Hôm nay,  
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”

Khi nước mắt ngưng chảy xuôi

29/12/202300:00:00(Xem: 1091)

Bà và cháu ngày xuân

Bà và cháu ngày đầu xuân.


Không biết “Cẩm nang sống cho người cao tuổi” phổ biến tới đâu nhưng ít nhất đã có vài lần “3 quên-4 có-5 không” thăm viếng hộp thư email của tôi.  3 điều cần quên thì tôi quên bẵng rồi nhưng hai lời khuyên ‘‘không chăm cháu, chỉ thăm cháu” và “không ở cùng, nên ở gần” đã làm tôi mỉm cười và chú ý.
 
Không ở cùng, vì hai thế hệ được đào tạo trong bối cảnh xã hội khác nhau, có quan niệm sống và lối sống khác nhau.  Sự khác biệt lớn lao này, khi bị bó chặt trong một không gian nhỏ bé, có thể làm ngay cả quan hệ mật thiết nhất bị xây xát.  Một số cha mẹ già ở Việt Nam, vì lý do tài chánh hoặc sức khỏe phải sống chung với con cái, đã kinh nghiệm điều này.  Bị cho là cổ hủ, kém hiểu biết, đôi khi họ cảm thấy chỉ có chọn lựa đau lòng giữa ‘cắn răng’ hay ‘cắn lưỡi’.
 
Nhưng tại sao không chăm cháu?  Không phải truyền thống xưa nay là ông bà, dù ở chung hay không, đều dự phần vào việc chăm sóc cháu để chia sớt gánh nặng với con và thiết lập mối liên hệ ngọt ngào với cháu hay sao?
 
Tiếc là câu hỏi này không thể đặt ra với tác giả vô danh.  Nhưng mặt khác, lại mừng cho cụ (?) vì nếu có danh thì cụ sẽ bị điếc con ráy:  Những cụ ông cụ bà hào hứng thực hiện phương châm “không chăm cháu” đang bị kêu rêu, lên án là lười biếng và ích kỷ!
 
Trên website Reddit, một ông bố trẻ đã hỏi “Người Mỹ thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh từ năm 1946 đến 1964) có phải là ông bà ích kỷ và lười biếng hay tôi chỉ là người xui xẻo nhất? ”  Anh nói mẹ anh sống cách gia đình anh chỉ 10 phút, nhưng thuyết phục bà dành thời gian cho cháu gái 2 tuổi rất là khó khăn.  Bà luôn nói “Để mẹ coi lịch đã.” hay “chắc thứ ba mẹ rảnh vài giờ.”  Và khi trông cháu, bà không bao giờ cho cháu ăn hoặc đưa cháu ra ngoài.  Trong khi đó, cha mẹ vợ anh, không phải là người Mỹ, thường xuyên năn nỉ vợ chồng anh đưa con gái qua và đề nghị chăm sóc cô bé trong vài tuần hoặc thậm chí là một vài tháng!” 
 
Cũng trên trang web này, một người khác nói dứt khoát “Ông bà thế hệ Boomers là vô dụng.”   Cha mẹ anh đã nói thẳng thừng giờ họ chỉ sống cho họ vì đã lo cho con cái đủ rồi! *
 
Những lời ta thán trên không phải là các trường hợp cá biệt.  Mới đây, theo website Business Insider, thế hệ Millennial (sinh từ năm 1981 đến 1996) cảm thấy bị bỏ rơi và buồn giận cha mẹ.  Vì sao?  Vì các ông bà này chọn đi du lịch hơn là ở nhà giúp coi sóc, dưỡng dục cháu.** 
 
Chủ trương ‘mua trải nghiệm hơn là vật dụng’, giới trẻ thường đi ta bà khắp nơi trước khi lập gia đình.  Thế nhưng Baby Boomers lại là thế hệ chi tiền cho việc du lịch và đi ăn nhà hàng nhiều hơn hết, theo phân tích của Bank of America.  Bởi vậy, họ đã không bị nói oan.  Vấn đề đặt ra, do đó, là có gì sai trái khi cha mẹ theo tiếng gọi.. đôi chân, ‘bỏ rơi' cháu con như vậy?
Sai trái lắm, quý Millennials sẽ giải thích với một cái liếc chán chường hoặc tiếng thở dài. 
 
Boomers luôn được sự giúp đỡ tận tình của cha mẹ.  Đi nghỉ hè hay vui bạn, họ cứ tự nhiên giao cháu cho ông bà.  Cháu còn có nhiều kỷ niệm với ông bà hơn vì ông bà không đi đâu cả, chỉ ở nhà thưởng thức cháu.  Tại sao khi trở thành ông bà, Boomers lại không tiếp tục truyền thống này?  Nhận mà chẳng cho đi, nếu không là lười biếng, ích kỷ thì là gì đây?
 
Không những thế, Boomers đã may mắn về nhiều mặt khác.  Đời sống dễ dàng, một người đi làm cũng có thể sống giấc mơ Mỹ quốc - căn nhà khang trang với hàng rào trắng.  Học không phải vay nợ cả trăm ngàn.  So với cha mẹ mình, thì Millennials có vô vàn thử thách.  Nợ nần.  Công việc khó tìm, lương thấp.  Tiền giữ trẻ cao.  Sở hữu một căn nhà có khi ngoài tầm tay.  Chưa kể đến các lo âu về thiên tai địa hoạ vì môi trường đã bị .Boomers làm cho tệ hại!  A, thử thách này không phải là lý do để yêu cầu/đòi hỏi dịch vụ giữ trẻ miễn phí, nhưng nó là một yếu tố làm cho đời sống Millennials thêm căng thẳng.  Càng căng thẳng, càng cần được giúp đỡ.  Thế mà cha mẹ lại bỏ rơi thì không phiền lòng sao cho được!
 
Trước sự chỉ trích này, không biết tác giả Cẩm nang có chống chế nào nghe thuận tai không.  Nhưng nói chung, ông bà Boomers không tha thiết với nhiệm vụ chăm cháu ‘cao quý’ như các thế hệ đi trước vì họ thấy đã đến lúc cần sống cho chính mình.
 
Nhân sinh thất thập nhiều vô kể, nhưng thời gian gối chưa mỏi, chân chưa chùn còn có bao nhiêu?  Millennials thường lập gia đình trễ.  Khi Boomers được họ cho lên chức thì bóng đã xế tà.  Không đi du lịch thì bao giờ mới học được.. dăm bảy chục sàng khôn?  Làm việc cực nhọc suốt đời, làm gì có chuyện ‘công việc-cuộc sống cân bằng’!  Chở bầy con trong xe van xấu xí, làm gì có SUV!  Có tài sản nhiều là nhờ dành dụm, nhờ không tiêu tiền vào cà phê Starbucks, vào avocado toast.  Và nhờ không ai bào chế được.. đất đai nên nhà cửa tăng giá vùn vụt nữa.  Tài sản nhiều, thời gian ít.  Không tận hưởng để chết trong quê mùa, hối tiếc hay sao?
 
Thêm nữa, con cái đời nay tự giáo dục mình.  Thế hệ nào cũng thấy thế hệ đi trước là kém hiểu biết hơn họ.  Nhận định này không có gì quá đáng vì xã hội ngày càng tiến bộ, ít nhất về mặt kỹ thuật, khoa học, y tế.  Nhưng hình như quý con cái Millennials đặc biệt thông minh!  Họ thu thập mọi kiến thức cần cho cuộc sống và sự phát triển cá nhân từ trường học hay internet.  Những hiểu biết, trải nghiệm của cha mẹ Boomers theo họ là củ kỹ, lỗi thời, đôi khi phản khoa học.  Khi nhờ cha mẹ trông con mình, họ luôn đưa ra cách giữ trẻ mà cha mẹ cần theo.  Không còn nhiều sức lực ở tuổi sáu, bảy mươi, Boomers đã thấy việc coi giữ cháu là mệt mỏi rồi.  Phải tuân theo ‘luật lệ' càng làm cho ông bà thấy đi du lịch vui và thoải mái hơn chăm cháu.
 
Những người Việt lớn tuổi ở Bắc Mỹ trước đây chỉ lo bươn chải nuôi con.  Có thỉnh thoảng về Việt Nam thì cũng chỉ để thăm người thân còn lại.  Trong thập niên này, nhất là sau dịch Covid, du lịch mới trở thành một cách hưởng đời của họ.  Dù vậy, trung thành với niềm tin nước mắt chảy xuôi, họ luôn giúp khi con cái nhờ trông cháu hay..trông chó.  Hy sinh cho con cả đời rồi, tiếp tục làm có gì là lạ?  Có lẽ vì vậy mà quý ông bà Việt nam này chưa bị con cái than phiền, hờn giận.  Có lẽ vì vậy mà Cẩm nang vẫn được gởi đi bốn phương tám hướng.  Cho đến ngày truyền thống con muốn là ..trời muốn bị xuống cấp và xét lại!
 
Đời người như một cuộn giấy trong nhà tắm, càng ngày càng thấy mau hết.  Không biết ai đã nghĩ ra sự so sánh quá chính xác dù không mấy nên thơ này.  Mới đó mà một tháng, một năm, người già hay kêu lên trong thảng thốt.  Nghĩ đến mình, sử dụng những mong manh còn lại một cách khôn ngoan không là ích kỷ, không là lười biếng.  Châu Âu, châu Úc đang chờ.  Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.. đang chờ.  Sống những ngày còn lại đầy niềm vui, thảnh thơi mà năng động, là nhu cầu chính đáng.
 
Nhu cầu đó là chính đáng, phần thưởng đó là xứng đáng.  Nhưng có phải niềm vui chỉ tìm thấy trong những cuộc vui chơi, những chuyến du lịch không?  Cuộc sống có ý nghĩa không bao giờ hạn hẹp như vậy.  Cho đi là một cách đem lại niềm vui lâu dài.  Giúp người khi người hoạn nạn.  Giúp con khi con bơ vơ.  Nhưng có lẽ nước mắt không nên mãi mãi chảy xuôi.  Giữ chúng lại khi món quà chỉ được nhận với điều kiện khắt khe hay coi đó là tiền trả nợ.
 
KC Nguyễn
 
** https://www.businessinsider.com/millennials-say-boomer-parents-abandoned-them-2023-11
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
05/05/202409:32:00
Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?” Thiền sư đáp: -Chỉ có tâm người là đáng sợ...
03/05/202400:00:00
Tuần qua Tổng thống Joe Biden ký ban hành gói dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ MK thành luật chính thức. Và cũng từ đây, đồng hồ bắt đầu đếm ngược thời hạn 9 tháng để ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tìm cách thoái vốn khỏi ứng dụng này. Thời hạn có thể được gia hạn thêm ba tháng, tức là tối đa 1 năm, và TikTok đã tuyên bố sẽ lôi vụ việc ra tòa giải quyết.
30/04/202407:38:00
Chúng ta đang ở trong một cõi lúc nào cũng đầy những cuộc chiến tranh. Có khi vì thánh chiến giữa các tôn giáo để mở rộng tôn giáo, để cưỡng ép bên thua trận phải quy thuận theo tôn giáo của mình. Có khi vì bành trướng lãnh thổ, khi nước lớn muốn chiếm nước nhỏ để mở rộng biên giới, để sáp nhập thêm lãnh thổ. Có khi là một cuộc chiến cốt nhục tương tàn, như trường hợp “Vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, triệu tập bốn binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kāsi” bất kể rằng vua Ajātasattu là cháu trai của vua Pasenadi.
26/04/202400:00:00
Mới nghe qua thì tưởng chỉ đơn thuần là mấy lời bông phèng với chuyện gái trai thế nhưng, thực sự, câu ca dao hiện đại hậu tháng Tư 1975 này là lời gan ruột của những thành phần tinh hoa ở miền Nam, giới khoa bảng thiên tả và ngụy hòa, sau bao nhiêu năm mơ về miền Bắc với niềm hy vọng “chờ nhìn quê hương sáng chói”, đã cay đắng nhận ra rằng nàng Thúy Kiều mình ngày đêm mơ tưởng chỉ là một thứ Thị Nở, cái kẻ không chỉ “xấu ma chê quỷ hờn” mà còn khiến đất nước ngày càng tăm tối hơn.
23/04/202415:32:00
Hôm qua, 22 tháng 4 là Ngày Trái Đất, khởi nguồn từ 1970 nhằm hỗ trợ bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên.
22/04/202417:22:00
Trump được bàn dân thiên hạ đặt cho một biệt danh là vua nói dối (Lying King). Theo Washington Post, tổng số tuyên bố sai trái hoặc gây hiểu lầm của Trump là 30,573 trong 4 năm làm tổng thống. Trump còn một khuyết điểm nghiêm trọng hơn nữa là việc làm không đi đôi với lời nói. Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lúc kiểm điểm lại một số sự kiện đã và đang xảy ra trong vài năm qua liên quan cựu Tổng Thống Donald Trump và sẽ là một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 11 sắp tới. Bài báo này sẽ khá dài vì Trump có nhiều khuyết điểm mà độc giả cử tri cần phải biết và có thể sẽ không có phần tham khảo vì tôi đã phải tham chiếu vài chục tài liệu hoặc là tôi sẽ chỉ liệt kê khoảng 10 tài liệu quan trọng nhất. Xin độc giả thông cảm.
21/04/202417:38:00
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
14/04/202417:09:00
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật?
12/04/202400:00:00
Còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến ngày thực sự bầu phiếu vào đầu tháng 11. Thời gian không dài lắm nhưng đủ để sóng gió thăng trầm. Nếu bạn đọc tò mò hỏi tôi, ai sẽ là người chiến thắng? Tôi chưa có câu trả lời dứt khoát, nhưng tôi sẽ lý luận với các bạn và dựa lên câu trả lời của câu hỏi then chốt: Đa số người Mỹ hoặc sống ở mỹ đi bầu phiếu, có phải là những kẻ ngây thơ? Ông Biden và ông Trump, cả hai đều có ưu và khuyết điểm, có kẻ khôn theo phò và có kẻ khờ hùa theo. Nhưng điểm then chốt mà bạn đọc muốn biết, hơn cả ai sẽ thắng, đó là, bạn là người khôn hay kẻ khờ, dù là bạn bỏ phiếu cho ai? Có khi nào bạn tự hỏi, mình khôn hay khờ khi sử dụng lá phiếu? Sự khôn hay khờ này không mắc mớ đến bằng cấp, giàu nghèo, màu da, địa vị, vân vân, mà chỉ mắc mớ đến khả năng lý luận và phẩm chất đạo lý, không phải đạo đức, mà bạn đang có
12/04/202400:00:00
Sức mạnh răn đe hạt nhân là thứ hữu dụng – ít nhất là cho đến nay. Muốn hiểu rõ hơn, chỉ cần nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine. Hoa Kỳ và Châu Âu trang bị vũ khí cho các đồng minh nhưng không dám triển khai quân đội đối đầu trực tiếp với Nga. Tương tự, Nga cũng không có gan gây hấn trực tiếp với các quốc gia phương Tây. Nỗi sợ hãi và kiêng dè lẫn nhau khiến các cường quốc hạt nhân không công khai gây chiến trực tiếp; như đã từng ngăn Chiến Tranh Lạnh trở nên nảy lửa, dù đã có rất nhiều xung đột gián tiếp nổ ra. Răn đe hạt nhân cũng giúp hạn chế số lượng quốc gia phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân – hiện nay chỉ có 9 quốc gia trên thế giới có vũ khí hạt nhân, và số quốc gia có có khả năng phát triển các loại vũ khí hủy diệt này còn ít hơn thế.