Hôm nay,  

Thế là mùa Xuân về

04/02/202408:06:00(Xem: 1227)
Tùy bút Xuân

tet 2

Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài… Những đứa trẻ mong tết, đếm ngược từng ngày kể từ khi ba lặt lá mai, cái tâm ý ấy sao giống hệt với người lớn vậy. Người lớn cũng đếm ngược thời gian từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút giây để đến thời khắc giao thừa, để nhìn Bigdrop, Peachdrop… Đó là những quả cầu bằng pha lê ở thành phố Nữu Ước và thành Ất Lăng sẽ rơi xuống khi khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Tuy rằng tết ta và tết tây có nhiều khác biệt nhưng cái tâm thức vui đón xuân lại chẳng khác gì nhau.
    Mùa xuân luôn luôn mặc định là sự khởi đầu, là sự tươi trẻ, hạnh phúc, hy vọng, đoàn viên… Mùa xuân làm mới lại những gì đã cũ hoen già nua, mùa xuân làm cho muôn loài vạn vật sinh sôi nảy nở, cây lá đâm chồi, hoa khoe sắc hương, lòng người hoan hỷ. Những ngày đầu năm con người gác lại những bất đồng, tranh đấu, chiến chinh. Mùa xuân khoe sắc thắm, lòng người vấn vương, tình thương được nuôi dưỡng vun bồi để rồi nạp thêm năng lượng  cho cả thân và tâm, để có thêm hy vọng và niềm vui mà đi cho trọn năm, đi cho hết cuộc chơi này.
    Mùa xuân phương đông nhiều màu sắc và âm thanh. Mùa xuân không thể thiếu tiếng pháo, pháo là âm thanh tự xa xưa, hễ nghe tiếng pháo nổ giòn giã khắp nơi là biết mùa xuân đã về. Đêm giao thừa là thời khắc giao nhau giữa cũ và mới, là phút giây giao cảm hòa hợp giữa con người và vũ trụ thiên nhiên, là khoảnh khắc linh thiêng giữa thế hệ hiện tại với ông bà tổ tiên, sự tiếp nối từng đời như thế chưa gián đoạn bao giờ. Đêm giao thừa trời đất tối đen như mực nhưng pháo nổ giàn trời, lòng người hoan hỷ, trời đất tự nhiên thanh tân đến lạ thường, cũng bầu trời ấy, cũng mặt đất này, cũng những con người yêu – ghét đây nhưng sao đêm giao thừa thấy thương chi lạ.
    Mùa xuân phương động, mùa xuân cố quận vui lắm! Nhiều sắc thái văn hóa cùng đồng hành. Người người ăn vận mới đi lễ chùa, viếng phần mộ tổ tiên ông bà cha mẹ thân nhân, ghé thăm họ tộc, láng giềng… Dù gì thì cũng ba ngày tết, mặt người ai nấy vui tươi, nói lời tốt đẹp, làm việc nghĩa cử hy vọng đem lại may mắn an lành.
    Mùa xuân em tung tăng khoe áo mới, những tà áo dài tươi sắc xuân phơi phới khắp mọi miền. Em cười như hoa, mắt biếc má đào cho lòng người nao nao. Em muôn đời đẹp như thế, cứ mỗi độ xuân sang. Mắt biếc má đào của ngàn năm trước với bây giờ có khác gì nhau chăng? Chắc chắn là không! Có khác nhau chăng là ở kiểu cách quần áo theo thời chứ mắt biếc má đào muôn đời vẫn thế! Đừng nói bây giờ, ngay cả mai sau vẫn vậy thôi, cái đẹp không phải ở con mắt mà ở từ trong tâm tưởng của mình.
Khi cố quận vào xuân, đất trời phương ngoại mới giữa mùa đông, lúc này rét nhất trong năm. Người ra đi mang theo không khí xuân, hình ảnh xuân, ký ức ức xuân… nên dù có lạnh cách mấy lòng vẫn rộn ràng với xuân ở quê nhà. Có thi sĩ đã viết:
 
Khi ta ở đất chỉ là đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
 
Phần lớn người ra đi mang theo ký ức đất cũ trong tâm hồn, Ngày xưa, khi mình sống ở đấy thì đất chỉ là đất, vô tri, chẳng có chi đặc biệt. Khi ra đi mới thấy nhớ nhung, thấy thiết tha nhất là khi mỗi độ sang xuân. Giờ mới thấm thía là:” đất bỗng hóa tâm hồn”. Người ra đi với nhiều lý do: Di tản khi nội chiến tàn, tị nạn chính trị, thuyền nhân vượt biên, HO, bảo lãnh… trong số này có nhiều người hằng năm vẫn về quê ăn tết, thậm chí đi về như đi chợ, tuy nhiên cũng có một số ít chưa từng về, không về hay không thể về vì hòan cảnh bất khả kháng, thế mới biết khi xuân về lòng lay lắt lắm.
    Mùa xuân của những người di cư, di tản hay tha phương cầu thực rất thiết tha nhưng giữ trong tâm tưởng, hoàn cảnh thực tại với ước muốn ít khi nào tương đồng với nhau được.
 
Mình xa góc bể chân trời
Nhớ mùa xuân nhắn một lời nước non
Mai vàng pháo đỏ gót son
Em vui trẩy hội giữa con đường này – thơ TLTP
 
Con đường này là con đường nào? đường xuân? đường dân tộc? đường nước non? đường đời? đường mưu sinh? hay đường sinh tử? Có biết bao con đường của mỗi kiếp nhân sinh, mình đã muôn đời cứ ngơ ngẩn và lạc lõng giữa con đường. Mình đã đi nhưng chưa bao giờ về tới, nếu đã về tới thì chẳng còn phân tâm giữa con đường, chẳng còn phải lưu lạc tha phương hay vọng về xuân cố quận.
    Nào đâu chỉ có người Việt mới di tản hay tha phương cầu thực, Người Do Thái mất nước cũng đã hai ngàn năm lưu lạc khắp thế gian. Người Anh, người Âu châu di cư sang đất mới để tạo lập quê hương mới. Người Kurd, người Tây Tạng, người ( A Phú Hãn)Afghanistan, người Iraq, Iran, Mexico, Laos-Hmong, người châu Phi… cũng di cư khắp nơi. Hầu như các dân tộc trên thế gian này đều dính vào vấn nạn di cư hay di tản, nhất là những dân tộc nhỏ, đất nước nghèo nàn lạc hậu. Người ta di tản vì chiến tranh, đàn áp, bất công, kỳ thị, nghèo đói… Lịch sử lòai người cũng chính là lịch sử của những trận chiến tranh và những cuộc di cư, di cư để mà sống còn. Động vật cũng di cư, chúng di cư vì sự sinh tồn ( trú đông, tránh rét, sinh sản, tìm kiếm thức ăn…). Loài vật di cư nhưng đến mùa thì lại quay về nơi chốn cũ, tỷ như cá hồi từ biển cả lại vượt ngàn dặm về lại đầu nguồn sông suối để sinh đẻ, chim muông di cư tránh rét, khi trời ấm lại bay về. Những đàn bướm Monarch cũng di cư hàng vạn dặm, đến khi xuân sang lại lũ lượt hồi hương. Loài vật quay về nơi sinh ra không phải vì nhớ thương, chỉ đơn thuần là bản năng sinh tồn. Loài người thì khác, đó là cả một trời nhớ thương, đó là tâm sự nặng trĩu trong tâm hồn. Loài người có thần thức, có tác ý, có một chữ tâm, quê hương bản quán in sâu trong tiềm thức, trong tâm hồn. Mỗi khi xuân về thì nỗi nhớ lại trào dâng, không khí xuân, hương xuân, ký ức xuân kích thích mạnh trong tâm ý. Bởi vậy khi xuân về tết đến thì nhớ lắm, lòng lay lắt lắm! Chỉ những người may mắn có cả gia đình sum hợp ở hải ngoại thì mới có thể dửng dưng với tết quê nhà.
    Tết của người Việt, nước Việt xưa nay thường gắn với hình ảnh ngôi chùa, lên chùa lễ mỗi độ xuân sang. Bạn có là Phật tử hay không Phật tử cũng thích lên chùa ngày đầu xuân. Người ta lên chùa lễ Phật, cầu an cho gia đình, cầu siêu cho ông bà cha mẹ, cầu sự gia hộ của Phật, Bồ Tát hay các vị linh thiêng mà họ tin tưởng. Ngôi chùa là một hình ảnh đặc biệt trong văn hóa Việt, đã hình thành và tồn tãi mấy ngàn năm nay. Thiền sư, thi sĩ Huyền Không đã viết:
 
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
 
Tết ở quê nhà vui lắm, lên chùa lễ Phật, thăm viếng họ hàng, bạn bè, láng giềng, trẩy hội xuân… nhưng phải là tết ở làng quê nông thôn cơ. Ai đã từng ăn tết ở thành phố khắc biết. Tết ở thành phố buồn lắm, phố xá vắng teo, nhà nhà đóng cửa im ỉm. Người lao động về quê hết trơn rồi, những nhà giàu thì du lịch xa… Chỉ ở làng quê, ở nông thôn mới thấy đậm đà không khí tết, tết ở thành phố rất nhạt vị so với nông thôn. Làng quê nông thôn mới là nơi lưu giữ cái hồn, cái đặc trưng của tết nói riêng văn hóa Việt nói chung.
    Người Âu-Mỹ có câu phương ngôn: “Home is where heart is”. Nói thì hay vậy chứ người xa quê vẫn nhớ quê lắm, làm sao mà “heart is” được, may ra chỉ có thể nói:
 
Con tim nửa để lại nhà
Nửa mang theo với phù hoa quê người – thơ TLTP
 
Với người phương đông, nhất là những kẻ nặng tình thì nỗi nhớ quê tha thiết biết bao nhiêu. Ngày xưa Thôi Hiệu đã bảo thế rồi:
 

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

 

– Tiểu Lục Thần Phong

(Ất Lăng thành, những ngày sắp sang xuân)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Căn nhà cũ. Chắc cũng gần năm chục tuổi. Sát bìa một khu rừng, trong một thị trấn lưa thưa bóng người. Chủ nhà đăng bảng bán biết bao lâu nhưng chẳng ai mua. Lúc ấy tôi đang có việc làm, lại thích cái tĩnh lặng huyền bí của khu rừng phía sau nhà nên đồng ý mua ngay. Thị trấn ấy vô cùng nhỏ bé. Một con đường chính viền hàng cây phong với vài ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Từ đó mọc lan ra những con đường nhỏ, quanh co vào những khu xóm thưa người. Vì vậy khu rừng sau nhà là nơi tôi lui tới thường xuyên. Một tấm bảng với hai chữ “Dead End” gắn trên cây cột gỗ chôn ở bìa rừng. Một lối mòn vắt trên cỏ dại, bò quanh co giữa những tàng cây cao và bụi rậm với dây leo chằng chịt. Tôi thường mò mẫm một mình trên lối mòn ấy cho đến khi đám dây leo vắt ngang, chặn mất lối đi và cỏ dại xóa hết lối mòn. Dọc lối mòn quanh co ấy, thỉnh thoảng có một tảng đá nằm trơ trọi giữa cỏ cây rậm rạp, như thể ai đó đặt sẵn chỗ nghỉ chân cho những kẻ rong chơi. Và rải rác đó đây một loài hoa lạ. Loài hoa có bốn cán
Đời người không bình lặng mà luôn dậy sóng, lắm khi mưa lũ bão bùng, một khi nó đi qua thì ta mới thấy, mới thưởng thức được nét đẹp của hồ thu, của lá vàng bay lượn khắp nơi.
Trần Trọng Tâm sinh trưởng tại thành phố Quy Nhơn. Anh tốt nghiệp Đại Học sư phạm lý năm 1980 (anh là bạn học của anh rể tôi). Anh được bổ nhiệm vào dạy học ở Bình Chánh. Anh dạy tốt, kiến thức vững, nghệ thuật truyền đạt dễ hiểu. Phụ huynh học sinh rất quý anh! Ngoài giờ dạy anh thường ra uống cà phê ở quán bác Xuyến gần trường...
Sáu chị em chúng tôi vẫn chưa tưởng tượng được mình đã xa Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem, xa thật xa. Quê hương xa lắc, xa lơ bên kia bờ đại dương. Chừ mới thấm, thế nào là cây xa cội, nước xa nguồn. Anh chị Hải Điền và cu Nam đón chúng tôi ở phi trường Düsseldorf. Mừng mừng, tủi tủi...
Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói...
Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an; đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.