Hôm nay,  

Sức Mạnh Phi Thường: Chống hay Chạy. Cơ Thể Phản Ứng Thế Nào Trong Tình Huống Nguy Hiểm?

05/04/202400:00:00(Xem: 1025)

strength istock photo
Trong những tình huống nguy hiểm, cơ thể sẽ ngay lập tức kích hoạt các cơ chế tự nhiên tạo ra ‘sức mạnh phi thường’ hoặc ‘chống trả-hoặc-bỏ chạy’ để giúp chúng ta ứng phó với tình huống. (Nguồn: istock)
 
Một cậu bé 16 tuổi nâng nguyên một chiếc Volkswagen lên để cứu hàng xóm bị kẹt dưới xe. Người mẹ dũng cảm chiến đấu với gấu Bắc Cực để bảo vệ con mình. Cô con gái lôi chiếc máy kéo bị lật đè trên người cha ra. Những kỳ tích này được thực hiện nhờ có một lượng adrenaline tăng vọt và giải phóng các hệ thống của cơ thể cũng như năng lực của cơ bắp, vốn chỉ có thể ‘xuất toàn lực’ trong những tình huống căng thẳng cực độ.
 
Mặc dù những sự kiện liên quan đến cái được gọi là “sức mạnh phi thường” này là có thật, nhưng rất khó để nghiên cứu hiện tượng này trong phòng thí nghiệm, vì có thể sẽ gây nguy hiểm cho những người tham gia. Thay vào đó, các khoa học gia về thần kinh học tìm một cách khác để tiếp cận hiện tượng này: phản ứng ‘chống trả-hay-bỏ chạy’ (fight or flight) của bộ não và cơ thể cũng như các cơ chế ứng phó với căng thẳng để kích hoạt sức mạnh phi thường trong những tình huống cấp bách.
 
Những hệ thống phản ứng của cơ thể con người đã phát triển từ thời xa xưa. Trong quá khứ, khi tổ tiên của chúng ta rơi vào những tình huống nguy hiểm như gặp phải một con hổ răng kiếm cổ đại, cơ thể họ kích hoạt các phản ứng mạnh mẽ để giúp họ sống sót: đối đầu hoặc bỏ chạy thật nhanh. Nhưng theo thời gian, các hệ thống phản ứng của cơ thể đã tiến hóa để kích hoạt các cơ chế ít cực đoan hơn trong thời đại hiện đại. Như những lúc chúng ta nhận được tin nhắn từ người thân khiến ta lo lắng, hay khi phải bẻ lái để né con vật nào đó bất thình lình chạy băng qua đường, hoặc khi phải phát biểu trước đám đông.
 
Marc Dingman, giảng sư về sinh học và hành vi tại Đại Học Bang Pennsylvania, cho biết: “Trong mỗi tình huống trên, cơ thể vẫn kích hoạt cùng một phản ứng căng thẳng, nhưng thời nay, phản ứng này thường được kích hoạt trong các tình huống không đe dọa đến tính mạng.”
 
Theo Andrew Huberman, nhà nghiên cứu và khoa học gia về thần kinh học nổi tiếng của trường Y khoa Stanford, các cơ chế này được điều khiển bởi hệ thần kinh tự động (autonomic nervous system) của cơ thể, có thể hình dung đó là một dải liên tục (continuum) với hai thái cực tương phản nhau. Ông giải thích: “Ở một đầu của dải này là trạng thái hoảng loạn cực độ, cơ thể phản ứng mạnh mẽ với các kích thích căng thẳng. Còn ở đầu kia là trạng thái mất ý thức và cơ thể không có bất kỳ phản ứng nào.”
 
Giữa hai thái cực này là một loạt các phản ứng sinh học khác nhau. Một số phản ứng có thể là những điều mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, như chán ăn hoặc khó ngủ. Nhưng cũng có những phản ứng ít ai biết, chẳng hạn như trường hợp ai đó trải qua khoảnh khắc đòi hỏi sức mạnh phi thường.
 
Hiểu về sức mạnh phi thường và phản ứng chống-hay-chạy
 
E. Paul Zehr, giáo sư về thần kinh cảm giác và vận động tại Đại Học Victoria ở Canada, cho biết: “Sức mạnh phi thường là thuật ngữ dùng để mô tả các hành động mạnh mẽ xảy ra trong những tình huống căng thẳng cực độ, những khả năng vượt qua giới hạn bình thường của cơ thể và không thể tái tạo trong các hoàn cảnh bình thường.”
 
Người ta có thể gặp hiện tượng này khi đang lâm vào nguy hiểm – chẳng hạn như rơi xuống hồ băng, bị ai đó hoặc thú vật tấn công, bị mắc kẹt vào thứ gì đó, hoặc khi đối mặt với thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra.
 
Massimo Testa, chuyên gia y tế thể thao tại Tập đoàn Intermountain Medical Group ở Utah, giải thích: “Sức mạnh phi thường không chỉ bộc phát để tự bảo vệ khi bản thân lâm nguy, mà cũng có thể để bảo vệ người khác.”
 
Trong các tình huống khẩn cấp, cơ thể sẽ kích hoạt các cơ chế tự nhiên để chuẩn bị ứng phó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong những lúc này, các cấu trúc phức tạp trong não, các chất dẫn truyền thần kinh, và các hệ thống nhất định sẽ giải phóng một loạt các hormone, giúp tăng cường khả năng của cơ bắp và tăng lưu lượng máu đến các cơ quan cần thiết, nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp.
 
Để nhanh chóng đạt được trạng thái kích thích cực độ, cơ thể sẽ tạm thời ngừng hoặc giảm bớt hoạt động của các hệ thống như tiêu hóa, sinh sản hoặc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, để tập trung năng lượng tăng cường khả năng tự bảo vệ và ứng phó nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.
 
Huberman nói: “Bất kể loài động vật nào, bao gồm cả con người, đều có ba phản ứng cơ bản đối với các tác nhân gây căng thẳng: đứng im, chống trả hoặc chạy trốn.” Trong số này, phản ứng chống lại và chạy trốn cần sử dụng nhiều năng lượng nhất, nên cơ thể cũng sẽ phải huy động nhiều nguồn lực nhất.
 
Huberman giải thích: “Ở trạng thái căng thẳng cực độ, cơ thể và trí óc hoạt động ở mức độ cao hơn, nên quý vị sẽ cảm nhận thời gian một cách rõ ràng và nhanh chóng hơn. Quý vị cũng có thể tiếp nhận thông tin nhiều hơn và nhanh hơn.”
 
Trong lúc căng thẳng tột độ như vậy, quý vị cũng có thể sử dụng nhiều cơ bắp hơn so với bình thường. Gordon Lynch, giám đốc Trung tâm Centre for Muscle Research tại Đại Học Melbourne ở Úc, cho biết: “Thường thì chúng ta chỉ sử dụng một phần nhỏ sức mạnh và khả năng của cơ bắp, và có rất nhiều năng lực dự trữ chưa được khai thác.”
 
Nghiên cứu cho thấy có nhiều biện pháp bảo vệ bẩm sinh trong cơ thể giúp ngăn chặn cơ bắp bị quá tải. Nhưng trong tình huống cấp bách hoặc nguy hiểm, cơ thể có khả năng vượt qua các biện pháp bảo vệ này để sử dụng ngay lập tức các sợi cơ mạnh nhất và nhanh nhất, phát huy tiềm năng tối đa giúp cơ thể ứng phó với tình huống.
 
Vai trò của hormone
 
Donald Katz, nhà tâm lý học và nghiên cứu về khoa học thần kinh hành vi tại Đại Học Brandeis ở Massachusetts, cho biết những phản ứng chống-hay-chạy bắt nguồn từ hạch hạnh nhân (amygdala), một cơ quan có cấu trúc phức tạp trong bộ não chịu trách nhiệm giải quyết cảm xúc và nhận biết mối liên kết giữa sự kiện và cảm xúc. Khi gặp phải tác nhân gây căng thẳng, cơ quan amygdala phản ứng bằng cách gửi tín hiệu cảnh báo đến một khu vực khác trong não gọi là vùng thùy não (hypothalamus).
 
Vùng thùy não (hypothalamus) giống như một trung tâm điều khiển của hệ thần kinh tự động – hệ thống kiểm soát các chức năng tự động của cơ thể. Hệ thống này có hai bộ phận chính: hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system, SNS) và hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system, PNS).
 
Các hệ thống này kiểm soát nhiều chức năng tự động của cơ thể bao gồm nhịp tim, nhịp thở và cả sự co giãn của các mạch máu.
 
Khi phản ứng căng thẳng được kích hoạt ở vùng thùy não, các tế bào thần kinh sẽ giải phóng chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) đi khắp cơ thể và gửi tín hiệu đến tuyến nang thượng thận (adrenal glands). Khi nhận được tín hiệu, các tuyến nang thượng thận sẽ giải phóng các hormone adrenaline (epinephrine) và noradrenaline (norepinephrine).
 
Holly Blake, giáo sư về y học hành vi tại Trường Y Khoa thuộc Đại Học Nottingham ở Anh giải thích, các hormone này “làm tăng nhịp tim và huyết áp, mở rộng đường hô hấp để tối đa hóa lưu lượng oxy và kích hoạt các mạch máu co lại, giúp chuyển hướng máu đến các nhóm cơ chính, bao gồm cả tim và phổi.”
 
Các giác quan như xúc giác, thị giác và thính giác cũng được tăng cường, giúp chúng ta có khả năng tiếp nhận và phản ứng nhanh nhạy hơn đối với bất kỳ thay đổi bất ngờ nào trong môi trường xung quanh.
 
Điều đặc biệt quan trọng là, adrenaline cũng có khả năng giảm bớt cảm giác đau trong tạm thời. Mihail Zilbermint, bác sĩ và là giám đốc chương trình chăm sóc chuyên sâu về các vấn đề nội tiết tại Johns Hopkins Medicine, giải thích: “Adrenaline có thể ảnh hưởng đến cảm giác đau bằng cách ức chế các đường truyền tín hiệu bằng cách ngăn chặn hoặc giảm tín hiệu đau truyền qua não và tủy sống.” Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ sản xuất một lượng lớn endorphins, được cho là loại thuốc giảm đau tự nhiên.
 
Nhờ các hormone này, trong những thời điểm căng thẳng cực độ, người ta có thể sử dụng cơ bắp đến mức tối đa hoặc quá tải mà không cảm thấy đau như những lúc bình thường. Huberman giải thích: “Thường thì, cảm giác đau là một cơ chế tự nhiên để bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, trong những tình huống căng thẳng cực độ, các hormone này có thể làm giảm cảm giác đau, khi đó cơ chế tự nhiên này sẽ tạm ngừng hoạt động, khiến chúng ta không còn chú ý đến những tổn thương như rách cơ hay trật khớp, để dồn hết sự tập trung vào việc tự vệ hoặc bảo vệ người thân khỏi nguy hiểm cận kề.”
 
Các phản ứng với căng thẳng cực độ như chiến-hay-chạy có thể rất hữu ích và thậm chí là cần thiết cho sự sống còn trong các trường hợp khẩn cấp. Còn trong các tình huống thông thường, cơ thể sẽ giải phóng lượng hormone thấp hơn, phù hợp với mức độ căng thẳng của các tình huống hàng ngày.
 
Huberman cho biết: “Mọi thứ xảy ra trong hệ thống phản ứng này trải dài trên một dải liên tục. Vậy nên khi ai đó cảm thấy hơi căng thẳng, họ sẽ chỉ gặp phải một số phản ứng nhẹ; còn người đang rơi vào trạng thái hoảng loạn sẽ trải qua hết tất cả các phản ứng của hệ thống này.”
 
Thật vậy, nghiên cứu cho thấy cơ thể chúng ta vẫn thường sản xuất các hormone gây căng thẳng như cortisol, adrenalinenoradrenaline. Melissa Leber, bác sĩ và giám đốc Khoa Cấp Cứu Y Học Thể Thao tại Hệ Thống Y Tế Mount Sinai ở New York, giải thích: “Adrenaline được sản xuất bất cứ khi nào chúng ta thấy căng thẳng. Đó có thể là khi chúng ta tham gia một cuộc thi, một buổi biểu diễn, kiểm tra, thi cử, thuyết trình, hoặc khi đánh nhau, cũng như khi cơ thể đang bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng.”
 
Và có một số người sẽ trải qua căng thẳng thường xuyên hơn so với những người khác. Những người này quen thuộc với cảm giác căng thẳng, và thường phản ứng với căng thẳng nhiều hơn. Điều này có thể khiến họ phản ứng mạnh mẽ hơn và thường xuyên hơn khi đối mặt với các tình huống gây căng thẳng.
 
Thí dụ, một người làm việc trong môi trường áp lực cao hoặc thường xuyên bị thiếu ngủ sẽ thường có cảm giác “mệt mỏi và căng thẳng” hơn so với những người không gặp phải các vấn đề tương tự.
 
Ngược lại, các vận động viên chuyên nghiệp thường có khả năng kích hoạt hệ thống phản ứng căng thẳng nhiều hơn, và duy trì trong thời gian dài hơn so với người bình thường.
 
Trong cả hai trường hợp, dù người ta có thể nhận được một số lợi ích ngắn hạn khi cơ thể giải phóng các hormone liên quan đến căng thẳng, nhưng nếu lượng hormone này được giải phóng quá nhiều và quá thường xuyên thì có thể gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại cho cơ thể chúng ta.
 
Những hậu quả của việc trải qua căng thẳng cực độ
 
Căng thẳng kéo dài và ở mức cao, khiến cơ thể liên tục giải phóng các hormone như adrenaline, noradrenalinecortisol, có thể gây tổn hại cho nhiều cơ quan và hệ thống của cơ thể, dẫn đến các kết quả không tốt về mặt sinh lý. Các hiệu ứng phụ thường gặp khi phải chịu đựng căng thẳng lâu dài bao gồm huyết áp cao, rối loạn giấc ngủ, tiểu đường, béo phì và bệnh tim.
 
Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến phần não lưu trữ ký ức. Khi chúng ta trải qua một tình huống căng thẳng, đặc biệt là các tình huống chiến-hay-chạy, bộ não có thể ghi nhớ những thông tin liên quan đến tình huống đó một cách mạnh mẽ, để từ đó giúp chúng ta tránh lâm vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, nếu căng thẳng cứ kéo dài, có thể làm trí nhớ bị suy giảm đáng kể.”
 
Và các phản ứng căng thẳng ở mức độ cực độ này, chẳng hạn như trường hợp chống-hay-chạy sử dụng sức mạnh phi thường, có thể gây ra các hậu quả đặc biệt đáng lo ngại.
 
Về bản chất, các quá trình sinh lý dẫn đến sự biểu hiện “sức mạnh phi thường” đã vượt qua các giới hạn an toàn và có thể cực kỳ nguy hiểm. Nếu cơ thể luôn hoạt động ở mức tối đa, thì chúng ta sẽ khó mà sống lâu.
 
Ngay cả khi cơ thể vô tình tiết ra quá nhiều adrenaline trong những tình huống không cần thiết (chẳng hạn như khi cơ thể cảm thấy rằng có một mối đe dọa sắp xảy ra nhưng thực tế không có gì xảy ra), vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như chóng mặt, mất ngủ, cảm giác bồn chồn lo lắng và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể gây tổn thương cho tim.
 
Trong những trường hợp phải trải qua một sự kiện gây chấn thương nghiêm trọng (trauma) đồng thời cũng kích hoạt phản ứng căng thẳng cực độ, người ta có thể mắc chứng rối loạn tâm thần hậu chấn (PTSD) và bị ảnh hưởng lâu dài.
 
Ngay cả khi không được chẩn đoán mắc PTSD, thì sau khi trải qua phản ứng căng thẳng cực độ, nhiều người vẫn gặp khó khăn khi cố gắng trở lại tâm trạng bình thường. Huberman giải thích rằng khi cần chống-hay-chạy thì cơ thể sẽ kích hoạt rất nhanh, “nhưng mất khá nhiều thời gian để tắt năng lượng này, và một số người vẫn sẽ tiếp tục thấy lo lắng và căng thẳng vì họ vẫn còn ngẫm nghĩ về trải nghiệm này hàng giờ hoặc vài ngày sau đó.”
 
Họ có thể khó tập trung, ăn uống không thấy ngon, và cũng có thể bị khó ngủ. Huberman nói: “Chúng ta là con người và sẽ có lúc phải đối mặt với căng thẳng. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng loại bỏ căng thẳng ngay tức thì như việc bật, tắt một cái công tắc.”

Cung Đô biên dịch
Nguồn: “‘Hysterical strength’? Fight or flight? This is how your body reacts to extreme stress” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cầm trên tay một chiếc túi xách có tất cả những điểm đặc trưng của mẫu túi xách Chanel cổ điển: lớp da chần bông sang trọng, phụ kiện vàng lấp lánh, đường khâu tinh tế. Chỉ có một số chi tiết nhỏ khác lạ. Zekrayat Husein nhận xét khi nghiên cứu chiếc túi qua kính hiển vi: “Phần da quá cân đối, và kích thước của mỗi hạt trang trí rất đồng đều.” Bà cho hay, đó là một món đồ giả có chất lượng tốt, nhưng chẳng có giá trị gì khi so với một chiếc Classic Flap chính hiệu từ Chanel giá 11,000 Mỹ Kim.
Nếu có thể kéo dài tuổi thọ hoặc thậm chí là bất tử, liệu chúng ta có thực sự muốn điều đó không? Trong cuốn sách mới có tựa đề “Why We Die: The New Science of Aging and the Quest for Immortality” (Tạm dịch “Tại Sao Chúng Ta Chết: Phát Hiện Mới Về Lão Hóa và Đi Tìm Sự Bất Tử”), Venki Ramakrishnan, khoa học gia về sinh học phân tử đoạt giải Nobel, đã sàng lọc các nghiên cứu từ trong quá khứ đến tiên tiến nhất để tìm hiểu những lý thuyết kéo dài tuổi thọ cùng với những hạn chế thực tế. Trong quá trình tìm hiểu, ông cũng đặt ra các câu hỏi quan trọng về những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị và đạo đức của những nỗ lực đi tìm sự sống vĩnh cửu.
Diễm biến mất. Giáo sư nói với tôi con người không thể tự biến mất. Bà hỏi chủ tiệm tóc kỹ hơn, cô chủ tiệm nói lý do cô khẳng định Diễm “biến mất”, là vì tất cả bạn bè của Diễm ở Bình Tân, ở thị trấn, ở quê của mẹ, đều cùng một thời điểm đột ngột mất liên lạc với Diễm. Không phải là chặn Zalo hay block Facebook, mà đơn giản là biến mất. Chủ tiệm tóc có vài học trò học xong nghề cũng lên mở tiệm hoặc làm thuê gần Bình Tân, Quận 12, là những chị Diễm thường ghé ở nhờ mỗi khi lên Sài Gòn. Họ đều nói họ mất liên lạc với Diễm cùng một thời điểm.
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Là một khoa học gia nghiên cứu về cảm giác đói và việc kiểm soát cân nặng, Zachary Knight, Giáo sư Sinh lý học, Viện Khoa học thần kinh cơ bản Kavli, Đại học California, San Francisco, quan tâm đến cách bộ não thông báo cho chúng ta biết khi chúng ta đã ăn đủ no. Khi bắt đầu cảm thấy no, chúng ta sẽ ăn chậm lại. Trong nhiều thập niên, các khoa học gia cho rằng sự thay đổi tốc độ này được điều khiển duy nhất bởi các tín hiệu từ dạ dày và ruột đến não. Nhưng một nghiên cứu mới từ phòng thí nghiệm tại UC San Francisco chỉ ra rằng, trên thực tế, có một quá trình khác đang diễn ra, và nó bắt đầu ngay từ khi chúng ta nếm thử thức ăn.
Trong một bài viết về chích ngừa tăng cường cho Covid mùa đông năm nay, tôi đã nhận xét về sự tương đối trong những khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh Hoa Kỳ (CDC) về vấn đề chích ngừa Covid mũi booster. Riêng trẻ em thì sao? Khuyến nghị cho họ là gì? CDC khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Mặc dù phân tích của CDC cho thấy trẻ em từ 5 đến 17 tuổi ít có khả năng mắc bệnh nặng do COVID hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác, nhưng trẻ em đôi khi vẫn bị bệnh nặng, ngay cả những trẻ không có bệnh lý tiềm ẩn. (Phần lớn trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi nhập viện từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay (2023) đều chưa được chích ngừa Covid).
Trong cuộc sống, tình yêu không chỉ đến từ các mối quan hệ lãng mạn mà còn có thể xuất hiện trong gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Tình yêu và các mối quan hệ lành mạnh đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, bất kể là tình yêu trong sáng hay lãng mạnh. Theo Stephanie Cacioppo, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Oregon, tình yêu được coi là một nhu cầu sinh học thiết yếu đối với sức khỏe con người, giống như nhu cầu về nước uống, thức ăn và tập thể dục. Mặc dù trái tim thường được coi là "tội phạm", nhưng hầu hết các lợi ích liên quan đến tình yêu đều bắt nguồn từ bộ não, được lập trình tiến hóa để sản xuất và giải phóng hooc-môn khi chúng ta trải qua cảm xúc rung động, phát triển tình cảm và ước mong gắn bó.
Bất kể chúng ta đang đứng ở đâu trên Trái đất, dưới chân chúng ta đều có nước chảy len lỏi bên dưới lòng đất. Nước ngầm cung cấp nước uống cho khoảng một nửa dân số thế giới và gần một nửa lượng nước dùng để tưới, tiêu dùng, giúp giữ cho các dòng sông, ao hồ và đầm lầy tồn tại qua thời kỳ hạn hán. Nước ngầm là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, nhưng có thể mất hàng thập niên, thậm chí hàng thế kỷ để một số tầng nước ngầm phục hồi sau khi bị cạn kiệt. Những hiểu biết hiện nay về vấn đề này chủ yếu dựa vào việc ghi lại các đo lường mực nước trong các giếng ở những địa điểm khác nhau.
Gần đây quý vị vừa bị cảm lạnh, cúm, RSV hoặc COVID, bệnh đã qua nhưng mãi vẫn không thể hết ho? Rất nhiều người bị giống như vậy. Triệu chứng này có thể tồn tại trong nhiều tuần sau khi cơ thể chúng ta đã loại bỏ vi-rút. Michael Shiloh, một bác sĩ chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế UT Southwestern cho biết những bệnh nhân bị ho thường kể là họ đã bị bịnh từ 8 tuần trước khi đến gặp ông. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không thể phát hiện thấy vi rút gì ở những người này nữa nhưng họ vẫn bị ho.”
Để tạo ra một chai Mouton Rothschild 1945, hãy pha hai phần Château Cos d'Estornel với một phần Château Palmer và Cabernet California. Đó là mánh lới của Rudy Kurniawan, một gian thương kinh doanh rượu vang, ông ta đã pha trộn các loại rượu này rồi đổ vào những chai cũ có dán nhãn giả và bán cho những người sưu tập cả tin. Năm 2014, ông ta bị kết án 10 năm tù tại một nhà tù ở Hoa Kỳ, bị tịch thu 20 triệu MK và phải trả thêm 28 triệu MK cho các nạn nhân.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.