Hôm nay,  

Thời khắc cuối cùng

09/04/202416:08:00(Xem: 1487)
Hồi ký

30-4 image
Ngày 29 tháng tư 1975.
    Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một.
    Cha tôi cũng đang “cắm trại” tại phủ thủ tướng. Ông là cảnh sát viên an ninh ở đó. Từ sáng đến giờ những tiếng súng to súng nhỏ vẫn thỉnh thoảng vang rền khắp thành phố, hình như cộng quân sắp tràn vào Sài Gòn. Chị em tôi bàn bạc phải chia ra chạy nạn kẻo chết chùm cả đám vì pháo kích của việt cộng từ phía An Phú Đông sang phi trường Tân Sơn Nhất phải đi qua hướng xóm mình. Tôi sẽ mang con và dắt theo mấy đứa em lên ngã bảy ở nhờ nhà gia đình người anh chồng. Mấy đứa em lớn còn lại sẽ ở nhà với mẹ tôi để… giữ nhà.
Thuê được chiếc xe xích lô máy với giá cả đắt đỏ. Con nhỏ 5 tuổi, ba đứa em cũng còn nhỏ, một đứa 10 tuổi,  9 tuổi và một đứa 6 tuổi . Chúng thích thú giành nhau chỗ ngồi trên xe, dưới sàn xe và…sung sướng cứ y như đang được chở đi du ngoạn, ngắm cảnh phố phường đang rối loạn xe chạy qua lại, người hối hả chạy ngược xuôi trên đường. Đưa được “ phái đoàn” con em đến nhà anh chồng ở quận 10 . Thở phào nhẹ nhõm tôi vào nhà thấy vắng vẻ, ngạc nhiên hỏi mẹ chồng gia đình anh chị đâu thì bà thiểu não:
    - Con đến đây làm gì, gia đình anh con cũng vừa đi xuống…. nhà con tị nạn. Ở đây nghe đạn pháo rầm rầm sát bên tai sợ lắm con ơi...
    Tôi hoảng sợ:
   - Trời ơi, ở đây cũng bị pháo kích nhiều hả mẹ? Con sợ chỗ con ở nên xuống đây lánh nạn. Ai ngờ…
   - Anh con nghe người ta nói Việt Cộng tiến vào thủ đô Sài Gòn từ cửa ngõ Phú Lâm. Họ pháo kích phòng thủ mở đường nên sợ quá phải đi…
    Thế là chỉ vì sợ hãi mà người ta chạy quanh chạy quẩn. Biết nơi nào bình an khi miền Nam Việt Nam đang trong cơn hấp hối này? Tôi buồn bã nhìn mẹ chồng và hỏi sao bà còn ở đây một mình thì bà nói:
     - Mẹ ở lại trông nhà, loạn ly này đi hết thì thành nhà hoang không chủ sao.
    Mẹ chồng cũng như mẹ tôi đều yêu quý căn nhà của mình, cố bám lấy hi vọng nguy hiểm sẽ qua và các con sẽ trở về nhà. Thôi thì đã trót đến đây phải ở lại đây. Mẹ con, chị em tôi ngủ lại tại nhà với mẹ chồng tôi. Cả ngày rồi đến đêm vẫn nghe đạn pháo ầm ĩ  tôi trằn trọc không ngủ được và tự hỏi giờ này gia đình người anh chồng đang tạm trú lánh nạn ở nhà tôi có ngủ ngon giấc không?
    Sáng sớm tôi lại quyết định đưa “phái đoàn” nhà mình “hồi hương” về Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Có khi còn an toàn hơn khu ngã bảy quận 10 nếu cộng quân tấn công vào từ cửa ngõ Phú Lâm. Khó khăn lắm mới vẫy được một chiếc xe taxi, ông tài xế đòi giá bao nhiêu tôi cũng đồng ý miễn là được trở về nhà. Lũ trẻ lại được hốt lên xe, lần này xe 4 bánh “sang” hơn xe 3 bánh xích lô hôm qua, con và các em càng thích, chúng ríu rít tranh nhau lên xe. Xong chúng níu áo tôi đòi hỏi:
    - Mẹ ơi con đói bụng..
    - Chị ơi, mình ra phố ăn phở không?
    - Em muốn ăn xôi cơ.
    Tôi điên tiết gắt lên:
    - Mấy đứa có im đi không, sắp chết cả đám đây nè…
    Thấy mặt chúng nó xụ xuống tiu nghỉu, tôi không có thì giờ mà giải thích, chỉ…năn nỉ:
    - Mình về nhà rồi tính.
    Xe chạy ngang qua bến cảng Sài Gòn thì phải đi chậm lại vì cả một đám đông vẫn đang nhốn nháo ngơ ngác đứng đầy đường. Có lẽ họ đang tiếc con tàu đã rời bến. Nhiều thứ như xe cộ, đồ dùng đắt giá nằm ngổn ngang bừa bãi trên bờ, chủ nhân không thể mang theo lên tàu đành bỏ lại mà cũng chẳng thấy ai lấy đi. Giờ phút này ai cũng lo đi tìm nơi trú ẩn, lo di tản trốn chạy…
    Tội nghiệp ông tài xế taxi, thời khắc sống chết cuối cùng của tháng Tư mà ông còn chạy xe kiếm tiền hoặc là ông quá lạc quan hoặc là ông quá nghèo khổ vẫn cần tiền để sống. Giá mà ông ra lượm đại chiếc xe gắn máy vô chủ đẹp đẽ nào đó đang nằm trên bến tàu, đáng giá hơn biết bao lần cuốc xe chở gia đình tôi từ Ngã Bảy về Hạnh Thông Tây quận Gò Vấp.
    Tôi cũng ngẩn ngơ nhìn ra bến sông, nếu tôi đi ngang qua đây, ra đến bến tàu sớm hơn, tôi có dám bước xuống tàu không? Đi đâu về đâu và sẽ ra sao, sẽ xa cách người thân đến bao giờ? Đó là một quyết định khó khăn cho tất cả mọi người trong cơn hoảng loạn binh biến này. Khi về đến nhà thì gia đình ông anh chồng tị nạn đêm qua cũng… ân hận khi xuống nhà tôi vì suốt đêm nghe tiếng súng từ phía An Phú Đông vọng về. Thế là nhân tiện anh thuê xe taxi này để gia đình anh trở lại nơi tôi vừa trú ẩn. Một cuộc trao đổi ngoạn mục. Ông taxi… trúng mối.
    Đến trưa thì chồng tôi về. Anh nói quan quân ở trung tâm huấn luyện Quang Trung tan hàng rã đám rồi. Trên đường từ Quang Trung về nhà anh thấy những người lính đã cởi bỏ quân phục vứt đầy đường, những đám rác gồm quân dụng quân trang hay bất cứ giấy tờ vật liệu gì liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đang bị đốt cháy cho thành tàn tro. Anh đã bơ vơ lạc lỏng với quân phục huấn luyện viên về tới nhà an toàn là may.
    Cả nhà đầy đủ, chỉ còn thiếu bố tôi. Chẳng biết giờ này ông làm công việc gì ở phủ thủ tướng  khi mà từ thủ tướng tới các thuộc cấp chức vị cao chắc chắn đều đã di tản. Hay bố bị Việt Cộng bắt vì tưởng ông là một nhân  vật cao cấp còn chậm chân ở lại? Cả nhà tôi cùng lo lắng đứng ngồi không yên, riêng tôi giàu tưởng tượng hay là Việt Cộng đã… thủ tiêu bố mất rồi? May quá đến chiều tối thì bố tôi lò dò về đến nhà, ông bình thản kể:
    - Mấy ngày ở phủ thủ tướng bố và các nhân viên còn lại ..…làm chủ nhân cả phủ thủ tướng vì các ông lớn đi hết rồi, bố tha hồ uống các loại rượu ngon đắt tiền mà thủ tướng từng dùng để tiếp khách.
    - Bố không sợ bị Việt Cộng tấn công sao?
   - Nếu sợ thì bố đã lên máy bay rời khỏi Việt Nam rồi. Máy bay trực thăng đáp xuống nóc phủ thủ tướng để đón mọi nhân viên, bố từ chối vì không thể đi một mình khi vợ con còn ở lại.
    Tôi đã hiểu tâm trạng bố, y như tâm trạng tôi sáng nay đi ngang qua bến tàu Sài Gòn. Giá có thể bước xuống tàu chắc tôi cũng không dám vì còn mẹ và các em, còn chồng kẹt trong trại chưa về.
    Thế là ngày 30 tháng tư 1975
    Ai may mắn đi thoát khỏi Việt Nam.
    Ai tan nát nhà cửa, chia lìa người thân.
    Ai còn ở lại.
    Gia đình tôi, không biết may hay rủi, không sứt mẻ gì, đầy đủ cả nhà ở lại Việt Nam để rồi sau đó …lãnh đủ, bắt đầu một cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa đầy bất công, gian nan vất vả, đắng cay tủi hờn suốt nhiều năm .
    Chồng đi tù cải tạo, bố bị bắt vì hàng xóm xấu bụng chỉ điểm ông là “mật vụ” cảnh sát viên đi làm toàn mặc thường phục. Hơn một tháng biệt tăm bố tôi được tha về có lẽ họ không điều tra được gì cả ngoài chức vụ cảnh sát viên bình thường. Mẹ tôi mất 1975 vì bệnh viện thiếu bác sĩ, thuốc men. Con tôi sau này đi học bị phân biệt lý lịch. Các em tôi đi vượt biên mấy lần thất bại và tù tội, có đứa mất công ăn việc làm, mất hộ khẩu sống vất vưởng và trốn chui trốn nhủi tiếp tục vượt biên vài lần nữa cho đến khi may mắn đến bến bờ tự do.
    Đã 49 năm qua. Đã 49 tháng Tư qua.
    Nhưng tôi không bao giờ quên những khoảnh khắc cuối tháng tư đau thương ấy. Tôi không bao giờ quên một khoảng đời đen tối ấy.

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương.

(April, 2024)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Căn nhà cũ. Chắc cũng gần năm chục tuổi. Sát bìa một khu rừng, trong một thị trấn lưa thưa bóng người. Chủ nhà đăng bảng bán biết bao lâu nhưng chẳng ai mua. Lúc ấy tôi đang có việc làm, lại thích cái tĩnh lặng huyền bí của khu rừng phía sau nhà nên đồng ý mua ngay. Thị trấn ấy vô cùng nhỏ bé. Một con đường chính viền hàng cây phong với vài ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Từ đó mọc lan ra những con đường nhỏ, quanh co vào những khu xóm thưa người. Vì vậy khu rừng sau nhà là nơi tôi lui tới thường xuyên. Một tấm bảng với hai chữ “Dead End” gắn trên cây cột gỗ chôn ở bìa rừng. Một lối mòn vắt trên cỏ dại, bò quanh co giữa những tàng cây cao và bụi rậm với dây leo chằng chịt. Tôi thường mò mẫm một mình trên lối mòn ấy cho đến khi đám dây leo vắt ngang, chặn mất lối đi và cỏ dại xóa hết lối mòn. Dọc lối mòn quanh co ấy, thỉnh thoảng có một tảng đá nằm trơ trọi giữa cỏ cây rậm rạp, như thể ai đó đặt sẵn chỗ nghỉ chân cho những kẻ rong chơi. Và rải rác đó đây một loài hoa lạ. Loài hoa có bốn cán
Đời người không bình lặng mà luôn dậy sóng, lắm khi mưa lũ bão bùng, một khi nó đi qua thì ta mới thấy, mới thưởng thức được nét đẹp của hồ thu, của lá vàng bay lượn khắp nơi.
Trần Trọng Tâm sinh trưởng tại thành phố Quy Nhơn. Anh tốt nghiệp Đại Học sư phạm lý năm 1980 (anh là bạn học của anh rể tôi). Anh được bổ nhiệm vào dạy học ở Bình Chánh. Anh dạy tốt, kiến thức vững, nghệ thuật truyền đạt dễ hiểu. Phụ huynh học sinh rất quý anh! Ngoài giờ dạy anh thường ra uống cà phê ở quán bác Xuyến gần trường...
Sáu chị em chúng tôi vẫn chưa tưởng tượng được mình đã xa Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem, xa thật xa. Quê hương xa lắc, xa lơ bên kia bờ đại dương. Chừ mới thấm, thế nào là cây xa cội, nước xa nguồn. Anh chị Hải Điền và cu Nam đón chúng tôi ở phi trường Düsseldorf. Mừng mừng, tủi tủi...
Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói...
Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an; đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.