh ròng của ngôn ngữ, cách vận dụng từ vựng tinh tế, linh động và phong nhiêu; và cách hành văn khúc chiết, chuẩn mực, đầy nhạc tính.


Khi thực hiện một hợp tuyển, điều cần lưu ý là nên có một khái niệm, một ý tưởng liên kết, hoặc một bầu khí quyển chung. Một hợp tuyển có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt (installation) mà dịch giả là người nghệ sĩ đi gom góp các vật liệu, đem về sơn phết và uốn nắn lại (ở đây là chuyển ngữ), rồi sắp xếp theo một bố cục nghệ thuật nào đó. Điều nối kết các phần lắp ghép là cảm giác xuyên suốt các thành tố: Đó là tình yêu và sự trân trọng dành cho tiếng Việt. Dịch thuật đòi hỏi điều đó. Đây cũng là điều mà Trần C. Trí muốn nhắn gửi qua truyện cuối cùng trong tuyển tập: “Hồn Ma Bồ Đào Nha” của Miguel Gomes. Truyện ngắn này viết bằng tiếng Tây Ban Nha, pha lẫn một phần  tiếng Bồ Đào Nha, kể cả tựa đề Um fantasma português, com certeza. Truyện viết về một gia đình gốc Bồ Đào Nha sống ở Caracas, Venezuela. Thời trẻ, người cha đến Venezuela để tỵ nạn chính trị, rồi lập gia đình ở đó. Người con sinh ra nói tiếng Tây Ban Nha trong khi người cha luôn sống trong tâm thức lưu vong, cương quyết không dùng tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính ở Venezuela, mà chỉ dùng tiếng Bồ Đào Nha để giao tiếp và viết lách:

“Cuộc sống của ông ở Venezuela phần lớn chỉ quanh quẩn trong nhà, ở trong phòng đọc sách hết giờ này qua giờ khác, nơi ông thường cặm cụi biên tập cho tờ báo tiếng Bồ Đào Nha của ông, hay viết những bài báo ký bằng nhiều cái tên khác nhau mà ông gởi đến các tờ báo của di dân ở Hoa Kỳ và Canada, hay những tạp chí ở Bồ Đào Nha, Brazil, Mozambique, Cape Verde, Angola, Macao, Timor... Ông chưa sẵn sàng từ bỏ những lề thói mà ông đã cần mẫn hun đúc nên như thế. Hồn ma của ông là sự tiếp nối của chính con người đó, ngay đến những niềm đam mê, cái dọc tẩu, những trang sách, và câu hỏi:

– Quando voltamos à Madeira? ‘Stou farto desta terra e desta gentaça... (Chừng nào chúng ta mới trở về Madeira đây? Ba chán cái nơi chốn hôi hám này lắm rồi...)”.

Quê hương và tiếng mẹ đẻ là điều ám ảnh người cha. Ngay cả sau cái chết, hồn ma người cha vẫn hiện về và tìm cách đưa gia đình trở lại Bồ Đào Nha. Cuối truyện, người con trai được kế thừa nhà sách của gia đình ở Bồ Đào Nha, anh dọn đến sống ở đó, như một cách duy trì mối liên lạc với hồn ma của người cha. Trớ trêu thay, ngôn ngữ chính của anh lại là tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng nơi anh đã chào đời (không phải tiếng “mẹ đẻ”). Tình cảnh của người con vừa là một sự lập lại bi kịch của cha, vừa là một âm bản đảo nghịch của bi kịch ấy:

 “Tôi đọc lại những trang này và nhận ra tôi đã diễn tả tâm trạng mình như thể là tôi chưa hề rời Caracas. Tôi tin rằng cho dù có ở góc biển chân trời nào, tôi vẫn suy nghĩ và nói năng cùng một cách như nhau. Nhưng tôi cũng không thể tự lừa dối mình: thành phố này không bao giờ thuộc về tôi; cũng như không có thành phố nào khác thuộc về tôi cả. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn tiếp tục viết, và viết bằng một ngoại ngữ.”

Ngôn ngữ là hồn ma không bao giờ rời bỏ người di dân, cho dù họ có đến một nơi tốt đẹp hơn, an toàn hơn, hợp lý hơn… thì hồn ma ấy vẫn luôn ngự trị trong con người họ. Đọc truyện này, chúng ta nhìn ra tâm thức phổ quát của mọi cộng đồng đi dân, trong đó có người Việt và những người còn viết tiếng Việt ở hải ngoại. Viết bằng một ngoại ngữ là sống và đối thoại với hồn ma, là sở hữu hơn một cuộc đời, là không bao giờ thuộc về. Dùng truyện này để kết thúc một hợp tuyển dịch sang tiếng Việt, Trần C. Trí đã cho chúng ta một cứu cánh để tiếp tục viết và viết bằng một ngoại ngữ:

           Hồn ma mới là điều còn lại, sau khi thân xác đã chết đi.

Đặng Thơ Thơ
_______________________________________________________________________________________
Trong Vườn Mắt Em do NXB Nhân Ảnh ấn hành tháng 8, 2022 và có mặt TRÊN AMAZON.COM 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cầm trên tay tập thơ “Thơ hai dòng & cỏ biếc” của anh Trần Hoàng Vy gởi tặng mà thấy vui chi lạ. Tập thơ đẹp, trang nhã và tươi rói như còn thơm mùi mực. Tập thơ dày 148, được ấn hành bởi nhà xuất bản Nhân Ảnh, tháng 4/2024...
Lịch sử Phật Giáo thế giới hơn hai mươi lăm thế kỷ qua không thiếu những câu chuyện có sức thu hút đặc biệt về những đấng minh quân đem Chánh Pháp của đức Phật ra để trị quốc. Chẳng hạn, Vua A-dục (Aśoka – 304-232 BC) ở Ấn Độ, Vua Lương Võ Đế (464-549) ở Trung Hoa, Vua Songtsän Gampo (thế kỷ thứ 7 Tây lịch) ở Tây Tạng, Thánh Đức Thái Tử (574-622) ở Nhật Bản, Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) ở Việt Nam, v.v…
“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.