Hôm nay,  

Vợ Chồng Chia Tay Vì Con Là Tự Kỷ ở Hoa Kỳ

26/04/201611:19:00(Xem: 11050)

    H. Tịnh -  Quê Hương Quảng Nam Đà Nẵng.  Sư phạm Huế ngày xưa.  Hiện về hưu và sống ở Q. Cam, California.  Thích đọc và viết về đề tài tự kỷ.         
***

                                                                                                                               

    Hằng năm ở Mỹ, nhiều phụ huynh có con em bị khuyết tật, nhất là tự kỷ, có lẽ vì không chịu nổi áp lực về tổn phí trị liệu, y tế, hay vì không thể chia sẻ công bằng cho nhau gánh nặng về tinh thần trong vấn đề chăm nom, đưa rước, giáo dục trẻ khuyết tật, hoặc vì trăm nghìn lý do gây nên bởi những hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên có những xung khắc, bất hòa, thách thức, xô xát, đả thương trong gia đình khiến phụ huynh không còn con đường lựa chọn nào khác ngoài quyết định phải đưa nhau ra tòa xin được ly thân hay ly dị.

    Ly thân và ly dị.  Thế nào là quyền lợi tốt nhất cho con tự kỷ?

   Sự  ly thân hợp pháp (legal separation) cho phép hai vợ chồng được tạm thời sống xa nhau, mặc dù trên danh nghĩa và thủ tục giấy tờ, họ vẫn còn trong tình trạng kết hôn.  Trong thời gian ly thân, người vợ hoặc chồng có thể yêu cầu tòa cấp án lệnh (court order) để buộc người nầy hoặc người kia chịu trách nhiệm về mặt hỗ trợ tiền cấp dưỡng để nuôi nấng, trị liệu, chăm sóc y tế, sinh hoạt và giáo dục cho con tự kỷ.  Mặt khác, nói về vấn đề ly dị, luật pháp ở các tiểu bang có khuynh hướng định nghĩa quyền lợi tốt nhất (best interest) cho trẻ tự kỷ bằng cách liệt kê những yếu tố quan trọng để các thẩm phán cân nhắc và phân xử như sau:

  • Sự quan hệ gắn bó, tốt đẹp của vợ hoặc chồng, ai hơn ai, đối với trẻ tự kỷ và những trẻ không bị khuyết tật khác trong gia đình.

  • Phái tính, độ tuổi, và ý nguyện sống chung với cha hay mẹ của trẻ tự kỷ.

  • Khả năng của vợ hoặc chồng trong vấn đề cung cấp nơi nương thân ổn định cho con tự kỷ sau khi ly dị.

  • Vợ hoặc chồng, ai hơn ai, về khả năng, kiến thức liên quan đến tín ngưỡng, văn hóa, đáp ứng được nhu cầu khuyết tật, biết tạo cơ hội giúp đỡ con tự kỷ có sự chuyển tiếp thuận lợi, thích ứng được với những sinh hoạt và môi trường giáo dục mới.

  • Tiền án của phụ huynh, nếu có, về sự ức hiếp tinh thần, cảm xúc, hoặc bạo hành đối với các thành viên trong gia đình trước đây.

    Kế hoạch nuôi dạy con tự kỷ sau án lệnh hủy bỏ hôn nhân  

    Ở Hoa Kỳ, những chuyên gia về luật hôn nhân và gia đình thường khuyên nhủ phụ huynh có con tự kỷ phải thận trọng, cân nhắc những điều lợi và hại (pros and cons) trước khi quyết định phá vỡ hợp đồng hôn nhân. Một trong những phương pháp hay nhất để giải quyết những mâu thuẫn cho vợ chồng sắp phải ly dị nhau chính là sự hợp tác có thiện chí và tích cực trong vấn đề soạn thảo kế hoạch nuôi dạy con (parenting plan) sau khi có án lệnh hủy bỏ cuộc hôn nhân.

    Kế hoạch nuôi dạy con có thể do vợ chồng tự nguyện thỏa thuận, hoặc sẽ do tòa án soạn thảo, qui định rõ ràng về bổn phận và trách nhiệm của họ đối với con em tự kỷ như sau:

  • Sự đồng ý với nhau về thời gian thăm viếng con cái thuận lợi và thích hợp cho đôi bên vào những ngày nghỉ lễ và cuối tuần.

  • Ai được hay không được quyền giám hộ, chịu trách nhiệm theo dõi hồ sơ y tế, quyết định về mặt học tập cho trẻ tự kỷ trong chương trình giáo dục đặc biệt ở nhà trường?

  • Ai sẽ cung cấp hoặc chia sẻ tiền cấp dưỡng, tổn phí phụ trội cho những dịch vụ trị liệu, thời gian đưa rước, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ trẻ tự kỷ vận động, học tập, sinh hoạt xã hội, giải trí lành mạnh sau giờ học?

  • Cách thức giải quyết vấn đề nếu vợ cũ, chồng cũ không thực hiện đúng với những qui định trong kế hoạch nuôi dạy con.  

    
Ly dị là sự mất mác, thiệt thoài cho con tự kỷ

    Vấn đề ly dị của phụ huynh bao giờ cũng có tác động tiêu cực đối với trẻ em, đặt biệt là các em bị tự kỷ.  Đương nhiên, sự thay đổi đột ngột về lịch trình đưa rước, người trông nom và nơi giữ trẻ, nhà trọ, trung tâm trị liệu,  về trường lớp với khuôn khổ, nề nếp sinh hoạt quen thuộc trước đây sẽ có ảnh hưởng đối nghịch đến hành vi và khả năng học tập của con em.  Đó là chưa kể những khó khăn phụ huynh phải đối mặt nếu trẻ bị tự kỷ thuộc dạng nặng, phải cần sự chăm sóc 24/24 về sự di chuyển, ăn uống, vệ sinh cá nhân, y tế, v.v...

    Không ít phụ huynh có con tự kỷ, sau khi ly dị và sống xa nhau, vẫn tiếp tục đối xử công bằng và hỗ trợ cho nhau về mặt tinh thần lẫn vật chất.  Họ hiểu trẻ tự kỷ cần được bênh vực để có cơ hội được giáo dục bình đẳng, được hòa nhập, giao tiếp xã hội ở học đường với những con em không bị khuyết tật khác.  Họ biết phải cần sự hợp tác của hai người, cha và mẹ , mới giúp đỡ con vượt qua được những khiếm khuyết về ngôn ngữ, cảm xúc, học tập để chuẩn bị cho con một đời sống độc lập, tự tin trong tương lai.

    Và để thực hiện được những ước mong tốt đẹp nhất cho con tự kỷ, họ cố gắng đối xử nhường nhịn, ân cần, đồng lòng với nhau trong lựa chọn và quyết định chương trình giáo dục ở nhà trường, về dịch vụ trị liệu, chăm sóc y tế, sinh hoạt, giải trí, thể thao, về giờ giấc đón đưa con tự kỷ đi học đàn, học võ, học bơi, đi cắm trại, vào hướng đạo, cho dù về mặt pháp lý, dĩ nhiên, họ không còn được công nhận là vợ chồng như trước đây.

    Rồi theo năm tháng, trẻ khuyết tật sẽ ra trường trung học.  Ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan an sinh, hướng nghiệp trong cộng đồng, nhiều học sinh tự kỷ ở độ tuổi trưởng thành phải cần sự cố vấn và dẫn dắt của cha lẫn mẹ để biết cách điền đơn xin việc, trả lời phỏng vấn, thực tập những kỹ năng tự bênh vực cho chính bản thân, giúp con tiếp tục con đường học vấn cao hơn, hay nên lựa chọn một ngành nghề thích hợp.  Cho nên, đó là lý do vì sao các chuyên gia tâm lý, giáo dục ờ những cuộc hội thảo về đề tài tự kỷ thường nhấn mạnh và đề cao vai trò của phụ huynh, khẳng định tất cả sự thành đạt của con em trong tương lai đều lệ thuộc vào sự hy sinh, bền chí, biết đặt quyền lợi tốt nhất (best interest) của trẻ lên trên quyền lợi khác biệt và không thể hòa giải được của phụ huynh. Tất nhiên, quên đi cái tình năm xưa để sống với nhau bằng cái nghĩa vì con tự kỷ là điều không dễ dàng thực hiện được. Thực tế cho thấy, đa số sự tranh chấp của phụ huynh sau khi ly dị vẫn tiếp diễn như những vở bi kịch dài nhiều tập, gây nên biết bao trở ngại, biến trẻ tự kỷ thành nạn nhân vô tội và đáng thương trong vấn đề nuôi dưỡng, trị liệu, nhất là về mặt học tập trong chương trình giáo dục đặc biệt ở nhà trường.

    
Ly dị và quyền được chăm nom, cấp dưỡng cho con tự kỷ

    Trong vấn đề phân xử ai là người xứng đáng được chỉ định làm phụ huynh giám hộ pháp lý, trực tiếp nuôi giữ con, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tiền cấp dưỡng sau khi ly dị, các thẩm phán ở tòa án gia đình hay tòa án vùng phải chủ trì các buổi điều trần để thâu thập tất cả những thông tin từ phụ huynh và nhân chứng về trẻ tự kỷ trong vụ kiện.  Các nhân chứng cho đôi bên có thể là giáo viên, thân nhân, bạn của gia đình, hoặc các chuyên viên đã từng trị liệu, chăm sóc y tế cho trẻ tự kỷ trước đây.

    Về phía phụ huynh, họ cần chuẩn bị đầy đủ bằng chứng để thuyết phục có hiệu quả trước tòa. Ví dụ:

  • Nhằm đòi hỏi tiền cấp dưỡng (child support) và giữ quyền giám hộ con (custodial parent), vợ hoặc chồng phải chứng minh bản thân đã hy sinh công ăn việc làm, quan tâm, chăm sóc, và đáp ứng được nhu cầu cá biệt của trẻ tự kỷ hơn so với người phối ngẫu.

  • Vợ hoặc chồng phải trưng bày bệnh sử, hồ sơ chẩn đoán, trị liệu tự kỷ, biên nhận từ các chuyên viên, bác sĩ trong ngành, những giấy tờ mua sắm những dụng cụ trợ giúp, bao gồm cả những tổn phí cho con tự kỷ về sự chuyên chở, giữ trẻ, sinh hoạt và học tập để yêu cầu tòa nâng cao mức cấp dưỡng một cách cần thiết và hợp lý.  Hầu hết các tiểu bang đều lấy một công thức chuẩn (standard formula) để phân định tiền cấp dưỡng tính theo nguồn thu nhập của vợ chồng.  Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, các thẩm phán vẫn có quyền nâng mức cấp dưỡng cho vợ hoặc chồng và con tự kỷ nếu xét thấy số tiền dựa vào đáp số của công thức chuẩn có sự chênh lệch, không chính xác so với những tổn phí nuôi dạy con tự kỷ của phụ huynh được tòa trao quyền giám hộ.

  • Nếu vợ hoặc chồng không hội đủ bằng chứng và nhân chứng, tòa có thể chỉ định một chuyên viên về sức khỏe tâm thần hay xã hội để thu thập thông tin và báo cáo về tình trạng hiện tại của phụ huynh và trẻ tự kỷ.

  • Phụ huynh có quyền thuê mướn những chuyên viên hội đủ trình độ, bằng cấp, và kinh nghiệm về tự kỷ để làm nhân chứng (expert witness) tranh luận cho mình về tiền cấp dưỡng và giám hộ con trước tòa.  

    Theo lệ thường, tiền cấp dưỡng là điều khoản bắt buộc phải trả cho đến khi trẻ đến độ tuổi trưởng thành (18 hay 21).  Nhưng thực tế cho thấy nhiều trẻ tự kỷ không thể sống tự lập, khả năng tìm kiếm việc làm bị hạn chế khi ra trường trung học thì vấn đề cấp dưỡng có thể sẽ kéo dài vĩnh viễn, ngay cả sau khi phụ huynh nhắm mắt lìa đời thì tiền cấp dưỡng vẫn phải tiếp tục, căn cứ vào tài sản để lại của người chồng hoặc vợ cũ.                   

    Ly dị  và cái nhìn bao dung của luật pháp về mặt giáo dục con em tự kỷ

    Ở Hoa kỳ, cần nhấn mạnh rằng vấn đề ly dị có ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định của học khu về sự thẩm định, soạn thảo và xếp đặt chương trình giáo dục thích hợp, công lập, miễn phí (Free Appropriate Public Education or FAPE) cho học sinh bị tự kỷ.  Nên lưu ý rằng đôi khi án lệnh hay giấy tờ ly dị được tòa chứng nhận (divorce decree) không nêu rõ quyền hạn của vợ hoặc chồng – ai là người có quyền quyết định chương trình giáo dục cá nhân (IEP) cho con tự kỷ ở nhà trường.                   

   Đạo Luật Giáo Dục Cá Nhân Khuyết Tật (IDEA) và hầu hết luật pháp ở các tiểu bang đều công nhận phụ huynh chính là người có quyền quyết định chương trình giáo dục đặc biệt cho con em tự kỷ, ngoại trừ có lệnh tòa (court order) không cho phép hay tước đoạt quyền làm cha, làm mẹ với những lý do phải hợp lý và chính đáng.

    Trong thư gởi Biondi (Letter to Biondi, OSEP 1997) và thư gởi Best (Letter to Best, OSEP 1998), Văn Phòng Đặc Trách Chương Trình Giáo Dục Đặc Biệt (OSEP) của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ khẳng định thêm … Trừ khi lệnh tòa không cho phép, phụ huynh ly thân hay ly dị vẫn được quyền quyết định chương trình giáo dục cho con khuyết tật ở nhà trường.   
  

    Ly dị và quyền phụ huynh có con tự kỷ trong chương trình giáo dục đặc biệt

  1. Quyền phụ huynh chăm nom trẻ tự kỷ về mặt pháp lý sau khi ly dị (legal custody):  Phụ huynh có trách nhiệm và được quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục đặc biệt.cho con tự kỷ.  Tuy nhiên, nếu lệnh tòa chỉ cho phép duy nhất một người, vợ hoặc chồng có quyền quyết định (sole legal custody) vấn đề giáo dục con em ở trường thì người kia sẽ bị loại bỏ, không được can dự vào những cuộc họp IEP. Trong trường hợp nầy, phụ huynh cần thông báo cho nhà trường bằng thư về quyền quyết định đơn phương của mình (the right to make unilateral decision) do tòa chỉ định để tránh những tranh chấp về mặt pháp lý với nhà trường hay với chồng cũ, vợ cũ về chương trình giáo dục cá nhân cho con tự kỷ.    

  2. Quyền phụ huynh cung cấp nơi ăn, chốn ở cho trẻ tự kỷ sau khi ly dị (physical custody):  Tòa án có thể giới hạn quyền chăm sóc, kiểm soát con cho một phụ huynh  hoặc cho cả hai vợ chồng quyền bình đẳng nuôi dạy con cái (joint physical custody).    

  3. Quyền cả hai vợ chồngđược chăm nom và cùng chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho trẻ khuyết tật sau khi ly dị (joint legal custody):  Nếu một phụ huynh được tòa cho quyền chăm sóc con (physical custody), nhưng cả hai đều được quyền chăm nom, chịu trách nhiệm chung về con em tự kỷ trước pháp luật  thì vợ lẫn chồng đều có quyền bình đẳng trong vấn đề quyết định chương trình học tập của trẻ ở trường.  Nói cách khác, cả hai vợ chồng có quyền tham gia và được công nhận là hai thành viên trong nhóm soạn thảo IEP với nhà trường, quyền được thư thông báo về những cuộc họp IEP, quyền được áp dụng thủ tục bảo vệ quyền (procedural safeguards) để bênh vực quyền lợi cho con tự kỷ, quyền cùng nhận được báo cáo về thành tích học tập của con em,  quyền đồng ý hoặc không đồng ý với sự thẩm định khuyết tật, dịch vụ liên hệ, hỗ trợ, và sự xếp lớp của nhà trường đối với con em tự kỷ, và quyền được khiếu nại học khu qua tiến trình phân xử (due process) nếu không đồng ý với sự cung cấp chương trình giáo dục thích hợp, công lập và miễn phí cho con em ở nhà trường.

  4. Phụ huynh bị tước quyền chăm nom, không có trách nhiệm cung cấp nơi ăn, chốn ở cho trẻ khuyết tật sau khi ly dị (non-legal custodial parent): Luật pháp khuyến khích sự quan tâm đến sức khỏe, tôn trọng sự thăm dò, theo dõi sự tiến bộ về học tập của con em, nhưng không công nhận quyền được làm cha, làm mẹ, và không cho quyền phụ huynh định đoạt chương trình giáo dục đặc biệt của con em khuyết tật ở học đường.

  5. Quyền phụ huynh ly dị, trước đây từng sống và có con chung nhưng chưa từng lập hôn thú (unmarried parents):  Không có hợp đồng hôn nhân thì không có hợp đồng ly dị để ràng buộc lẫn nhau. Vì vậy, vợ chồng không hôn thú sau khi ly dị đều bình đẳng và có quyền quyết định tất cả vấn đề liên quan đến con em tự kỷ, nhất là về mặt y tế và giáo dục.   

    Ly dị và xung đột giữa vợ chồng cũ về chương trình giáo dục cá nhân cho con tự kỷ

  • Nếu vợ chồng cũ có quyền bình đẳng về sự giám hộ và nuôi dạy con cái không đồng ý với nhau về những vấn đề có liên quan chương trình giáo dục đặc biệt thì nhà trường có thể áp dụng những cách thức hòa giải cho phụ huynh bằng những cuộc họp thông thường, không cần theo thủ tục hay nghi thức.

  • Nếu sự xung đột của chồng và vợ cũ trở nên nghiêm trọng, không thể giải hòa thì cách tốt nhất là cậy nhờ luật sư chuyên môn cố vấn và đưa đơn khiếu nại, yêu cầu tòa sửa đổi án lệnh.

  • Nếu một trong hai vợ chồng quyết định khiếu nại nhà trường qua tiến trình thì các viên chức phân xử (hearing officers) có thể viện cớ không đủ quyền hạn phán xét, sẽ yêu cầu phụ huynh dàn xếp, thỏa thuận với nhau trước tòa để có án lệnh rõ ràng về vấn đề ai sẽ là người duy nhất quyết định chương trình giáo dục cá nhân cho con em họ. Trong thời gian chờ đợi sự giải hòa giữa vợ chồng cũ, hoặc phán quyết của viên chức phân xử, hay án lệnh của tòa, nhà trường không được tự ý thay đổi chương trình giáo dục cá nhân, bao gồm dịch vụ, môi trường giáo dục đã từng được soạn thảo trước đây.  Tất cả phải đóng băng hay được duy trì theo tình trạng cũ (stay put).

  • Vợ mới, chồng mới đều được quyền tham gia các cuộc họp IEP.  Tuy nhiên, nếu họ chưa chính thức được công nhận là cha mẹ của trẻ tự kỷ thì vợ chồng mới không có quyền xem xét hồ sơ, ký tên thỏa thuận hay không thỏa thuận vào bản IEP.

  • Nếu vợ chồng đang trong tiến trình ly dị, muốn lấy án lệnh ngăn cấm đối phương đến gần vì sự bạo hành trước đây ở gia đình, và yêu cầu nhà trường không cho phép người nầy hoặc người kia tham gia vào những cuộc họp IEP cho con em tự kỷ thì rất khó cho nhà trường thuận theo, trừ khi có án lệnh của tòa.  Tuy nhiên, trong tình huống khó xử, nhà trường có thể yêu cầu người vợ hoặc chồng ngồi ngoài, đeo máy nghe và theo dõi diễn biến của cuộc họp, hoặc nhà trường có thể cử nhân viên an ninh ngồi cạnh vợ hoặc chồng trong cuộc họp để bảo đảm sự an toàn cho đôi bên.

Phụ huynh ly dị kiện thắng Học Khu Los Angeles (Ca, 2005) - OAH No. N 2005070660

    Diễn biến vụ kiện:  Năm 2002, phụ huynh ly dị.  Dựa vào văn bản có sự thỏa thuận giữa vợ và chồng, còn gọi là giao kèo hay hợp đồng ly dị (Marital Settlement Agreement and Judgment), Tòa Thượng Thẩm ở California (the Supreme Court of California) đồng ý cho họ được dàn xếp tốt đẹp với nhau về tất cả quyền lợi và trách nhiệm chăm nom, dạy dỗ các con sau khi phá vỡ hợp đồng hôn nhân.

     Văn bản thỏa thuận giữa vợ và chồng trước mặt pháp lý  nêu rõ:   

    “Theo sự đồng ý của đôi bên, hoặc lệnh tòa, chổng cũ/cha và vợ cũ/mẹ sẽ được quyền quyết định một cách bình đẳng về mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe, lợi ích, học tập cho con em, bao gồm nhưng không hạn chế về mặt chăm sóc y tế, giáo dục.  Trong trường hợp xảy ra sự tranh chấp khác với văn bản nầy, vợ cũ hoặc chồng cũ có thể duy trì những điều khoản đã được thỏa thuận bằng cách viết thư khiếu nại …  yêu cầu được Tòa Án Gia Đình (Family Law Court) xét xử.”

    Năm 2005, đứa con 6 tuổi của vợ chồng đã ly dị vào học lớp mẫu giáo ở một trường tiểu học công lập, Học Khu Los Angeles (Los Angeles Unified School District).  Em có nhiều biểu hiện tiêu cực về hành vi khiến giáo viên và nhà trường lo ngại.  Họ tổ chức cuộc họp mặt, bao gồm nhóm nghiên cứu học sinh (student study team) và phụ huynh để bàn về sự thẩm định khuyết tật, điều kiện để hội đủ tiêu chuẩn, và sự cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong chương trình giáo dục đặc biệt.

    Người mẹ đồng ý với nhóm nghiên cứu học sinh, chỉ riêng người cha cương quyết phản đối đề nghị thẩm định khuyết tật cho đứa con trai của nhà trường và người vợ cũ, lý luận rằng văn bản ly dị trước đây cho phép vợ cũ, chồng cũ được quyền quyết định vấn đề học tập của con em, và vì vậy, sự thẩm định khuyết tật không thể tiến hành nếu không có sự đồng ý của cả hai phụ huynh.

    Mặc cho sự phản đối của người cha, học khu ngang nhiên dựa vào chữ ký của người mẹ để tiến hành thẩm định khuyết tật, soạn thảo chương trình giáo dục cá nhân (IEP) và cung cấp dịch vụ đặc biệt.  

    Nguời cha khiếu nại học khu qua tiến trình phân xử, dứt khoát không chấp nhận chương trình đặc biệt do nhóm chuyên viên giáo dục đề nghị, nhất quyết đòi hỏi học khu phải hủy bỏ tất cả những bài thẩm định khuyết tật trong hồ sơ học tập của con trai ở nhà trường.  Học khu không đồng ý.

    Phán quyết của viên chức phân xử qua tiến trình (due process):

    Phụ huynh là cha mẹ tự nhiên, là bất cứ ai được quyền nuôi dưỡng và chịu trách nhiệm trước pháp lý về lợi ích của con em – Bộ Luật Hoa Kỳ 20 U.S.C.  §§ 1401-1402.

   Ngoài ra, Bộ Luật Giáo dục California định nghĩa phụ huynh là người được quyền giám hộ và chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái, bao gồm những người mà trẻ hiện sống chung như ông bà nội/ngoại, cha mẹ nuôi, cha mẹ đỡ đầu, nếu quyền quyết định của cha mẹ ruột về vấn đề giáo dục trẻ bị hạn chế bởi lệnh tòa (court order) – Ed. Code § 56028 subd. (a).

   Thêm vào đó, Bộ Luật Gia Đình ở California khẳng định rằng quyền cùng được chăm nom và cùng chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho con sau khi ly dị có nghĩa là cả hai vợ chồng cũ đều bình đẳng và trách nhiệm chung về mặt chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kể cả những lợi ích khác đối với các con - Fam. Code § 3003.

    Trong vụ kiện nầy, phụ huynh ly dị đã có văn bản thỏa thuận trước tòa, cho nên dựa vào luật pháp của tiểu bang, cả hai vợ chồng đều bình đẳng trong sự chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm đối với con họ về mặt học tập ở nhà trường.  Nếu phụ huynh có sự tranh chấp với những thỏa thuận trước đây, họ có thể khiếu nại và nhờ Tòa Thượng Thẩm California phân xử.

    Hơn nữa, ở Hoa Kỳ, Đạo Luật Giáo Dục Cá Nhân Khuyết Tật đòi hỏi rằng nhà trường phải có sự đồng ý của phụ huynh trước khi tiến hành thẩm định khuyết tật cho con em – 20 U.S.C. § 1414 (a).  Riêng ở California, Bộ Luật Giáo Dục - Ed. Code § 56321 – nhấn mạnh rằng sự thẩm định khuyết tật của nhà trường đối với học sinh không thể thực hiện nếu không có sự đồng ý của phụ huynh hay người giám hộ, và sự đồng ý của phụ huynh với nhà trường về sự thẩm định khuyết tật cho con em phải được viết xuống (bằng giấy trắng, mực đen), ngoại trừ trường hợp học khu được viên chức phân xử đúng theo tiến trình cho quyền thẩm định, hoặc học khu đã có những biện pháp hay cố gắng hợp lý để được phụ huynh chấp thuận nhưng không được đáp ứng - Ed. Code § 56043, subd. (d)(1) & § 56506, subd. (e).

    Hay nói cách khác, sự đồng ý của phụ huynh với nhà trường về sự thẩm định khuyết tật lần đầu tiên (initial assessment) cho con em không có nghĩa là phụ huynh đồng ý với sự xếp lớp và cung cấp dịch vụ liên hệ, giáo dục đặc biệt lần đầu tiên (initial placement or initial provision of special education and related services) trong chương trình giáo dục đặc biệt – Ed. Code § 56321, subd. (d). Đương nhiên, học khu phải có sự đồng ý (viết xuống) của phụ huynh trước khi xếp con em vào chương trình giáo dục đặc biệt ở trường – Ed. Code § 56506, subd. (f).

   Dựa vào những điều khoản bổ xung mới trong Đạo Luật Cá Nhân Khuyết Tật, nhà trường có quyền khiếu nại phụ huynh qua tiến trình phân xử nếu họ từ chối sự đề nghị thẩm định khuyết tật cho con em ở trường.  Tuy nhiên, nếu sau lần thẩm định đầu tiên, phụ huynh khước từ sự can thiệp của chương trình giáo dục đặc biệt thì nhà trường không được quyền cung cấp dịch vụ liên hệ hay những dịch vụ đặc biệt khác, và nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm vì không cung cấp cho trẻ khuyết tật một chương trình thích hợp, công lập và miễn phí (Free Appropriate Public Education or FAPE) – 20 U.S.C. § 1414 (A)(I)(ii) & § 1414 (A)(1)(D)(ii).

    Nay căn cứ vào Bộ Luật Gia Đình ở California và văn bản có sự thỏa thuận giữa vợ và chồng (Marital Settlement Agreement and Judgment) trước Tòa Thượng Thẩm của tiểu bang, nếu không có sự đồng ý của người cha/chồng cũ hoặc người mẹ/vợ cũ, hoặc cả hai, thì xem như học khu vi phạm luật lệ vì tự ý hành động đơn phương.  Do đó, sự thẩm định khuyết tật của nhà trường đối với trẻ trong vụ kiện nầy hoàn toàn không có giá trị (void and invalid), ra lệnh không được lưu giữ trong hồ sơ học tập ở trường và phải hủy bỏ theo yêu cầu của phụ huynh (expunged from the student’s record).

    Kết Luận:  Trước khi tiến hành thẩm định khuyết tật cho trẻ/học sinh, học khu phải có sự đồng ý của cha mẹ ly dị, nhưng được quyền cùng chăm nom, giáo dục con cái (joint legal custody).  Người cha/chồng cũ thắng kiện.                                 

Jesus Fuentes Kiện Hội Đồng Giáo Dục ở New York (2nd Cir.  2009)

     Jesus Fuentes và vợ ly dị nhau vào năm 1996.  Tòa án gia đình  ở New York phân xử người vợ có đứa con khuyết tật bẩm sinh vì yếu tố di truyền sẽ là phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, cung cấp nơi cư ngụ, và chịu trách nhiệm trước mặt pháp lý.  M. F. là đứa trẻ bị mù, theo học trường công lập trong chương trình giáo dục đặc biệt ở thành phố New York.

    Vào năm 2000, Jesus nghĩ rằng lớp học và chương trình giảng dạy dành cho trẻ bị mù ở trường hoàn toàn không thích hợp với nhu cầu khuyết tật của con mình, bèn yêu cầu nhà trường tái thẩm định và khiếu nại nhà trường qua tiến trình.  Kết quả là viên chức phân xử từ chối xem xét vụ kiện và đồng ý với hội đồng giáo dục ở New York rằng thân phận của Jesus là phụ huynh không cấp dưỡng và chăm sóc con thì không có đủ tư cách hay thẩm quyền khiếu nại nhà trường.

    Jesus khởi kiện.  Tòa án liên bang tôn trọng phán quyết của viên chức phân xử, gạt bỏ đơn kiện tụng.  Jesus kiện tiếp lên Tòa Kháng Án Liên bang Vùng 2.  Một lần nữa, Jesus bị xử thua.

    Tòa lý luận … vì Đạo Luật Giáo Dục Cá Nhân Khuyết Tật không có điều lệ nào qui định về tình trạng của Jesus, nên buộc lòng tòa phải áp dụng luật pháp của tiểu bang để phân xử sự kiện.  Dựa vào luật lệ ở Vermont, tòa đặt ra 2 vấn đề then chốt để phán quyết như sau:

  1. Người cha ruột như Jesus (non-custodial parent), tuy không nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, vẫn có quyền quyết định chương trình giáo dục cho con em bị khuyết tật như người mẹ (the sole legal and physical custody)?

  2. Phải phân xử như thế nào trong trường hợp lệnh tòa về ly dị và nuôi dưỡng con cái không nêu rõ ai là người có quyền quyết định vấn đề giáo dục con em khuyết tật ở nhà trường?

  Tòa Kháng Án Liên Bang Vùng 2 phán quyết:

    Không có điều luật nào ngăn cấm phụ huynh như Jesus quyền được quan tâm, theo dõi hồ sơ học tập và sự tiến bộ của con em khuyết tật ở trường.  Tuy nhiên, trừ khi lệnh tòa (court order) chỉ định hoặc cho phép người chồng quyền được quyền chăm nom và cùng chịu trách nhiệm với người vợ về mặt pháp lý cho trẻ khuyết tật, Jesus (non-legal custodial parent) không có quyền can dự vào những quyết định về mặt giáo dục cho đứa con bị mù trong vụ kiện.

Kết Luận:  Phụ huynh không được quyền chăm nom, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật (non-custodial parent) thì về mặt pháp lý sẽ không có quyền quyết định vấn đề học tập cho con khuyết tật ở nhà trường.  Jesus Fuentes thua kiện.

    Zeichner Kiện Mamaroneck Union Free School District (New York, 2009)

     Trong vụ kiện nầy, người mẹ nghi ngờ trẻ có vấn đề về mặt học tập nào đó (specific learning disabilities), bèn làm đơn đề nghị học khu thẩm định khuyết tật để đưa con vào chương trình giáo dục đặc biệt.  Học khu đồng ý.

    Người chồng viết thư phản đối mạnh mẽ, cho rằng học khu không có quyền thẩm định khuyết tật cho trẻ dựa vào sự đề nghị của người vợ sống không có hôn thú với mình trước đây.  Kế tiếp, người chồng làm đơn khiếu nại học khu ở Tòa Thượng Thẩm ở New York (the Supreme Court of New York) để lấy lệnh toà ngăn cản học khu thẩm định khuyết tật cho con mình. Học khu không đồng ý, cho rằng người cha chưa đi hết tiến trình phân xử đã vội kiện tụng (not to exhaust the administrative remedies) là không đúng với những điều lệ qui định trong Đạo Luật Giáo Dục Cá Nhân Khuyết Tật (IDEA).

    Phán quyết của Tòa Thượng Thẩm ở New York:

    Tòa không đồng ý với học khu.  Họ là phụ huynh chưa từng kết hôn hay lập hôn thú. Vì vậy, cả cha và mẹ đều có quyền quyết định vấn đề học vấn cho con cho đứa con chung.  Người chồng thắng kiện.   


    H. Tịnh

    Thứ Hai ngày 25 tháng 4 năm 2016 – Q. Cam, California.

                                                                  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông Bill Burns, Trùm CIA, hôm 19/04/24, cảnh báo « Ukraine có thể thua cuộc chiến sanh tử với Poutine từ đây tới cuối năm ». Lời tuyên bố đưa ra trước hôm Hạ viện Huê kỳ biểu quyết có nên tháo khoán 61 tỷ USD để giúp Ukraine hay không? Nay thì Ukraine có 61 tỷ, và còn thêm phần viện trợ của Otan nữa, để tăng cường khả năng quân sự và cả kinh tế để đối đầu với Poutine. Vậy tới cuối năm, chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc và thắng lợi sẽ ngả về phía Ukraine?
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội, và xóa bỏ được nhiều điều bất công...
Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, cần phải phân loại, xác định rõ ràng các loại “địch” để tìm cách đối phó hoặc vận động gây cảm tình làm đồng minh, tùy loại địch. Mọi người thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là vậy.
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.