Hôm nay,  

Cảm Tạ Cuộc Đời

22/11/202400:00:00(Xem: 3755)
 
Ảnh-1-Mongkolchon-Akesini,-từ-iStockphoto
Mùa Lễ Tạ Ơn cũng là dịp để chúng ta nghĩ đến và đền đáp phần nào những ơn nghĩa mà mình đã nhận được trong cuộc đời này. (Photo: Ảnh Mongkolchon Akesini, từ iStockphoto)
 
Ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ (Thanksgiving Day, ngày Thứ Năm trong tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm) được cho là khởi đầu vào năm 1621 khi những người di cư đầu tiên từ Anh Quốc đến Bắc Mỹ tạ ơn và ăn mừng với người Mỹ Da Đỏ bản xứ về một vụ mùa màng được thu hoạch khấm khá. Đây cũng là dịp để chúng ta nghĩ đến và đền đáp phần nào những ơn nghĩa mà mình đã nhận được trong cuộc đời này.

Trong bài thơ “Ta Về” của nhà thơ Tô Thùy Yên viết khi ra tù cộng sản sau cuộc đổi đời vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, có câu thơ mà tôi rất thích: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở.”

Hoa nở rồi hoa tàn là chuyện rất bình thường theo luật tắc sinh trụ hoại diệt của vạn vật, như nhà Phật đã nói. Hoa có biết nó nở vì ai không? Làm sao chúng ta biết được hoa nở là vì chúng ta? Nhưng nếu không có hoa nở thì làm sao nhà thơ họ Tô kia có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên! Vì vậy mà khi nhìn đóa hoa nở nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói lời cảm ơn vì cảm nhận rằng hoa đã vì ông nở.

ảnh 2 Cam ta cuoc doi 02

“Cảm ơn hoa đã vì ta nở.” (Thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên, hình của tác giả)

Đó không chỉ là sự tinh tế trong tâm hồn của một nhà thơ đa tài, mà còn là sự sâu sắc trong nhận thức của một con người nhân hậu biết cảm nhận và tri ân sự hiện hữu của những thứ khác chung quanh cuộc sống của mình. Rằng trên cuộc trần thế này không phải chỉ mỗi mình ta tồn tại mà sự tồn tại của mình gắn liền một cách không thể tách rời với những tồn tại khác. Điều này đã được nói đến trong kinh điển nhà Phật rằng, “Cái này có nên cái kia có. Cái này không nên cái kia không. Cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này diệt nên cái kia diệt.” Rằng sự tồn tại của mỗi người, mỗi vật trên trần gian này đều nhờ vào sự có mặt của những người khác, những vật khác dù là trực tiếp hay gián tiếp. Đó là mối tương quan, tương duyên vô tận giữa tất cả sự sự vật vật trong vũ trụ, theo quan điểm của Phật Giáo.

Nhìn theo ý nghĩa đó thì cuộc đời của một con người đã nhận được biết bao nhiêu ơn nghĩa, từ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy bạn, láng giềng, dân tộc, xã hội đến núi rừng, sông biển, và môi trường sống, v.v…
 
Đời người có rất nhiều ơn nghĩa
 
Chính vì vậy, đời người có rất nhiều ơn nghĩa dù chúng ta biết hay không. Từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta thọ nhận biết bao ơn nghĩa!

Trước hết là sự có mặt của chúng ta trên đời này. Chúng ta không thể tự mình bước vào thế gian này nếu không có những trợ duyên gần và xa. Duyên gần và trực tiếp thì có cha mẹ là những người sinh ra chúng ta. Duyên xa và gián tiếp thì có bệnh viện, trạm y tế, bác sĩ, y tá, bà mụ, thuốc men, v.v… hỗ trợ cho việc chào đời của chúng ta. Đó chỉ là kể đơn giản một số yếu tố dễ nhận ra nhất, nhưng chừng ấy yếu tố không phải là tất cả. Nếu kể thêm thì chúng ta không thể bỏ qua ông bà nội ngoại là người sinh ra cha mẹ của chúng ta. Bác sĩ, y tá, bà mụ cũng vậy. Họ đều có cha mẹ, ông bà. Bệnh viện, trạm y tế, thuốc men đâu phải tự nhiên mà có. Chúng cũng được tạo dựng từ nhân công, vật liệu mà những thứ này cũng phải nhờ các yếu tố khác hỗ trợ để có sẵn cho chúng ta sử dụng. Còn nhiều yếu tố, nhiều duyên lắm không kể hết.

Nhưng đâu phải chúng ta chào đời rồi thì tự nhiên trưởng thành nên người mà cũng phải cần đến rất nhiều điều kiện hỗ trợ khác, từ việc nuôi dưỡng của cha mẹ mà trong đó có tình thương yêu và các loại thực phẩm bổ dưỡng cơ thể đến môi trường giáo dục ở gia đình, học đường và xã hội mà trong đó có thầy cô giáo, bạn bè, sách vở, v.v… Còn rất rất nhiều yếu tố giúp chúng ta từ tuổi măng non đến khôn lớn nên người. Chẳng hạn, các thầy cô giáo cũng cần có cha mẹ sinh họ ra và nuôi lớn họ, cũng cần có môi trường giáo dục để có kiến thức và học vị rồi mới dạy lại được học sinh của họ. Bạn bè chúng ta cũng vậy. Họ cũng được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cha mẹ. Họ cũng được các thầy cô giáo dạy trong các trường học, v.v…

Đến tuổi trưởng thành rồi chúng ta làm gì? Có người yêu, làm đám cưới, sinh con đẻ cái và tạo lập gia đình hạnh phúc mà trong đó có biết bao nhiêu là ơn nghĩa được thọ nhận. Người bạn đời của chúng ta đâu phải tự có mặt trên trần gian mà phải nhờ cha mẹ dẫn họ đến thế giới này và từ lúc ấu thời đến khi trưởng thành để lập gia thất thì cũng nhờ vào vô số các điều kiện trợ giúp. Chỉ nói việc tổ chức một đám cưới không thôi thì cũng có biết bao nhiêu yếu tố hỗ trợ để làm nên, từ nhà hàng, thức ăn, khách mời, gia đình hai họ nhà trai nhà gái cộng với bà con thân nhân và bằng hữu nữa, cho đến ban nhạc, chương trình văn nghệ, ca sĩ, nhân viên nhà hàng phục vụ từ trong bếp ra đến bàn ăn, v.v… Làm sao có thể kể hết nhân duyên và ơn nghĩa trong ngày mừng hôn lễ của cặp trai tài gái sắc! Ở đây chúng ta không thể không nói đến một trong những ơn nghĩa lớn lao trong đời mình, đó là người yêu của mình, là người đã trao cả trái tim và tình yêu nồng cháy cho nhau.

Khi lớn lên mỗi người trong chúng ta đều phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Môi trường làm việc có khác nhau tùy theo mỗi người. Có người làm giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, tổng giám đốc công ty. Có người làm nhân viên hành chánh trong văn phòng. Có người lao động chân tay trong nhiều lãnh vực. Mỗi công việc đều cần có nhiều yếu tố, nhiều điều kiện hỗ trợ để tồn tại và phát triển. Người làm giáo sư thì phải có trường lớp, chương trình giảng dạy, học sinh, lương bổng đầy đủ. Người làm bác sĩ thì phải có phòng khám bệnh, bệnh viện, bệnh nhân, thuốc men, vật dụng y tế, v.v… Người làm tổng giám đốc công ty thì phải có tổng hành dinh hay văn phòng để điều hành công việc và không thể thiếu các nhân viên giúp việc. Người lao động chân tay thì phải có cơ sở, có công việc để làm, có nhiều đồng nghiệp khác, có lương bổng phù hợp với chức phận của mình. Đó là nói đơn giản còn nói chi tiết hơn một chút thì có thể nêu ra điển hình một công ty với 50 nhân viên làm việc. Cứ mỗi nhân viên trong công ty đó đều có ông bà, cha mẹ, anh chị em, các điều kiện để nuôi dưỡng họ từ lúc còn nhỏ đến khi trường thành để đi làm việc. Nếu chúng ta là một nhân viên trong công ty đó thì chúng ta hoặc là trực tiếp hoặc là gián tiếp nằm trong một mạng lưới tương quan tương duyên ơn nghĩa rộng lớn mà chúng ta không thể nào kể ra hết.

Nhưng chúng ta không thể sống khỏe mạnh cả đời. Có lúc, nhất là khi tuổi già sức yếu, ai trong chúng ta cũng đều có bệnh, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Đến khi bệnh thì chúng ta phải nhờ bác sĩ, dược sĩ, y tá, nhân viên y tế, phòng khám bệnh, bệnh viện, thuốc men, Medicare, Medicaid hoặc MediCal, các hãng bảo hiểm sức khỏe, v.v… Còn nữa, may thì bệnh có thể chữa khỏi trong năm ba ngày hoặc vài tuần. Nếu không may thì bệnh kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Bệnh càng nặng càng lâu chúng ta càng phải nhờ nhiều điều kiện trợ giúp, trong đó có bà con thân nhân của chúng ta.

Đừng nghĩ rằng khi chúng ta chết là hết ơn nghĩa. Không đâu. Cho dù sau khi chết chúng ta không còn biết nữa nhưng khi còn sống thì chúng ta đều biết rằng làm đám tang cho mình thì cũng phải nhờ nhiều nhân duyên. Chẳng hạn nhà quàn, các nghi lễ tôn giáo với các vị tu sĩ thuộc tôn giáo mà chúng ta là tín đồ, bà con thân nhân, bằng hữu đến viếng tang và đưa tiễn chúng ta, tài chánh để chi trả cho tất cả những dịch vụ ở nhà quàn, v.v… Lúc đó, chúng ta không còn có cơ hội để cảm ơn nhưng con cháu của chúng ta sẽ làm điều đó thay cho chúng ta.


Hãy nghĩ xem rằng thực phẩm mà chúng ta ăn mỗi bữa, mỗi ngày do đâu mà có? Có hạt gạo để nấu cơm là do bác nông phu cày sâu cuốc bẫm, chăm sóc phân bón nước non đầy đủ từ lúc gieo mạ cho đến khi gặt hái đóng bao. Đó là nói chuyện ở các nước nông nghiệp còn lạc hậu. Nhưng ở các nước văn minh tiến bộ thì việc làm nông cũng không phải đơn giản nhẹ nhàng, nghĩa là phải cần đến nhiều công sức và vốn liếng.

Đường sá mà chúng ta đi dù đi bộ hay đi xe trong các thành phố và khu dân cư trên khắp địa cầu cũng do nhiều điều kiện tạo thành, từ các chương trình xây dựng đường sá của chính phủ tới ngân sách tài trợ và công lao đóng góp của biết bao công nhân làm đường sá và cầu cống. Trong đó còn có yếu tố vật liệu cũng được tạo ra từ vô số các điều kiện hỗ trợ khác. Nói đến đường sá thì không thể không nói đến sự có mặt của những hạt bụi. Đừng tưởng hạt bụi không có giá trị. Nên nhớ rằng cục đất, hòn núi được tạo thành bởi vô lượng vô số hạt bụi. Nếu không có một hạt bụi thì cũng chẳng còn mặt đất để chúng ta sống trên đó.

Nhà cửa mà chúng ta đang ở cũng không phải tự dưng mà có mà phải nhờ đến nhiều yếu tố góp thành như tiền bạc, vật liệu, công nhân mà tự thân những thứ này thì cũng có từ biết bao nhân duyên khác.

Gần hơn nữa là quần áo mà chúng ta mặc thì không phải chính mình làm ra nhưng nhờ rất nhiều nhân duyên khác kết thành để rồi mới có bán cho chúng ta mua. Đừng nghĩ rằng chúng ta đã bỏ tiền ra mua thì xem như là không còn duyên nợ gì với chúng. Không phải thế! Với trái tim nhân hậu của một người bình thường trên thế gian này làm sao khi mặc một chiếc áo, một cái quần mới chúng ta không nghĩ đến công lao khó nhọc của người khác dù đó là của được mua bằng tiền. Chỉ nhìn hoa nở bên đường mà nhà thơ Tô Thùy Yên cũng đã không tiếc lời cảm ơn “hoa đã vì ta nở,” thì làm sao mặc một chiếc áo mới mua chúng ta lại không nghĩ đến người đã làm ra nó và cảm ơn nó đã vì ta mà có!

Còn một thứ quan trọng khác nữa trên đời này mà chúng ta không thể không cảm ơn. Đó là không khí để thở. Nếu không có không khí trong lành để hít thở thì chúng ta không thể nào sống nổi trong vòng bốn phút. Không khí hay nói cho đúng hơn là oxygen để chúng ta thở mà sống phần lớn đến từ biển và phần còn lại đến từ cây cối trên mặt đất. Vì quá thân thiết trong từng hơi thở mà chúng ta thường không nghĩ đến việc cảm ơn không khí và đôi khi quên mất sự hiện hữu vô cùng quý giá của nó.

Đó chỉ là một số ơn nghĩa mà một người có mặt trên đời này đã, đang và sẽ thọ nhận dù trực tiếp hay gián tiếp, dù biết hay không biết. Còn vô lượng vô số ơn nghĩa mà không thể nào kể hết được.
 
Biết ơn thì phải đền ơn
 
Biết cảm ơn không những là nhận ra được sự có mặt của tha nhân và những sự vật khác chung quanh cuộc sống của chúng ta, mà còn thấy được giá trị hiện hữu bình đẳng giữa ta và người, giữa ta và các sự vật khác. Không có họ sẽ không có mình và vì vậy chúng ta mang ơn sự hiện hữu của họ. Điều này cũng có nghĩa là không phải đợi đến khi họ làm một việc gì đó có lợi cho mình rồi mình mới nói lời cảm ơn. Sự hiện hữu của họ đã là một yếu tố, một điều kiện, một nhân duyên, và món quà quý giá cho sự có mặt và tồn tại của chúng ta.

Ngày đầu tiên tôi đến Mỹ cách nay hơn ba thập niên điều làm cho tôi rất chú ý là lời cảm ơn được nghe ở mọi nơi, mọi lúc và từ mọi người. Đó là một trong những tập quán rất đẹp mà mọi người dành cho nhau. Lời cảm ơn được nói ra một cách tự nhiên từ một hành động rất nhỏ như nhường đường cho người khác đi hay nhặt và trao lại một vật rơi cho chủ nhân của nó. Trên những toa xe điện ngầm trong Thành Phố New York, tôi thường xuyên nhìn thấy cảnh một người đứng lên để nhường chỗ ngồi cho người khác, có thể là người lớn tuổi hay người phụ nữ mang thai. Cứ mỗi lần như thế tôi đều nghe lời cảm ơn được nói ra. Chính hình ảnh nhân hậu và tử tế đó đã khiến cho tôi cảm thấy rất tự nhiên để nói lời cảm ơn đối với người khác.

Nhưng không phải chỉ có lời cảm ơn là đủ. Có những ơn nghĩa trên đời này chúng ta cần phải làm một cái gì đó cụ thể để trả ơn thì mới thật sự xứng đáng. Chẳng hạn, đối với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ thì những người con phải đền đáp bằng tấm lòng thành và việc làm cụ thể như quan tâm và chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của cha mẹ khi họ ở tuổi già nua bệnh tật. Truyền thống Việt Nam về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ nằm trong ý nghĩa này.

ảnh 3 Cam ta cuoc doi 03

Cảm ơn những giọt nước. (Photo: www.pixabay.com

Đối với xã hội nơi mà chúng ta thừa hưởng rất nhiều di sản quý báu từ giáo dục, y tế, đạo đức, luật pháp, tôn giáo, văn hóa, tập tục, v.v…, thì sự cảm ơn đúng nghĩa nhất chính là đem hết khả năng và tâm huyết của mình để cống hiến trở lại cho xã hội. Hãy làm một nhà lãnh đạo biết xả kỷ để vì dân vì nước thực sự. Hãy làm một bác sĩ có lương tâm biết nghĩ cho những bệnh nhân để tận lực cứu chữa cho họ. Hãy làm một nhà giáo mô phạm đem hết sở học của mình để truyền lại cho thế hệ con em. Hãy làm một ông chủ không vị lợi mà biết quan tâm đến quyền lợi và cuộc sống của những người làm việc cho mình…

Khi thế giới còn dẫy đầy bất công, bạo lực và chiến tranh thì mỗi người sống trong đó đều có trách nhiệm đấu tranh cho bình đẳng và hòa bình. Tất nhiên, không phải ai cũng là Mahatma Gandhi của Ấn Độ, Martin Luther King Jr. của Mỹ hay Nelson Mandela của Nam Phi có tài năng và đức độ để thực hiện thành công những cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi lịch sử của đất nước và cả thế giới. Nhưng mỗi người trong chúng ta với tư cách là những thành viên của cộng đồng nhân loại vẫn có khả năng xây dựng những viên gạch đầu tiên cho bình đẳng và hòa bình của thế giới này bằng chính cuộc sống thể hiện sự bình đẳng và hòa bình trong đời thường của chúng ta. Tạo sao? Bởi vì không có bình đẳng và hòa bình trên thế giới này nếu không bình đẳng và hòa bình trong tâm thức và cuộc sống của mỗi con người. 

Trái đất mà chúng ta đang sống và thọ nhận vô số ơn nghĩa ở trên đó đã và đang ngày càng bị tổn hại với bão lụt khắp nơi bởi thảm nạn biến đổi khí hậu bắt nguồn từ tình trạng khí thải nhà kính do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, đốt phá rừng bừa bãi, đô thị hóa ngày càng mở rộng, quăng bỏ các đồ đạc làm bằng nhựa để chúng trôi ra biển giết hại sinh vật ở biển và phá hoại môi trường sinh thái ở đại dương. Không có lời cảm ơn hành tinh nào bằng hành động bảo vệ môi sinh cho trái đất của chúng ta. Còn có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để đền đáp ơn nghĩa cho cuộc đời này.

Thay lời kết cho bài này xin mượn câu nói của nữ văn sĩ người Mỹ Ellen Hopkins đã từng viết rằng, “Đôi khi những điều nhỏ nhặt trong cuộc đời lại có ý nghĩa nhất.”

Quả thật vậy, đôi khi chúng ta nghĩ rằng lời cảm ơn có thể là việc nhỏ, nhưng sự thật nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của chúng ta. Nó là chìa khóa mở tung cánh cửa tâm thức của chúng ta để nhìn vào thế giới tương quan, tương duyên vô tận. Nó là lời chứng cho nhận thức của chúng ta về sự có mặt giá trị của tất cả mọi thứ trong cuộc đời mình. Nó mang đến cho chúng ta cảm giác hài lòng và an ổn về cõi đời này, bởi vì đó là cảm nhận rằng mọi thứ chung quanh mình đều không phải hoàn toàn bất thiện và không có giá trị.
Chúc mọi người mùa Lễ Tạ Ơn nhiều sức khỏe và an lành.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều Chủ Nhật 8 tháng Sáu, 2025 vừa qua, giữa lòng thành phố Fountain Valley, Nam California, trong một không gian âm nhạc nhỏ bé, ấm cúng nhưng trang trọng và thân mật, khoảng trên dưới 30 khán giả mộ điệu đã được thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng tuyệt vời với ban tam tấu TrioniCity...
CÓ NHAU TRONG ĐỜI: 7 GIỜ TỐI CHỦ NHẬT 29 THÁNG 6 NĂM 2025 tại Coffee Factory: 15582 Brookhurst St., Westminster, CA 92683. Vé bảo trợ $150 - Vé VIP $100 - Vé đồng hạng $80. Để đặt vé và bảo trợ cho chương trình, vui lòng nhắn tin ban tổ chức 714-725-5445 hoặc 714-592-8941. Ban tổ chức chân thành cảm ơn Coffee Factory hỗ trợ Lê Uyên thực hiện chương trình tưởng niệm này.
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Cuốn phim trinh thám – kinh dị này của đạo diễn Victor Vũ khẳng định rằng trình độ làm phim giải trí của Việt Nam nay có thể so sánh ngang hàng với những nền điện ảnh lớn trong khu vực, đồng thời tìm được những dấu ấn của riêng mình.
Nhạc Lê Uyên Phương là một hiện tượng độc đáo của âm nhạc Việt Nam xuất hiện từ cuối thập niên 1960s. Lúc đó là thời của quê nhà chinh chiến. Nhạc của Phương là lời ca ngợi tình yêu, như một cách kêu gọi hòa bình. Lúc đó là thời của những nỗi lo lắng về sống và chết nơi quê nhà chỗ nào cũng đạn bom, nhưng Phương lại hát lên lời ca ngợi hạnh phúc đôi lứa giữa một khung trời "Chờ trăng lên, nghe sao thì thầm"... Tình yêu của Lê Uyên Phương giữa bối cảnh đó tự thân đã là một triết lý của hiện sinh, rằng cuộc sống này là một hạnh phúc có thực, xa lìa mọi ý thức hệ.
Chỉ kéo dài hơn 30 phút, cuốn phim tài liệu Đất Lành Chim Đậu (On Healing Land, Birds Perch) đã để lại cho khán giả nhiều cảm xúc, nhiều điều để suy gẫm. Phim được công chiếu ra mắt ở Quận Cam vào tối ngày 9 tháng 5 năm 2025 tại rạp Lido Newport Beach, nhân tháng tưởng niệm 50 chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Buổi chiếu phim do Orange County Film Society thực hiện, với sự phối hợp của Newport Beach Film Festival, và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA). Phim do Naja Phạm Lockwood đạo diễn; với giám đốc sản xuất là nhà văn Lan Cao.Bộ phim tài liệu xoay quanh câu chuyện của những gia đình, những đứa trẻ từ hai miền Nam, Bắc là nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là bà June (Dung) con gái của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan; ông Nguyễn Từ Huấn con trai của Trung Tá Nguyễn Tuấn thuộc quân đội VNCH;
Thưa anh Trần Hoài Thư rất kính mến, Những gì anh mong mỏi đã thành tựu viên mãn. Tất cả mọi người đều như thấy có sự hiện diện của anh trong ngày tang lễ. Làm sao giải thích được lúc đi đến nhà quàn ở New Jersey ngày thứ Bảy (8/6), ba nhóm trong tiểu bang Virginia xuất phát từ ba ngả khác nhau lại cùng dừng chân và gặp nhau ở Delaware Rest Area. Những cái ôm thật chặt từ những người mới gặp nhau lần đầu mà tưởng như đã quen nhau từ lâu.
Cánh cửa gỗ mộc mạc mở ra chỉ sau vài giây tôi đến trước cổng, chưa kịp gọi chuông. Hình như người nghệ sĩ nào cũng có một điểm chung, đó là sự tinh tế và chú ý từng chi tiết nhỏ sự việc quanh mình. Philippa Pham Hughes xuất hiện sau cánh cửa với nụ cười rạng rỡ. Gương mặt của người nghệ sĩ gốc Việt này, đúng như cô đã viết trong lá thư khi đang ở Thái Lan: “Tôi xin lỗi tôi không nói được tiếng Việt. Tôi ước gì mình có thể. Không ai nghĩ tôi là người Việt Nam.” Cung mệnh ‘thiên di’ và một cuộc bắt cóc. Philippa ngồi trước tấm ảnh chụp và cắt dán theo phong cách nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography), sắp đặt một cách có chủ đích, không phải khoảnh khắc tự nhiên. Một phụ nữ đang bay lên khỏi mặt đất. Một người đàn ông đang nằm trên bãi biển. Sợi dây trói buộc một chân của người phụ nữ vào thân hình của người đàn ông. Một sự giải thoát đang diễn ra, từ tốn. Tấm ảnh ra đời sau khi Philippa chấm dứt cuộc hôn nhân của cô, là một trong những điểm nhấn độc đáo của ngôi nhà.
Khi trả lời phỏng vấn với người điều hợp Eric Nong (VAALA) trong buổi chiếu ra mắt Daydreamers (Người Mặt Trời) tại rạp Frida Cinema (Santa Ana) tối Thứ Sáu 2 tháng 5, 2024, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Timothy Linh Bùi nói rằng ma ca rồng không phải là chủ đề chính của bộ phim. Người Mặt Trời được giới thiệu là một trong những bộ phim Việt Nam đầu tiên với những nhân vật chính là “vampire”. Theo ông, đằng sau câu chuyện về những con quỉ hút máu người xuất hiện ngay ở thành phố Sài Gòn, Daydreamers chứa đựng nhiều thông điệp về xã hội, con người, tình gia đình…
Trước tháng 4/75, qua sách báo, tạp chí và thời sự văn học – nghệ thuật trong nước và cả nước ngoài, gần như gây âm vang cùng thời là danh tiếng của nhiếp ảnh gia quân đội Nguyễn Ngọc Hạnh (1927- 2017) cùng điêu khắc gia quân đội Nguyễn Thanh Thu (1934-2025).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.