Hôm nay,  

Tản mạn chữ nghĩa ngày Xuân

11/02/202421:22:00(Xem: 758)
Tet image
Hồi nào giờ nghe đã nhiều, thấy cũng không ít nhưng tôi có biết khai bút là gì. Viết được dăm bài báo với mớ thơ ấm ớ thì có đáng gì để trịnh trọng khai bút! Mấy nay lướt mạng xã hội thấy thiên hạ khai bút từ đêm giao thừa, tự dưng cũng ngứa ý muốn thử một lần xem sao.
    Thông lệ xưa nay là thế, kể từ đêm giao thừa trở đi thì người viết lách khai bút múa chữ mừng năm mới. Ngày xưa các cụ khăn áo chỉnh tề, giấy mực sẵn sàng, đèn nến hương hoa đủ đầy… Các cụ khai bút viết những dòng chữ đầu tiên cho năm mới, hy vọng cả năm viết lách hanh thông, thơ văn lai láng, bút lực sung mãn, ý tứ dồi dào… Nghiệp chữ xem việc khai bút quan trọng lắm. Mà nào chỉ có các cụ trong vòng nghiệp chữ mới khai bút. Thiên hạ bá tánh đều khai trong ngày đầu năm mới, mỗi người tùy cái nghiệp và cái nghề của mình mà khai.
    Tôi nhớ thuở nhỏ má tôi vẫn thường cúng ông sư (tức cúng tổ) vào ngày mùng mười âm lịch tháng giêng để khai trương mở hàng. Má tôi là tiểu thương, bà cũng như các tiểu thương khác đều cúng tổ khai trương vào mùng mười tháng giêng hàng năm. Những người mê tín thì trước khi cúng khai trương họ không mua bán bất cứ thứ gì, riêng má tôi thì ngày nào có người mua cũng bán, kể cả sáng mùng một tết. Tôi nhớ có lần hỏi má tôi: “ Cúng ông sư (tổ nghề mua bán) là cúng ai vậy má?” dĩ nhiên là má tôi chẳng biết ông tổ mua bán là ai (ngay cả bây giờ lục lọi đủ thứ tài liệu cũng chẳng thấy ghi ông tổ nghề mua bán là ai),  người ta cúng thì bà cũng cúng, xưa bày nay làm là vậy.
    Các chùa Việt thuộc dòng Bắc truyền thì có truyền thống khai đàn Dược Sư, khai kinh Dược Sư vào ngày tết đầu năm và trì tụng cho đến rằm tháng giêng. Trong Phật giáo chúng ta vẫn thường nghe những từ khai sơn, ấy là chỉ cho người đầu tiên lập ra một ngôi chùa hay một viện nào đó. Rồi khai đạo, khai môn, khai tông, khai hệ, khai phái… là từ chỉ những dòng truyền thừa, pháp môn hay chi nhánh tông phái được lập ra. Trong Phật giáo có truyền thống an cư (tức ở yên một chỗ), các dòng truyền thừa có khác nhau về thời gian nhưng thường có hai mùa là an cư kiết hạ và an cư kiết đông. Mỗi khi bắt đầu vào mùa an cư kiết hạ thì gọi là khai hạ hoặc khai trường hạ. Khai giá cũng là từ ngữ nhà Phật để chỉ việc mở con lối thoát (khai) và ngăn chặn việc phạm giới (giá).  Trong nhà Phật có một câu kinh rất nổi tiếng, hầu như Phật tử nào cũng biết, ấy là: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến” nghĩa là mở bày ra, chỉ cho chúng sanh thấy biết để mà đi vào cái thấy, biết của Phật”. Có lẽ cũng từ đây mà hai từ khai thị được dùng rộng rãi trong đạo Phật. Chư tổ khai thị cho hàng hậu học, các ông tăng khai thị cho đệ tử của mình, các vị thiện tri thức khai thị cho người hữu duyên. Người nào thâm nhập được tánh không – bát nhã, thông đạt nghĩa lý sanh tử, chứng ngộ được tứ đế… thì kể như khai ngộ. Chữ khai thị âm gần với chữ khai trí nhưng nghĩa thì thâm sâu và rộng lớn hơn. Khai thị là từ ngữ thuần trong Phật giáo còn từ khai trí thì mang tính xã hội, dùng để chỉ rộng rãi việc truyền bá kiến thức, mở mang kiến thức, học vấn giáo dục. Chữ khai trí đã được dùng cho một nhà sách lớn ở miền Nam trước kia. Người lập nhà sách Khai Trí là ông Nguyễn Hùng Trương, ông có hoài bão lớn và năng lực cao, không chỉ lập nhà sách mà còn cả nhà in, xuất bản sách, nhập sách ngoại văn… với mong mỏi khai dân trí. Một khi nói đến văn hóa giáo dục khai trí thì thường cũng liên quan đến khai phóng. Miền Nam đã một thời có nền văn hóa giáo dục như thế.
    Trong Phật giáo có cái lễ “Khai quang điểm nhãn”, ấy là khi một chùa hay một nhà  có tượng Phật mới thì thỉnh một vị thầy đến “Khai quang điểm nhãn” cho pho tượng. Xét về mặt nào đó thì việc này đem lại phần an tâm tin tưởng rằng tượng phật được “Khai quang điểm nhãn” sẽ linh thiêng, tuy nhiên nghĩ kỹ hơn một chút thì việc này rất bậy, vừa tự gạt mình và gạt người. Phật là đấng giác ngộ, trí huệ và đức tướng viên mãn. Phật là đấng từ phụ, là thầy của cả trời người, vậy thì có ông thầy nào cao hơn Phật để khai quang với điểm nhãn? Liên quan đến “Khai quang điểm nhãn” còn có “Hô thần nhập tượng”, rõ ràng hết sức tào lao. Phật còn có “thần” nào để nhập tượng? Ông thầy nào có năng lực “hô” để thần nhập tượng? Phật đã liễu sanh thoát tử, đã vô trụ niết bàn thì còn thần nào nhập?
    Ngày tết mùa xuân ở xứ mình vào lúc vụ mùa đã xong, nông nhàn và bao nhiêu lễ hội được mở ra. Mùa xuân và mùa thu là hai mùa nhiều lễ hội nhất của xứ nông nghiệp văn minh lúa nước. Hai mùa này nhiều lễ hội, nhiều cúng tế, nhiều chuyến hành hương… bởi vậy mà chúng ta thường nghe câu “Xuân thu nhị kỳ” là vậy. Ngày tết mùa xuân mọi người dập dìu trẩy hội mừng khai hội mùa xuân. Từ xưa đến nay xứ Bắc nước mình nhiều đền chùa, nhiều lễ hội, một trong lễ hội có liên quan nhiều đến chữ khai cũng như văn tự ấy là lễ khai ấn đền Trần. Người xưa thanh lịch lắm, trẩy hội đền Trần xem khai ấn xin chữ… hy vọng con cháu học hành tấn tới, thi cử đỗ đạc, quan lộ hanh thông… ngày nay thì hỏng cả rồi. Cả một biển người ô hợp chen lấn, đè đầu cỡi cổ thậm chí đánh nhau để giành giật những tờ giấy in dấu ấn đền Trần. Thường dân tranh, đại gia tranh, quan chức càng tranh dữ dội. Ấn đền Trần giờ trở thành món hàng mua bán, giấy in dấu ấn đền Trần trở thành vật hộ thân của bọn quan gia bất chính, tham lam và mê tín.
    Một trong những lễ hội lớn nhất của nước mình, mang đậm dấu ấn Phật giáo Việt ấy là lễ hội chùa Hương và lễ hội Yên Tử. Hàng năm khai hội vào mùa xuân, hàng chục vạn người trẩy hội, không chỉ nam thanh nữ tú mà ông già bà cả cũng nao nức. Không chỉ người có đức tin ở Phật mà ngay cả người có đức tin ở những tôn giáo khác cũng trẩy hội. Ngày nay thì cả bọn vô thần cũng rần rần trẩy hội chùa. Bọm mua quan bán chức, ma thần bán thánh càng hăng trẩy hội hơn hết. Bọn họ trẩy hội với mong muốn được phù hộ để thăng quan tiến chức, làm ăn phát tài, lọt lưới né luật... Chùa Hương và Yên Tử ngày xưa khai hội với biết bao nhiêu cái đẹp cái hay, ngày nay xem ra như chợ trời. Những con người thô tháo háo danh, mê muội, tham lam… trẩy hội làm hoen ố hình ảnh của lễ hội truyền thống Việt. Những lễ hội ở nước ta xưa nay thường có lễ rước kiệu, đó có thể là kiệu Phật, kiệu chúa, kiệu thánh thần, kiệu sắc phong… Những cỗ kiệu chế tác chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng rực rỡ, được cúng tế rất kỹ càng, mỗi khi đem ra dùng đều phải làm lễ cáo yết khai kiệu. Nói đến lễ hội thì không thể thiếu trống chiêng, cờ xí, tàn lọng… vì vậy mà có khai chiêng, khai trống...
    Ngày xưa nước Việt ban đầu từ trung du Bắc Bộ rồi tiến xuống đồng bằng Bắc bộ, theo thời gian dòng người dần dần đi về phương Nam. Trước hết phải nói đến Ma Linh – Bố Chánh (tức Quảng Bình – Quảng Trị ngày nay), rồi cứ thế như tằm ăn dâu lấn vào Châu Ô – châu Rí ( tức Phú Xuân – Thừa Thiên), tiếp đến Đồng Dương – Đồ Bàn (Quảng Nam – Bình Định), kế nữa là Tháp Chàm – Phan Rang… và cuối cùng là đồng bằng Nam bộ. Người Việt tiến về Nam đi khai khẩn đất đai lập làng xóm. Chữ khai khẩn này gắn liền với người Việt suốt chiều dài lịch sử, nhất là người Việt phương Nam. Nhờ khai khẩn mà bây giờ có một quốc gia từ Ải Nam Quan đến Mũi cà Mau.
    Như đã nói ở trên, má tôi và những người kinh doanh mua bán đều cúng khai trương mỗi mùa xuân. Những doanh nghiệp càng lớn thì cúng khai trương càng rền rang, có múa lân, có xuất hành, có phong thủy, thầy cúng và bao nhiêu thứ linh tinh khác mà họ tin tưởng sẽ mang lại may mắn. Ngày nay có rất nhiều nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh khai trương rất rầm rộ (chữ trong nước là hoành tráng) và càng ầm ĩ bao nhiêu thì lại càng chết yểu sớm bấy nhiêu. Bởi vậy mà dân ta giờ có câu ngạn ngữ mới: “ Tưng bừng khai trương âm thầm đóng cửa”. Ngôn ngữ và văn hóa nước mình chịu ảnh hưởng văn hóa và tiếng Tàu nên có nhiều câu liên quan đến khai trương như: “Khai trương đại phát”, “ Thuận buồm xuôi gió”, “Mã đáo thành công”…
    Trong Truyện Kiều, có chi tiết các cô gái làng chơi ở thanh lâu, trút bỏ xiêm y, “Lấy hoa lót dưới chỗ nằm/ bướm ong bay lại ầm ầm bốn phương”, ấy chính là trò đốt vía khai hàng. Trong đời sống hiện nay, các cô gái ăn sương vẫn tin tưởng và vẫn làm như thế. Các cô đốt phong long, khai hàng, khai vía… để mong mua may bán đắt, được tổ độ ( tổ của lầu xanh chính là ông Quản Trọng, tướng quốc thời Tề Hoàn Công bên Tàu. Người này đã cho lập nhà nữ lư cho gái hành nghề phục vụ khách làng chơi. Bởi vậy mà thanh lâu thường thờ ông thần mày trắng làm tổ là vậy.)
    Ở Việt Nam cho đến bây giờ vẫn còn tục khai mả, nói nôm na là mở cửa mả. Thường sau khi chôn người chết được ba ngày, thân nhân người chết sẽ đem một con gà đến mả người chết cúng vái rồi thả cho con gà đi. Người ta tin tưởng như vậy là mở cửa để linh hồn người chết siêu thoát có thể đầu thai hay đi tái sanh. Sanh – tử luân hồi bất tận, có sanh ắt có tử, tử rồi lại, một khi có người mới ra đời thì phải làm khai sanh và cũng tương tự như vậy một khi có ai lìa trần thì phải khai tử. Sống chết đều phải khai, ấy là chưa nói trong quá trình sống còn có khai nghèo, khai giàu, khai thành công, khai thất bại, khai báo nọ kia đủ thứ chuyện đời.
    Bọn học trò chúng ta ngày xưa cứ mỗi độ vào thu cũng là lúc mừng tíu tít, xúng xính quần áo mới, sách vở mới mừng khai trường, khai giảng, khai lớp hè, khai lớp bồi dưỡng… Rồi trong đời sống hàng ngày, những kẻ vì  lý do nào đó mà liên can đến pháp luật mà bị tra vấn thì thành thật khai báo, cung khai hoặc khai láo, khai man, khai gian…
    Ngày xuân tản mạn chữ nghĩa mua vui, phàm những ai ít nhiều dính dáng đến chữ nghĩa cũng đều biết hay thực hành việc khai bút đầu năm.Thời gian vốn vô thủy vô chung, không có điểm dừng, chẳng có chia chẻ tháng năm hay ngày giờ. Mới cũ ấy là tự tâm, khai bút ấy là tập tục truyền thống. Người viết văn làm thơ khai bút âu cũng là một thú vui để tự “làm mới” mình, tự sách tấn bản thân, tự tạo thêm tin tưởng rằng khai bút đầu năm thì cả năm sẽ xuôi chèo mát mái, sẽ viết lách sung mãn, sẽ góp cho đời nhiều sản phẩm tinh thần. Khai bút đầu năm cũng là một tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp, đó cũng là dấu ấn của thời văn hóa chữ Nho còn lưu lại đến ngày nay.

– Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, Ngày tết Giáp Thìn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời mưa, mưa lai rai suốt một tuần lễ và cả những ngày tháng trước đó nữa, năm nay mưa nhiều. Có lúc nắng chợt đến sưởi ấm khô đất, nắng sưởi ấm vạn vật và làm khô ráo rất mau...
Biển là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của nhân loại, trong đó có tôi. Biển cũng là một nghĩa địa mênh mông chôn cất hàng tỷ sinh mạng, trong đó, chưa có tôi. Nói một cách mộng mơ hơn, biển là niềm vui và nỗi buồn, là vui sướng và khổ nạn. Nhưng khó mà biết được, biển vô cùng độc ác, dù ngoài mặt xanh trong, tung tăng những đợt sóng trắng. Trông hiền lành, thậm chí dễ thương, như nhiều người xung quanh. Có bao nhiêu lần chúng ta ngạc nhiên hoặc đau lòng vì sự tráo trở của những người quen biết hiền lành? Họ là một loại biển sâu, thăm thẳm, một loại nghĩa địa nước.
Hai phụ nữ bị thưa ra Tòa án Paris về tội xúc phạm sĩ diện và đời sống riêng tư vì hai người này quả quyết bà vợ của ông Tổng thống Macron là người chuyển giới và bà vì thế không phải là mẹ của các con của bà. Hai phụ nữ loan tin thất thiệt đó sẽ ra Tòa vào ngày 16 tháng 6 tới đây. Một bà là đồng bóng, bà kia là nhà báo độc lập. Đồng thời, nhiều Twitter và hashtag #JeanMichelTrogneux đồng loạt quả quyết Đệ nhứt phu nhơn thật sự là một phụ nữ chuyển giới, tên khai sanh là Jean-Michel Trogneux.
Ảo thì không phải là sự thật, không có thật. Những từ ngữ mà chúng ta thường nghe có liên quan xa gần đến việc sống ảo là ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng, vân. vân...Ảo thuật nhằm đánh lừa giác quan chớ không phải là thật. Đó chỉ là một trò giải trí để mua vui chớ không có hại như ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng của những người sống ảo, xa rời thực tế. Sống ảo là một căn bệnh tâm lý gây ra bởi nhiều lý do phức tạp khác nhau, tùy trường hợp của mỗi cá nhân. Có thể là do kém hiểu biết cùng với mê tín, mê muội, có thể do một tại nạn hay một biến cố xảy ra để lại một vết thương trong tâm hồn, có thể do một chấn động vì người thân đột ngột qua đời, có thể do sự thất bại ngoài xã hội, và trong gia đình, có thể vì ảo tưởng theo đuồi một mục tiêu không thật và cuối cùng chạm phải một thực tế phủ phàng.
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế từ bài La Marseillaise, bài quốc ca của Pháp. Tôi thuộc cho tới bây giờ, sau nhiều chục năm tôi vẫn còn hát được. “Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài / quần trễ tai hồng đỏ đen mực son. Đầu lúc la lúc lắc đảo như lên đồng / được dăm trẻ ghẻ lở quá hủi phong. / Quát lấy điếu, đem bình phóng , bưng cơi trầu. / Nhân chi sơ, người đi trước / ta bảo phải để vào tai dốt đặc. Ở trên đầu thầy có cái chi lúc lắc? Búi tó, nó to bằng niêu / tính ghét móng tay hằng cân / thọc luôn trong nách, bật tanh tách hoài / Ngâm thơ thích chí rung đùi”. Nhớ nhưng không chắc có đúng không, có thể có chỗ không nhớ tôi đã chế ra. Nhạc chế cũng như ca dao không bao giờ có tên tác giả. Không biết đây là một bài nhạc chế để chọc quê chính quốc lúc đó đang cai trị Việt Nam hay đùa chơi với các thầy đồ của một anh học trò không thích tới trường.
Tình cờ trong một gian hàng của nghệ nhân làm Bonsai, cây kiểng, tôi thấy trưng bày một chậu kiểng nhỏ, có nhiều nhánh cong queo, lá hình bầu dục, phía dưới có nhiều lông trắng óng ánh như nhung, trĩu nặng từng chùm quả nhỏ tròn trông giống như trái mồng tơi nhưng nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím đen... trông rất quen, nhưng không thể gọi ngay ra tên của loài cây này được...
Tôi quen biết một cô Tây, gọi là một cô đầm thì đúng hơn, tên gọi đầy đủ là Florence Cavalier, vợ của ông tây Jean Paul Cavalier. Florence còn trẻ, lối 30 tuổi. Ngày từ khi còn nhỏ, 9 tuổi, Florence đã là một hướng đạo sinh, scout, lớn lên em học và hành nghề y tá. Cái gốc scout và nghề nghiệp y tá bổ túc lẫn cho nhau, thêm Flor có ngoại hình xinh xắn tươi vui, thành ra trông lúc nào cô ấy cũng tràn đầy nghị lực, sức sống và yêu đời...
Muốn biết một đất nước có văn minh hay không, người ta thường quan sát nhiều khía cạnh khác nhau với một tinh thần phóng khoáng, một tâm trạng cởi mở, không thiên vị, về xã hội, cách điều hành đất nước (governance), việc bảo tồn và thăng tiến văn hóa, về mức sống người dân như việc chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, và trên hết là sự hạnh phúc (well-being) của người dân...
Cuối tháng ba, đầu tháng tư và kéo dài đến tháng sáu, tháng bảy, du khách đến với Đà Lạt, từ những con đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, đến Hồ Xuân Hương, Chợ Đà Lạt, hay Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm... sẽ thấy lòng mình chùng xuống, trước sắc tím lãng mạn, êm đềm và thơ mộng của những cây “ phượng vĩ tím” hay gọi tắt là “phượng tím”. Những cây phượng có nguồn gốc từ Châu Âu, du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1962 của thế kỷ trước.
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “tâm linh” trở nên rất thời thượng, tràn ngập khắp trên mặt báo chí, truyền thông, mạng xã hội, người người nói, nhà nhà nói. Nó trở thành từ cửa miệng của rất nhiều người trong đạo lẫn ngoài đời. Những tà sư, thầy cúng, các nhóm lợi ích kết hợp với những thế lực chính trị và thế lực ngầm ra sức phá rừng, xẻ núi, lấp ruộng… để làm những ngôi chùa, đền, miếu khổng lồ phục vụ cho cái gọi là du lịch tâm linh, hành hương tâm linh… Ngoài những ngôi chùa khổng lồ ấy ra còn có vô số chùa tư, đền, miếu, am, dinh, miễu...mọc lên như nấm sau mưa. Có một điểm chung là các cơ sở này thờ hằm bà lằng từ Phật, thánh thần, thiên, ông đồng bà cốt, cậu hoàng… và cả những nhân vật chính trị thế tục.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.