Hôm nay,  

Tan Hợp Giữa Đời

22/11/202109:32:00(Xem: 3201)

 

MOON
Trăng. (www.pixabay.com)

 

 

Những rộn ràng họp hội mấy giờ trước đã lắng xuống. Tiếng nói, giọng cười ai đó, đã tan vào hư không. Người thân, người sơ, từng gặp, chưa từng gặp, nhìn nhau chào mừng, nói đôi câu, rồi cuối cùng cũng vẫy tay tạm biệt, chia xa. Không còn ai. Trăng khuya soi rạng vườn sau. Những cánh hồng từ các bồn hoa vươn dậy như được tắm gội dưới ánh sáng dìu dịu, tịnh yên. Một mình ngắm hoa dưới trăng. Một mình ngắm trăng trên hoa. Bất chợt, trong một thoáng nhìn mờ ảo, ánh trăng như vỡ thành những bụi tuyết, lãng đãng rơi trên những cánh hoa dưới sương đêm lóng lánh (1).

 

Đêm không lâu, hoa không bền, nhưng trăng thì miên viễn.

Trong đời sống, cần biết cái gì ngắn hạn, cái gì dài hạn; cần biết cái gì là ngọn, cái gì là gốc.

Gió bão có thể làm gãy đổ những cành nhánh khô, yếu; nhưng nếu gốc rễ vững mạnh, cây vẫn tồn tại. Cây tồn tại, nay mai lại nứt những nhành lá xanh, trổ những hoa quả tươi tốt.

 

Đã có những tổ chức được dựng nên bằng tất cả nghị lực, gian khó, có khi đánh đổi cả máu xương, hoạt động tốt đẹp, phát triển mau chóng, rạng danh tập thể trong thời gian rồi vì nhiều lý do, nội tại lẫn ngoại tại, dần dần rạn nứt, đổ vỡ, hoặc lụi tàn theo năm tháng.

Đã có những sách báo ra đời, một thời được chào đón nồng nhiệt, người viết người đọc háo hức chờ đợi ngày phát hành, nhưng rồi thị trường in ấn trên giấy giảm sút do kỹ thuật thông tin liên mạng phát triển tột bực, thị hiếu độc giả thay đổi theo: không có thời gian cầm sách báo trên tay để đọc từng hàng chữ, không có thời gian để suy tư ngẫm nghĩ ý tưởng đàng sau những từ ngữ… chỉ muốn nghe hoặc thấy hình ảnh sinh động, không tha thiết đọc những hàng chữ bất động nữa. Vậy là, người đọc giảm đi, sách không còn in nhiều, báo không cần in dầy, tất cả dần dần giảm sút số trang và số lượng.



Đã có những cuộc tình sôi nổi, mặn nồng lúc ban đầu, thề sống chết bên nhau đời này đời sau, muôn đời sau, nhưng rồi sự cảm thụ và ý tưởng của mỗi người thay đổi dần theo thời gian, tuổi tác. Sắc tàn, chí hao, có người muốn tìm những gì mới lạ, khích động hơn; lại có người nhìn ra những phai tàn trong đời sống, chỉ muốn an thân tịnh dưỡng, buông bỏ tất cả, quay về với chính mình… “Có chút tình thoảng như gió vội, tôi chợt nhìn ra tôi” (2).

 

Hợp rồi tan, kiến lập rồi giải tán, gặp nhau rồi chia tay, không gì lạ. Đó là bước đi chập chùng tất yếu của cuộc tồn sinh. Nhưng khi nhìn sự vận hành của mọi sự mọi vật theo chiều hướng tích cực hơn, sẽ thấy rằng nếu giữ được cái cốt tủy, cái hồn, cái chân tình của sự thể, thì tan rồi lại hợp, suy rồi lại thịnh, ly tán rồi sẽ đoàn tụ. Cái này tàn rụi để làm hồi sinh một cái gì mới mẻ, phong nhiêu hơn. Không có gì mất hẳn, diệt hẳn trên cuộc đời. Ngày đi, đêm sẽ đến. Đêm tàn, ngày lại sang. Năm cũ qua đi, lại có năm mới về.

 

Mưa tuyết không rơi trên hoa. Chỉ có hoa, và sương lạnh. Nhưng cái đẹp thơ mộng của vầng trăng đêm qua đã có thể gợi hứng cảm để vẽ nên một bức tranh thần tiên, diễm ảo. Trăng còn, sẽ còn tất cả.

 

California, cuối tháng 11 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

______________

 

1)   Mượn hình ảnh từ “Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tản” (月照花林皆似霰), một câu trong bài Xuân giang hoa nguyệt dạ, thơ của Trương Nhược Hư (khoảng 660 – 720), một thi nhân đời Đường, Trung Hoa. Câu này tiên sinh Tản Đà dịch là “Trăng soi hoa như tán trập trùng”. Chữ tán (nôm) hay tản, tiển (hán-việt) là mưa đá, hay mưa tuyết. Chữ tán mà để nguyên như vậy, thời nay ít người hiểu. Tạm dịch rõ nghĩa như vầy: ánh trăng chiếu trên rừng hoa trông như mưa tuyết.

2)   Trịnh Công Sơn, lời từ bài ca “Như một lời chia tay.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tờ Việt Báo Kinh Tế số 28 ngày 13 tháng 2 năm 1993 có đăng bài thơ “Lửa, Thấy Từ Stockholm” của nhà thơ Trần Dạ Từ, nhân tuần lễ nhà văn Thảo Trường thoát khỏi nhà tù lớn đến định cư ở Hoa Kỳ. Đây là bài thơ Trần Dạ Từ viết từ 1989 rời Việt Nam, khi được các bạn Văn Bút Thụy Điển mời ăn cơm chiều, Ông nhớ đến bạn còn ở trong tù khổ sai dưới chân núi Mây Tào, Hàm Tân. 33 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng ta chào đón nhà văn Thảo Trường đến Hoa Kỳ, 15 năm kể từ ngày Thảo Trường từ bỏ thế gian, Chiều Chủ Nhật tuần này, 22 tháng Sáu, nhân dịp tái xuất bản bốn cuốn sách của Thảo Trường (Hà Nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng; Người Khách Lạ Trên Quê Hương; Ngọn Đèn; Lá Xanh), bạn bè văn hữu và gia đình cùng tề tựu tưởng nhớ Nhà Văn. Việt Báo trân trọng mời độc giả cùng đọc, cùng nhớ nhà văn lớn của chúng ta, một thời, một đời.
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Theo một ý nghĩa nào đó, Farrington đóng vai trò là một kiểu người có thể thay thế hoặc tồn tại ở bất cứ đâu, có thể là một nhân vật đặc trưng nào đó nhưng cũng có thể là một người bình thường. Bằng cách chọn chủ thể như thế, Joyce đưa Farrington vào bối cảnh đường phố Dublin và gợi ý rằng sự tàn bạo của gã không có gì là bất thường. (Lời người dịch).
Thông thường người ta thỏa thuận những tác phẩm và những tác giả đó thuộc về văn học bản xứ với phụ đề “gốc Việt.” Thỏa thuận đó đặt cơ bản trên ngôn ngữ, có tên gọi “ngôn ngữ chính thống”, còn tiếng Việt là “ngôn ngữ thiểu số.” Tất cả những ý nghĩa này được nhìn thấy và định nghĩa từ những người bản xứ của ngoại ngữ. Còn người Việt, chúng ta nhìn thấy và nghĩ như thế nào? Hai tập thơ tiếng Hán của Nguyễn Du, thuộc về văn học Trung Quốc hay Việt Nam? Những bài viết, sách in tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latin của các học giả và các linh mục dòng tên, thuộc về văn học nào?
Đứa trẻ đi học bị bạn bè bắt nạt ở trường về nhà mét mẹ, một đứa trẻ bị trẻ con hàng xóm nghỉ chơi, về nhà mét với mẹ, cô con gái bị người yêu bỏ về tâm sự với mẹ, v.v., nói chung những đứa trẻ cần bờ vai của mẹ, bờ vai mẹ là nơi các con nương tựa. Con cái thường tâm sự với mẹ về những phiền não hàng ngày hơn tâm sự với cha. Ngày của mẹ là ngày tưng bừng, náo nhiệt nhất. Cha thường nghiêm nghị nên trẻ con ít tâm sự với cha. Nói như thế, không có nghĩa là trẻ con không thương cha? Không có cha làm sao có mình, cho nên tình thương cha mẹ cũng giống nhau, nhưng trẻ con gần mẹ hơn gần với cha. Khi đi học về, gọi mẹ ơi ới: mẹ ơi, con đói quá, mẹ ơi, con khát quá, mẹ ơi, con nhức đầu, mẹ ơi,... Tối ngày cứ mẹ ơi, mẹ ơi. Nhất là những đứa trẻ còn nhỏ, chuyện gì cũng kêu mẹ.
Giải thưởng cho thể loại Tiểu Thuyết (Fiction) về tay nhà văn Percival Everett với tác phẩm James. Tiểu thuyết James là sự tái hiện nhân vật Huckleberry Finn trong tiểu thuyết Adventures of Huckleberry Finn của văn hào Mark Twain. Nhà văn Percival Everett kể lại góc nhìn của Jim, người bạn đồng hành của Huck bị bắt làm nô lệ trong chuyến du lịch mùa Hè. Trong James, Percival Everett đã trao cho nhân vật của Jim một tiếng nói mới, minh họa cho sự phi lý của chế độ chủng tộc thượng đẳng, mang đến một góc nhìn mới về hành trình tìm kiếm gia đình và tự do.
Văn học miền Nam tồn tại mặc dù đã bị bức tử qua chiến dịch đốt sách và cả bắt bớ cầm tù đầy đọa những người cầm bút tự do sau ngày Cộng sản Bắc Việt chiếm lĩnh miền Nam. Chẳng những tồn tại mà nền văn học ấy đã hồi sinh và hiện đang trở thành niềm cảm hứng cho các thế hệ Việt kế tiếp không chỉ ở hải ngoại mà còn cả trong nước. Có lẽ chưa có một nền văn học nào trên thế giới đã có thể thực hiện được những thành quả trong một thời gian ngắn ngủi chưa đầy một thế hệ như vậy. Bài viết này sẽ tổng kết các lý do dẫn đến thành quả của văn học miền Nam trong 20 năm, từ 1954 tới 1975, một trong hai thời kỳ văn học phát triển có thể nói là rực rỡ và phong phú nhất của Việt Nam (sau nền văn học tiền chiến vào đầu thế kỷ 20). Tiếp theo là việc khai tử văn học miền Nam qua chiến dịch đốt và tịch thu các văn nghệ phẩm, cầm tù văn nghệ sĩ của Việt cộng. Và kế là những nỗ lực cá nhân và tự nguyện để phục hồi văn học miền Nam tại hải ngoại và hiện trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ Việt..
Văn học luôn được xây dựng trên tác giả, tác phẩm và độc giả, với những cơ chế tất yếu là báo, tạp chí văn học, nhà xuất bản, mạng lưới văn chương, và phê bình. Gần đây thêm vào các phương tiện thông tin xã hội. Trên hết là quyền lực xã hội nơi dòng văn học đang chảy, bao gồm chính trị, tôn giáo. Giá trị của một giai đoạn văn học được đánh giá bằng những thành phần nêu trên về sáng tạo và thẩm mỹ qua những cơ chế như tâm lý, ký hiệu, cấu trúc, xã hội, lịch sử… Việc này đòi hỏi những nghiên cứu mở rộng, đào sâu theo thời gian tương xứng.
Có lần tôi đứng trước một căn phòng đầy học sinh trung học và kể một câu chuyện về thời điểm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, về việc tôi đã bỏ chạy sang Mỹ khi còn nhỏ, và trải nghiệm đó vẫn ám ảnh và truyền cảm hứng cho tôi như thế nào, thì một cô gái trẻ giơ tay hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi biết tại sao cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc chiến đó không? Cha tôi uống rượu rất nhiều, nhưng lại ít nói.” Giọng nói cô run rẩy. Cô gái bảo cha cô là một người lính miền Nam Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều cảnh đổ máu nhưng nỗi buồn của ông phần nhiều là trong nội tâm, hoặc nếu đôi khi thể hiện ra ngoài thì bằng những cơn thịnh nộ.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.