Hôm nay,  

Vụ Án Ngô Cảnh Phương - Công Lý Có Bị Lũng Đoạn? - Tường Thuật Đặc Biệt Buổi Hội Thảo Về Vụ Án Ngô Cảnh Phương Tại Viện Tội Phạm Học Sydney

09/08/200400:00:00(Xem: 9163)
LGT: Ngay khi tin ông John Newman, dân biểu tiểu bang vùng Cabramatta, bị bắn chết được loan báo, cả nước Úc đều bàng hoàng rúng động, và xót xa thương tiếc. Trong niềm xót xa thương tiếc đó, ai cũng mong muốn cảnh sát sẽ sớm tìm ra hung thủ, và công lý sẽ được thực thi. Nhưng 7 năm sau, khi ông Ngô Cảnh Phương bị bồi thẩm đoàn tòa Thượng Thẩm NSW kết tội chủ mưu vụ ám sát ông John Newman, nhiều người, nhất là người Việt lại càng bàng hoàng và ngạc nhiên hơn.
Đến từ Việt Nam, một quốc gia cộng sản độc tài đảng trị, được chính phủ và nhân dân Úc chấp nhận cho tỵ nạn, đông đảo người Việt đều tin tưởng vào nền tự do dân chủ pháp trị của Úc. Tuy nhiên, trong tiến trình xét xử ông Ngô Cảnh Phương, đã có những sự kiện tạo ra những nghi ngờ, những băn khoăn, lo ngại trong người Việt. Nguyên nhân dẫn đến những nghi ngờ băn khoăn đó, có thể do sự hạn chế về Anh ngữ, về kiến thức luật pháp của người Việt" Hoặc do bản chất của các sự kiện khi được trình bầy tại tòa vốn tự nó đã có sự mâu thuẫn xuất phát từ thực tế" Hoặc do khả năng hạn chế của công tố viện trong khi thực thi vai trò buộc tội bị cáo đã tạo ra những sơ hở, thiếu sót" Hoặc trong tiến trình truy tố, công tố viện đã có những cá nhân vì lý do này hoặc lý do khác, vô tình hoặc cố ý, phạm phải những thiếu sót, tạo nên những điều không hợp lý.v.v...
Hậu quả, vì một hoặc nhiều lý do trên gộp lại, nên kể từ khi ông Ngô Cảnh Phương bị kết án cho đến nay, suốt 3 năm qua, vẫn có nhiều người nghĩ rằng, ông Ngô Cảnh Phương vô tội. Đặc biệt, với những người đã từng chịu đựng những oan uổng trên con đường đi tìm công lý cho chính mình, thì họ lại càng có lý do để suy diễn và tin tưởng vào sự vô tội của ông Ngô Cảnh Phương. Bài tường thuật sau đây của tác giả N. Cao Bông sẽ cho qúy độc giả thấy được, những ý nghĩ và quan điểm của những người tin tưởng ông Ngô Cảnh Phương đã bị kết án một cách oan ức, được trình bầy trong một cuộc hội thảo vào tối Thứ Năm tuần qua. Hiển nhiên, qua cuộc hội thảo quy tụ đông đảo những người bất đồng quan điểm đối với việc kết án ông Ngô Cảnh Phương, và qua việc Sàigòn Times đăng nguyên văn bài tường thuật tỷ mỷ của tác giả N. Cao Bông, qúy độc giả sẽ thấy được, sự tự do dân chủ thực sự của xã hội Úc, và niềm tin tưởng mãnh liệt của mỗi công dân, trong đó có Sàigòn Times, đối với nền tự do dân chủ đó. Chân thành cảm ơn tác giả NCB, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết của ông.

*

Đêm thứ Năm 29/7 vừa qua, có hơn 50 người tham dự cuộc hội thảo chủ đề “Công Lý Bị Lũng Đoạn: Làm thế nào mà sự kỳ thị chủng tộc, sự gian ngoan và giới truyền thông lá cải đã khiến công lý trật đường rầy trong việc kết án ông Ngô Cảnh Phương và vô số trường hợp khác ở NSW” (Justice Corrupted: How Racism, Underhandedness & The Tabloid Media Derail Justice - In the conviction of Phuong Ngo and in countless other NSW cases). Buổi hội thảo dưới sự chủ tọa của Thượng Nghị Sĩ tiểu bang NSW, ông Peter Breen MLC, được tổ chức tại Học Viện Tội Phạm Học Sydney (Sydney Institute of Criminology) trực thuộc phân khoa luật trường đại học Sydney.
Trong số người tham dự buổi hội thảo, chúng tôi nhận thấy có một số nhân vật quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam như ông Trương Minh Hoàng, bà Đặng Kim Ngọc, bà Dương Hương và bà Anh Thư. Ngoài ra còn có nữ ký giả Đài Lê cùng chồng là ông Markus Lambert (người từng ra tranh ghế dân biểu Cabramatta gần đây). Một khuôn mặt khá quen thuộc khác của cộng đồng Cabramatta cũng đến tham dự buổi hội thảo, là cựu luật sư Mark Stevens, người từng một thời đại diện cho đảng Dân Chủ để ra ứng cử ở Cabramatta.
Đặc biệt hơn nữa là sự hiện diện của một cựu cảnh sát viên từng tòng sự tại đồn Cabramatta trong nhiều năm trời và đã quyết định từ chức một thời gian ngắn trước khi cố DB Newman bị ám sát vì “không chịu được những chuyện xảy ra trong đồn lúc ấy”. Dự khán cuộc hội thảo còn có bà Roseanne Catt (người phụ nữ bị ngồi tù suốt 10 năm với tội âm mưu giết chồng cho đến khi được thả tự do vào năm 2003 vì có được bằng chứng cho thấy viên thám tử cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra vụ án đã ngụy tạo bằng chứng nhằm buộc tội bà) cùng với hai yểm trợ viên và nữ ký giả Wendy Bacon, một ký giả kỳ cựu đồng thời từng là giáo sư khoa truyền thông tại đại học UTS, cũng dự khán buổi hội thảo. Một nữ ký giả trẻ tuổi của đài phát thanh ABC cũng đến thâu âm buổi hội thảo.
Sau diễn từ của TNS Breen khai mạc buổi hội thảo thì bà Debbie Killian, một nhân viên xã hội nhiều năm kinh nghiệm và đồng thời là thành viên của CEFUP (Campaign to Expose the Frame Up of Phuong - Chiến Dịch Vạch Trần Việc Ông Phương Ngô Bị Ghép Tội) nêu tóm lược một số vấn đề vẫn còn nhiều gút mắc trong vụ án này, bao gồm:
- Có một người khác đã tự thú là thủ phạm nhưng vì sao cảnh sát lại không điều tra một cách nghiêm túc sự việc này"
- Cái được gọi là “động cơ” của vụ án đã bị chứng minh là không hiện hữu nhưng vì sao phe công tố vẫn tiếp tục sử dụng giả thuyết “động cơ chính trị” nhằm kết án ông Phương"
- Rất nhiều nhân chứng bị lôi ra trước ủy Ban Bài Trừ Tội Ác NSW (NSWCC), bị hăm dọa và sau đó được trao quyền miễn tố để làm chứng, nhưng những người này lần lượt bị chứng minh cho thấy họ đã khai gian.
- Phe công tố sử dụng nhiều thủ đoạn không chính đáng, chẳng hạn như trong phiên tòa đầu, khi lập luận của phe công tố đang tan theo mây khói thì công tố viên Mark Tedeschi đã bất tuân lệnh của chánh án (breached a judge’s order) khiến cho phiên tòa phải bị hủy bỏ, để rồi sau đó một bị cáo được khuyến dụ thành nhân chứng chính và vụ án được cải biến (reconstructed).
- Vụ án bị dùng làm một thứ bong bóng chính trị (politicised) ngay từ phút đầu. Thí dụ việc ông Phương được viên Quyền thẩm phán cho tại ngoại hầu tra ngay sau khi bị câu lưu thế nhưng sau đó, khi thủ hiến Bob Carr công khai lên tiếng chỉ trích quyết định này, khiến nó bị thu hồi lại.
- Giới truyền thông liên tục khích động kỳ thị chủng tộc (racial stereotyping) đã khiến ông Phương bị kết tội oan uổng.

*

Tiếp theo đó là phần trình bầy của ông Quang Đào, người từng bị cùng truy tố với ông Phương nhưng đã được bồi thẩm đoàn phán quyết là vô tội. Ông Quang bắt đầu bằng câu: “Không! Tôi không có làm việc ấy”. Và giải thích rằng đấy là câu mà ông vẫn thường phải nói mỗi khi có những người không quen biết hoặc những người chỉ biết sơ về ông có vẻ muốn hỏi ông rằng “Anh có làm chuyện đó không"”
Ông Quang nói: “Ngạn ngữ có câu “Sự gian khổ giúp cho người ta trở nên mạnh mẽ hơn” (Adversity makes one grow stronger). Tôi không biết rằng những chuyện mà tôi đã phải trải qua có làm cho tôi mạnh mẽ hơn hay không, nhưng tôi biết chắc rằng, sau khổ nạn ấy tôi cảm kích (appreciate) cha mẹ, các em gái, em rể và vợ tôi hơn bao giờ hết, vì họ đã hết lòng yểm trợ, ủng hộ, đùm bọc tôi”.
Ông Quang thuật lại tóm lược những áp lực của cảnh sát cũng như phe công tố trong việc ép buộc và khuyến dụ ông làm nhân chứng chống lại ông Phương xuyên suốt từ phiên tòa thẩm định Coroner’s Court cho đến khi tất cả các vụ án chấm dứt.
Ông Quang cho biết, trái với lệ thường về các phiên tòa Coroner’s Court, vốn chỉ kết thúc sau khi tất cả mọi bằng chứng được trưng bày để viên thẩm phán (Coroner) có thể đi đến một kết luận về vụ việc (chẳng hạn như có ai nên bị truy tố hay không), thì cảnh sát đã tiếm quyền và tự động truy tố ông Phương, ông Quang cùng tên X (tên tuổi của người này đã bị tòa Thượng Thẩm ra lệnh cấm công bố). Điều cần nói ở đây là việc truy tố này xảy ra một ngày trước khi đến phiên các cảnh sát viên trong đội đặc nhiệm Gap phải lên ghế nhân chứng!
Ông Quang cũng kể cho biết, trong lúc bị tạm giam chờ phiên tòa xét đơn xin tại ngoại hầu tra thì có một hôm ông được gọi lên văn phòng của viên phó giám đốc trại giam Silverwater. Khi lên đến nơi, ông thấy có hai viên thám tử cảnh sát hiện diện. Nghĩ rằng họ sẽ lên tiếng hăm dọa hoặc khuyến dụ ông làm nhân chứng, ông bèn nói: “Tôi không có gì để nói cả”. Sau đó, hai viên cảnh sát này nhá cho ông xem một cái trát của ủy Ban Bài Trừ Tội Ác với ẩn ý hăm dọa sẽ lôi ông đến đấy.
Kế đến, ông bị biệt giam vào khu dành riêng cho những tù nhân có kỷ luật xấu trong nhiều ngày, trước khi bị chuyển sang nhà tù Long Bay, khiến ông không thể liên lạc với luật sư của ông hầu chuẩn bị cho việc xin tại ngoại hầu tra.
Đến ngày tòa Thượng Thẩm xét xử đơn xin tại ngoại hầu tra của ông Quang thì cảnh sát lại cố tình trình bày sai lạc về một số bằng chứng để cho rằng ông Quang man khai trước tòa. Thế nhưng, may mắn có bà Marion Lê cùng một người bạn khác đã có thể chứng thực sự thành thật của ông Quang và vạch rõ sự sai trái của cảnh sát. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc ông được tại ngoại hầu tra.


Kế đến, ông Quang cho biết khi phiên tòa đầu tiên đang diễn ra thì chính viên trạng sư công tố đã liên lạc với trạng sư đại diện của ông, khuyến dụ ông chấp nhận “một thứ tội liên quan đến vũ khí” (“a firearm charge”), và như vậy ông sẽ không bị truy tố về tội sát nhân. Đổi lại, ông phải làm nhân chứng cho công tố trong tiến trình truy tố ông Phương và X. Nhưng ông Quang đã nhất định từ chối. Ông cho biết ông từng là người tÿ nạn cộng sản nên ông rất quý trọng nền dân chủ và công lý của Úc, vì thế, ông không muốn lũng đoạn nền công lý ở đây bằng những lời khai láo.
Ông Quang cho biết thêm rằng sau khi X được quyền miễn tố để trở thành nhân chứng cho phe công tố thì NSWCC đã khuyến dụ ông nên bắt chước X. NSWCC đã hứa hẹn sẽ cho ông quyền miễn tố, cùng với việc đưa cả đại gia đình của ông vào chương trình Bảo Vệ Nhân Chứng và có thể giúp dời đi nơi khác an toàn, nhưng ông vẫn từ chối, bởi vì ông không thể nào đặt điều, vẽ chuyện nói dối và góp phần đục ruỗng nền công lý của nước Úc như thế.
Ông cũng kể thêm về chuyện ngay sau khi phiên tòa thứ nhì chấm dứt vì bồi thẩm đoàn không đồng thuận trong việc kết án, thì ông cùng ông Phương bị truy tố về tội tống tiền. Theo ông thì đây là một chiến lược của phe công tố nhằm ngăn cản không cho ông trưng bày bằng cớ về hạnh kiểm tốt trong phiên tòa thứ ba.
Sau khi phiên tòa thứ ba chấm dứt thì tội tống tiền, mà hai nhân chứng chính (X & Y) cũng là hai nhân chứng then chốt trong vụ án Newman, được đưa ra xử và ông cũng được phán quyết vô tội.
Ông Quang kết thúc bằng lời cảm tạ cha mẹ, các em gái, em rể cùng vợ của ông đã hết lòng giúp đỡ, yểm trợ cho ông trước những áp lực như thế của cảnh sát lẫn phe công tố. Ông cũng lên tiếng cảm tạ các bồi thẩm viên đã nhìn suốt được sự thật và phán quyết rằng ông vô tội.

*

Thuyết trình viên kế tiếp là ông Michael Kennedy, một cựu cảnh sát viên NSW từng lên tiếng tố cáo hành vi lạm quyền của những người đồng sự, và vì thế bị trù dập một thời gian dài. Ông hiện là một người không ngừng năng nổ tranh đấu cho công lý và là một nhà khoa bảng tại đại học Griffith. Ông trình bày tóm lược về những điều đáng nghi ngại về quyền ép buộc phải trả lời thẩm vấn của các cơ quan như NSWCC, khi mà quyền im lặng của người dân được luật pháp bảo vệ đã bị tước mất.
Sau ông Michael Kennedy là ông Cameron Murphy, chủ tịch Hội Đồng Bảo Vệ Dân Quyền NSW (NSW Council for Civil Liberties). Ông Murphy cũng nêu lên những vấn nạn mà giới chính trị gia trục lợi gây ra và cuối cùng đi đến hậu quả là dân quyền bị bào mòn, bị đục ruỗng.
Tiếp theo là ông Tim Anderson, giảng viên (lecturer) trường Kinh Tế và Khoa Học Chính Trị (School of Economics & Political Science) thuộc đại học Sydney. Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Anderson đã từng bị cáo buộc là kẻ chủ mưu vụ đặt bom trước khách sạn Hilton trong thập niên 70 và đã từng bị kết tội oan uổng nhưng sau đó đã được minh oan.
Ông Anderson cho biết ông và ông Phương cùng bị trạng sư công tố Mark Tedeschi QC, dùng những thủ đoạn không minh bạch để buộc tội. Ông cho biết chính trưởng chánh án Murray thuộc Tối Cao Pháp Viện Úc (Chief Justice of the High Court) khi còn là chánh án Tòa Kháng Án NSW xét xử đơn xin kháng án của ông đã lên tiếng chỉ trích những hành vi bất xứng của ông Tedeschi.
Sau khi được tuyên bố vô tội, ông Anderson đã cùng với Hiệp Hội Trạng Sư (Bar Association) đâm đơn khiếu nại về hơn 50 hành vi bất xứng của ông Tedeschi trong vụ xử của ông, dựa theo phán quyết của chánh án Murray. Vụ khiếu nại này kéo dài suốt hơn 12 năm để rồi cuối cùng thì cũng chẳng đi đến đâu.
Sau phần thuyết trình của ông Anderson thì ông Michael Strutt, một cố vấn chuyên nghiệp về Tư Pháp và Hình Luật Học (Forensic & Criminology Consultant) trình bày về những trường hợp mà cảnh sát NSW đã bị chứng minh rằng họ gài đặt vũ khí, súng ống để ghép tội cho các nghi phạm hoặc để chạy tội cho chính họ. Một vài thí dụ nêu ra bao gồm vụ sát hại tay anh chị Warren Lanfranchi rồi vứt súng lên thi hài của y để lấy cớ cảnh sát phải bắn hạ để tự vệ; vụ cảnh sát vứt súng xuống sông rồi còng tay một nghi phạm, dẫn đến nơi đã vứt súng, cầm tay y chỉ xuống cho người nhái lội tìm năm lần bẩy lượt mới ra được khẩu súng (có nhiều hơi hướm tương tự như vụ tìm thấy khẩu súng trong vụ xử ông Phương); vụ cảnh sát bị bắt quả tang cố vùi một thùng súng đủ loại xuống sông Hawkesbury.v.v...
Kế đến là ông Bernie Matthews, ký giả độc lập, người đã từng hai lần bị tù vì lời khai gian của những tên tội phạm được miễn tố để chỉ chứng, buộc tội người khác hầu chạy tội. Ông thuật lại kinh nghiệm của ông và đặt ra những vấn đề liên quan đến việc lạm dụng quyền miễn tố của phe công tố đặc biệt là khi những nhân chứng đã trắng trợn thú nhận là chúng khai gian nhưng lại tiếp tục được miễn tố để lại sửa đổi lời khai hầu có thể kết tội bị cáo.

*

Sau đó là giáo sư xã hội học Scott Poynting thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa của viện đại học UWS. Bài thuyết trình của ông xoay quanh việc phân tích những bài viết mang đầy tính kỳ thị của giới truyền thông Úc, những phản ứng đầy tính trục lợi của giới chính trị gia ở NSW, từ cả hai phe Lao động và Tự Do, xung quanh vụ án Newman. Từ những sự thực như vậy, ông đi đến một kết luận rằng trong không khí ấy, xuyên suốt từ lúc vụ án xẩy ra cho đến khi ông Phương bị kết tội thì không thể có được một bồi thẩm đoàn nào mà không cảm thấy một áp lực nào đó, một sự mong chờ nào đó buộc họ phải đi đến kết luận rằng ông Phương có tội. Có nghĩa là với bầu không khí cùng những hình ảnh mà giới truyền thông đã tạo dựng, thì ông Phương không thể nào được xét xử một cách công bình.
Kết thúc phần thuyết trình là bài tham luận của giáo sư Gil Boehringer thuộc phân khoa Luật của đại học Macquarie. Tương tự như giáo sư Poynting, giáo sư Boehringer cũng nói về việc ông Phương bị giới truyền thông và giới chính trị gia trục lợi thổi phồng lên thành một thứ ông kẹ, một thứ ngáo ộp (folk devil) để có thể đánh lạc hướng dư luận về những sai quấy sơ sót lỗi lầm của chính phủ. Ông nêu lên hai thí dụ điển hình. Thứ nhất là việc ông Phương, một người Á Châu, bị cho là thủ lãnh của tổ chức W2K - một tổ chức tội phạm da trắng kỳ thị cực đoan. Thứ nhì là việc cố móc ông Phương vào vụ việc cấp giấy phép phát triển khu Organge Grove để đánh lạc hướng sự chú ý của dân chúng về lỗi lầm của chính phủ trong việc này.
Ông Boehringer cũng nhấn mạnh về vụ án tống tiền mà cả ông Quang và ông Phương đều được phán quyết là vô tội. Ông nói rằng gần như toàn thể giới truyền thông Úc đều câm nín không loan báo kết quả của vụ án này bởi vì cái kết quả ấy không phù hợp với hình ảnh một ông kẹ (folk devil) mà họ đã dàn dựng nên về ông Phương. Ông đọc qua những cái tít tường thuật về vụ án và nói thêm rằng, ngoại trừ tuần báo Saigon Times đã theo dõi và tường trình một cách tỉ mỉ về vụ án (ông đã bỏ tiền ra mướn người dịch lại loạt bài này sang tiếng Anh) thì các báo Úc chỉ đăng về những phần có tính củng cố hình ảnh ông kẹ mà họ đã tạo dựng nên mà thôi.
Được biết giáo sư Boehringer đã viết một bài tựa đề “Ai Giết John Newman"” cho tạp chí chuyên đề luật khoa Alternative Law Journal số tháng 6/2004 vừa qua. Saigon Times sẽ cố gắng chuyển dịch và đăng trong tương lai để quý độc giả có cơ hội tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Trong phần đặt câu hỏi, bà AT đã mạnh dạn hỏi rằng người ta có quyền dịch những bài viết được phân phát trong buổi hội thảo sang tiếng Việt hay không. Câu trả lời là nếu bất kỳ ai muốn dịch những bài viết này sang tiếng Việt cũng được cả.
Rất nhiều câu hỏi được đặt lên về những điều mà các diễn giả trình bày, nhưng vì khả năng Anh Ngữ hạn hẹp của người viết nên không bắt kịp để có thể trình bày cùng quý độc giả.
Đáng kể nhất là câu hỏi của ông Mark Stevens. Ông cho biết ông từng theo dõi rất kỹ lưỡng phiên tòa Coroners Court, và ông nhớ rằng có một cảnh sát viên từng tòng sự tại Cabramatta đã đưa ra bằng chứng khá táo bạo về vụ án này và khả dĩ có thể chứng minh cho sự vô tội của ông Phương, nhưng sau đó, ông không hề thấy người này được nhắc đến như nhân chứng trong các phiên tòa. Ông hỏi có ai biết, người cảnh sát viên này có là nhân chứng hay không. Ông Quang cho biết trong số nhân chứng không có cảnh sát viên ấy. Một thành viên của CEFUP cho biết ông này hiện đang hợp tác với đại diện luật pháp của ông Phương.
Buổi hội thảo chấm dứt vào 8g30 tối. Được biết những bài nói chuyện của các diễn giả sẽ được in thành một quyển sách trong tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.