Hôm nay,  

Chuyện tình buồn

28/03/202408:09:00(Xem: 1663)
Truyện

sad woman

Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân. Xe dừng lại tại một điểm đã được quy định, mọi người xuống xe, ai nấy đều nhận lại hành lý rồi phải đi bộ thêm một quãng rất xa nữa mới gặp được thân nhân. Giọng oang oang, càm ràm của người lơ xe nhắc nhở mọi người đang còn ngồi lại trên xe chưa kịp bước rời khỏi chiếc xe đò làm Trâm giật mình vội vã lách rời khỏi chiếc xe, cùng theo đoàn người quảy gánh đi thẳng về những dãy nhà lá thật xa lờ mờ ở phía trước.
    Đôi chân nàng bước nhanh như những điệp khúc thăng trầm của cuộc đời, cõi lòng nặng trĩu nỗi lo âu ngại ngần, nghẹn lời khi phải nghĩ cách nói dối chồng, biết nói và kể lể gì đây khi đời mình đã trải qua một khúc rẽ quanh co, cũng chỉ vì quá lo cho chồng lại thương con, muốn cho chúng có một đời sống tốt và khỏi phải đương đầu với học đường "Học tài, thi lý lịch" như những năm qua. Trong lúc cha của chúng bị gông xiềng, mỗi lần khi biết tin được đi thăm nuôi người tù, mặc cho làn nước mắt nàng đã nhiều lần tuôn rơi, cạn khô, đầy lại vơi, xót lòng nghĩ đến tiền bạc dành dụm đã không còn nữa, thậm chí thùng gạo ở nhà đã gần nhẵn quẹn, việc buôn bán cò con lại bị bắt bớ thua lỗ, có hôm còn bị xét bắt hết cả vốn chứ tiếc chi đến đồng lời. Mẩu truyện ngắn của Khái Hưng chợt trở về với tâm trí nàng trong khoảnh khắc... Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!
    Nhìn đàn con vô tội Trâm mềm lòng, nàng đã mạnh dạn quyết định hy sinh nốt cuộc đời còn lại của mình, một lần dấn thân như những dây leo tầm gửi đã cuốn chặt đời nàng, không lối thoát. Đâu thể ngờ được lần này thăm Dũng là lần cuối cùng, nàng sẽ cùng các con theo một người đăng ký đi tàu bán chính thức. Trâm thầm nghĩ sanh ly còn hơn tử biệt, như chị Thư ở xóm trong gần khu nhà nàng đã cùng năm đứa con uống thuốc chuột quyên sinh để tâm hồn khỏi bị dằn vặt suy nghĩ đến ngày được tin thăm nuôi chồng trong khi túi rỗng tếch, lại thêm cái bao tử dằn vặt từng ngày.
    Trước khi từ biệt người thân để đi vượt biên bán chính thức, Trâm đã trao gởi cho người anh họ một số tiền và vài khâu nhẫn vàng y, để cậy nhờ anh lo đi thăm nuôi người trong tù cải tạo;  Nhờ vậy mà Cha của bầy trẻ vẫn được tiếp tế lương thực mỗi khi có phép đi thăm nuôi.
    Lần đầu tiên gặp lại anh Hưng sau bao nhiêu năm xa cách Dũng mừng lắm, nhưng điểm chính yếu là nhận được những món thực phẩm, thuốc men mà chàng cần thiết và ưa thích nhất như:  Sữa hộp hiệu ông thọ, keo thịt ba rọi kho xả ớt, gói đường cục thốt nốt, keo nước mắm tóp mỡ hành, vài xâu lạp xưởng, bao thịt chà bông, vài gói mì ăn liền, gói thuốc đau bụng, thuốc đau đầu cảm cúm, thuốc sốt rét, thuốc bôi ghẻ ngứa và nhiều món lặt vặt khác nèn đầy cả cái bao nặng trĩu. Dũng bối rối, chợt nhớ ra điều gì hơi là lạ, trầm buồn hỏi anh Hưng.
    "Nhà em đau ốm sao vậy anh?"
    Anh Hưng chưa kịp chuẩn bị câu hỏi chất vấn ấy, tần ngần một chút rồi mới chậm rãi trả lời cho qua lệ.
    "Nghe nói cô ấy cùng với ba đứa nhỏ đi thăm dò tìm đường vượt biên nên mới nhờ tôi đi thăm chú đấy".
    Niềm nghi ngại vẩn vơ thoáng chốc chợt đến trong tâm hồn, Dũng khe khẽ hỏi:
    "Gia đình em làm gì còn tiền mà tìm đường đi vượt biên".
    Anh Hưng không cần phải suy nghĩ thêm chi cho đau lòng, phần thì anh cũng muốn kết thúc những vặn hỏi nên anh đã để dành câu trả lời đó lại cho Trâm.
    "Tôi chỉ biết có vậy thôi. Hay chú đợi lần sau cô ấy lên thăm, chú hỏi thì rõ hơn".
    Sự hững hờ của Trâm làm Dũng không khỏi ngờ vực, cảm nghiệm có điều gì chẳng lành, chàng thầm nghĩ có bao giờ Trâm giấu mình điều gì đâu, hay là... Đầu óc chàng phân vân nghi ngại muốn tìm ra câu giải đáp cho chính mình, bỗng có tiếng kẻng đánh dồn dập kêu vang dội tựa hồi chuông thúc giục muốn dồn cải tạo viên tập họp để trở lại nơi nhà tù của mình. Dũng vội vã chào người anh họ của vợ rồi hấp tấp đứng dậy theo người đang canh chừng mình cùng đi thẳng một lèo về phía những người đang xếp hàng mà lòng chưa dứt hoang mang se sắt, chớm thấy rạn nứt…
 
***
 
Cơn mưa đầu mùa rả rích ngoài hiên nhà nơi xứ người, vẫn rơi đều mỗi lúc thêm nặng hạt. Mưa như gột xoá hương nồng một thời yêu xưa khát khao nghe giá buốt tận đáy lòng nàng. Cuộc đời của mẹ con Trâm chẳng khác gì lục bình trôi theo dòng nước thủy triều mà tạo hoá đặt để. Dòng đời nghiệt ngã đã cuốn đi tất cả dấu yêu một thời xưa, chỉ còn kỷ niệm viễn ảnh nhạt nhoà xót thương ghép lại trong tim người, một lần quyết tâm để rồi nghìn trùng vấn vương cách xa. Sau mười hai năm trời Trâm và các con vẫn sống trong hoài mong mòn mỏi cùng với những ràng buộc tỵ hiềm của "Người Ơn", vì không được trọn vẹn niềm yêu, nên không khí trong nhà nóng lạnh bất thường;  Người ấy thầm hiểu rằng mình chỉ là diện thêm... ké, hay cũng là thảm trải cho người bước qua thôi, nên vẫn lặng thinh để mặc cho thực diện trôi dần theo thời gian. 
 
Cố nhân ơi có thấu chăng
Rằng ta đây đã phụ lòng người xưa

Bốn mẹ con Trâm và người ơn được gia đình người bảo trợ, bảo lãnh từ Kuala Lumpur Malaysia về cư ngụ ở Erie USA là một thành phố nhỏ, nơi mà những bậc cha mẹ rất muốn nuôi dạy con cái của mình lớn lên và trưởng thành ở đó. Bởi vì, theo thống kê thì mức học vấn của người dân Mỹ trưởng thành ở Erie thì cao hơn trung bình một chút. Phần đông người sống ở thành phố cho đến tỉnh nhỏ, ít nhất họ đều có văn bằng Bachelor’s Degree.
    Đời sống ở Erie rất là dễ chịu và thoải mái về vấn đề nhà cửa, những đồ đạc thiết dụng và phần thực phẩm cho đời sống hằng ngày thì giá cả nhẹ nhàng phải chăng, mọi người dân có thể lo toan được.
    Những khi rảnh rỗi, Trâm thường hay dẫn các con đến Square Park là old town của Thành Phố Erie để xem những màn trình diễn thật sống động và nghe nhạc hoà tấu miễn phí ngoài trời, cho vơi đi bao nỗi buồn sầu lắng đọng trong lòng nàng từ dạo xa người… và xa Quê Hương Việt Nam thân yêu.
    Hằng năm, cứ đến tháng cuối năm, vào mỗi buổi chiều ngày thứ năm từ bốn giờ cho tới sáu giờ, tại bờ hồ Erie, có nhóm tài tử hoà tấu và một số Giáo Sư cùng các sinh viên nghành âm nhạc nghệ thuật của Đại Học Gannon thuộc Tiểu Bang Pennsylvania. Họ tụ họp đến trình diễn với những nhạc cụ như Kèn Tây, Vĩ Cầm, Đàn Accordion, Harp và đánh trống giúp vui cho những người dạo chơi ở Erie Square thưởng thức trong ba tháng hè.
    Họ hoà tấu những bản nhạc cổ điển của Chopin, Bethevon, Bach, Mozart, Tchaikovsky và Haydn… là những dòng nhạc tình cảm lãng mạn vượt thời gian và không gian. Thật khó mà giải thích được, vì sao nó đã cuốn hút Trâm thả hồn theo tiếng nhạc du dương trầm bổng, mà tạm quên đi bao nỗi đắng cay thực trạng đang dày xéo tâm hồn nàng.
 
***

Được trả tự do ra về vào một chiều thu phai với buồn sầu hiu hắt, Dạ Khúc "Serenade" quen xưa vang vọng lại trong hồn chàng, bây giờ Dũng mới thấy thấm thía.
 
Cho tình cứ úa phai màu
Cho người cứ mãi phụ nhau
 
Chàng đến thăm những người bạn tù để tìm an ủi và muốn xin ở tạm trú một thời gian đầu, nhưng thấy không ổn vì mỗi người có cảnh khổ khác nhau. Có gia đình bạn đói meo, cả nhà chỉ có vài củ khoai để chia nhau mỗi ngày, có bạn thì cũng chẳng hơn gì chàng. Vợ anh ta bây giờ trở thành mệnh phụ lớn lắm!! Nghẹn ngào cười ra nước mắt. Không còn đường nào hơn, Dũng đã đánh bạo tìm đến nhà của anh Hưng cậy nhờ sự giúp đỡ, anh Hưng vui vẻ nhận lời giúp thật chu đáo tận tình, ngoài những bữa cơm đạm bạc cùng với gia đình của anh, anh Hưng còn đưa chút ít tiền để chàng tiêu vặt;  Người mới ra khỏi ngục tù, trong lòng rất đơn giản như ăn những hạt bo bo với muối hoặc khoai mì luộc mới tự đào về, phơi khô cất giấu đi để dành ăn hoài cả năm vẫn không dám chê. Anh Hưng không dám thổ lộ đó là tiền của Trâm gởi về để nhờ anh lo cho Dũng, sợ lỡ chàng biết được từ chối lại hỏng việc.
 
Khi người tù trở lại
Nhìn mái ấm nhà xưa
Những mất mát đớn đau
Cảnh cũ vẫn còn đây
Người xưa nào tìm thấy
Trẻ thơ giờ ở đâu?

Trong đôi tuyến trận chiến, niềm thất bại 
Tình trường, chiến trường!! Ngọt ngào... đắng cay
Xưa kiêu hùng trong chiến trận dọc ngang
Nay buông xuôi niềm hoài vọng mong manh

Một điều không thể quên khi vô tình bất chợt nhìn thấy khung ảnh treo trong phòng ảnh gia tộc của gia đình anh Hưng. Một tấm ảnh Trâm chụp chung với Dũng vào ngày lễ ra trường của chàng, theo truyền thống Trường Nguyên Thủ Võ Bị Quốc Gia SVSQ Đà Lạt hàng năm mãn khoá học vào ngày Lễ Giáng Sinh, sau khi đã được rèn luyện trong bốn năm dài. Còn nhớ ngày ấy, Mẹ đã đem sính lễ trầu cau đến gặp Cha Mẹ Trâm để dạm hỏi cho chàng và cũng để xin phép cho nàng cùng đi với gia đình chàng dự ngày lễ ra trường đông vui hiếm quý ấy. Bức ảnh này đánh dấu nhiều kỷ niệm đẹp khó quên, nó đã được treo ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách nhà chàng khi xưa, bây giờ mọi vật đã đổi thay theo nghịch cảnh của đời người.
    Cơ cực thiếu thốn nhiều năm đã quen, nay được ăn không ngồi rồi, sao thấy ngại ngần quá!  Vào một buổi cơm tối, Dũng đã nói khó với anh chị Hưng mượn một ít tiền làm vốn để theo một người bạn đã cùng ở trong tù cải tạo, đi bán vé số và thuốc lá lẻ kiếm sống qua ngày;  Chàng hứa sẽ hoàn vốn trả lại anh chị Hưng. Tuy trong lòng không mấy ưng ý lắm, anh Hưng vẫn vui vẻ chấp thuận, nhưng thầm trộm nghĩ: "Cần phải cho chú học bài học mới, đắt giá như chúng tôi đã trải qua".
    Ở xã hội này cần gì phải cầu, mánh mung gạt gẫm, chăng dây kết rào để bắt bớ xảy ra thường xuyên như cơm bữa, hết vốn như trở bàn tay. Đó là chưa kể nạn lừa đảo để cướp giật trắng trợn vào ban ngày ở chỗ đông người nữa; Một đứa đâm xẹp bánh xe ở phía sau, lại còn dám lớn tiếng cho biết là "Bánh xe đạp sau của chị bị xẹp rồi", mình lo quay đầu lại phía sau để xem, lúc ấy đã có sẵn mấy đứa đồng bọn đứng ở phía trước giựt giỏ xách treo ở ghi đông xe đạp, đồ để ở giỏ xe hoặc nón đang đội ở trên đầu, v.v… thoáng chốc đã chuyền tay nhau cao bay xa chạy mất dạng, có khi chúng còn hùa nhau để cướp luôn xe đạp nữa đấy. Lại còn có những băng tuổi trung niên ngầu hơn, cướp giựt vàng vòng nữ trang đồng hồ, cũng may dạo này con buôn không thâu vòng ngọc thạch đã bị bể vào, nên các bà đeo vòng ngọc thoát nạn. Giựt được thứ nào bán cũng có tiền, chẳng phải nhọc tâm đi xa xôi đâu cả, chỉ cần chạy ù qua đường kế bên là bán được ngay. Người buôn bán ở chợ trời mua bán tạp lục, mua ở đó lại bán ngay tại đấy không chê món nào hết.  Hàng giả bán với giá như đồ thiệt, miễn sao họ kiếm được nhiều lợi nhuận, chỉ tội nghiệp cho khách tiêu dùng bị lãnh hết hậu quả gian xảo lừa gạt của những con buôn thất đức.
    Cơn sốt rét nóng lạnh hoành hành toàn thân Dũng còn có thể chịu đựng, sự hụt hẫng đau đớn chất ngất trong tâm hồn chàng khó chữa lành. Mỗi ngày Dũng lần bước qua khắp đường phố lớn của Thành Phố SàiGòn ghé chào mời khách thập phương mua giúp vé số và thuốc lá lẻ để kiếm sống chờ thời, trong khi chờ đợi đi Hoa Kỳ theo diện Hát Ô và đoàn tụ với các con thân yêu của mình. Hôm nọ, Dũng ghé mua thuốc sốt rét ở đường Nguyễn Huệ, trong lúc chờ đợi nhận thuốc, qua cuộc đối thoại trao đổi qua lại, chị bán thuốc Tây "chui" nhận biết ra chị đang tiếp chuyện với một người sắp xuất ngoại đơn độc diện Hát Ô, "Dược Sỹ De La Hiên không bằng cấp" đã kê toa thuốc cho chàng không bỏ lỡ cơ hội tỏ bày thẳng vào đề luôn.
    "Anh cho mẹ con tôi ghép hộ theo anh xuất ngoại được không?"
    Dũng bỡ ngỡ chưa hiểu rõ điều chị ta muốn nhờ nơi mình. Nên chị lại dịu dàng, nhỏ nhẹ tiếp lời cho rõ hơn.
    "Anh cho em lập hôn thú làm vợ thiệt theo anh đi cũng được, nếu không thì làm vợ giả em sẽ gởi anh một số tiền hay vàng, như vậy là công bằng. Nếu anh bằng lòng giúp, tối nay mời anh ghé nhà em..mình sẽ bàn thêm tiếp nhé!"
    Gương mặt người đàn bà rạng rỡ, giọng ngọt ngào khẩn khoản chứa ẩn lời mời gọi như muốn thu cuốn người đối diện. Bây giờ chàng mới hiểu được sự trao đổi, mánh mung của dân tình, khó khăn lắm mới thốt lên lời từ chối với chị bán thuốc Tây. Cũng tội nghiệp chị, song lòng chàng đang rối bời, phải tránh hệ lụy níu kéo để rời khỏi đất nước này được yên thân thanh thản, không muốn quàng vào người sự trần trược trong những ngày cuối còn tạm trú nơi đây.
    Từ ngày Dũng bị chận bắt giam tạm ở Quận 1 từ sáng đến chiều mới được thả, lại còn bị tịch thu hết khay thuốc lá đủ loại và cả chiếc túi sách bằng vải đựng vé số đeo ở trên vai. Tuy mất sạch vốn, vẫn còn may là chưa bị tống giam luôn vào tù. Đã nhìn thấy sự bắt bớ này quen thường ngày, hôm nay mới đến hạn xui của mình, mặc dầu đã nhanh chân chạy nhưng không thoát nạn, một lần tởn cho đến già. Sau lần xui xẻo này, chàng lại cảm thấy tâm mình an bình hơn trước, trong sự xui lại có cái may, một nghịch lý đổi thay khó đoán trước được trong tâm hồn của chàng.
    Trâm nào dám so bì với những vị anh hùng xưa bất khuất, lòng nàng chỉ đơn thuần với việc nho nhỏ mà mình có thể thực hiện được "Mạnh thì dùng sức, yếu dùng mưu!!"  Nàng chẳng dám xin nơi Dũng điều gì, chỉ mong mỏi một ngày nào đó, việc làm của mình sẽ được chứng giám những cất giấu trong tim vẫn còn là niềm yêu thiết tha thuở ban đầu. Sự sống còn của Dũng và sự thành công trong đời sống của các con cùng việc trùng phùng với cha chúng là hạnh phúc của chính nàng. Mặc dầu đã có đôi lần chàng ngỏ lời mong muốn nối kết lại tình xưa, hãy quên đi quá khứ u buồn. Đó chỉ là những áng mây huyền mộng mỵ trôi thoáng qua, nhưng nàng đã khước từ tấm thiện tình ấy làm Dũng bâng khuâng ngỡ ngàng .
    Kỷ niệm đưa Trâm về ngày tháng cũ, cung đàn xưa lỗi nhịp, nàng không còn xứng đáng với lòng tin yêu để níu lại những gì đã mất mát, thay màu "Nghĩa tào khang". Nối lại sẽ phải chịu đựng dày vò đọa đày suốt khoảng đời còn lại, có lúc vui buồn lẫn lộn khó ai hay, một lần xa chân là chấp nhận nỗi xót xa nuối tiếc cho cuộc tình buồn dở dang.
 
Hai cuộc tình buồn
Hai lần dang dở
Đôi đời tao ngộ
Đôi lần chia xa
Muôn kiếp phôi pha
Muôn đời ngỡ ngàng
Như loài hoa vỡ
Như hạt sương mai
Tạ ơn cùng người 
Tạ tình cùng ai

– Phạm Thị Kim Dung

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
Sau dịp lễ Noel là không khí tháng chạp lấp ló đầu ngõ rồi! Thời tiết mùa đông lạnh lẽo đã dần nhường chỗ cho gió xuân về mơ màng trong sương sớm. Khoảng mùng 5 tháng chạp là mọi người đi tảo mộ đông vui. Đươc gặp bà con, họ hàng nội ngoại chào nhau tíu tít sau một năm tất bật là thấy tết đã sắp sửa cận kề. Tết không chỉ là niềm trông đợi của trẻ thơ mà còn là niềm vui của người lớn. Xưa chừ người ta thường nói vui như tết mà!
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...