Hôm nay,  

Chuyện Gà Tây

22/11/202117:17:00(Xem: 2853)

 

GA TAY
Gà Tây. (www.pixabay.com

 Lá đổ ào ạt, từng mảng lá rụng đồng loạt, từng bựng lá bay như đàn bướm. Trời cuối thu, mặt đất phủ đầy lá, đâu đâu cũng lá. Rừng cây đã gần trơ trọi, những khoảng trống, những thân cây như bộ xương cắm trên mặt đất cố vươn những cánh tay lên hư không. Lão Omeehar bệ vệ trong bộ lông xanh đen pha xám, mào và tích lòng thòng chảy dài. Lão nặng đến ba mươi cân Anh chứ ít sao, lúc nào cũng khệnh khạng dẫn ba mụ vợ và đàn con đi loanh quanh kiếm ăn. Ba mụ vợ nhỏ con hơn hẳn, lông cũng xỉn màu chứ không diêm dúa như lão. Khu rừng sồi cạnh đồng cỏ này là lãnh địa của lão ta, lão luôn đảo mắt canh chừng cho vợ và con. Trong lúc kéo được con giun từ trong đám mùn lá, lão chợt  nhớ ra mùa này là mùa kiếp nạn của giống nòi, cũng vào thời gian này, năm ngoái bọn người đến đây  hốt trọn cả ổ. Lão may mắn chạy thoát, sau đó mới cặp lại ba bà này và sanh ra một đám nhóc tì mới. Lão vẫn nhớ như in cái cảnh tượng kinh hoàng đó, cho nên lão cảnh giác cao độ, hễ có tiếng động hay bóng dáng bọn người là lập tức kêu toáng lên để cho cả đàn biết, tuy vẫn miệt mài kiến ăn nhưng lão không quên nhắc nhở:

- Chúng mày đừng có ham mồi mà quá mà toi mạng, hãy cẩn thận, hễ thấy bóng dáng lũ người là phải lủi ngay lập tức! Tìm chỗ kín ẩn trốn, mùa này lũ người đang săn bắt chúng ta để làm cỗ cho buổi lễ của bọn họ.

 Ba bà vợ gục gặc đầu ra vẻ hiểu chuyện, mắt ngẩng lên nhìn dáo dác một tí, miệng kêu cục cục liền cúi xuống bới tìm thức ăn ngay, xem ra lời cảnh tỉnh của lão Omeehar chẳng đủ đô để gây được sự chú ý của ba bà vợ và đàn con. Bọn chúng cứ tí tởn, đủng đỉnh chẳng chút sợ chi, có lẽ bọn chúng chưa từng đổ lệ nên hổng biết kiếp nạn thảm khốc của giống nòi.

 Lão Omeehar dẫn cả bầu đoàn thê tử đi qua một cánh rừng khác, ở đấy gặp gia đình lão Lakoonee và gia đình chú em Chatoogar. Các bà vợ lập tức xúm lại cục cục tám đủ thứ chuyện trên rừng dưới rú. Bà Cherooko, vợ cả của lão Omeehar cất giọng khào khào:

- Này các bà, ở đây có nhiều thức ăn không? Tôi bảo lão chồng tôi phải đến gần trang trại của lũ người mới có nhiều thức ăn, ở đấy lũ người làm rơi vãi nhiều kê, bắp và các loại hạt khác. Khổ nỗi lão chồng tôi nhát như thỏ đế, lão bảo chốn ấy nguy hiểm nên chẳng chịu đến đó.

 Mụ Vajero, vợ lão Lakoonee hưởng ứng:

- Bà nói đúng đấy, gần trang trại của lũ người mới có nhiều ngô, thóc rơi vãi, đến đấy tha hồ ăn. Ông nhà tôi cũng giống lão chồng của bà, lúc nào cũng sợ sệt, lão cấm ngặt cả nhà không được bén mảng đến gần trang trại.

 Mụ vajero nói xong núng nính đi một vòng rồi lại tám với bà Cherooko:

- Bộ cánh của bà năm nay đẹp đấy!

- Cảm ơn bà, có lẽ năm nay ăn uống đầy đủ nên lông cũng mướt ra. Bà thấy đấy, lão chồng tôi cứ như là con công đực, bộ lông, tích, mào của lão rực rỡ sắc màu, lão diện thấy mồ!

 Miệng nói thế nhưng trong lòng mụ ta đầy sung sướng hãnh diện, chất giọng của mụ thể hiện ra tất cả, rõ ràng mụ cố khoe chồng đấy thôi! Mà sự thật cũng đúng vậy, nhờ cái mã bề ngoài ấy mà lão tán em nào là em ấy đổ, mụ mê lão cũng vì thế, rồi mụ Kaorosee và mụ Betoonar cũng mê đắm chấp nhận làm vợ bé. Một lát sau họ nhà gà tây từ các khu rừng lân cận kéo đến, một số từ các đồng cỏ cũng tụ tập lại thật đông. Lão Omeehar nhảy lên mô đất cao, dõng dạc cất tiếng:

- Này người anh em thân mến, này họ nhà gà tây chúng ta! Dòng tộc chúng ta ở đây đã bao đời, đất này của tổ tiên chúng ta truyền lại. Từ khi lũ người khám phá ra và kéo đến đây, bọn họ cướp quyền làm chủ và bách hại chúng ta. Tôi còn nhớ lời cụ tổ truyền lại, năm ấy khi lũ người kéo đến xứ sở này, bọn họ chịu không nổi mùa đông khắc nghiệt nên bỏ mạng gần hết. Những kẻ sống sót nhờ thổ dân bản địa giúp đỡ thực phẩm, chỉ cách trồng trọt và cách tồn tại, đến mùa thu năm sau, bọn họ gặt hái thu hoạch mùa màng rất đầy đủ sung túc. Bọn họ làm lễ tạ ơn trời đất, tạ ơn mùa màng, lễ vật bọn họ không chỉ là ngô, khoai tây, bí ngô… mà còn có cả thịt của chúng ta. Kể từ đó về sau, năm nào bọn họ cũng tổ chức lễ tạ ơn và cũng từ đó xảy ra kiếp nạn cho dòng tộc chúng ta. Khi lũ người đến xứ này còn ít, bọn họ săn bắt chúng ta, tuy nhiên với cái mức độ không đáng là bao, chúng ta có thể chấp nhận được, coi  như là sự hao hụt tự nhiên. Tuy nhiên khi lũ người ngày càng đông, mức độ săn bắt càng khốc liệt hơn, việc này đe dọa sự tồn tại của giống nòi, có nhiều loài đã tuyệt diệt, chẳng hạn như họ nhà bò bison. Khi họ gà tây chúng Ta trong thiên nhiên không còn nhiều nữa. Lũ người lập ra những trại nuôi gà tây, mỗi mùa lễ tạ ơn, lũ người giết đến mấy mươi triệu mạng gà tây. Bọn họ giết mấy mươi triệu mạng sống để mừng một cái lễ tạ ơn, không biết ơn ai mà chúng ta phải chịu cái nạn này?

 Lão Omeehar nói một hơi dài, không biết có chuẩn bị trước hay không mà rất trôi chảy và đầy tính thuyết phục. Lão xúc động quá nên nghẹn lời, khóe mắt lão rơi hai giọt nước trong vắt như hạt sương trên ngọn cỏ sớm mai. Phải công nhận lão nói hay quá, thật quá làm lay động cả lũ gà tây, bọn chúng rù rì rúc rích với nhau, nhiều kẻ cảm động mạnh nên mặt mày đỏ gay. Lão đệ Lakoonee cất giọng khàn khàn:

- Kiếp nạn của dòng tộc ta, mỗi năm vào mùa lễ này, mấy mươi triệu sinh mạng bị giết thịt, tại sao lũ người tạ ơn mà lại đi giết chúng ta? Xem ra cái tạ ơn này chẳng đem lại ơn mà chỉ sanh oán.

 Đám gà tây lào xào tao tác, bọn chúng ngừng tìm thức ăn, trong cái giây phút tỉnh ngộ hiếm hoi này chúng biết sợ, biết lo, biết thao thức vì giống nòi. Chỉ tiếc là khoảnh khắc thức tỉnh ngắn ngủi quá, chỉ chừng phút chốc là lập tức quên ngay. Chúng lại tiếp tục tìm kiếm thức ăn, tranh nhau ỏm tỏi, đánh nhau dữ dội. Mụ vợ lão Omeehar và một mụ gà tây xa lạ khác tru tréo giằng xé giành nhau một con giun. Mụ nào cũng cố nuốt phần nhiều hơn, chẳng ai chịu ai, trợn mắt, xòe cánh, gương móng sẵn sàng ẩu đả. Con giun đứt làm đôi, mỗi mụ nuốt một phần. Mụ Cherooko điên tiết chửi:

- Con bà nó! Mày dám giựt giun của bà à? Cà chớn là bà chơi tới bến, bà chẳng ngán con nào!

Mụ gà tây xa lạ kia cũng chẳng vừa:

- Giun nào của bà? giun của đất, của rừng, ai bắt được ăn! Bà làm gì tôi nào? Bà muốn chơi kiểu nào tôi cũng chìu!

 Cả hai mụ đều hầm hè gầm ghè nhau, những lời đầy tâm huyết của lão Omeehar vừa lọt vào tai này đã bay qua tai kia mất rồi, chẳng có chút nào đọng lại trong đầu hay trong trong tim. Mà nào chỉ có hai mụ  quên, cả bọn gà tây cũng thế thôi, xúc động một tí, tỉnh thức một tí khi nghe lời tâm huyết cảnh tỉnh nhưng quay lại kiếm mồi là lập tức quên béng ngay. Cả bọn lao vào tranh ăn, đánh nhau vì con mái, cấu xé nhau vì kẻ kia có bộ mã đẹp hơn, chơi nhau tới bến vì thằng nọ có tiếng kêu nổi trội, hạ gục nhau vì lãnh địa...Lão Omeehar lắc đầu, nào phải ai xa lạ, ngay cả vợ con lão cũng thế kia mà, lão còn ngơ ngẩn không biết xử lý sao thì chú em Chetoogar khều khều lão Omeehar và lão Lakoonee nói nhỏ:

- Kiếp nạn của dòng tộc chúng ta có phải đáng lo lắng lắm không? Tôi nghe người ta chỉ giết gà tây nuôi ở trang trại thôi mà! Lũ gà tây công nghiệp ấy nhiều vô số, không gây ảnh hưởng gì chúng ta!

 Lão Omeehar lấy đôi cánh vỗ vỗ đầu chú em:

- Chú em khờ quá, tuy lũ người giảm săn bắt gà tây tự nhiên nhưng kiếp nạn của dòng tộc vẫn nguy hiểm lắm. Còn bọn gà tây công nghiệp tuy có khác chút ít với chúng ta nhưng cũng là dòng giống, cũng là mạng sống. Lẽ nào bọn họ giết mấy mươi triệu mạng sống mà chú em cho là không quan trọng sao?



 Lão đệ Lakoonee phụ họa:

- Không phải chỉ giết thảm, ngay cả sống cũng thê thảm lắm, hàng chục triệu sinh mạng chen chúc trong những cái chuồng kín mít, ăn thức ăn công nghiệp, bị chích thuốc tăng trưởng và các loại hóa chất khác. Đời sống trong chuồng công nghiệp là một vòng tròn kín từ khi ra đời cho đến khi giết thịt, những chuồng trại ấy đích thị là địa ngục trần gian, hàng triệu con gà con sẽ được máy sàng lọc, con nào không đủ tiêu chuẩn sẽ bị xay nát làm thức ăn cho những con khác, những con đủ tiêu chuẩn cứ đứng trong chuồng, chỉ có ăn, bài tiết và chờ đủ ngày thì giết thịt.

 Lão ngưng một tí, tằng hắng rồi lại tiếp:

- Những con gà tây công nghiệp không thể sống trong môi trường tự nhiên, những đặc tính của gà tây tự nhiên đã mất gần hết rồi, chúng chỉ là những cái bị thịt ăn, thở và bài tiết. Thịt gà tây công nghiệp dành cho đại chúng, còn những thành phần giàu có hay những kẻ sành điệu thì vẫn thích thịt gà tây tự nhiên, bọn chúng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để săn bắt hay mua gà tây tự nhiên mà ăn.

 Trong lúc lão Omeehar, Lakoonee, và chú em Chetoogar đàm đạo chuyện tồn vong của giống nòi, lũ gà tây vẫn nhởn nhơ như chẳng có việc gì xảy ra. Bọn chúng chẳng quan tâm gì đến tiền đồ hay vận mệnh của họ nhà gà tây, có không ít kẻ còn cười cợt chế giễu. Thằng Umeka bĩu môi:

- Lo bò trắng răng, cứ vui chơi hưởng thụ đi, chuyện ấy cứ để bọn người lo. Làm gì có chuyện tuyệt diệt, còn chuyện lũ gà tây công nghiệp lại càng chẳng đáng quan tâm, bọn ấy không cùng đẳng cấp với chúng ta.

 Một đám đông ồn ào hưởng ứng, thằng Umeka được thể càng hung hăng hơn, nó kêu gọi:

- Anh em ơi, tội gì chúng ta không hưởng thụ ăn chơi cho sướng đời, đời có bao nhiêu đâu? Những chuyện bao đồng cứ để lão già Omeehar và những kẻ như lão ấy lo!

 Thằng Umeka dứt lời, đám choi choi, những lão sồn sồn, mấy em chân dài móng đỏ… hò reo rần rần:

- Chúng ta sống phải hưởng thụ ăn chơi cho đã đời, chuyện dòng tộc, lãnh địa có người khác lo.

 Bọn chúng tụ thành nhóm theo sở thích rồi kéo ra bìa rừng giao phối, ăn giun dế ,hạt cỏ… Đám  theo thằng Umeka đi rồi, số còn lại tuy nhiều hơn nhưng lừng khừng chẳng nghe theo lão Omeehar nhưng cũng chẳng chấp nhận lời thằng Umeka. Cái đám đông này rất bạc nhược và dễ lung lay, khi nghe lời hùng biện của lão Omeehar thì cho là đúng nhưng khi gặp lời xảo biện của thằng Umeka thì cũng cho là phải, Chuyện dòng tộc, lãnh địa tuy có biết đến nhưng chỉ với vài con giun, nắm hạt kê là lập tức quên béng ngay thôi, sẵn sàng đấu đá nhau chí tử để giành những cái món bé tí đó. Lão Omeehar kiên nhẫn, chờ lắng xuống một chút, lão lại lên tiếng, giọng lão trầm lắng hơn, pha chút ngậm ngùi: 

- Lũ người buồn cười thật! Chúng ta đang sống tự do ở trong rừng, chẳng gây hại ai ấy thế mà bọn họ săn đuổi chúng ta, giết chúng ta để ăn thịt, bọn họ kháo nhau thịt gà tây tự nhiên ngon hơn gà tây công nghiệp. Có một điều mỉa mai hơn hết, mỗi năm họ bắt một kẻ to nhất và đẹp nhất trong chúng ta để đem về dinh quốc chủ làm lễ tha mạng. Đời sao tréo ngoe? Kẻ làm hại đi tha tội cho kẻ bị hại, chúng ta có tội tình gì để được quốc chủ tha mạng?

 Đám đông lại hưởng ứng vỗ cánh phành phạch làm cho đám lá khô dưới chân xào xạc bay tan tác. Chúng đồng thanh gào to:

- Chúng tôi có tội tình gì? Chúng tôi chẳng cần ai tha mạng, hãy để chúng tôi sống tự do!

 Cánh rừng rụng hết lá nên trống trải, tiếng gào của chúng theo gió bay đi thật xa, lan qua đồng cỏ, men theo sông suối, tỏa đến cả những vùng vốn quanh năm thâm u vì lá rừng. 

 Buổi sáng ngày lễ tạ ơn, dinh quốc chủ trang hoàng thật đẹp, đầy đủ sắc màu gợi nhớ một mùa màng bội thu. Dinh quốc chủ cũng như mọi nơi khác của xứ sở này, tất cả đã sẵn sàng cho mùa lễ cuối năm. Trước sân dinh quốc chủ, một chú gà tây to béo và trắng muốt, đuôi xòe tròn như nan quạt, mào tích dài lòng thòng đỏ tươi. Chú gà tây đang chờ quốc chủ ra làm lễ tha mạng. Cánh phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông đã túc trực đông đảo, những nhân viên an ninh và phục vụ đi lại lăng xăng tíu tít. Chú gà tây tròn xoe mắt nhìn, dường như chú ta cảm nhận có việc chi đó sắp xảy ra nhưng chú ta không biết là việc gì. Chú ta là kẻ may mắn hơn mấy mươi triệu đồng loại của chú trong mùa lễ này. Chú sẽ được quốc chủ tha mạng, hình ảnh chú sẽ được người ta phát lên trên truyền thông, trên mạng xã hội. Cả thế giới đều thấy chú may mắn khi được quốc chủ tha mạng. Một sự kiện không thể thiếu trong mùa lễ này của xứ sở. Chú không thể nào biết được, ngoài sân thì lễ tha mạng cho chú rất trang trọng nhưng cũng lúc ấy trong đại sảnh, trên bàn tiệc có mấy kẻ đồng loại của chú đã bị quay vàng ươm, đang chờ quốc chủ và bộ sậu làm lễ tha mạng xong sẽ vào khai tiệc. Chú quả thật may mắn, bị bắt từ rừng đem về dinh để làm lễ tha mạng. Cả thế giới loài người thấy chú được tha mạng trong khi mấy mươi triệu đồng loại của chú bị chết thảm, bị quay trong những cái lò nướng hiện đại hoặc bị hầm nhừ trong những cái nồi tân tiến mà chẳng ai thấy biết. Chú được tha mạng mừng lễ tạ ơn, đồng loại chú bị giết thịt cũng vì lễ tạ ơn.

 Dinh quốc chủ thật tưng bừng, thật vui nhộn rộn ràng. Chú bé kenny J, con trai quốc chủ đến bên chú gà tây sắp được tha mạng. Chú bé ôm lấy gà tây vỗ về:

- Cậu may mắn lắm đấy, lát nữa thôi, ba tớ sẽ tha mạng cho cậu. Cậu hãy về đồng cỏ rừng hoang sống vui vẻ nhé!

 Chú bé vuốt bộ lông trắng muốt mướt rượt của gà tây, chú mân mê cái tích dài tòng ten của gà tây không chán. Mái tóc vàng hoe của chú bé cạ cạ vào bộ lông trắng gà tây sao mà hài hoài và đẹp đến lạ lùng. Chợt chú bé nắm tay lão trợ lý thân cận của quốc chủ lắc lắc:

- Tại sao chỉ tha mạng cho mỗi con gà tây này mà không tha mạng cho những con gà tây khác?

 Lão trợ lý cười với Kenny.

- Không được, nếu tha mạng cho hết thì lấy gì ăn để mừng lễ tạ ơn?

 Chú bé vẫn không chịu:

- Chúng ta có thể ăn khoai tây, bánh mì, cháo kê, bí ngô… và nhiều món khác nữa!

- Không thể được! Truyền thống chúng ta là lễ tạ ơn phải ăn gà tây.

- Mình tạ ơn sao lại phải ăn chúng? Chúng hiền lành và dễ thương thế kia mà.

- Khi tổ tiên chúng ta đến đất này, chúng ta đã ăn khoai tây, bánh mì và gà tây để sống sót và giờ đã là truyền thống.

- Chúng ta giết chúng để ăn thịt sao lại làm lễ tha mạng chúng?


 Lão trợ lý đuối lý, không biết nói thế nào cho chú bé thông, vả lại y cũng bận rộn với trách nhiệm của y, phải hoàn tất những khâu cuối chuẩn bị cho quốc chủ ra làm lễ tha mạng gà tây. Lão ta chốt hạ:

- Cháu muốn biết thì hãy gõ vào google để tìm hiểu thêm nhé! Chú đang đang bận cho buổi lễ, không có thời gian để trò chuyện với cháu, hẹn gặp cháu sau nhé!

 Nói xong lão rảo bước đi ngay, chú bé vẫn quyến luyến bên con gà tây không muốn rời, cái khoảnh khắc cảm thông của chú bé vô tình lọt vào ống kính của máy chụp hình và máy quay phim của đám phóng viên, chẳng mấy chốc hình ảnh này tràn ngập khắp các màn ảnh trên toàn thế giới, mạng xã hội cũng dậy sóng theo hình ảnh này, cái hình ảnh ngây thơ, trong sáng và nhân bản trở thành tin nóng nhất của chương trình thời sự, có vô số lời bình và bấm nút yêu thích trên mạng xã hội. Các gia đình ăn tiệc mừng lễ tạ ơn, vừa ăn thịt gà tây vừa tấm tắc khen ngợi hình ảnh chú bé con ôm chú gà tây được tha mạng trong buổi lễ tạ ơn.


TIỂU LỤC THẦN PHONG 

Ất Lăng thành, 11/21

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
Danh đi làm lúc 5 giờ sáng, ra về lúc 2 giờ trưa, từ sở làm đến đây khoảng 10 phút đường phi thuyền bay. Giờ này vắng khách. Những lúc khác, buôn bán khá bận rộn. Áo quần lót ở đây khắn khít thời trang, từ đồ ngủ may bằng vải lụa trong suốt, nhìn xuyên qua, cho đến hàng bằng kim loại nhẹ, mặc lên giống chiến sĩ thời xưa mang áo giáp nhưng chỉ lên giường. Hầu hết khách hàng đến đây vì Emily và Christopher. Người bàn hàng độc đáo. Họ đẹp, lịch sự, làm việc nhanh nhẹn, không lầm lỗi. Cả hai có trí nhớ phi thường. Không bao giờ quên tên khách. Nhớ tất cả món hàng của mỗi người đã mua. Nhớ luôn ngày sinh nhật và sở thích riêng. Ngoài ra, họ có thể trò chuyện với khách về mọi lãnh vực từ triết lý đến khoa học, từ chính trị đến luật pháp, từ du lịch đến nấu ăn… Khách hàng vô cùng hài lòng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.