Hôm nay,  
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”

Văn Hóa Cao Bồi Và Hiện Tượng Sùng Bái Trump

14/07/202300:00:00(Xem: 2451)

Hình-1_20230701_093258
Hình nộm ông Trump như một nhà tiên tri ở vùng nông thôn Arizona. Ảnh Việt Báo

“…Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…” (Truyện Kiều Nguyễn Du)

Những ai quan tâm đến chính trị tại Hoa Kỳ đều dễ dàng đồng ý rằng chỉ trong vài năm gần đây, quốc gia dẫn đầu thế giới tự do dân chủ đang trải qua những biến động chính trị “bể dâu” chưa từng có từ cả thế kỷ. Từ một nền dân chủ được xem là mẫu mực của thế giới, người dân Hoa Kỳ đang tranh cãi với nhau về sự liêm chính của Tối Cao Pháp Viện, về độ tin cậy của các cuộc bầu cử, về sự cần thiết của cơ chế tam quyền phân lập… Nhân vật đã tạo nên được sự chia rẽ chính trị sâu sắc tại nước Mỹ như vậy, chỉ trong vòng trên sáu năm qua, có lẽ không ai khác hơn là cựu tổng thống Donald Trump.

Đã có quá nhiều phân tích về sự ảnh hưởng của ông Trump đến nền chính trị Hoa Kỳ từ cả hai phía Dân Chủ và Cộng Hòa. Trong phạm vi hạn hẹp hơn, bài viết này chỉ đề cập đến những thay đổi mà ông Trump đã tạo ra tại một khu vực nông thôn hẻo lánh thuộc tiểu bang Arizona. Cách đây 5 năm, một số du khách Việt đã từng thăm thành phố lịch sử “cao bồi” Oatman, Mojave County, vừa trở lại trong mùa hè năm nay, đủ để cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của thế thái nhân tình.

Oatman là một thị trấn nhỏ nằm trên Quốc Lộ 66 lịch sử, xa lộ đông tây nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử di dân về phía Tây thời cận đại. Oatman là một thị trấn cao bồi đích thực. Thị trấn chỉ với một con đường nhỏ và ngắn cỡ hơn trăm mét, hai bên là quán rượu, ngân hàng, nhà tù, hầm mỏ vàng… còn giữ nguyên kiến trúc cổ từ một thế kỷ trước. Có thể nói rằng Oatman còn giữ nguyên những thứ thường chỉ được thấy qua những phim cao bồi.

Hình 2
Thị trấn Oatman với màn trình diễn cao bồi bắn súng. Ảnh Việt Báo.

Một điểm độc đáo nữa của Otaman là vào mỗi trưa, một số cư dân “cao bồi” của thị trấn trình diễn lại những màn đấu súng. Con đường chính qua thị trấn được chận lại hai đầu, để các chàng cao bồi đấu súng (dĩ nhiên là với súng không đạn) theo kiểu bắn chậm thì chết, có kẻ bị bắn ngã xuống đường hẳn hòi, trông… như thiệt! Chỉ cách Los Angeles chừng bốn tiếng, cách Las Vegas hơn hai tiếng lái xe, Oatman là điểm thăm viếng lý tưởng cho những du khách muốn tìm hiểu về nền “văn hóa cao bồi”, một nền văn hóa đặc trưng của nước Mỹ trong quá khứ, giống như văn hóa “sông nước Miền Nam” của vùng đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Nói là “quá khứ”, chứ thực ra văn hóa cao bồi vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm tại nhiều thị trấn thuộc các tiểu bang miền Nam cho đến tận ngày hôm nay, trong đó có Oatman.

Cách đây 5 năm, một số du khách gốc Việt đến thăm và thực sự yêu thích Oatman. Đến đây để thấy cách mà người Mỹ bảo tồn văn hóa, lịch sử của mình giỏi như thế nào. Không như chính quyền ở Việt Nam đã xóa sổ hầu như tất cả những kiến trúc lịch sử của Sài Gòn vì mục tiêu “phát triển”. Đến Oatman, nhìn những chú lừa hoang dã đi lại tự do trên đường phố, người dân đón tiếp du khách vẫn trong trang phục và phong cách thời cao bồi, mộc mạc, đơn giản. Du khách Việt như nhớ lại hình ảnh cao bồi miền Viễn Tây đã từng được xem qua các tập truyện tranh Lucky Luke.

Tuy nhiên, cũng với những khung cảnh đó, những thế thái nhân tình của Oatman trong năm nay có vẻ như đã khác đi rất nhiều. Một vài du khách Việt kể lại rằng lần trở lại Oatman trong mùa hè năm nay, họ “bị” nhân viên một quán bar tiếp đón với thái độ hờ hững, có phần kỳ thị thấy rõ. Màn trình diễn đấu súng cao bồi cũng có khác đi. Người cao bồi già dẫn chương trình nói rằng cư dân Oatman tự hào rằng mình biết cách tự nạp đạn, bắn súng, không cần Hollywood diễn những phim cao bồi thay cho mình. Ông ta cũng nói nhiều đến quyền tự do cá nhân, tới việc thực thi công lý thuộc quyền của mỗi người dân chứ không cần đến chính quyền, giống như thời cao bồi hoang dã của cả thế kỷ trước đây. Người xem có cảm giác rằng, họ nay không còn trình diễn để gợi nhớ quá khứ, bảo tồn lịch sử, mà muốn sống lại thời quá khứ hoàng kim đó.

Điều gì đã tạo ra sự thay đổi nhanh chóng như vậy tại thành phố cao bồi này? Nhóm du khách VIệt tìm ra câu trả lời ở một trạm dừng chân dành cho du khách ở một khu vực nông thôn khác cũng thuộc Mojave County, cách Oatman không xa. Tại đây, du khách sau khi đổ xăng, vào bên trong để đi restroom, mua thức ăn nước uống, thấy có một hình nộm ông Trump biết nói, vẫn với chiếc mũ đỏ với dòng chữ quen thuộc “Make America Great Again”, ở đây ông giống như một thầy bói, một nhà tiên tri. Chỉ cần bỏ tiền vào, ông sẽ nói cho nghe về tương lai nước Mỹ. Thì ra ở khu vực nông thôn Arizona này, người ta vẫn sùng bái ông Trump như một nhân vật có thể đơn thân độc mã làm cho nước Mỹ vĩ đại, bất chấp bao nhiêu cuộc khởi tố dân sự, hình sự hiện đang nhắm vào ông.

Tìm hiểu một chút về những diễn biến chính trị Hoa Kỳ trong những năm gần đây có thể lý giải được hiện tượng sùng bái cá nhân Trump ở đây. Từng là một thành trì vững chắc của đảng Cộng Hòa, trong hai mùa bầu cử vừa qua, Arizona trở thành một tiểu bang chiến trường, với lợi thế mong manh nghiêng về đảng Dân Chủ. Hai thượng nghị sĩ đại điện cho Arizona tại Quốc Hội Hoa Kỳ hiện nay là Kyrsten Sinema (ghi danh là ứng cử viên độc lập, nhưng được mô tả là một thành viên Dân Chủ ôn hòa bảo thủ) và Mark Kelly (Dân Chủ). Thống đốc tiểu bang Katie Hobbs cũng thuộc đảng Dân Chủ. Trong cuộc bầu cử thổng thống 2020, ông Joe Biden đã thắng đương kim tổng thống Donald Trump với số phiếu chênh lệch sít sao 0.4%, trong một cuộc bầu cử được xem là căng thẳng, nhiều kịch tính vào bậc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Động lực lớn nhất của bước chuyển màu từ đỏ sang xanh này là từ Maricopa County, khu vực bao gồm nhiều đô thị lớn của Arizona như thành phố Phoenix. Cử tri tại đây nghiêng hẳn về phía Dân Chủ. Ngược lại, những khu vực nông thôn như Mojave County lại nghiêng hẳn về phía Cộng Hòa.  

hình-3
Thị trấn Oatman với màn trình diễn cao bồi bắn súng. Ảnh Việt Báo.

Theo trang mạng www.npr.org, trong năm 2020, ông Trump đã bỏ qua Phoenix trong chiến dịch tranh cử, tập trung vận động tại các khu vực nông thôn Arizona, với hy vọng cử tri nông thôn sẽ quyết định kết quả bầu cử. Điều này nói lên mức độ ủng hộ vững chắc dành cho ông Trump ở nông thôn. Đã từ lâu, cử tri nông thôn phàn nàn rằng họ bị các chính trị gia bỏ quên, chỉ hứa hẹn các giải pháp cho vùng nông thôn nhưng chẳng làm được gì. Ông Trump là người thể hiện sự quan tâm đến họ.

Theo www.voanews.com, trong cuộc bầu cử 2020, gần 3/4  dân số của Mojave County đã bỏ phiếu cho ông Trump, nhiều hơn bất kỳ quận hạt nào khác của Arizona. Theo họ, ông Trump làm rất tốt công việc của mình, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu súng. Một người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump tên Scarmardo, là chủ một tiệm bán súng ở Lake Havasu, nơi mà người mua có thể mua bộ giảm thanh cho súng ngắn, hoặc thuê súng trường hoặc súng máy công suất lớn. Tại đây có hàng trăm khẩu súng máy hoàn toàn tự động cho thuê, và cả triệu viên đạn để bán. Du khách có thể thử súng tiểu liên Thompson thời Thế chiến II, hoặc khẩu M60 nguy hiểm hơn. Người dân Arizona trưởng thành có thể mang vũ khí một cách công khai hoặc giấu kín mà không cần giấy phép. Ông Scarmardo tin tưởng Donald Trump sẽ ủng hộ quyền sử dụng súng và hơn thế nữa.

Ngoài ra, cư dân ở đây còn ủng hộ ông Trump trong chính sách hạn chế người nhập cư. Theo họ, nhiều cư dân trong thị trấn thiếu việc làm, hoặc hoàn toàn thất nghiệp, không thể nuôi sống gia đình của họ. Trong khi đó có một lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp sống ở đây, đánh cắp việc làm của họ.
Theo apnews.com, những thất bại liên tiếp trong những mùa bầu cử gần đây của Đảng Cộng Hòa tại Arizona đã khiến cử tri vùng nông thôn tức giận, vì họ tin rằng các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ không còn đáng tin cậy. Nhiều cử tri vùng nông thôn cố gắng thuyết phục các giám sát viên ở Quận Maricopa rằng cuộc bầu cử bị gian lận. Họ cho rằng nên hủy bỏ các kết quả bầu cử nời mà đảng Cộng hòa đã thua, và phải loại bỏ các máy bỏ phiếu.

Trong năm 2022, ông Trump đã ủng hộ một số ứng cử viên tại Arizona, những người đã lặp lại lời nói dối của ông về việc thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 là do gian lận cử tri. Tất cả những ứng cử viên đó đều thua. Nhưng thuyết âm mưu về gian lận bầu cử do ông Trump chủ xướng vẫn được tin tưởng mạnh mẽ ở các vùng nông thôn Arizona.

Nhìn lại những sự kiện này để hiểu rằng sở dĩ người dân xứ cao bồi Oatman thần tượng hóa tuyệt đối ông Trump là vì ông đã nói và làm những điều họ muốn nghe muốn thấy. Đó là quyền sở hữu súng tuyệt đối, bất khả xâm phạm. Đó là việc đổ lỗi cho người nhập cư đã cướp đi công ăn việc làm, đời sống an bình của họ. Điều đó đã ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ, hành động của những người nông dân ở những khu vực nông thôn hẻo lánh ở Arizona, có thể ví như Cà Mau khi so với Sài Gòn hoa lệ. Những chàng cao bồi có lối suy nghĩ đơn giản, mộc mạc nhưng thẳng thắn, trung thực là hình ảnh điển hình của một nền văn hóa cao bồi Mỹ trong quá khứ. Nhưng hiện nay, nó đang bị méo mó, khi dân xứ cao bồi Oatman trở thành những người mang tư tưởng kỳ thị di dân, muốn sống trở lại với thời quá khứ mỗi cá nhân được quyền trang bị vũ khí để thực thi công lý theo cách của mình.

Ít ra, những chàng cao bồi Oatman cũng có lý do chính đáng để ủng hộ cựu tổng thống Trump, vì ngoài việc ăn nói “cao bồi”, ông đại diện cho họ trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu súng và bài chống di dân. Điều đáng nói là có những người thuộc những cộng đồng di dân khác, dù không thích súng ống nhưng vẫn cuồng nhiệt ủng hộ ông Trump đến cùng. Họ cũng không rõ ủng hộ ông Trump vì lý do gì. Đó mới là vấn đề đáng suy gẫm.
Dân Việt
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
05/05/202409:32:00
Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?” Thiền sư đáp: -Chỉ có tâm người là đáng sợ...
03/05/202400:00:00
Tuần qua Tổng thống Joe Biden ký ban hành gói dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ MK thành luật chính thức. Và cũng từ đây, đồng hồ bắt đầu đếm ngược thời hạn 9 tháng để ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tìm cách thoái vốn khỏi ứng dụng này. Thời hạn có thể được gia hạn thêm ba tháng, tức là tối đa 1 năm, và TikTok đã tuyên bố sẽ lôi vụ việc ra tòa giải quyết.
30/04/202407:38:00
Chúng ta đang ở trong một cõi lúc nào cũng đầy những cuộc chiến tranh. Có khi vì thánh chiến giữa các tôn giáo để mở rộng tôn giáo, để cưỡng ép bên thua trận phải quy thuận theo tôn giáo của mình. Có khi vì bành trướng lãnh thổ, khi nước lớn muốn chiếm nước nhỏ để mở rộng biên giới, để sáp nhập thêm lãnh thổ. Có khi là một cuộc chiến cốt nhục tương tàn, như trường hợp “Vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, triệu tập bốn binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kāsi” bất kể rằng vua Ajātasattu là cháu trai của vua Pasenadi.
26/04/202400:00:00
Mới nghe qua thì tưởng chỉ đơn thuần là mấy lời bông phèng với chuyện gái trai thế nhưng, thực sự, câu ca dao hiện đại hậu tháng Tư 1975 này là lời gan ruột của những thành phần tinh hoa ở miền Nam, giới khoa bảng thiên tả và ngụy hòa, sau bao nhiêu năm mơ về miền Bắc với niềm hy vọng “chờ nhìn quê hương sáng chói”, đã cay đắng nhận ra rằng nàng Thúy Kiều mình ngày đêm mơ tưởng chỉ là một thứ Thị Nở, cái kẻ không chỉ “xấu ma chê quỷ hờn” mà còn khiến đất nước ngày càng tăm tối hơn.
23/04/202415:32:00
Hôm qua, 22 tháng 4 là Ngày Trái Đất, khởi nguồn từ 1970 nhằm hỗ trợ bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên.
22/04/202417:22:00
Trump được bàn dân thiên hạ đặt cho một biệt danh là vua nói dối (Lying King). Theo Washington Post, tổng số tuyên bố sai trái hoặc gây hiểu lầm của Trump là 30,573 trong 4 năm làm tổng thống. Trump còn một khuyết điểm nghiêm trọng hơn nữa là việc làm không đi đôi với lời nói. Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lúc kiểm điểm lại một số sự kiện đã và đang xảy ra trong vài năm qua liên quan cựu Tổng Thống Donald Trump và sẽ là một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 11 sắp tới. Bài báo này sẽ khá dài vì Trump có nhiều khuyết điểm mà độc giả cử tri cần phải biết và có thể sẽ không có phần tham khảo vì tôi đã phải tham chiếu vài chục tài liệu hoặc là tôi sẽ chỉ liệt kê khoảng 10 tài liệu quan trọng nhất. Xin độc giả thông cảm.
21/04/202417:38:00
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
14/04/202417:09:00
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật?
12/04/202400:00:00
Còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến ngày thực sự bầu phiếu vào đầu tháng 11. Thời gian không dài lắm nhưng đủ để sóng gió thăng trầm. Nếu bạn đọc tò mò hỏi tôi, ai sẽ là người chiến thắng? Tôi chưa có câu trả lời dứt khoát, nhưng tôi sẽ lý luận với các bạn và dựa lên câu trả lời của câu hỏi then chốt: Đa số người Mỹ hoặc sống ở mỹ đi bầu phiếu, có phải là những kẻ ngây thơ? Ông Biden và ông Trump, cả hai đều có ưu và khuyết điểm, có kẻ khôn theo phò và có kẻ khờ hùa theo. Nhưng điểm then chốt mà bạn đọc muốn biết, hơn cả ai sẽ thắng, đó là, bạn là người khôn hay kẻ khờ, dù là bạn bỏ phiếu cho ai? Có khi nào bạn tự hỏi, mình khôn hay khờ khi sử dụng lá phiếu? Sự khôn hay khờ này không mắc mớ đến bằng cấp, giàu nghèo, màu da, địa vị, vân vân, mà chỉ mắc mớ đến khả năng lý luận và phẩm chất đạo lý, không phải đạo đức, mà bạn đang có
12/04/202400:00:00
Sức mạnh răn đe hạt nhân là thứ hữu dụng – ít nhất là cho đến nay. Muốn hiểu rõ hơn, chỉ cần nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine. Hoa Kỳ và Châu Âu trang bị vũ khí cho các đồng minh nhưng không dám triển khai quân đội đối đầu trực tiếp với Nga. Tương tự, Nga cũng không có gan gây hấn trực tiếp với các quốc gia phương Tây. Nỗi sợ hãi và kiêng dè lẫn nhau khiến các cường quốc hạt nhân không công khai gây chiến trực tiếp; như đã từng ngăn Chiến Tranh Lạnh trở nên nảy lửa, dù đã có rất nhiều xung đột gián tiếp nổ ra. Răn đe hạt nhân cũng giúp hạn chế số lượng quốc gia phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân – hiện nay chỉ có 9 quốc gia trên thế giới có vũ khí hạt nhân, và số quốc gia có có khả năng phát triển các loại vũ khí hủy diệt này còn ít hơn thế.