Hôm nay,  

Đọc Ngô Thì Nhậm: Tâm Định, Thấy Tánh

19/05/202508:45:00(Xem: 973)
blank 

Đọc Ngô Thì Nhậm: Tâm Định, Thấy Tánh
 

Nguyên Giác

 

Bài viết này sẽ phân tích lời dạy về định tâm, tuyệt dục và thấy tánh, ghi trong sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
 

Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư, và được nhiều vị sư tôn vinh là vị Tổ Thứ Tư của Dòng Thiền Trúc Lâm.
 

Nơi đây, chúng ta ghi lại nửa đầu trang 250, ghi lời vị sư tên là Hải Hòa, trích nguyên văn:
blank 

Mắt nhắm, lòng tắt, ngồi ngay không động đậy, đó là lúc nhà sư ta nhập định. Có vật cũng không thấy, có tiếng cũng không nghe, là do cái tình đã được yên định mà cái tính cũng được sáng tỏ. Lại vì cái tính đã được sáng tỏ mà cái tình cũng được yên định, đó là công phu của lặng lẽ dập đi (tịch diệt) vậy. Lặng lẽ là cái cơ của động, dập đi là cái triệu của dậy lên. Lòng dục được dập đi thì lẽ trời khơi động; ý riêng được dập đi thì bản tính chân thực dấy lên.

Quả thật nếu làm cho lòng dục và ý riêng hết thảy sạch lầu, thì cái tính vốn có của ta sẽ lộ ra, ta sẽ tỏ rõ được cái tâm của chính mình, thấy rõ được cái tính của chính mình, muôn sự muôn vật trong thế gian ta sẽ xem là bình đẳng; không ham gì ở thanh, không luyến gì ở sắc, cũng không sợ gì ở uy, như thế thì chuông trống gấm vóc, thiên binh vạn mã ở đằng trước, có can dự gì tới ta đâu! Chính vì biết lắng xuống cho nên có sức hư không; chính vì có sức hư không, cho nên có mà cũng xem như không có vậy.” (ngưng trích)
 

Những lời dạy này chỉ về pháp ngồi thiền. Lời này đề nghị nhắm mắt. Đa số lời dạy về thiền này khuyên nên nhắm mắt để dễ định tâm, không bị những cái thấy làm phân tâm. Nếu mở mắt, có thể chỉ lim dim là đủ. Nếu mở mắt sẽ được lợi ích là khi đứng, hay khi đi vẫn có thể dễ giữ tâm trong định. Đoạn trên viết: “lòng tắt” tức là “tâm không dao động”... hiểu là không có niệm nào khởi lên trong tâm, dù là niệm về xanh đỏ tím vàng, dù là niệm về hôm qua hay hôm nay, dù là niệm về Phật hay ma, hay nói theo Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn là “đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác”...  Hoàn toàn không có nghĩa là giữ tâm như cục đá hay tượng đá vì bạn sẽ thấy tâm lúc này rất dịu dàng, linh nhạy, như mặt nước hồ yên tĩnh. Đoạn văn trên nói, khi lòng tắt, tức là tâm không dao động, thì sẽ nhập định.
 

Trong đoạn trên nói rằng “cái tình cũng được yên định” là nói rằng bảy tình, tức là bảy cảm xúc dao động của ngũ uẩn mà chúng ta đang cưu mang: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ). Con số 7 chỉ là tượng trưng, nên hiểu là vô lượng cảm thọ. Người tu dứt bặt các tình này là do công phu tịch diệt, lặng lẽ cho nguội đi. Chỗ này không nên nghĩ rằng có sự trấn áp, vì trấn áp tâm là hành vi bạo lực, nơi đây nói lặng lẽ, tức là hành vi dịu dàng nhìn vào tâm, vào nơi “cái triệu của dậy lên” nghĩa là, nhìn vào chỗ trước khi có “dậy lên” -- Chỗ nào là chỗ trước khi có cái triệu của các pháp dậy lên? Nghĩa là, nhìn vào chỗ chưa khởi dậy của niệm, của thức, của tình; nghĩa là nhìn vào chỗ triệu, tức là nhìn vào chỗ chưa khởi của mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ. Tức là, chỗ tịch diệt vắng lặng, là khuôn mặt thật, khi các tình chưa khởi dậy.
 

Khi nói “lòng dục” và “ý riêng” được dập đi thì nên hiểu rằng “ly dục, ly bất thiện pháp” và “các niệm riêng lặng lẽ” là khi các tầm và tứ vắng bặt. Trong pháp vào định, Đức Phật nói rằng “ly dục” là cửa vào sơ thiền, tức là bậc thiền thứ nhất. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật lặp đi lặp lại cách vào bậc thiền thứ nhất, tức là sơ thiền: ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
 

Do vậy, nếu bạn giữ giới (trong cả thân, khẩu, ý) nghiêm túc, chắc chắn rằng bạn đang đi, đứng, nằm, ngồi trong định của sơ thiền, hoặc là ở mức cận định (hiểu là, mặt hồ còn gợn sóng của các tình, của sự phán đoán, chưa hoàn toàn giữ tâm trong pháp thấy như thị, khi mặt hồ tịch lặng). Ngắn gọn: ly dục, tất nhiên là vào sơ thiền. Lúc đó, có tầm và có tứ, tức là có niệm chú tâm, hướng tâm vào (thí dụ, hơi thở) và có niệm dán tâm vào (thí dụ, hơi thở) – tiếng Anh gọi có tầm, có tứ là: placing the mind and keeping it connected.
 

 Sách Tông Chỉ Nguyên Thanh viết tiếp: nếu làm cho lòng dục và ý riêng hết thảy sạch lầu, thì cái tính vốn có của ta sẽ lộ ra. Chú ý, khi nói rằng lòng dục sạch làu, nghĩa là vào sơ thiền; và nói ý riêng sạch làu, là vào nhị thiền, vì lúc đó không còn tầm (niệm hướng tâm vào), không còn tứ (niệm dán tâm vào) nữa. Đức Phật thường mô tả nhị thiền, tức bậc thiền thứ nhì là, như trong Kinh SN 40.2 Sutta: tịnh chỉ các tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Trong tiếng Anh, không tầm và không tứ dịch là "without placing the mind and keeping it connected" và đó chính là ý riêng sạch làu. Không có nghĩa là, nếu chúng ta đang ngồi nơi bờ biền, khi vào nhị thiền, thì mắt vẫn thấy sóng biển, tai vẫn nghe sóng vỗ, và lúc đó thì cái biết trực tiếp (qua tưởng) hiện lên. Mắt thấy, tai nghe, nhưng không còn ý riêng, đó là cái biết như thị.

 
Đoạn thứ nhì nêu trên của Tông Chỉ Nguyên Thanh viết rằng khi "ý riêng hết thảy sạch lầu, thì cái tính vốn có của ta sẽ lộ ra, ta sẽ tỏ rõ được cái tâm của chính mình, thấy rõ được cái tính của chính mình, muôn sự muôn vật trong thế gian ta sẽ xem là bình đẳng; không ham gì ở thanh, không luyến gì ở sắc."
 

Tức là, khi ly dục sạch làu, dù là bạn đang đi đứng nằm ngồi, thì tự động vào sơ thiền, rồi khi ý riêng sạch làu, tức là vô niệm, tức là không tầm và không tứ, tức là bạn nhận biết các pháp trực tiếp, không qua chữ nghĩa và không qua lý luận, thì đó là thấy biết như thị, thì đó là nhị thiền, thì cái tánh của tâm hiện ra (tức là, Tánh Không của tâm), hệt như tánh gương chiếu sáng hiện ra, không chút bụi (không tầm, không tứ, vì ý riêng sạch làu). Nói không ham gì ở thanh, ở sắc, là nói tất cả những gì bạn nghe, bạn thấy hiện ra trong gương tâm liền biến mất sạch làu, khi tâm liên tục giữ cái nhìn như thị, để cho cái được nghe là cái được nghe, và để cho cái được thấy là cái được thấy. Hệt như ảnh hiện và biến trong gương, mà gương không níu gì lại.
 

Tại sao nói là bình đẳng? Bởi vì tất cả những gì bạn nghe, tức là các âm thanh tới tai bạn đều sẽ biến mất, vì bạn không níu giữ âm thanh nào, dù tiếng cao, tiếng thấp, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát. Nếu tâm bạn giữ lại tiếng nào thì không còn bình đẳng. Tương tự tất cả những gì bạn thấy đều là bình đẳng, mắt bạn y hệt gương sáng không níu giữ gì lại, không níu những hình ảnh nào bạn cho là đẹp và không xua đẩy những hình ảnh nào bạn cho là xấu, vì tất cả nơi đây đều là bình đẳng. Tất cả những cái được nghe, được thấy chỉ là do duyên mà hiện lên, không gì có thực, chỉ là như mơ, như bọt sóng, như tia chớp... Liên tục nhận ra tất cả những cái được nghe, được thấy là bình đẳng, tức là thấy tánh của tâm. Khi sách Tông Chỉ Nguyên Thanh nói rằng “sức hư không” chỉ có nghĩa là, nói về Tánh Không của tâm gương sáng, tâm bình đẳng.
 

Thực ra, không cần tới nhị thiền. Trong Kinh AN 9.36 Sutta, Đức Phật nói rằng “Y chỉ nơi sơ Thiền, các lậu hoặc được diệt tận” - nghĩa là, chỉ cần vào sơ thiền rồi từ đây quán các pháp ấn là đủ để giải thoát, nếu không đắc quả A la hán thì cũng sẽ chứng đệ tam quả Bất lai (hóa sanh).
 

Kinh AN 9:36 Sutta viết, trích bản dịch của Thầy Minh Châu: “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.” (ngưng trích)
 

Tóm gọn lại, lời hướng dẫn của quý ngài Trúc Lâm nêu trên có thể tóm tắt là: lòng tắt, nhập định, yên định cái tình (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ), trong tịch lặng nhìn vào cái triệu của các pháp (khi niệm chưa dậy lên), ly dục sạch làu, ý riêng sạch làu (vô niệm, vô tâm), sẽ thấy hiện ra bản tánh, tỏ rõ được cái tâm của chính mình, nơi đó là vạn pháp bình đẳng (trong gương tâm) và đó chính là sức hư không (Tánh Không) thì tham sân si vắng bặt. Đó là giải thoát.

.

THAM KHẢO:

. Kinh SN 40.2 Sutta: không tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai

https://suttacentral.net/sn40.2/vi/minh_chau

. Kinh AN 9.36 Sutta: chỉ cần từ sơ thiền quán giới bất tử là đủ giải thoát.

https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
23/06/202509:51:00
Đức Phật có dạy pháp phóng sinh hay không? Trong rất nhiều kinh, Đức Phật đã dạy là hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào. Lời dạy đó cũng có thể hiểu là dạy phóng sinh. Đức Phật cũng đã quy định nhập hạ ba tháng mỗi năm trong mùa mưa để tránh giẫm đạp, vô ý sát sinh các loài côn trùng và mầm non cây trồng. Sau đây, chúng ta dò lại một số lời Đức Phật dạy rằng hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào.
21/06/202511:09:00
một số hành động cụ thể cần được thực hiện: • Liên lạc với các đại diện Quốc hội để yêu cầu họ lên án việc bố trí quân đội tại các cộng đồng dân sự. • Tham gia mạng lưới phản ứng nhanh trong cộng đồng để bảo vệ các gia đình phải đối mặt với các cuộc đột kích trục xuất. • Tham dự các cuộc họp cộng đồng để phối hợp các nỗ lực kháng cự tại địa phương và hỗ trợ lẫn nhau. • Tham gia các cuộc biểu tình và tập hợp quần chúng. • Tham gia các chi nhánh PIVOT địa phương hoặc bắt đầu một chi nhánh để tổ chức cộng đồng. • Nói chuyện với các phần tử trong gia đình về những sự kiện đang xảy ra và sự quan trọng của chúng. Chia sẻ tuyên bố này cùng người quen biết và cùng ba người bạn cam kết hành động.
20/06/202519:44:00
Phán quyết hôm nay của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã giúp Trump một vé đi tiếp trên con đường tận diệt nền dân chủ của quốc gia. Đây là một tiền lệ nguy hiểm để Trump có thể làm điều tương tự, áp đặt chính sách gây tranh cãi mà không cần qua quốc hội hay chính quyền tiểu bang. Sự chuyên quyền trong nước là những gì Trump đang theo đuổi, và những gì đang xảy ra trên đường phố Los Angeles chỉ là sự khởi đầu.
20/06/202500:00:00
Tôi không viết bài này với tư cách một người Dân chủ hay một người Độc lập. Tôi viết với tư cách một người phụ nữ đã từng tự hào đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng hoà gần suốt đời mình. Tôi đã bỏ phiếu cho ông Ronald Reagan và ngưỡng mộ tín niệm của ông rằng “phẩm hạnh là điều thiết yếu”. Tôi từng tin vào trách nhiệm cá nhân, vào đức tin và tình yêu quê hương – và đảng Cộng hoà thuở ấy là hiện thân của những giá trị ấy. Tôi thậm chí đã ủng hộ ông George W. Bush trong cuộc kiểm phiếu hỗn loạn với những “lá phiếu đục lỗ” năm 2000 – không vì tôi cho rằng ông hoàn hảo, mà vì tôi tin ông sẽ lãnh đạo với sự tử tế và chính trực.
18/06/202509:53:00
Từ Tehran rực cháy đến Washington ồn ào, trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi đơn giản cho Washington đã thay đổi: không còn là dính líu bao nhiêu, mà là: tham chiến hay không?
18/06/202508:42:00
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hai phẩm chất này không liên hệ chút gì tới màu da, sắc tộc. Con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo, cũng hoàn toàn không phân biệt gì tới sắc tộc, màu da. Tu tập hàng ngày là phải viễn ly, buông bỏ, xa lìa tham sân si -- và như thế, cũng hoàn toàn không dính chút gì tới những bức tường biên giới hay các bãi mìn giữa các quốc gia tranh chấp.
16/06/202508:36:00
Hạnh phúc là những người cha biết tìm ra Phật pháp, tài sản quý nhất trong cõi này, để trao lại cho con mình. Cũng y hệt như ông trưởng giả trong Kinh Pháp Hoa, giấu viên ngọc trong góc áo của cậu con trai bụi đời. Và cũng hạnh phúc là những người con nhận ra rằng cha mình đã dạy cho con từ những ngày thơ ấu về niềm tin Tam Bảo, đã dạy cho con biết tin sâu vào nhân quả để không bao giờ dám làm ác, đã dạy cho con biết từ bi với người và yêu thương với đời, và đã dạy chữ cho con bằng cách đánh vần theo những dòng kinh để không bao giờ trôi lạc trong cõi này.
14/06/202511:57:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Đạo giấu kín ở chỗ có nói gì đâu, Đạo thánh nhân giấu kín trong chữ Vô vi, không thấy dấu vết nhưng người người đều chịu ơn. Trong sách này, ý chỉ đó được gọi là Tiếng Ấn Giấu – viết theo âm Hán-Việt là Tàng Thanh. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
13/06/202511:44:00
Vào Thứ Bảy này, thủ đô Washington D.C. sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để mừng 250 năm ngày thành lập Lục Quân Hoa Kỳ – trùng đúng ngày sinh nhật lần thứ 79 của tổng thống Donald Trump. Nhưng không chỉ có xe tăng, quân nhạc và pháo hoa, cùng lúc đó sẽ có hàng ngàn cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ, với một thông điệp rất rõ ràng: "Chúng tôi không muốn một vị vua." Nếu có ý định tham dự cuộc biểu tình No Kings một cách hiệu quả và an toàn, bạn đọc nên ghi danh tham gia tại trang chính thức của chiến dịch biểu tình hoặc qua các tổ chức vận động tại địa phương. Trang chính của No Kings: truy cập NoKings.org, vào mục Attend (tham dự) hoặc Find an event near you (tìm một cuộc biểu tình gần bạn) để xem danh sách sự kiện theo từng khu vực. Trang này cung cấp bản đồ tương tác giúp bạn chọn và ghi danh rõ địa điểm mình muốn tham gia. Và nhớ rằng biểu tình ôn hoà ở nơi công cộng (đường phố, vỉa hè, công viên) là quyền được Tu Chính án thứ nhất bảo vệ.
13/06/202500:00:00
Vào ngày 2 tháng 6 năm 2025, thành phố Istanbul một lần nữa trở thành sân khấu cho các nỗ lực ngoại giao khi phái đoàn Ukraine và Nga có cuộc gặp thứ hai trong vòng một tháng. Tuy nhiên, trên bàn đàm phán cấp cao, hai chiếc ghế quan trọng nhất vẫn bị bỏ trống. Cả Putin và Zelenskyy lại một lần nữa vắng mặt. Trước đó, vào giữa tháng 5, một tia hy vọng mong manh đã lóe lên về viễn cảnh hai nhà lãnh đạo sẽ cùng xuất hiện tại Istanbul, ngồi lại trong cùng một phòng để đối thoại trực tiếp. Nhưng rồi hy vọng đó nhanh chóng vụt tắt. Putin đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Zelenskyy; và với nhiều nhà quan sát, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.